Thứ sáu, 22/11/2024 18:40 (GMT+7)
Thứ năm, 20/10/2022 18:15 (GMT+7)

Tin tức môi trường nổi bật ngày 20/10: Biển Đông khả năng đón tiếp một cơn bão trong tuần sau

Theo dõi KTMT trên

Đợt mưa rét ở miền Bắc không kéo dài nhưng sẽ rét hơn; Phạt nặng nếu không lắp đặt thiết bị giám sát khai thác cát, sỏi; Australia cảnh báo khẩn cấp do sự xuất hiện của các cơn bão Supercell... là những tin tức môi trường nổi bật hôm nay.

Mưa rét ở miền Bắc kéo dài đến khi nào?

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, chiều nay (20/10), áp thấp nhiệt đới (suy yếu từ bão số 6) đã suy yếu thành một vùng áp thấp trên vùng biển Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế. Hồi 13 giờ, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở khoảng 17,4 độ Vĩ Bắc, 108,2 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng gần tâm áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (39km/h). Dự báo trong 12 giờ tới, vùng áp thấp tiếp tục di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc và tan dần.

Do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường kết hợp với hoàn lưu cơn bão số 6 và nhiễu động trong đới gió Đông nên trong ngày 20/10, ở khu vực phía Đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa vừa, mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to và dông.

Miền Bắc chịu ảnh hưởng của lưỡi áp cao lạnh lục địa tăng cường lệch đông, sau suy yếu chậm, kết hợp với hoàn lưu phía Tây cơn bão số 6; sau suy yếu thành áp thấp nhiệt đới sau là vùng thấp; áp tăng yếu sau ít thay đổi và độ ẩm tăng. Miền Nam nằm ở phía Nam của áp cao lạnh lục địa kết hợp với rìa xa của hoàn lưu cơn bão số 6, riêng Nam Bộ chịu ảnh hưởng kết hợp của hội tụ gió trên mực 700mb; áp và độ ẩm ít thay đổi. Trên cao áp cao cận nhiệt đới tiếp tục lấn về phía Tây.

Đợt rét này sẽ không kéo dài, chỉ diễn ra trong đêm 19 và ngày 20/10. Từ ngày 21/10, Bắc Bộ lại tiếp tục quay trở lại thời tiết khô hanh, rõ nhất là từ ngày 22/10 trở đi trời nắng hanh rõ hơn.

Theo ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia lưu ý: "Đợt này rét và mưa không kéo dài. Tuy nhiên, so với đợt rét trước, đợt này thời tiết sẽ rét hơn, nhiệt độ trung bình trong ngày có thể xuống dưới 20 độ C. Người dân cần lưu ý sức khỏe khi thời tiết chuyển nhanh và rõ rệt, đặc biệt là người già và trẻ nhỏ khi tham gia các hoạt động ngoài trời".

Bão số 6 suy yếu, Biển Đông khả năng đón tiếp một cơn bão trong tuần sau

Chiều 20/10, áp thấp nhiệt đới (suy yếu từ bão số 6) đã suy yếu thành một vùng áp thấp trên vùng biển Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế.

Hồi 13h, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở khoảng 17,4 độ vĩ Bắc; 108,2 độ kinh Đông. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng gần tâm áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 39 km/h).

Dự báo trong 12 giờ tới, vùng áp thấp tiếp tục di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc và tan dần.

Cũng theo Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia, trên Biển Đông, bão số 6 đang suy yếu, nhưng hiện có một xoáy nhiệt đới ở ngoài khơi Philippines có khả năng mạnh lên thành bão vào ngày 23/10 và đi vào Biển Đông trong những ngày cuối tháng. Xoáy thuận nhiệt đới phụ thuộc vào diễn biến bão số 6, nếu bão Nesat tan nhanh thì xoáy thuận nhiệt đới này có thể hình thành rõ hơn. Theo đó, xoáy thuận nhiệt đới ở ngoài khơi Philippines có thể mạnh lên thành bão và đi vào Biển Đông.

Trước đó, Cơ quan Dịch vụ khí tượng, địa vật lý và thiên văn Philippines (Pagasa) cho biết, vùng thấp hình thành trên khu vực vùng biển Thái Bình Dương phía đông Philippines ngày 19/10 đã phát triển thành hệ thống áp thấp nhiệt đới mới.

Lúc 3h ngày 19/10, áp thấp nhiệt đới ở cách điểm cực bắc quần đảo Lu-dông (Philippines) khoảng 1.055km về phía đông. Theo dự báo của Pagasa, áp thấp nhiệt đới có xu thế phát triển mạnh lên thành bão vào ngày 22/10, dự kiến sẽ tiếp tục di chuyển theo hướng tây tới khu vực Biển Đông vào khoảng ngày 22 đến 23/10.

Phạt nặng nếu không lắp đặt thiết bị giám sát trong khai thác cát, sỏi lòng sông

Tại khoản 17 Điều 5b Nghị định số 04/2022/NĐ-CP ngày 06/01/2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai; tài nguyên nước và khoáng sản; khí tượng thủy văn; đo đạc và bản đồ.

Theo đó, phạt cảnh cáo đối với hành vi không lắp đặt hệ thống camera giám sát tại các kho chứa, nơi vận chuyển khoáng sản nguyên khai ra khỏi mỏ để theo dõi, lưu trữ thông tin liên quan.

Tin tức môi trường nổi bật ngày 20/10: Biển Đông khả năng đón tiếp một cơn bão trong tuần sau - Ảnh 1
Phạt cảnh cáo đối với hành vi không lắp đặt hệ thống camera giám sát tại các kho chứa, nơi vận chuyển khoáng sản nguyên khai ra khỏi mỏ để theo dõi, lưu trữ thông tin liên quan.

Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đối với hành vi không lắp đặt trạm cân tại nơi vận chuyển khoáng sản nguyên khai ra khỏi mỏ để theo dõi, lưu trữ thông tin liên quan (trừ khai thác khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường của hộ kinh doanh; khai thác cát, sỏi lòng sông, suối, hồ, cửa sông, cát, sỏi ở vùng nước nội thủy ven biển sử dụng thiết bị bơm hút, xúc bốc trực tiếp lên tàu, thuyền, ghe và vận chuyển thẳng đến nơi tiêu thụ mà không thể lắp đặt trạm cân); không lắp đặt thiết bị giám sát hành trình và lưu trữ dữ liệu, thông tin về vị trí, hành trình di chuyển của phương tiện đối với trường hợp khai thác cát, sỏi lòng sông, suối, hồ, cửa sông, cát, sỏi ở vùng nước nội thủy ven biển sử dụng thiết bị bơm hút, xúc bốc trực tiếp lên tàu, thuyền, ghe và vận chuyển thẳng đến nơi tiêu thụ mà không thể lắp đặt trạm cân; cụ thể như sau:

Phạt cảnh cáo đối với trường hợp khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường với công suất được phép khai thác hàng năm nhỏ hơn 30.000 m3/năm; Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường không sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản này;

Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường có sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản này; Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với khai thác khoáng sản bằng phương pháp lộ thiên, trừ trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và điểm e khoản này; Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với khai thác khoáng sản bằng phương pháp hầm lò, trừ trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và điểm e khoản này; Phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với khai thác khoáng sản độc hại.

Như vậy, các hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông, suối, hồ, cửa sông, cát, sỏi ở vùng nước nội thủy ven biển sử dụng thiết bị bơm hút, xúc bốc trực tiếp lên tàu, thuyền, ghe và vận chuyển thẳng đến nơi tiêu thụ mà không thể lắp đặt trạm cân thì không phải lắp trạm cân. Tuy nhiên, các hoạt động khai thác này bắt buộc phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình và lưu trữ dữ liệu, thông tin về vị trí, hành trình di chuyển của phương tiện. Nếu không lắp sẽ bị phạt cảnh cáo và phạt tiền tùy theo mức độ vi phạm.

WMO kêu gọi chuyển đổi sang năng lượng sạch ứng phó với biến đổi khí hậu

Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) vừa công bố một báo cáo kêu gọi các chính phủ trên toàn cầu chuyển đổi năng lượng hiện tại sang năng lượng sạch hơn như năng lượng mặt trời, năng lượng gió và thủy điện.

Theo ông Petteri Taalas - Tổng Thư ký Tổ chức Khí tượng thế giới, việc sử dụng năng lượng chịu trách nhiệm cho khoảng 75% lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu, chuyển sang sản xuất năng lượng sạch hơn và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng là điều quan trọng nếu chúng ta muốn phát triển mạnh trong thế kỷ 21. Ông cho rằng, các nước sẽ chỉ đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 khi tăng gấp đôi nguồn cung cấp điện phát thải thấp trong vòng 8 năm tới.

Tiếp cận với thông tin và dịch vụ về thời tiết, nước và khí hậu đáng tin cậy sẽ ngày càng quan trọng để tăng cường khả năng phục hồi của cơ sở hạ tầng năng lượng trong bối cảnh khả năng phục hồi này đã tăng 30% trong 10 năm qua.

“Thời gian không dừng lại và khí hậu đang thay đổi trước mắt chúng ta”, người đứng đầu WMO cho biết khi ông kêu gọi chuyển đổi hoàn toàn hệ thống năng lượng toàn cầu.

Báo cáo tập trung vào năng lượng - một yếu tố quan trọng để hiện thực hóa các thỏa thuận quốc tế về phát triển bền vững, biến đổi khí hậu và “sức khỏe” của Trái đất.

Biến đổi khí hậu ảnh hưởng trực tiếp đến việc cung cấp nhiên liệu, sản xuất năng lượng và khả năng phục hồi của cơ sở hạ tầng năng lượng hiện tại và tương lai. Các đợt nắng nóng và hạn hán đang gây áp lực lên việc sản xuất năng lượng hiện tại, khiến việc giảm phát thải nhiên liệu hóa thạch và làm rõ các tác động ngày càng khắc nghiệt của hiện tượng thời tiết, nước và khí hậu càng trở nên quan trọng hơn.

Trong bối cảnh đó, việc chuyển đổi sang năng lượng tái tạo sẽ giúp giảm bớt căng thẳng ngày càng tăng đối với việc cung cấp nước, vì lượng nước được sử dụng để tạo ra điện bằng năng lượng mặt trời và gió thấp hơn nhiều so với các nhà máy điện truyền thống khác, sử dụng nhiên liệu hóa thạch hoặc hạt nhân.

Australia cảnh báo tình trạng khẩn cấp do sự xuất hiện của các cơn bão Supercell

Sáng nay (20/10), Cục Khí tượng Australia tiếp tục đưa ra cảnh báo khẩn cấp trên cả nước do các cơn bão Supercell xuất hiện, khiến tình trạng lũ lụt, mưa đá, lốc xoáy ngày càng nghiêm trọng trên khắp miền Đông Australia, buộc chính phủ phải ban bố lệnh di tản khẩn cấp người dân khỏi các khu vực nguy hiểm.

Từ đầu tháng 10 đến nay, mưa lớn và giông bão đã diễn ra trên khắp miền Đông và Đông Nam Australia, mang theo những trận lũ lụt, sạt lở, mưa đá và lốc xoáy nghiêm trọng, tàn phá các khu dân cư, nhà xưởng, hoa màu và các khu bảo tồn. Chỉ trong đêm qua, nhiều khu vực tại bang New South Wales đã ghi nhận lượng mưa trung bình kỷ lục, cao nhất trong 22 năm qua. Tất cả các bang khu vực phía Đông Australia đã liên tục nâng cao mức độ cảnh báo và ban bố các lệnh di dời bắt buộc đối với người dân tại các khu vực nguy hiểm.

Các lực lượng như quân đội, cảnh sát, cứu hộ và tình nguyện viên trong cả nước đã được huy động tới các khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề để hỗ trợ cho người dân di tản, bảo vệ tài sản, gia cố các đập chắn nước và tổ chức tìm kiếm, giải cứu các nạn nhân mắc kẹt tại các khu vực đang bị nước lũ cô lập, tàn phá.

Tin tức môi trường nổi bật ngày 20/10: Biển Đông khả năng đón tiếp một cơn bão trong tuần sau - Ảnh 2
Cục Khí tượng Australia tiếp tục đưa ra cảnh báo khẩn cấp trên cả nước do các cơn bão Supercell xuất hiện.

Tại bang Victoria, Trung tâm Dịch vụ Khẩn cấp đã yêu cầu người dân tại nhiều khu vực phải di tản ngay lập tức tới các khu vực cao hơn. Chính quyền bang đã mở 11 trung tâm cứu trợ, ít nhất 50 điểm thu gom bao cát; triển khai thường xuyên 12 máy bay tuần tra cứu hộ, 02 máy bay trực thăng quân sự để giám sát tình hình các dòng chảy và tìm kiếm cứu nạn. 

Sáng nay (20/10), Cục khí tượng Australia cũng cảnh báo, tình hình ngày càng có dấu hiệu xấu đi khi các cơn bão Supercell hình thành và bắt đầu càn quét qua các dải đất nửa phía đông của Australia, từ khu vực Đông Bắc bang Queensland, qua bang New South Wales và xuống phía Nam, bang Tasmania. Supercell là loại bão có cường độ mạnh nhất và đặc biệt nguy hiểm, nó có khả năng tạo ra các đợt mưa đá khổng lồ, gió giật mạnh trên cấp 12, lốc xoáy và lũ quét cục bộ.

Theo dự báo, ngày mai, các cơ bão supercell sẽ di chuyển đến trung tâm của bang Queensland, nhưng các cơn bão này cũng có thể đột nhiên hình thành và xảy ra ngay dưới khu vực bờ biển phía Đông và Đông Nam, bao gồm cả nửa phía Đông của New South Wales. Đợt bùng phát giông bão hiện tại sẽ tiếp tục kéo dài trên khắp miền đông Australia ít nhất cho đến đầu tuần sau.

Ông Jonathan Howet, chuyên viên cao cấp của Cục Khí tượng Australia cho biết: “Chúng tôi thực sự quan ngại về tình hình các khu vực nội địa miền Đông Australia. Khả năng giông bão nghiêm trọng sẽ xảy ra từ Tháp Charters ở phía bắc Queensland xuống tới Biloela và có thể xa tới khu vực Dubbo. Tất cả các khu vực kéo thẳng xuống phía Bắc Victoria sẽ phải hứng chịu giông bão với với lượng mưa lớn. Đối với những người ở nội địa phía Nam Queensland, sẽ có nguy cơ xảy ra gió lốc và các cơn mưa đá từ trung bình đến lớn”.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường nổi bật ngày 20/10: Biển Đông khả năng đón tiếp một cơn bão trong tuần sau. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thời tiết những ngày cuối tháng 11 tại TPHCM ra sao?
Theo Cơ quan khí tượng, trong ngày 28/11 TPHCM có khả năng có mưa rào và dông rải rác với một vài nơi có mưa vừa. Trong những ngày còn lại, thời tiết không mưa hoặc chỉ có mưa vài nơi với lượng không đáng kể.
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng, người dân chưa cảm nhận được cái lạnh. Do đợt không khí lạnh này về rất khô, trời ít mây và có nắng nên nhiệt độ thấp nhất thường rơi vào đêm và sáng sớm, ban ngày ít cảm nhận được lạnh.

Tin mới