Thứ bảy, 23/11/2024 03:00 (GMT+7)
Chủ nhật, 01/05/2022 08:00 (GMT+7)

Tình hình thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam

Theo dõi KTMT trên

Nguyên nhân là do tác động của dịch Covid-19, hoạt động tìm hiểu cơ hội đầu tư của các nhà đầu tư tiềm năng đang bị trì hoãn, bao gồm các hoạt động tìm hiểu cơ hội đầu tư, các hội thảo, các diễn đàn doanh nghiệp, diễn đàn xúc tiến đầu tư...

Quy mô vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài

Sau hơn 30 năm Việt Nam mở cửa thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, nguồn vốn FDI đã đóng góp vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội. Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 trên phạm vi toàn cầu, dòng vốn FDI có xu hướng giảm sút cả về vốn đăng ký và dự án cấp mới sau khi đạt đỉnh vào năm 2019.

Nguyên nhân là do tác động của dịch Covid-19, hoạt động tìm hiểu cơ hội đầu tư của các nhà đầu tư tiềm năng đang bị trì hoãn, bao gồm các hoạt động tìm hiểu cơ hội đầu tư, các hội thảo, các diễn đàn doanh nghiệp, diễn đàn xúc tiến đầu tư...

Tuy nhiên, dòng vốn FDI có dấu hiệu tăng trưởng trở lại vào năm 2021 do Chính phủ và các cơ quan chức năng đã kịp thời vào cuộc, ban hành nhiều giải pháp, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp cũng như các quy định, hướng dẫn thích ứng với tình hình mới, các doanh nghiệp đang dần khôi phục hoạt động sản xuất - kinh doanh. Cụ thể:

Tình hình thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam - Ảnh 1

Năm 2020, tổng vốn FDI đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 28,53 tỷ USD, bằng 75% so với cùng kỳ năm 2019. Vốn thực hiện của dự án FDI ước đạt 19,98 tỷ USD, bằng 98% so với cùng kỳ năm 2019. Do tác động của đại dịch Covid-19, hoạt động sản xuất - kinh doanh bị ảnh hưởng. Điểm nhấn trong năm 2020 là vốn đầu tư điều chỉnh đạt trên 6,4 tỷ USD, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm 2019; có 1.140 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, giảm 17,5% so với cùng kỳ.

Năm 2021, kết quả thu hút vốn FDI đã có sự tăng trưởng trở lại, được đánh giá là “điểm sáng” trong bức tranh kinh tế vốn chịu nhiều tác động của dịch Covid-19. Theo Cục Đầu tư nước ngoài (2021), tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/12/2021 đạt 31,15 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm 2020.

Trong đó, vốn FDI thực hiện tại Việt Nam năm 2021 ước đạt 19,74 tỷ USD, giảm 1,2% so với năm 2020. Đây có thể coi là một con số “ấn tượng” trong bối cảnh dòng vốn đầu tư toàn cầu đang sụt giảm và có nhiều điều chỉnh do tác động từ đại dịch Covid-19. Điều đó không chỉ cho thấy sức hấp dẫn của môi trường đầu tư Việt Nam mà còn là thành quả của quá trình nỗ lực “vượt dịch” của Chính phủ và của các địa phương trên cả nước.

Dòng vốn FDI được giữ vững và gia tăng còn là động lực quan trọng để Việt Nam tiếp tục nỗ lực thực hiện tốt mục tiêu “kép”, vừa khôi phục sản xuất, phát triển kinh tế, vừa phòng, chống dịch Covid-19 có hiệu quả.

Số lượng dự án cấp mới, điều chỉnh và số lượt góp vốn mua cổ phần đều giảm so với năm 2020. Sự suy giảm các dự án đầu tư mới chủ yếu tập trung vào nhóm dự án quy mô nhỏ (dưới 5 triệu USD và dưới 1 triệu USD). Việc tăng vốn đầu tư cấp mới, vốn đầu tư điều chỉnh và giảm số lượng dự án cho thấy quy mô vốn đầu tư bình quân/dự án đầu tư mới cũng như điều chỉnh đều tăng lên so với cùng kỳ năm 2020.

Tính lũy kế đến ngày 20/12/2021, cả nước có 34.527 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký gần 408,1 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư nước ngoài ước đạt 251,6 tỷ USD, bằng 61,7% tổng vốn đăng ký còn hiệu lực.

Cơ cấu vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài

Cơ cấu vốn FDI có thể được nghiên cứu theo các tiêu thức: hình thức đầu tư, đối tác đầu tư, theo ngành và lĩnh vực chủ yếu, theo địa phương và vùng kinh tế. Cụ thể:

Cơ cấu FDI theo đối tác đầu tư

Tính đến ngày 20/12/2021, đã có 106 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư FDI vào Việt Nam trong năm 2021. Trong đó, Singapore là quốc gia dẫn đầu với tổng vốn đầu tư với trên 10,7 tỷ USD, chiếm 34,4% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam, tăng 19,1% so với cùng kỳ 2020; Hàn Quốc đứng thứ hai với 4,95 tỷ USD, chiếm 16% tổng vốn đầu tư, tăng 25,4% so với cùng kỳ. Nhật Bản đứng thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 3,9 tỷ USD, chiếm 13% tổng vốn đầu tư, tăng 64,6% so với cùng kỳ. Tiếp theo là Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan…

Trong năm 2021, vốn đầu tư của Singapore gấp gần 2,2 lần vốn đầu tư của Hàn Quốc và gấp hơn 2,7 lần vốn đầu tư của Nhật Bản do Singapore có 01 dự án đầu tư mới và 01 trường hợp góp vốn mua cổ phần có vốn đầu tư lớn. Riêng hai dự án này đã chiếm trên 49% tổng vốn đầu tư của Singapore. Hàn Quốc mặc dù chỉ xếp thứ hai về vốn đầu tư song lại là đối tác dẫn đầu về số dự án đầu tư mới (361 dự án), số lượt dự án điều chỉnh vốn cũng như số lượt góp vốn mua cổ phần. Như vậy, nếu xét về số lượng dự án, Hàn Quốc là đối tác có nhiều nhà đầu tư quan tâm và đưa ra các quyết định đầu tư mới cũng như mở rộng dự án đầu tư nhất trong năm 2021.

Tình hình thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam - Ảnh 2

Tính lũy kế đến ngày 20/12/2022, hiện có 140 quốc gia, vùng lãnh thổ có dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam. Trong đó, đứng đầu là Hàn Quốc với tổng vốn đăng ký gần 74,7 tỷ USD (chiếm 18,3% tổng vốn đầu tư); Nhật Bản đứng thứ hai với gần 64,4 tỷ USD (chiếm 15,8% tổng vốn đầu tư), tiếp theo lần lượt là Singapore và Đài Loan, Hồng Kông.

Cơ cấu FDI theo ngành và lĩnh vực chủ yếu

Tính đến ngày 20/12/2021, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18/21 ngành trong hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với 533 dự án cấp mới và tổng vốn đầu tư đạt trên 18,120 tỷ USD, chiếm 58,17% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Ngành sản xuất, phân phối điện mặc dù thu hút được số lượng dự án mới, điều chỉnh cũng như góp vốn mua cổ phần không nhiều (23 dự án), song có dự án có quy mô vốn lớn nên đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư trên 5,7 tỷ USD, chiếm 18,33% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp theo lần lượt là các ngành kinh doanh bất động sản, bán buôn - bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy với tổng vốn đăng ký đạt lần lượt là trên 2,63 tỷ USD và trên 1,4 tỷ USD...

Nếu xét về số lượng dự án mới thì công nghiệp chế biến - chế tạo; bán buôn - bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ là các ngành thu hút được nhiều dự án nhất, lần lượt là 533; 488 và 291 dự án cấp mới.

Tình hình thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam - Ảnh 3

Tính lũy kế đến ngày 20/12/2021, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19/21 ngành trong hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến - chế tạo chiếm tỷ trọng cao nhất với trên 241,9 tỷ USD, chiếm 59,3% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo là các lĩnh vực kinh doanh bất động sản với gần 61,8 tỷ USD (chiếm 15,1% tổng vốn đầu tư); sản xuất, phân phối điện với gần 33,9 tỷ USD (chiếm 8,3% tổng vốn đầu tư).

Bùi Hằng

Bạn đang đọc bài viết Tình hình thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới