Tin tức môi trường nổi bật ngày 28/10: Biển Đông có thể đón bão trong 2 ngày tới
Bão Nalgae sắp đi vào Biển Đông, khả năng mạnh thêm; ĐBQH: Khai thác cát tràn lan khiến ĐBSCL bị sụt lún, thu hẹp; Liên hợp quốc kêu gọi các nước đẩy nhanh quá trình khử carbon... là những tin tức môi trường nổi bật hôm nay.
Bão Nalgae sắp đi vào Biển Đông, khả năng mạnh thêm
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, lúc 13h ngày 28/10, vị trí tâm bão Nalgae cách miền Trung Philippines khoảng 210km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-88km/giờ), giật cấp 11.
Dự báo bão có khả năng mạnh thêm và đi vào Biển Đông trong ngày 30/10. Lúc 13h ngày 30/10, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ 15-20 km/h, cường độ mạnh cấp 10, giật 12.
Ảnh hưởng của bão, từ ngày 29/10, Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) gió đông bắc mạnh cấp 6-7, vùng biển phía Đông của khu vực bắc và giữa Biển Đông gió mạnh dần lên cấp 7-8, vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10, giật cấp 12, biển động rất mạnh.
Để chủ động ứng phó với bão, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đề nghị Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố ven biển theo dõi chặt chẽ thông tin, diễn biến của bão. Các đơn vị thông báo cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết để chủ động phòng tránh và có kế hoạch sản xuất phù hợp, đảm bảo an toàn về người và tài sản, duy trì thông tin liên lạc nhằm xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra.
Các địa phương sẵn sàng lực lượng, phương tiện để triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống.
Cần Thơ: Đến hết năm 2022 còn 4 đợt triều cường
Tại cuộc họp thường kỳ tháng 10 của UBND TP.Cần Thơ ngày 28/10, ông Nguyễn Văn Sử - Giám đốc Sở NN&PTNT báo cáo tình hình ảnh hưởng thiệt hại do đợt triều cường vừa qua và kế hoạch ứng phó sắp tới.
Theo đó, triều cường rằm tháng 9 âm lịch kéo dài trong sáu ngày (từ ngày 8 đến ngày 13-10), với mức đỉnh triều hàng ngày đều vượt báo động III, từ 2,16 – 2,27m.
Dự báo triều cường đầu tháng 10 âm lịch cũng có nhiều ngày vượt báo động III, đỉnh triều xuất hiện từ ngày 26 đến 28-10 ở mức 2,2 – 2,25m.
Theo thống kê, đợt triều cường rằm tháng 9, quận Ninh Kiều có hơn 61 tuyến đường chính bị ngập với mức ngập sâu từ 0,4 - 0,6m như Mậu Thân, Nguyễn Văn Cừ, Huỳnh Cương, Trần Hưng Đạo, Trần Văn Hoài, Cách Mạng Tháng Tám…, những tuyến còn lại ngập từ 0,2-0,4m.
Triều cường ngày 11-10 làm bể đập Chòng Chõng (khu vực 3 sông Hậu) với chiều dài hơn 10m, kinh phí gia cố trên 10 triệu.
Quận Thốt có diện tích hoa màu thiệt hại là 18,91 ha, cây ăn trái bị thiệt hại 11,6 ha, ước thiệt hại khoảng 85 triệu. Quận Bình Thủy ghi nhận 3 đoạn sạt lở, sụt lún đê bao tại Cồn Sơn, Cồn Khương…
Theo ông Sử, qua trao đổi với Đài khí tượng thủy văn TP.Cần Thơ, nhận định từ nay đến hết năm 2022 còn 4 đợt triều cường gồm rằm tháng 10, đầu tháng 11, rằm tháng 11 và đầu tháng 12 âm lịch). Mực nước cao nhất trong các đợt triều này ở mức báo động II-III, riêng đợt triều cường đầu tháng 11 âm lịch (khoảng ngày 25 đến 27-11) vẫn còn ở mức cao trên báo động III từ 10-15cm (tức đỉnh triều khoảng 2,1 - 2,15m).
Ông Sử cho biết, để chống ngập cho vùng nội ô, hiện nay TP đang triển khai thực hiện dự án Phát triển TP.Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị. Dự án sẽ giúp kiểm soát ngập cho trên 2.657ha vùng lõi Ninh Kiều và Bình Thủy. Hợp phần 1 của dự án đầu tư trên 6,1km kè dọc sông Cần Thơ, trên 3km kè sông Cái Sơn, Mương Khai, kết hợp các công trình khác như âu thuyền, cống ngăn triều, van ngăn triều và trạm bơm.
ĐBQH: Khai thác cát tràn lan khiến ĐBSCL bị sụt lún, thu hẹp
Thảo luận tại phiên họp tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đại biểu Trần Văn Sáu (đoàn Đồng Tháp) nêu thực trạng vấn đề cát sông và việc khai thác cát sông không bền vững tại ĐBSCL. Ông Sáu cho biết, thời gian qua việc khai thác cát sông không bền vững làm cho ĐBSCL bị sụt lún, thu hẹp và ngày càng nhanh hơn.
Lượng trầm tích trên sông ngày càng giảm trong khi biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, tốc độ đô thị hóa nhanh, công trình công cộng, công trình dân sinh… làm cho nhu cầu sử dụng các ngày càng nhiều.
“Nhất là đến hết năm 2025, ĐBSCL cần hoàn thành 400 km đường cao tốc, cát san lấp thật sự là bài toán khó. Nhu cầu cát cho xây dựng là nhu cầu có thật và thiết yếu cả lĩnh vực công lẫn lĩnh vực tư. Trong bối cảnh này bài toán quản lý cát là bài toán khó, nếu tiếp tục khai thác cát không bền vững có thể đánh đổi sạt lở và mất đất”, đại biểu Sáu nói.
Hiện nay, ĐBSCL có khoảng 82 công ty được cấp phép khai thác cát với 28 triệu tấn cát mỗi năm, trong đó có 70% cát khai thác để sử dụng san lấp. Tuy nhiên, khối lượng cát được báo cáo và lượng cát khai thác thực tế rất khó kiểm soát, tình trạng khai thác cát trái phép vẫn diễn ra thường xuyên. Cùng với đó là các nguyên nhân khác đã làm cho ĐBSCL có đến 621 điểm sạt lở với tổng chiều dài sạt lở 610 km, trong đó có 147 điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm dài 127 km", ông Sáu nói.
Từ thực tế trên, đại biểu Trần Văn Sáu cho rằng việc quản lý khai thác cát bền vững rất cần một giải pháp thuận thiên để giúp ĐBSCL giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm tác động tiêu cực lên địa mạo của đồng bằng, sinh kế của người dân, an ninh lương thực, đa dạng sinh học và hệ sinh thái.
Việc quản lý khai thác cát bền vững phải dựa vào sự cân bằng thay đổi theo thời gian giữa lượng cát đổ về, lượng cát có ở đáy sông, lượng cát khai thác cả hợp pháp và bất hợp pháp và lượng cát đổ ra biển để biết được lượng cát có thể khai thác và vị trí khai thác mà không gây ra ảnh hưởng tiêu cực. Hiện nay, việc cấp phép khai thác cát chỉ dựa trên kết quả đo đạc trữ lượng cát có ở đáy sông là chưa thực sự phù hợp.
Cảnh báo nguy cơ ngập úng do triều cường tại khu vực ven biển Đông Nam Bộ
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho hay, do ảnh hưởng của triều cường, khu vực ven biển Đông Nam Bộ có khả năng ngập úng tại các vùng trũng, thấp, vùng ven sông và vùng ngoài đê bao.
Từ ngày 28 - 30/10, mực nước tại trạm Vũng Tàu duy trì ở mức cao. Mực nước cao nhất tại Vũng Tàu trong đợt triều cường này có thể đạt 4,25 - 4,35 m. Mực nước triều ở mức cao tại khu vực ven biển Nam Bộ duy trì trong khoảng từ 1 - 4 giờ và từ 13 - 17 giờ trong ngày. Tại các khu vực trong đất liền đỉnh triều sẽ xuất hiện trễ hơn 1 - 3 giờ, tùy thuộc từng khu vực.
Chiều tối và đêm 27/10, khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa rào và dông, cục bộ có nơi mưa to với lượng mưa 20 - 40 mm, có nơi trên 60 mm. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.
Mô hình độ ẩm đất cho thấy, độ ẩm đất ở một số khu vực từ Phú Yên đến Bình Thuận, Đồng Nai và khu vực Tây Nguyên đã đạt trạng thái gần bão hòa (85 - 95%). Trong tối 27/10, khu vực từ Phú Yên đến Bình Thuận, Đồng Nai và khu vực Tây Nguyên tiếp tục có mưa với lượng mưa tích lũy phổ biến từ 10 - 30 mm, có nơi trên 70 mm. Nguy cơ xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ vùng núi; sạt lở đất trên sườn dốc, sụt lún đất tại các khu vực trên. Cấp độ rủi ro thiên tai do lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy: cấp 1.
Trên biển, đêm 27 và ngày 28/10, Khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển Hoàng Sa) có gió Đông Bắc mạnh cấp 6 - 7, giật cấp 8 - 9, biển động mạnh, sóng biển cao từ 4 - 6 m; vùng biển phía Bắc của khu vực giữa Biển Đông; vùng biển từ Bình Định đến Cà Mau có gió Đông Bắc cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8 - 9, biển động mạnh, sóng biển cao từ 2 - 4 m.
Đêm 28 ngày 29/10, khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển Hoàng Sa) có gió Đông Bắc mạnh cấp 6 - 7, riêng phía Đông cấp 7 - 8, giật cấp 9 - 10, biển động mạnh, sóng biển cao từ 4 - 7 m. Vùng biển phía Bắc của khu vực giữa Biển Đông và vùng biển từ Bình Định đến Cà Mau có gió Đông Bắc cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8, biển động mạnh; sóng biển cao 3 - 5 m; vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi có gió Đông Bắc cấp 6, giật cấp 7 - 8, biển động, sóng biển cao 2 - 4 m.
Toàn bộ tàu thuyền và các hoạt động khác tại các vùng biển trên đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn. Nguy cơ sạt lở bờ biển tại các tuyến sung yếu. Cấp độ rủi ro thiên tai do gió mạnh trên biển: cấp 2.
Liên hợp quốc kêu gọi các nước đẩy nhanh quá trình "khử carbon"
Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) vào năm ngoái, các quốc gia đã nhất trí đề ra kế hoạch tham vọng hơn nhằm cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính và thúc đẩy các nỗ lực nhằm ngăn ngừa tác động nghiêm trọng nhất của biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, sau 1 năm, chỉ có 24 trong hơn 190 quốc gia đưa ra các cam kết mới hoặc cập nhật trước thềm hội nghị COP27 dự kiến diễn ra tại Ai Cập vào tháng tới.
Theo báo cáo của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) công bố ngày 27/10, những kế hoạch đã được điều chỉnh này thậm chí cũng không giúp giảm mức khí thải cần thiết vào năm 2030.
UNEP cho rằng kinh tế toàn cầu cần phải trải qua quá trình chuyển đổi "chưa từng có" nhằm đạt được mục tiêu của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015, trong đó giới hạn mức tăng nhiệt độ Trái Đất ở ngưỡng dưới 2 độ C.
Báo cáo của UNEP chỉ ra rằng với các chính sách khí hậu hiện nay, thế giới sẽ nóng lên thêm 2,8 độ C vào cuối thế kỷ này. Con số này sẽ là 2,5 độ C nếu các cam kết khí hậu mới được thực thi.
Báo cáo đã nêu bật tầm quan trọng của thay đổi mang tính hệ thống từ việc xây dựng các tòa nhà, đến nguồn lương thực và năng lượng mà người dân tiêu thụ để nhanh chóng chuyển đổi sang nền kinh tế xanh.
Để đạt được mục tiêu giảm khí thải và chuyển đổi nền kinh tế, báo cáo nêu rõ sẽ cần đầu tư 4.000-6.000 tỷ USD/năm trong hàng loạt lĩnh vực và công nghệ từ sản xuất điện bằng các nguồn năng lượng tái tạo đến các phương tiện không phát thải.
Trong bối cảnh các chính phủ đang đối mặt với cùng lúc nhiều cuộc khủng hoảng từ giá năng lượng đến chi phí sinh hoạt tăng cao, báo cáo kêu gọi các nước đẩy nhanh quá trình khử carbon, thay vì để những thách thức này chuyển hướng sự tập trung khỏi hành động khí hậu.
Ngoài ra, báo cáo cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc chuyển đổi xu hướng đầu tư vào hạ tầng để khí thải carbon không tồn tại qua nhiều thập niên.
Theo Ủy ban Liên chính phủ của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, cần phải giảm 43% lượng khí thải vào năm 2030 để giới hạn mức tăng nhiệt độ của Trái Đất ở mức 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Lan Anh