Cập nhật tin tức môi trường nổi bật ngày 27/10
Cần Thơ đầu tư hơn 270 tỷ đồng xây kè chống sạt lở sông Trà Nóc; Đà Nẵng rà soát lại các phương án chống ngập đô thị; Nguồn năng lượng sạch khổng lồ trên toàn cầu đang dần "cạn kiệt" nhanh chóng... là những tin tức môi trường nổi bật ngày hôm nay.
Chủ động các biện pháp ứng phó với mưa lũ, triều cường
Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai, ngày và đêm 27/10, khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió Đông Bắc mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8-9; biển động mạnh; sóng biển cao từ 3-5m. Vùng biển phía Bắc của khu vực giữa Biển Đông, vùng biển từ Bình Định đến Bình Thuận có gió Đông Bắc mạnh cấp 6, giật cấp 7-8; biển động; sóng biển cao từ 2-4m.
Cảnh báo, ngày và đêm 28/10, khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) gió Đông Bắc mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9; biển động mạnh; sóng biển cao từ 3-6m. Vùng biển phía Bắc của khu vực giữa Biển Đông và vùng biển từ Bình Định đến Cà Mau gió Đông Bắc mạnh dần lên cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8; biển động; sóng biển cao 3-5m. Cấp độ rủi ro thiên tai do gió mạnh trên biển: cấp 2.
Hiện nay, lũ trên các sông trong khu vực Trung bộ ở mức báo động 1 đến báo động 2, riêng trạm Tân Mỹ trên sông Gianh (Quảng Bình) đang ở mức báo động 3. Tại các sông Nam Bộ, dự báo mực nước sông Cửu Long lên theo triều, đến ngày 30/10, mực nước cao nhất ngày tại Tân Châu lên mức 3,3m; tại Châu Đốc lên mức 3,10m, các trạm hạ lưu ở mức báo động 1 – báo động 2, có nơi trên báo động 2.
Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai đề nghị các địa phương tiếp tục hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả mưa lũ, sớm ổn định đời sống, sản xuất của nhân dân.
Đặc biệt, theo dõi chặt chẽ diễn biến sóng lớn trên biển, diễn biến của mưa, lũ ở các tỉnh Trung Bộ; triều cường ở Nam Bộ, cập nhật thường xuyên các bản tin dự báo, cảnh báo để thông tin đến các cấp chính quyền và người dân biết để chủ động các biện pháp ứng phó. Tổ chức trực ban, thường xuyên báo cáo tình hình về Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.
Cần Thơ đầu tư hơn 270 tỷ đồng xây kè chống sạt lở sông Trà Nóc
Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ vừa có quyết định giao số vốn 100 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương cho Chi cục Thủy lợi thành phố để đầu tư xây dựng tuyến kè chống sạt lở trên sông Trà Nóc, quận Bình Thủy.
Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 với số vốn 100 tỷ đồng từ vốn ngân sách Trung ương của chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội cho dự án Kè chống sạt lở khẩn cấp trên sông Trà Nóc, phường Trà An, quận Bình Thủy (đoạn từ cầu Xẻo Mây đến cầu Rạch Chùa) do Chi cục Thủy lợi làm chủ đầu tư.
Đây là dự án nhóm B, đầu tư trong giai đoạn 2022-2025 với tổng vốn đầu tư gần 272,5 tỷ đồng bao gồm chi phí xây dựng kè 170 tỷ đồng, chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư gần 56 tỷ đồng, chi phí tư vấn gần 7,6 tỷ đồng, chi phí khác 32 tỷ đồng…
Công trình có chiều dài 2 km, quy mô kè kiên cố bêtông cốt thép, mái kè được thảm đá gia cố. Thời gian dự kiến khởi công vào tháng 5/2023 và hoàn thành, đưa vào khai thác sử dụng tháng 6/2025; trong đó, nguồn vốn ngân sách Trung ương là 100 tỷ đồng, còn lại là ngân sách địa phương.
Ủy ban Nhân dân thành phố giao Chi cục Thủy lợi căn cứ danh mục dự án và mức vốn bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 được giao; tập trung hoàn thiện thủ tục đầu tư trình cấp thẩm quyền phê duyệt để làm cơ sở giao chỉ tiết kế hoạch vốn thực hiện hằng năm, triển khai thực hiện theo quy định.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ cũng giao các Sở Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn theo dõi việc triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của Chi cục Thủy lợi, tháo gỡ khó khăn vướng mắc để dự án hoàn thành theo đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng phát huy hiệu quả đầu tư.
Ông Nguyễn Quí Ninh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi thành phố Cần Thơ cho biết, bờ sông Trà Nóc đoạn từ cầu Xẻo Mây đến cầu Rạch Chùa (đường Lê Thị Hồng Gấm, phường Trà An) sạt lở đang diễn ra nghiêm trọng. Việc đầu tư xây dựng bờ kè nhằm bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của dân cư trên toàn tuyến cũng như cơ sở hạ tầng ở khu vực này, đảm bảo ổn định cuộc sống cho người dân.
Bên cạnh đó, kè sẽ giúp khắc phục tình trạng lấn chiếm mặt tiền sông, san lấp, gia tải lên bờ sông của các hộ dân, tránh được những thiệt hại do sạt lở gây ra. Đồng thời, ngăn chặn người dân tái lấn chiếm, xây cất nhà trái phép ven sông; góp phần đảm bảo quỹ đất, chỉnh trang đô thị, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của quận Bình Thủy.
Đà Nẵng rà soát lại các phương án chống ngập đô thị
Mưa lớn và lũ trong tháng 10 đã gây ra nhiều thiệt hại đối với thành phố Đà Nẵng. Đặc biệt là trận mưa, lũ, ngập lụt ngày 14.10 đã gây ngập diện rộng và ngập sâu tại các khu vực trũng thấp trên địa bàn thành phố. Có 52/56 xã, phường thuộc 7 quận, huyện và hầu hết các tuyến đường đều bị ngập. Nhiều tuyến đường, tầng hầm một số trụ sở công trình quan trọng của nhà nước, doanh nghiệp và nhà dân ngập từ 0,5 - 1m, có nơi ngập đến 2m.
Để chủ động ứng phó với mưa lũ, ngập lụt có khả năng xảy ra tiếp trên địa bàn thành phố, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự (PCTT-TKCN-PTDS) thành phố Đà Nẵng vừa ban hành công văn đề nghị các ngành chức năng, địa phương triển khai các giải pháp nhằm hạn chế thiệt hại.
Theo đó, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN-PTDS Đà Nẵng đề nghị Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và địa phương rà soát lại phương án chống ngập đô thị và trung tâm cho phù hợp hơn với thực tiễn hạ tầng, đô thị của thành phố.
Tổ chức khảo sát, xác định cụ thể các vị trí, điểm ngập, độ sâu, thời gian ngập tại các khu dân cư. Cần đánh giá mức độ ngập và khả năng chịu đựng tối đa của các khu dân cư, khu vực trũng thấp đối với từng trận mưa.
Đánh giá lại tổng thể hiện trạng, quy hoạch hệ thống thoát nước, tiêu thoát lũ của thành phố và các công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình thoát nước. Khẩn trương tiến hành khảo sát toàn bộ các bất cập hiện nay về hệ thống cống thoát nước, đặc biệt tại khu vực đô thị cũ và đề xuất phương án cải tạo phù hợp. Đồng thời rà soát tình hình vận hành các trạm bơm chống ngập, nêu rõ các hạn chế và đề xuất giải pháp phù hợp để tăng cường khả năng thoát nước, chống ngập khu vực đô thị, trung tâm.
Nghiên cứu có giải pháp tổng thể chống ngập trước mắt và lâu dài như đầu tư nâng cấp hệ thống công trình thoát cũ và xây dựng mới hệ thống thoát như cống, trạm bơm, tuyến tiêu thoát nước. Nghiên cứu đầu tư mới, mở rộng các hồ điều tiết, tích trữ nước khu vực đô thị và nông thôn; tuyệt đối không san lấp sông, suối, ao hồ.
Việt Nam và Hàn Quốc thúc đẩy hợp tác phát triển trong lĩnh vực năng lượng và môi trường
Ngày 27/10, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hiệp hội Công nghệ môi trường Việt Nam phối hợp cùng Trung tâm đổi mới sáng tạo Quốc gia đã tổ chức chương trình Hợp tác giao thương Việt Nam - Hàn Quốc trong lĩnh vực năng lượng, môi trường.
Sự kiện này nằm trong khuôn khổ chuỗi Sự kiện kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hàn Quốc, chương trình “Hợp tác giao thương Việt Nam - Hàn Quốc trong lĩnh vực năng lượng, môi trường” được tổ chức nhằm thúc đẩy hợp tác chiến lược và toàn diện giữa các doanh nghiệp hai nước về nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực năng lượng, môi trường, hướng tới lợi ích thiết thực cho cộng đồng.
Theo ông Trần Văn Lượng - Chủ tịch Hiệp hội Công nghệ môi trường Việt Nam, để ứng phó vấn đề ô nhiễm không khí, việc thúc đẩy nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực năng lượng và môi trường là ưu tiên hàng đầu của Việt Nam và trên toàn thế giới. Hiện Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam đang kết hợp với Công ty TNHH Sanitec Việt Nam theo đuổi những công nghệ tiên tiến. Việc này mang đến cơ hội hợp tác toàn diện và bền chặt không chỉ trong lĩnh vực nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ mà còn giúp cộng đồng doanh nghiệp hai nước xác định được nhu cầu và các hoạt động chính để thúc đẩy công tác bảo vệ môi trường tại Việt Nam, hướng tới một nền kinh tế xanh và phát triển bền vững.
Trình bày về việc phát triển không khí sạch tại Việt Nam và Hàn Quốc, ông Le Byung Hwa - Chủ tịch S-tec Hàn Quốc cho biết, Công ty STec đã bắt đầu hoạt động kinh doanh với việc kiểm soát côn trùng có hại từ năm 2015, thời gian bùng phát dịch bệnh COVID 19, công ty đã đưa ra thương hiệu kinh doanh khử khuẩn "Sanitec, đến nay Công ty đã dẫn đầu trong việc phòng chống các bệnh truyền nhiễm mãn tính và kiểm soát côn trùng có hại. Ông Le Buyng Hwa hy vọng thông qua chương trình với những thông tin công nghệ về thân thiện môi trường, năng lượng tái tạo, phòng chống lây nhiễm vi rút sẽ được trao đổi, hình thành những giải pháp triệt để xử lý những vấn đề môi trường không chỉ của Việt Nam mà trên toàn cầu.
Nguồn năng lượng sạch khổng lồ trên toàn cầu đang dần "cạn kiệt" nhanh chóng
Từ Hoa Kỳ đến Đức và Trung Quốc, các đợt nắng nóng và hạn hán kéo dài do biến đổi khí hậu đã làm cạn các con sông cung cấp nguồn nước khổng lồ cho các nhà máy thủy điện.
Đập Tam Hiệp của Trung Quốc là một trong những công trình thuỷ điện lớn nhất thế giới. Công trình vĩ đại này trên sông Dương Tử có một hệ thống tuabin có thể cung cấp năng lượng điện đơn lẻ cho cả Philippines. Nhưng đến mùa hè năm nay, nhà máy thuỷ điện này lại im ắng một cách kỳ lạ.
Vào cuối tháng 8 vừa qua, nước ở cả hai bên con đập hơi cạn. Không có dấu hiệu nào cho thấy tia nước trắng thường bốc lên từ đập tràn hoặc nước chảy ầm ầm từ các tuabin. Nhiệt độ nóng như thiêu đốt và hạn hán ở thượng nguồn đã làm giảm mức tối thiểu hồ chứa, làm giảm mạnh khả năng phát điện của nhà máy.
Tình trạng cạn nước của con đập lớn mang tính biểu tượng của Trung Quốc là một phần của cuộc khủng hoảng thủy điện toàn cầu đang trở nên tồi tệ hơn do sự nóng lên toàn cầu. Từ California đến Đức, các đợt nắng nóng và hạn hán đã làm thu hẹp các con sông cung cấp cho các hồ chứa. Sản lượng thủy điện đã giảm 75 terrawatt/giờ ở châu Âu trong năm nay cho đến tháng và giảm 30% trên toàn Trung Quốc vào tháng trước. Ở Mỹ, dự kiến sản lượng điện sẽ giảm xuống mức thấp nhất trong sáu năm vào tháng 9 và tháng 10.
Giống như Trung Quốc, hạn hán tồi tệ nhất trong 1.200 năm ở miền Tây Hoa Kỳ có nghĩa là các hồ chứa khô cằn chỉ có thể cung cấp một nửa lượng điện mà chúng thường cung cấp cho California, làm tăng nguy cơ mất điện trên toàn tiểu bang. Theo Cơ quan thông tin năng lượng, sản lượng thủy điện trên toàn quốc đã giảm xuống còn 17,06 terrawatt/giờ vào tháng 9 và dự kiến sẽ giảm mạnh hơn nữa vào tháng 10.
Theo tổ chức nghiên cứu khí hậu Ember tại châu Âu, các con sông khô cạn đã làm giảm lượng thủy điện trong tháng 9 xuống mức thấp nhất kể từ năm 2015. Điều đó buộc các công ty tiện ích phải phụ thuộc nhiều hơn vào than và khí đốt. Việc sử dụng hết nguồn nhiên liệu mà lục địa này đang cố gắng bảo tồn để tránh tình trạng suy giảm nguồn điện vào mùa đông do gián đoạn nguồn cung từ Nga.
Tại Brazil, quốc gia thường phụ thuộc vào thủy điện với hơn 60% sản lượng điện, một đợt hạn hán năm ngoái đã đưa quốc gia này đến bờ vực cạn kiệt điện và buộc nước này phải phụ thuộc vào việc tăng nhập khẩu từ các nước láng giềng Uruguay và Argentina, hoặc mua nhiên liệu hóa thạch đắt đỏ để bù đắp thâm hụt.
Lan Anh