Tình trạng khai thác cát trái phép trên sông vẫn nóng bỏng
Gần đây, có 71 đối tượng bị bắt giữ trong chuyên án của Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường để phục vụ cho công tác điều tra. Nhưng, nhiều đối tượng vẫn bất chấp các quy định pháp luật để tiến hành khai thác trộm cát trên sông.
Sáng 5/8, Phòng Cảnh sát môi trường, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an huyện Nghĩa Hưng (tỉnh Nam Định), lực lượng Biên phòng sở tại đã phối hợp bắt quả tang 4 tàu hút cát trọng tải lớn đang có hành vi hút trộm cát ngoài biển, tại khu vực phía trước kè bảo vệ khu du lịch sinh thái Rạng Đông. Trong số 4 tàu vừa bị bắt giữ có 2 tàu mang biển kiểm soát Nam Định; 1 tàu mang biển kiểm soát Hải Dương, 1 mang biển kiểm soát Bắc Ninh.
Trong 4 tàu cát trên, tàu trọng tải thấp nhất khoảng 400 tấn, lớn nhất khoảng 1.000 tấn. Thời điểm bị bắt giữ trên mỗi tàu có khoảng 6-8 người là lái tàu, thuyền viên. Vị trí các tàu hút cát thực hiện việc hút trộm cát cách kè biển bảo vệ khu du lịch sinh thái Rạng Đông chỉ khoảng vài trăm mét và nằm ngoài khu vực mỏ cát được cơ quan có thẩm quyền cấp phép khai thác cát.
Ngày 1/7, Phòng Cảnh sát giao thông phối hợp với Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Phú Thọ làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát trên tuyến sông Lô, đoạn qua xã Bình Phú, huyện Phù Ninh, đã phát hiện một phương tiện tàu hút tự chế số đăng ký HN-1920 có biểu hiện khai thác cát trái phép. Tại thời điểm kiểm tra, lái tàu Trần Văn Quyền (sinh năm 1985) và phụ tàu Trần Văn Khánh (sinh năm 1976) đều trú ở thôn 6, xã Trung Hà, huyện Yên Lạc (Vĩnh Phúc) không xuất trình được giấy tờ liên quan đến phương tiện cũng như thủ tục, giấy phép khai thác khoáng sản.
Qua làm việc cụ thể, Trần Văn Quyền thừa nhận mình là chủ tàu, đồng thời trực tiếp tổ chức khai thác cát trái phép. Khi tàu khai thác được 80 m3 thì bị lực lượng Công an phát hiện và bắt giữ. Ngay sau đó, cơ quan Công an tỉnh Phú Thọ đã lập biên bản thu giữ toàn bộ tang vật, phương tiện để xử lý theo quy định của pháp luật.
Trước đó, rạng sáng 23/6, lực lượng chức năng đã phối hợp bắt quả tang 19 tàu khai thác cát trái phép trên sông Hồng tại địa phận xã Trung Kiên, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc. 71 đối tượng liên quan cũng bị bắt giữ để phục vụ cho công tác điều tra. Đây là chuyên án do Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường chủ trì phối hợp với Bộ Tư lệnh Cảnh sát Cơ động, Viện Khoa học Hình sự, Bộ Công an và các lực lượng có liên quan triển khai phá án.
Thời gian qua, tình trạng khai thác cát rất phổ biến trên các tuyến ở lưu vực sông của các tỉnh phía Bắc, đặc biệt là lưu vực sông Hồng chảy qua địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. Tổ công tác đã tổ chức nắm tình hình, làm rõ các đối tượng, phương thức thực hiện, quy luật hoạt động. Trên cơ sở hoạt động trinh sát, Cục đã xin ý kiến cấp trên tiến hành đấu tranh, triệt phá.
Theo Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Bộ Công an, thủ đoạn của nhóm đối tượng này là lợi dụng đêm tối, các tàu sẽ thực hiện hành vi hút cát trái phép. Việc bắt giữ 19 tàu hút cát chỉ là kết quả điều tra ban đầu. Hiện lực lượng chức năng đang thu thập chứng cứ điều tra làm rõ các đối tượng có vai trò chủ mưu trong hoạt động vi phạm dưới lòng sông có liên quan trong chuyên án này.
Theo chia sẻ của một số đơn vị khai thác kinh doanh cát, giá cát san nền bình quân 50 - 100 nghìn đồng/khối, cát xây dựng có giá lên đến gần 200 nghìn đồng/khối. Nếu được cấp phép khai thác, các doanh nhiệp phải có nghĩa vụ thuế với nhà nước. Nhưng đối tới cát tặc, khối lượng khai thác lậu của các tàu lên tới hàng trăm, hàng nghìn khối thì nguồn lợi thu về của những đối tượng khai thác lậu là rất lớn. Vì thế, dù các cơ quan chức năng thường xuyên tuần tra kiểm soát nhưng hoạt động khai thác cát lậu vẫn còn diễn ra.
GS.TS Hoàng Xuân Cơ, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Nghiên cứu khoa học Môi trường Việt Nam thuộc TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam cho biết, hoạt động khai thác trái phép cát đương nhiên không đáp ứng các yêu cầu về khảo sát, xin cấp phép, không có nghiên cứu kỹ lưỡng về tác động của hoạt động này đối với địa hình, địa chất, hình thái của lòng sông, chế độ dòng chảy, diễn biến lòng, bờ, bãi sông không có các phương án bảo vệ lòng, bờ, bãi sông, hồ…
Hoạt động này gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng như làm gia tăng nguy cơ mất ổn định bờ sông; Sạt lở bờ, bãi ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt sản xuất hoa màu; Đe dọa đến an toàn đê điều, tính mạng, tài sản và an toàn của người dân; Suy giảm mực nước sông trong mùa cạn…
“Cần phải chấm dứt các hoạt động khai thác trái phép bằng cách nâng cao hơn nữa vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước ở địa phương. Thậm chí có những chế tài quy định trách nhiệm, xử lý người đứng đầu khi để xảy ra sai phạm trong địa bàn thuộc thẩm quyền quản lý”, GS.TS Hoàng Xuân Cơ nêu quan điểm.
Xuân Hòa (t/h)