Tình trạng xâm nhập mặn tại Nam Bộ diễn biến phức tạp
Theo Đài Khí tượng - Thủy văn Nam Bộ, độ mặn trên các sông Nam Bộ tiếp tục tăng lên. Mực nước đỉnh triều tại các trạm vùng hạ lưu sông Sài Gòn - Đồng Nai tiếp tục lên trong những ngày tới. Cấp độ rủi ro thiên tai do triều cường: Cấp 2.
Cán bộ ngành nông nghiệp tỉnh Tiền Giang quan trắc mẫu nước tại trạm Bảo Định, TP Mỹ Tho (Tiền Giang). Ảnh: Từ Anh Tuấn |
* Theo cảnh báo từ Tổng cục Phòng, chống thiên tai, tình trạng sạt lở trong mùa khô ở Tây Nam Bộ đang có chiều hướng gia tăng. Do mưa giảm, tình trạng xâm nhập mặn trên các sông tại Nam Bộ diễn biến phức tạp, dự báo sẽ đạt mức lớn nhất vào đầu tuần này và cao hơn độ mặn tuần trước cũng như cùng kỳ năm 2016.
* Tỉnh Kiên Giang đã chỉ đạo các ngành, địa phương khẩn trương thực hiện các giải pháp thủy lợi phòng, chống hạn, xâm nhập mặn nhằm bảo đảm an toàn nguồn nước sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp trong mùa khô 2019 - 2020. Theo Đài Khí tượng - Thủy văn Kiên Giang, độ mặn tăng cao từ tháng 1-2020, dự báo từ tháng 3 và tháng 4, độ mặn duy trì ở mức cao trong nhiều ngày, khả năng độ mặn cao nhất năm xuất hiện vào cuối tháng 4. Hiện các địa phương trong vùng ảnh hưởng mặn đã triển khai gia cố, đắp mới các đập ngăn mặn theo thời vụ để bảo vệ lúa vụ đông xuân 2019 - 2020 và tiếp tục phòng, chống hạn mặn cho vụ hè thu 2020.
* Từ đầu tháng 1/2020, tình hình xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh Hậu Giang diễn biến phức tạp, khó lường. Ngành chức năng tỉnh đã chủ động kiểm tra thực tế một số công trình ngăn mặn, thường xuyên đo mặn, theo dõi sát các hướng xâm nhập mặn, thông báo kịp thời các địa phương để có phương án chủ động tích nước phục vụ sản xuất. Chi cục Thủy lợi tỉnh khuyến cáo người dân cần chuẩn bị các vật dụng chứa nước sinh hoạt; gia cố đê bao, nạo vét ao, mương nhằm chủ động trong sinh hoạt và sản xuất. Dự báo từ nay đến 20-1, tại các sông trên địa bàn tỉnh nồng độ mặn cao nhất dao động từ 0,2‰ đến 6,5‰.
* Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) vừa ký quyết định thành lập Tổ công tác tiền phương phòng, chống hạn hán, thiếu nước và xâm nhập mặn mùa khô năm 2019 - 2020 ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Tổ có 13 thành viên do Thứ trưởng NN và PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp là tổ trưởng. Nhiệm vụ của tổ là tổ chức kiểm tra thực địa, chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương vùng ĐBSCL thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2019 - 2020. Ngoài ra, tổ còn có nhiệm vụ tham mưu cho Bộ trưởng NN và PTNT trong việc chỉ đạo những giải pháp trung hạn và dài hạn để giải quyết vấn đề hạn hán, thiếu nước và xâm nhập mặn trong vùng.
* Tại tỉnh Sóc Trăng, trưa 12/1, khu vực chợ Cầu Lộ, xã Thới An Hội, huyện Kế Sách, nằm sát bờ kênh Rạch Vọp xảy ra sạt lở khiến ba căn nhà bị đổ xuống sông, nhấn chìm nhiều xe gắn máy, may mắn không có thương vong về người. Chính quyền địa phương đã phối hợp cơ quan chức năng trục vớt các phương tiện lên bờ.
* Tính đến ngày 13/1, giá lợn hơi tại một số tỉnh miền bắc tiếp tục tăng, giá một số tỉnh ở miền nam có phần ổn định hơn. Tại miền bắc, Hưng Yên là địa phương có giá lợn tăng liên tiếp trong ba ngày, khoảng 87 đến 88 nghìn đồng/kg. Tại miền trung, Tây Nguyên giá lợn hơi tăng nhẹ, có giá khoảng 84 đến 86 nghìn đồng/kg. Tại Đông Nam Bộ, giá lợn ở Đồng Nai dao động trong khoảng 75 đến 80 nghìn đồng/kg…
* Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bắc Giang, ngay khi dịch tả lợn châu Phi có chiều hướng lắng xuống, tỉnh đã có chủ trương cho tái đàn tại những cơ sở, trang trại thực hiện tốt chăn nuôi an toàn sinh học như: Chuồng trại khép kín, xa nơi ở, cách ly với người và các phương tiện ra, vào trang trại; thực hiện tốt vệ sinh, tiêu độc khử trùng; lợn giống khi nhập về phải có nguồn gốc rõ ràng, đã qua kiểm dịch của cơ quan thú y... Tuy nhiên, việc tái đàn phải theo lộ trình từng bước, tránh tái đàn ồ ạt. Hiện toàn tỉnh đã có 229 trong số 230 xã đã qua 30 ngày không xuất hiện ổ dịch mới.