Thứ bảy, 20/04/2024 13:59 (GMT+7)
Thứ năm, 20/10/2022 06:48 (GMT+7)

Tăng cường các hoạt động vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh mùa mưa bão

Theo dõi KTMT trên

Để đảm bảo nước sạch, vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh bảo vệ sức khỏe Nhân dân, Sở Y tế yêu cầu các đơn vị tiếp tục thực hiện nghiêm những chỉ đạo.

Theo đó, Sở Y tế Hà Nội nhận được Công văn số 556/MT-SKHC ngày 7/10/2022 của Cục Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế, về việc tăng cường các biện pháp vệ sinh môi trường, phòng chống dịch mùa bão lũ.

Sở Y tế Hà Nội đã có Công văn số 4613/SYT-NVY gửi các đơn vị y tế trong và ngoài công lập, về việc tăng cường thực hiện biện pháp vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh mùa bão lũ năm 2022. Để đảm bảo nước sạch, vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe Nhân dân, Sở Y tế yêu cầu các đơn vị tiếp tục thực hiện nghiêm những chỉ đạo của Sở Y tế.

Tăng cường các hoạt động vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh mùa mưa bão - Ảnh 1
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Sở Y tế đề nghị các trung tâm y tế quận, huyện, thị xã phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện tham mưu cho UBND các quận, huyện, thị xã rà soát, bổ sung kế hoạch triển khai công tác vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh, đảm bảo nước sạch, quản lý chất thải y tế, khi xảy ra bão lũ trên địa bàn. Tiếp tục kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch sử dụng cho sinh hoạt, nguồn nước hộ gia đình, sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, các hoạt động vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh tại các khu vực công cộng, khu tránh trú… theo phân cấp tại địa phương.

Tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân về các biện pháp xử lý, trữ nước, sử dụng nước an toàn cho gia đình, vệ sinh môi trường, đảm bảo vệ sinh cá nhân, phòng chống dịch bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Bố trí nhân lực, dự trù và cung cấp đủ thuốc, hóa chất… đảm bảo xử lý nước, môi trường, phòng chống dịch tại các khu vực bị ngập sâu khi nước rút.

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Tĩnh (CDC Hà Tĩnh), đến hết ngày 2/10, toàn tỉnh có 23 xã, 53 thôn, gần 3.971 hộ và 1.783 giếng và 1.597 công trình vệ sinh bị ngập. Với phương châm “nước rút đến đâu, xử lý môi trường đến đó”, CDC Hà Tĩnh đã cử các đội cơ động phòng chống, dịch có mặt tại các địa phương bị ngập nặng để tiến hành hướng dẫn làm vệ sinh môi trường, xử lý ô nhiễm môi trường ngay sau khi nước đã rút đảm bảo không để xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường thứ phát và phát sinh dịch bệnh.

Trước đó để chủ động phòng chống dịch bệnh mùa bão, lũ, CDC Hà Tĩnh đã chủ động cấp 530.000 viên Aquatab, 1.800kg CloraminB, 1.272 chai nước rửa tay, 50.000 khẩu trang y tế cho các Trung tâm y tế huyện, thị, thành phố.

Với thời tiết như hiện nay, nguy cơ bùng phát dịch bệnh sau mưa lụt là rất cao. Vì vậy, CDC Hà Tĩnh cũng đề nghị Trung tâm y tế các huyện/thị xã/ thành phố phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương chủ động nguồn lực, chuẩn bị trang thiết bị, phương tiện để sẵn sàng triển khai hoạt động thu gom rác, vệ sinh môi trường sau mưa bão, lũ lụt; tổ chức huy động người dân vệ sinh khu dân cư, đường làng, ngõ xóm, khơi thông cống rãnh, dòng chảy, đặc biệt là vệ sinh các khu vực chuồng trại chăn nuôi tại các hộ gia đình; chủ động bố trí kinh phí để mua hóa chất xử lý môi trường và Cloramin B nhằm kịp thời cấp phát cho người dân vùng ngập lụt xử lý nước; hướng dẫn người dân sửa chữa các giếng nước, bể chứa và khử trùng để chủ động về nguồn nước đảm bảo vệ sinh phục vụ sinh hoạt và hạn chế tối đa nguy cơ bùng phát dịch bệnh.

Ngoài ra, Sở Y tế cũng yêu cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát các trung tâm y tế quận, huyện, thị xã triển khai các hoạt động đảm bảo vệ sinh môi trường, nước sạch, quản lý chất thải y tế, phòng chống dịch bệnh trước, trong và sau khi bão lũ xảy ra.

Tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng nước dùng cho ăn uống, sinh hoạt, công tác thu gom, xử lý chất thải y tế, vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh trong các cơ sở y tế hoặc trọng các khu vực tránh trú an toàn. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về công tác phòng chống dịch bệnh bằng các hình thức đa dạng.

Theo Bộ Y tế, trong và sau mưa bão, lũ lụt sẽ có rất nhiều vi sinh vật, bụi, rác, chất thải… theo dòng nước tràn ra nhiều nơi, gây ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch bệnh. Theo tài liệu truyền thông của Bộ Y tế, trong và sau mưa bão, lũ lụt sẽ có rất nhiều nguy cơ gây ô nhiễm, dễ phát sinh dịch bệnh. Mưa và ngập lụt là điều kiện thuận lợi để các loại vi khuẩn, virus và trung gian truyền bệnh sinh sôi phát triển và gây bệnh cho con người.

Những dịch bệnh thường hay gặp trong mùa mưa bão và lũ lụt là: tiêu chảy cấp, bệnh đường hô hấp, bệnh về mắt, bệnh ngoài da, sốt xuất huyết, đặc biệt là nguy cơ của dịch Covid-19 trong điều kiện bão lũ, thiên tai. Bộ Y tế đề nghị các cơ quan, đơn vị và người dân chủ động, tham gia thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh, dịch trong bão lụt và mưa lũ. Trong đó, tập trung vào 10 khuyến cáo về biện pháp phòng chống dịch chung sau mưa bão và lũ lụt của Bộ Y tế.

Đảm bảo lựa chọn thực phẩm và chế biến thực phẩm an toàn, hợp vệ sinh, ăn thức ăn nấu chín và nước đun sôi. Thường xuyên rửa tay với xà phòng trước và sau khi chế biến thực phẩm, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Vệ sinh cá nhân hàng ngày, rửa chân sạch và lau khô các kẽ ngón chân sau khi tiếp xúc với nước lũ, nước bị nhiễm bẩn. Tiêu diệt loăng quăng/bọ gậy, diệt muỗi bằng cách đậy kín các bể, thùng chứa nước, thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn, loại bỏ các phế thải như chai, lọ, lốp ô tô… hoặc các hốc nước tự nhiên để không cho muỗi đẻ trứng.

Mắc màn khi ngủ kể cả ban ngày. Thau rửa bể nước, giếng nước, dụng cụ chứa nước; Dùng hóa chất để khử trùng nước ăn uống và sinh hoạt theo hướng dẫn của nhân viên y tế. Thực hiện nguyên tắc nước rút đến đâu làm vệ sinh đến đấy. Thu gom, xử lý và chôn xác súc vật theo hướng dẫn của nhân viên y tế. Khi có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm bệnh, cần đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế gần nhất.

10 khuyến cáo về biện pháp phòng chống dịch chung sau mưa bão và lũ lụt của Bộ Y tế:

1. Đảm bảo lựa chọn thực phẩm và chế biến thực phẩm an toàn, hợp vệ sinh, ăn thức ăn nấu chín và nước đun sôi.

2. Thường xuyên rửa tay với xà phòng trước và sau khi chế biến thực phẩm, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.

3. Vệ sinh cá nhân hàng ngày, rửa chân sạch và lau khô các kẽ ngón chân sau khi tiếp xúc với nước lũ, nước bị nhiễm bẩn.

4. Tiêu diệt loăng quăng/bọ gậy, diệt muỗi bằng cách đậy kín các bể, thùng chứa nước, thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn, loại bỏ các phế thải như chai, lọ, lốp ô tô… hoặc các hốc nước tự nhiên để không cho muỗi đẻ trứng.

5. Mắc màn khi ngủ kể cả ban ngày.

6. Thau rửa bể nước, giếng nước, dụng cụ chứa nước;

7. Dùng hóa chất để khử trùng nước ăn uống và sinh hoạt theo hướng dẫn của nhân viên y tế.

8. Thực hiện nguyên tắc nước rút đến đâu làm vệ sinh đến đấy.

9. Thu gom, xử lý và chôn xác xúc vật theo hướng dẫn của nhân viên y tế.

10. Khi có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm bệnh, cần đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế gần nhất.   

An Như

Bạn đang đọc bài viết Tăng cường các hoạt động vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh mùa mưa bão. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Huy động thêm 400 người tham gia chữa cháy rừng tại Cà Mau
Tỉnh Cà Mau đã huy động thêm 400 người tham gia cháy rừng tại Nông trường 402, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời. Đến khoảng gần 3 giờ ngày 11/4, đám cháy cơ bản được khống chế, không để xảy ra cháy lan ra khu vực lân cận.

Tin mới