Thứ bảy, 27/04/2024 07:55 (GMT+7)
Thứ bảy, 30/04/2022 04:45 (GMT+7)

Phát triển kinh tế xanh – Xu hướng chủ đạo của TP.HCM

Theo dõi KTMT trên

Những năm qua, TP.Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều mục tiêu nhằm thúc đẩy tăng trưởng, phát triển bền vững kinh tế, hướng tới việc đưa thành phố trở thành trung tâm tài chính của châu Á – Thái Bình Dương.

Nhằm hiện thực hóa mục tiêu này, TP.HCM đã tích cực cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tập trung phát triển hạ tầng kinh tế kỹ thuật, hạ tầng xã hội, hạ tầng số và đẩy mạnh hợp tác trong các hoạt động chống biến đổi khí hậu, phát triển nguồn năng lượng xanh, năng lượng tái tạo và xây dựng các đô thị thông minh, đô thị sinh thái...

Đẩy mạnh các mục tiêu phát triển bền vững

TP.HCM từ nhiều năm nay là đầu tàu phát triển kinh tế của đất nước, là địa phương có tổng thu ngân sách cao nhất cả nước. Do đó, để luôn duy trì được mạch tăng trưởng, Thành phố phải thường xuyên triển khai các mục tiêu kinh tế, các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương và linh hoạt trong việc thu hút đầu tư.

Theo ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, để hướng tới mục tiêu phục hồi kinh tế tăng trưởng nhanh và phát triển bền vững thì thành phố thực hiện các chương trình đột phá về đổi mới quản lý; chương trình đột phá về phát triển hạ tầng thành phố; chương trình đột phá về phát triển nhân lực.

Thành phố tập trung phát triển công nghiệp theo chiều sâu, nhất là những ngành lĩnh vực những công đoạn có hàm lượng khoa học công nghệ có giá trị gia tăng cao dựa trên nền tảng công nghệ cao kinh tế số.

Phát triển kinh tế xanh – Xu hướng chủ đạo của TP.HCM - Ảnh 1
Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho hay: "Chúng tôi sẽ tập trung tháo gỡ các vướng mắc về thể chế, giải quyết những điểm nghẽn kìm hãm phát triển Thành phố.
Đây cũng chính là việc chuẩn bị hệ sinh thái để đón một làn sóng FDI xanh để đón các nhà đầu tư xanh đến với thành phố phát triển bền vững của chúng tôi".

Thông tin về tình hình kinh tế - xã hội của Thành phố trong quý I/2022, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Thị Huỳnh Mai cho biết, điểm thuận lợi là tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn đã được được kiểm soát, tỷ lệ tiêm chủng vaccine cao giúp TP. HCM tự tin mở cửa, bước sang phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Quý 1/2022, kinh tế TP.HCM phục hồi tăng trưởng dương (đạt 1,88%); thu ngân sách ước thực hiện hơn 121.000 tỷ đồng (tăng 9,4% so với cùng kỳ). Trung bình mỗi ngày làm việc, TP.HCM thu ngân sách gần 2.000 tỷ đồng.

Đặc biệt, người lao động TP. HCM đạt thu nhập bình quân quý 1/2022 cao nhất cả nước, ở mức 8,9 triệu đồng/người/tháng. Tuy vậy, TP.HCM cũng gặp một số khó khăn, thách thức.

Về các lĩnh vực thu hút đầu tư nước ngoài, Giám đốc Sở KH&ĐT TP. HCM cho biết, Thành phố ưu tiên thu hút các tập đoàn công nghệ đứng đầu các chuỗi sản xuất, sử dụng công nghệ cao, có thế mạnh trong lĩnh vực R&D.

Cùng với đó, ưu tiên các nhà đầu tư mạnh về tài chính, có công nghệ mới với hàm lượng chất xám cao, thân thiện môi trường. TP.HCM cũng ưu tiên thu hút các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao, hàm lượng khoa học – công nghệ cao, ngành kinh tế số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo; ưu tiên ngành công nghệ thông tin, ngành công nghiệp theo hướng tự động hóa, sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo…

Hướng tới phát triển đa cực

Nhằm phát triển TP.HCM toàn diện, chính quyền Thành phố đã có nhiều chủ trương, mục tiêu nhằm thúc đẩy các khu vực vùng ven của Thành phố có thể phát huy được hết tiềm năng phát triển.

Trong đó, chú trọng việc phát triển các khu vực này thành các trung tâp kinh tế - xã hội, khu đô thị xanh, phát triển bền vững.

Điển hình như để đánh thức tiềm năng phát triển của khu Tây TP.HCM gồm 2 huyện Củ Chi, Hóc Môn, TP.HCM đã tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào huyện Hóc Môn và huyện Củ Chi năm 2022.

Tại hội nghị, ban lãnh đạo các cấp đã thực hiện trao trao 10 Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn 369,104 triệu USD (tương đương 8.489 tỷ đồng) và 39 Biên bản ghi nhớ thỏa thuận đầu tư với tổng vốn khoảng 16,572 tỷ USD (tương đương 381.160 tỷ đồng).

Theo ông Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc (QH-KT) TP.HCM, trong tương lai, Hóc Môn, Củ Chi sẽ là những trung tâm tài chính, dịch vụ, công nghiệp, nghiên cứu khoa học nông nghiệp, y tế, giáo dục, thể thao, các dự án dân cư được thiết kế bài bản.

“Trong định hướng điều chỉnh quy hoạch sắp tới, cần dành diện tích đất thỏa đáng cho nông nghiệp và du lịch sinh thái, phát triển Củ Chi thành vành đai xanh của Thành phố. Không để tình trạng đô thị hóa tự phát, xây cất tự phát “phố không ra phố, làng không ra làng”. Giữ hành lang ven sông, đặc biệt là hành lang ven sông Sài Gòn” - ông Nhã nói.

Phát triển kinh tế xanh – Xu hướng chủ đạo của TP.HCM - Ảnh 2

Hầm Thủ Thiêm là công trình giao thông nổi bật của TP. HCM.

Tại cực phía Đông, TP.HCM đã có bước đột phá mạnh mẽ khi hợp nhất 3 quận thành TP. Thủ Đức.

Theo định hướng phát triển, TP. Thủ Đức sẽ trở thành một trong những trung tâm kinh tế tri thức, tài chính quan trọng của TP.HCM và quốc gia. Vừa qua, UBND TP.HCM cũng đã có Quyết định 318, ban hành kế hoạch triển khai đề án "Hình thành và phát triển đô thị sáng tạo, tương tác cao phía đông thành phố giai đoạn 2020-2035" năm 2020-2025. Theo đó, TP.HCM sẽ xây dựng và phát triển khu vực phía đông (TP. Thủ Đức) thành đô thị sáng tạo, tương tác cao, khu vực dẫn dắt kinh tế thành phố và vùng thành phố trong các hoạt động kinh tế tri thức như đào tạo, nghiên cứu và sản xuất công nghệ cao.

Đối với huyện Nhà Bè, UBND TP.HCM cho rằng, Nhà Bè nằm trong Khu đô thị phía Nam thành phố, việc đô thị hóa là tất yếu nhưng phải giữ được “bản sắc xanh” (nhiều diện tích cây xanh, sông ngòi, cảnh quan thiên nhiên).

Theo ông Võ Phan Lê Nguyễn, Phó Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè, trong giai đoạn tới huyện Nhà Bè tập trung thực hiện mục tiêu phát triển theo hướng đô thị bền vững phù hợp với chủ trương phát triển đô thị thông minh của thành phố. Khai thác đất đai phát triển du lịch kết hợp phát triển mảng xanh tại xã Long Thới, xã Nhơn Đức; phát triển công nghiệp phụ trợ, bến bãi, logistic…

Trong khi đó, huyện Cần Giờ cũng được chính quyền TP.HCM định hướng phát triển trở thành đô thị sinh thái. Bí thư Huyện ủy Lê Minh Dũng cho biết, theo chiến lược phát triển đô thị vệ tinh thì huyện Cần Giờ sẽ có các khu hoạt động bảo tàng sống, khu nghỉ dưỡng sinh thái, các hoạt động giữa thiên nhiên hoang dã, trung tâm du lịch theo mô hình cộng sinh RE100 - đô thị tự cung tự cấp - giảm thiểu nhu cầu năng lượng; ứng dụng khoa học kỹ thuật xây dựng hệ thống để xử lý tận dụng tận thu nguồn nước mưa, lọc nguồn nước biển sạch ngoài khơi; tái sử dụng năng lượng nhằm giảm tác động môi trường, kiểm soát và xử lý chất thải của khu dân cư và đề xuất các trạm xử lý và có quy định về quản lý chất thải sinh hoạt; tập trung công tác bảo vệ môi trường; kế hoạch giữ gìn biển, bãi biển và xử lý cát đen thành trắng để đảm bảo chất lượng nước biển...

Chuyển đổi số toàn diện và bảo vệ môi trường

Tại Diễn đàn kinh tế TP.HCM năm 2022 với chủ đề "Kinh tế số: động lực tăng trưởng và phát triển TP.HCM trong tương lai" vừa diễn ra ngày 15/4 vừa qua, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho biết, Thành phố đặt mục tiêu nền kinh tế số đến năm 2025 sẽ chiếm 25% và đến năm 2030 chiếm 40% GRDP toàn Thành phố. "Với tinh thần đó, diễn đàn kinh tế có ý nghĩa rất quan trọng với TP. HCM.

Phát triển kinh tế xanh – Xu hướng chủ đạo của TP.HCM - Ảnh 3
Ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TP.HCM: “Chúng tôi muốn lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, doanh nghiệp nhằm kiến tạo mô hình phát triển kinh tế TP.HCM lâu dài".

Với chủ đề “Kinh tế số: động lực tăng trưởng và phát triển TP.HCM trong tương lai”, diễn đàn sẽ xoay quanh 4 nội dung chính là bàn về bức tranh chung về chuyển đổi số trong doanh nghiệp ở TP.HCM, tầm nhìn và khát vọng đến năm 2030; thiết kế chính sách phù hợp cho phát triển kinh tế số tại TP.HCM: định hướng 2025 và tầm nhìn 2030; chuyển đổi số để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp: thách thức và giải pháp; chuyển đổi số trong doanh nghiệp: kinh nghiệm và bài học thành công của doanh nghiệp trong nước và quốc tế.

Diễn đàn là nơi trao đổi tìm kiếm các giải pháp khả thi để thúc đẩy phát triển kinh tế số trên địa bàn, giúp doanh nghiệp Thành phố phát huy tính sáng tạo, tăng cường khả năng tiếp cận các mô hình kinh doanh mới nhằm nâng cao năng suất và hiệu quả, đồng thời đẩy mạnh xây dựng TP.HCM thành đô thị thông minh.

Đối với lĩnh vực bảo vệ môi trường, UBND TP.HCM cũng vừa ban hành quyết định chuyển đổi số ngành tài nguyên và môi trường Thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Theo đó, TP.HCM phấn đấu đến năm 2030, phát triển Chính phủ số, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động. Trong đó, 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau gồm thiết bị di động, 100% hồ sơ công việc ở cấp Thành phố được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước). 

Đồng thời, tăng 40% dịch vụ sáng tạo dựa trên dữ liệu phục vụ người dân và doanh nghiệp. Mặt khác, hoàn thiện cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường trên không gian mạng, liên tục cập nhật với sự tham gia, đóng góp của tổ chức, cá nhân, cộng đồng. Bảo đảm cung cấp, chia sẻ dữ liệu cho thực hiện dịch vụ công phục vụ người dân và doanh nghiệp, làm nền tảng phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, đô thị thông minh. 100% thiết bị trong điều tra, khảo sát, quan trắc, đo đạc trên công nghệ số, thu nhận trực tiếp dữ liệu số, trong đó 90% sử dụng công nghệ IoT.

Bên cạnh đó, cơ bản công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, chuyên môn nghiệp vụ, giám sát, dự báo, cảnh báo về tài nguyên và môi trường hoàn toàn trên cơ sở phân tích, xử lý dữ liệu lớn bằng công nghệ trí tuệ nhân tạo, theo thời gian thực, hỗ trợ ra quyết định chính xác, kịp thời.

Để thực hiện các mục tiêu trên, TP. HCM thực hiện một số giải pháp như chuyển đổi nhận thức; Xây dựng cơ chế chính sách, cải cách hành chính; Nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và ứng dụng trí tuệ nhân tạo; đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng số, phát triển nguồn nhân lực; đẩy mạnh xã hội hóa trong chuyển đổi số tài nguyên và môi trường.

Thư Anh

Bạn đang đọc bài viết Phát triển kinh tế xanh – Xu hướng chủ đạo của TP.HCM. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới