Thứ năm, 25/04/2024 19:00 (GMT+7)
Thứ hai, 10/05/2021 15:15 (GMT+7)

Dân khốn khổ vì 'cát tặc' hoành hành

Theo dõi KTMT trên

Thời gian qua, tình hình hoạt động kinh doanh, khai thác cát trái phép trên sông Lô (đoạn qua địa bàn tỉnh Phú Thọ) lại đang diễn ra ngày càng phức tạp gây thất thoát tài nguyên, làm ảnh hưởng tới dòng chảy, môi trường, xói lở bờ bãi, đê điều...

Khai thác cát khiến cá chết hàng loạt?

Sau gần một năm tạm dừng việc khai thác cát sỏi trên sông Lô thì cuối năm 2020 UBND tỉnh Phú Thọ đã ra quyết định số 5826/UBND-KTN về việc cho phép các doanh nghiệp tiếp tục hoạt động khai thác cát, sỏi trên tuyến sông Lô, sông Chảy thuộc địa bàn tỉnh Phú Thọ theo giấy phép đã được cấp.

Theo đó, UBND tỉnh Phú Thọ đồng ý cho phép các doanh nghiệp (đã được UBND tỉnh Phú Thọ cấp giấy phép khai thác cát, sỏi trên tuyến sông Lô, sông Chảy thuộc địa bàn tỉnh Phú Thọ) tiếp tục hoạt động khai thác theo quy định của giấy phép.

Dân khốn khổ vì 'cát tặc' hoành hành - Ảnh 1
Hàng trăm phương tiện khai thác vận chuyển cát của các doanh nghiệp đang tập trung tại cảng Đoan Hùng. 

Thế nhưng, từ khi được cấp phép khai thác cát trở lại, hoạt động rầm rộ ngay cạnh lồng bè nuôi cá đã khiến nguồn nước ô nhiễm, cá nổi lừ đừ rồi chết hàng loạt. Theo phản ánh của người dân thôn Tiền Phong, xã Hùng Long, huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ đến Báo Nông nghiệp Việt Nam cho biết, những năm gần đây, nuôi cá lồng bè đã giúp rất nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Đoan Hùng vươn lên thoát nghèo và làm giàu. Nhưng cũng vì bị ảnh hưởng nặng nề của việc khai thác cát làm cá chết với số lượng lớn khiến nhiều hộ nuôi lỗ nặng, không thể cầm cự. Nhiều gia đình đứng trước nguy cơ nghèo trở lại nếu phải bỏ lồng kèm theo khoản vay nợ để đầu tư nuôi cá lồng bè chưa trả hết.

Theo bảng kê khai thiệt hại thủy sản ngày 10/3/2021, chỉ trong vòng một tuần, các chủ cơ sở ở xã Hùng Long đều bị thiệt hại nặng nề. Hộ nuôi Nguyễn Văn Nam chết 1.600 kg cá; hộ nuôi Lê Văn Hà chết 3.800kg cá; hộ nuôi Đặng Văn Hải chết 2.250 kg cá; hộ nuôi Trần Ngọc Phong chết 6.290 kg cá; hộ nuôi Quyền Hồng Hà chết 11.500 kg cá; hộ nuôi Quyền Hồng Huy chết 4.240 kg cá… Theo lời người dân, đây đa phần là cá lăng, cá rô phi, cá diêu hồng, cá trắm cỏ... chuẩn bị đến vụ thu hoạch nhưng bị chết hàng loạt, nổi trắng sông do ảnh hưởng của khai thác cát.

Siết chặt quản lý, xử lý vi phạm

Để ngăn chặn tình trạng khai thác, kinh doanh, vận chuyển cát sỏi trên các tuyến sông chạy qua địa bàn tỉnh, thời gian qua Phú Thọ đã quyết liệt chỉ đạo lực lượng công an tỉnh phối hợp với các sở, ngành chức năng phòng ngừa, đấu tranh với hoạt động khai thác, vận chuyển, kinh doanh cát, sỏi trái phép; thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành để phát hiện, xử lý vi phạm; lập các tổ chốt an ninh trực 24/24h tại các xã là điểm nóng về tình trạng khai thác cát sỏi để theo dõi, giám sát các hoạt động khai thác cát sỏi.

Đồng thời tỉnh yêu cầu các doanh nghiệp khai thác trong chỉ giới được cấp phép; đăng ký số lượng, chủng loại, biển hiệu các phương tiện tàu, thuyền khai thác cát sỏi của đơn vị và đăng ký hộ khẩu tạm trú, tạm vắng của công nhân vận hành khai thác với UBND các xã có mỏ và các cơ quan chức năng liên quan.

Bên cạnh đó, tỉnh yêu cầu các ngành chức năng phối hợp với chính quyền địa phương dọc tuyến sông Lô kịp thời phát hiện hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép tiến hành kiểm tra, xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Thọ cũng đưa ra 6 quy định mới bắt buộc các doanh nghiệp khai thác cát phải thực hiện nghiêm: Thực hiện cắm mốc giới mỏ bằng cột bê tông; cắm biển báo có sơ đồ khu vực khai thác; gắn biển đề tên Công ty lên phương tiện khai thác; đăng ký số lượng, số hiệu, chủng loại thiết bị khai thác với cơ quan chức năng và các địa phương; chỉ được khai thác từ 6h sáng đến 18h, không khai thác ban đêm; cung cấp hồ sơ giấy phép khai thác, bản đồ khu vực khai thác cho địa phương và các cơ quan liên quan; nghiêm cấm khai thác, neo đậu tàu thuyền tại 10 khu vực xung yếu và 5 vị trí kè trên tuyến sông Lô.

Mặc dù các lực lượng chức năng của tỉnh Phú Thọ đã siết chặt quản lý, tăng cường kiểm tra, xử lý nhưng tình trạng khai thác cát trên các tuyến sông, nhất là trên sông Lô vẫn tiếp tục có những diễn biến phức tạp.

Trao đổi với PV Tạp chí Kinh tế Môi trường, Luật sư Nguyễn Huy An (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết, hành vi khai thác cát, sỏi trái phép sẽ tác động xấu đến môi trường và gây thất thoát tài nguyên. “Nhiều vụ việc cho thấy, nhà dân, ruộng vườn bị nhấn chìm xuống sông do sạt lở từ việc khai thác cát trái phép”, Luật sư Huy An nói.

Dưới góc nhìn pháp lý, Luật sư An khẳng định, nếu cấu thành tội phạm theo Điều 227 (tội vi phạm các quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên) và Điều 238 (tội vi phạm quy định về bảo vệ an toàn công trình thủy lợi, đê điều và phòng, chống thiên tai; vi phạm quy định về bảo vệ bờ, bãi sông) Bộ luật Hình sự năm 2015 thì bị phạt tiền tới 5 tỉ đồng hoặc bị phạt tù từ 6 tháng tới 7 năm.

Cụ thể, Khoản 1, Điều 227 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định, người nào vi phạm quy định về khai thác tài nguyên trong đất liền, nội thủy mà không có giấy phép hoặc không đúng với nội dung giấy phép thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300 triệu đến 1,5 tỉ đồng hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm: thu lợi bất chính khoáng sản trị giá từ 500 triệu đến dưới 1 tỉ đồng; đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

Tại Khoản 2, Điều 227 Bộ luật Hình sự năm 2015 cũng quy định, phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 1,5-5 tỉ đồng hoặc phạt tù từ 2 năm đến 7 năm: Thu lợi bất chính từ nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên nước, dầu khí hoặc khoáng sản khác 500 triệu đồng trở lên; khoáng sản trị giá 1 tỉ đồng trở lên; có tổ chức; gây sự cố môi trường; làm chết người…

Để giải quyết triệt để tình trạng khai thác cát lậu, Luật sư Huy An cho rằng cần sự vào cuộc quyết liệt từ các ngành chức năng và chính quyền địa phương. “Mới đầu tháng 4/2021, Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội đã truy tố 1 đối tượng về hành vi Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên (khai thác cát lậu). Hay trước đó, vào tháng 1/2021, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với 4 đối tượng cũng về việc khai thác cát không phép tại khu vực Cửa Đáy, thuộc tỉnh Ninh Bình. Đây là những động thái hết sức cần thiết trong cuộc chiến chống cát tặc”, Luật sư Huy An nói.

Hà Lan

Bạn đang đọc bài viết Dân khốn khổ vì 'cát tặc' hoành hành. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Hiến giọt máu đào, trao đời sự sống
Đây là chủ đề của chương trình hiến máu tình nguyện, được Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương tổ chức ngày 24/4.