Thứ sáu, 19/04/2024 23:01 (GMT+7)
Thứ hai, 17/10/2022 18:10 (GMT+7)

Cập nhật tin tức môi trường nổi bật ngày 17/10

Theo dõi KTMT trên

Bão số 6 mạnh hay yếu phụ thuộc rất lớn vào không khí lạnh; Nước lũ rút chậm, người dân Huế phải di chuyển bằng ghe, thuyền; Ninh Bình: Trồng mới 5000 cây chắn sóng, bảo vệ môi trường... là những tin tức môi trường nổi bật ngày hôm nay.

Bão số 6 mạnh hay yếu phụ thuộc rất lớn vào không khí lạnh

Dự báo bão số 6 sẽ chịu ảnh hưởng bởi không khí lạnh, nếu không khí lạnh mạnh bão sẽ suy yếu nhanh và tan dần. Tuy nhiên, không khí lạnh không mạnh như dự báo mà yếu nhanh thì khi bão vào gần bờ vẫn mạnh cấp 8-9.

Thông tin tại cuộc họp ứng phó với bão số 6 (bão Nesat) do Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai tổ chức ngày 17/10, ông Hoàng Phúc Lâm - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, hiện không khí lạnh tiếp tục ảnh hưởng đến nước ta, gió trên Vịnh Bắc Bộ sẽ mạnh lên cấp 6-7. Không khí lạnh bắt đầu ảnh hưởng và tương tác xa với bão số 6.

Cập nhật tin tức môi trường nổi bật ngày 17/10 - Ảnh 1
Vị trí và đường đi của cơn bão số 6 (Bão NESAT).

"Trong quá khứ khi các cơn bão gặp không khí lạnh mạnh thường suy yếu nhanh. Do đó, thời điểm hiện tại, không khí lạnh mới tương tác với bão số 6 ở khoảng cách xa nên bão vẫn có khả năng mạnh thêm. Trong ngày hôm nay và ngày mai (18/10), bão số 6 có thể đạt cường độ cực đại ở cấp 12-13, giật cấp 15", ông Lâm nhận định.

Theo ông Hoàng Phúc Lâm, do ảnh hưởng của bão, khu vực Bắc Biển Đông dự báo sẽ có gió cấp 9-10, sóng biển cao 8-10m; giữa Biển Đông gió cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8, giật cấp 10, sóng biển cao từ 3-5m.

"Dự báo, sau khi đạt cường độ cực đại trong hôm nay và ngày mai, bão số 6 sẽ suy yếu nhanh do không khí lạnh xâm nhập mạnh. Khi vào vùng biển Trung Bộ bão suy yếu thành áp thấp nhiệt đới".

Ông Hoàng Phúc Lâm cho rằng, với kịch bản dự báo như vậy, gió mạnh trên đất liền do bão là "không đáng lo ngại" và mưa cũng không nhiều. Tuy nhiên, khi đới gió Đông Bắc hoạt động mạnh, mưa sẽ xuất hiện nhiều ở khu vực Đông Bắc Bắc Bộ, đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, còn khu vực Bắc và Trung Trung Bộ mưa ít hơn.

Đến khi bão tan, không khí lạnh di chuyển sâu xuống phía Nam, lúc này khu vực Trung Trung Bộ sẽ xuất hiện mưa dài ngày nhưng không to, dao động khoảng 50mm/ngày.

Ngoài ra, theo tính toán của Trung tâm khí tượng thủy văn Quốc gia, trong ngày 19-20/10, bão có thể tan ngay trên biển, xác suất này là 30-40%.

Kịch bản đáng lo ngại là không khí lạnh không mạnh như dự báo mà yếu nhanh thì khi bão vào gần bờ vẫn đạt cường độ cấp 8-9, xác suất này chỉ khoảng 5%.

Hiện tượng cá chết tại hồ Tây là do thay đổi thời tiết

Sáng 17/10, trao đổi với báo chí về hiện tượng cá chết xảy ra tại hồ Tây những ngày gần đây, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, nguyên nhân chính là do ảnh hưởng thay đổi thời tiết. Được biết, hiện tượng cá ở hồ Tây chết diễn ra từ đầu tháng 10/2022. Sau hơn hai tuần, đến nay, hiện tượng này vẫn tiếp diễn.

Người dân khu vực cho biết, cá chết đa phần là cá trôi, cá mè, cá chép… Thậm chí, có những con cá to nặng 3-5 kg/con cũng chết nổi trên mặt nước, bị gió thổi dạt vào bờ.

Về công tác quản lý hồ Tây, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, có nhiều đơn vị được UBND thành phố phân công quản lý. Trong đó, UBND quận Tây Hồ quản lý chung; Sở Tài nguyên và Môi trường quản lý về chất lượng nước; Sở Công Thương quản lý về nuôi trồng thủy sản; Sở Xây dựng quản lý mực nước như một hồ điều hòa phục vụ công tác thoát nước (quản lý các cửa phai, vớt bèo).

Ông Bùi Ngọc Uyên, Phó Trưởng phòng Đối ngoại - Truyền thông, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cho hay, trước hiện tượng cá chết gây ô nhiễm nước hồ Tây, Xí nghiệp Thoát nước số 1 đã tổ chức nhiều lượt công nhân bơi thuyền vớt cá. Những ngày đầu tháng 10, mỗi ngày, đơn vị thu gom 50-70kg cá chết, chủ yếu là cá trôi, cá mè. Một tuần nay, hiện tượng cá chết đã giảm dần, song vẫn xuất hiện. Đơn vị vẫn tiếp tục theo dõi và vệ sinh hồ thường xuyên.

Theo Sở Xây dựng, nguyên nhân cá chết tại hồ Tây có thể là do người dân thả phóng sinh nên cá chưa thích nghi được với môi trường sống mới. Bên cạnh đó, còn do nguyên nhân ảnh hưởng của thay đổi thời tiết. Đây là hiện tượng bình thường khi thời tiết thay đổi từ mưa sang nắng. Bước đầu, chưa phát hiện việc đầu độc hay ô nhiễm nguồn nước dẫn đến cá bị chết.

Về giải pháp, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội đang chỉ đạo Xí nghiệp Thoát nước số 1 tổ chức thu vớt cá chết để xử lý theo quy định; tổ chức điều tiết nước tại hồ hợp lý; đồng thời, tiếp tục phối hợp với Ban Quản lý hồ Tây thuộc UBND quận Tây Hồ giữ vệ sinh môi trường tại các tuyến đường quanh hồ, thu vớt rác trên mặt hồ.

Nước lũ rút chậm, người dân Huế phải di chuyển bằng ghe, thuyền

Theo thống kê của UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế, đợt mưa lũ này khiến hơn 70% tuyến đường của 36 phường, xã tại TP.Huế bị ngập. Các tuyến đường khu vực bắc sông Hương (Vạn Xuân, Chi Lăng, Bạch Đằng, Mai Thúc Loan...) ngập bình quân 0,4-0,6 m có nơi cao hơn; các tuyến đường khu vực nam sông Hương (Hùng Vương, Trường Chinh, Trần Quang Khải, Bến Nghé, Đống Đa...) ngập bình quân 0,3 - 0,5 m có nơi cao hơn.

đến chiều 16/10, nước lũ tại TP.Huế vẫn rút rất chậm, việc đi lại của người dân bằng các phương tiện như ô tô, xe máy... gặp khó khăn. Họ phải sử dụng ghe, thuyền hay ca nô để di chuyển.

Cập nhật tin tức môi trường nổi bật ngày 17/10 - Ảnh 2
Nước lũ rút chậm, người dân Huế phải di chuyển bằng ghe, thuyền

Nhiều cửa hàng ở các tuyến đường trung tâm TP.Huế vẫn đóng cửa vì nước chưa thể thoát, nhiều khu vực vẫn chưa có điện. Ngành điện cho hay đang gấp rút kiểm tra, đóng điện cho các khu vực an toàn.

Ông Phan Thanh Hùng, Chánh văn phòng Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, hiện tại trưa 16/10, mực nước trên sông Bồ là 4,46 m (xấp xỉ báo động 3), mực nước trên sông Hương là 3,15 m (dưới báo động 3 là 0,35 m).

“Mực nước các sông đang xuống chậm, dao động ở mức cao, các hồ chứa vẫn đang điều tiết giảm lũ hạ du...”, ông Hùng nói.

Hiện các vùng thấp trũng khác trong toàn tỉnh vẫn bị ngập, cô lập. Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh để nghị các sở, ngành, địa phương tiếp tục triển khai công tác ứng phó với mưa lũ; tăng cường tuyên truyền thông tin trên các phương tiện truyền thông đại chúng; tuyên truyền cho học sinh, phụ huynh phòng tránh tai nạn thương tích đuối nước có thể xảy ra trong và sau lũ; nghiêm cấm người không có áo phao cứu sinh lưu thông trên các phương tiện nổi trên sông, hồ, đầm phá; bố trí lực lượng kiểm soát, rào chắn, đảm bảo an toàn giao thông...

Thành công từ mô hình xử lý rác thải hữu cơ cao với chi phí thấp

Nam Định là một tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, những năm qua, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, đời sống nhân dân được nâng lên đã làm gia tăng các tác nhân gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là nguy cơ ô nhiễm môi trường cục bộ ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh. Trong đó, các nguy cơ ô nhiễm từ chất thải rắn phát sinh từ các hoạt động sinh hoạt và sản xuất đang ngày càng gia tăng.

Xuất phát từ thực trạng và nhu cầu cần xử lý rác thải trên địa bàn, UBND tỉnh Nam Định đã có nhiều chính sách, định hướng cụ thể về quản lý, xử lý rác thải sinh hoạt nông thôn. Cụ thể, Kế hoạch số 87/KH-UBND về thực hiện điều chỉnh Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050. Quyết định số 2081/QĐ-UBND về việc ban hành Đề án “Quản lý, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 – 2025”. Chỉ thị số 02/CT-UBND ngày của UBND tỉnh về một số giải pháp cấp bách tăng cường quản lý chất thải rắn...

Theo đó, Nam Định đã triển khai mô hình thu gom, phân loại rác thải sinh hoạt và xử lý rác thải hữu cơ làm phân bón tại hộ gia đình với cách làm rất thiết thực. Cụ thể, bước 1 là lựa chọn các hộ tham gia thực hiện mô hình. Theo đó, Hội Nông dân cơ sở triển khai tuyên truyền, phổ biến rộng rãi những thông tin cơ bản về mô hình cho cán bộ, hội viên, nông dân trên địa bàn; Tổ chức họp dân chọn cử hộ hội viên nông dân tham gia xây dựng mô hình. Trong đó phổ biến mục đích, ý nghĩa của việc xây dựng mô hình; đưa ra các tiêu chí lựa chọn hộ hội viên tham gia thực hiện.

Bước 2 là tập huấn nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng thu gom, phân loại rác thải sinh hoạt; hướng dẫn quy trình kỹ thuật xử lý rác thải hữu cơ làm phân bón cho các hộ tham gia mô hình. Trong đó, nội dung tập huấn tập trung các nội dung Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020; Hướng dẫn thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; Hướng dẫn quy trình kỹ thuật phân loại rác thải sinh hoạt, xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón tại hộ gia đình.

Bước 3 là hỗ trợ trang thiết bị cho các hộ tham gia mô hình: gồm nắp đậy hố ủ rác hữu cơ và chế phẩm vi sinh hỗ trợ xử lý chất thải hữu cơ làm phân bón. Bước 4 là kiểm tra, giám sát.

Ninh Bình: Trồng mới 5000 cây chắn sóng, bảo vệ môi trường

Với thông điệp “Vì tương lai xanh, thêm cây, thêm sự sống”, Tỉnh đoàn Ninh Bình phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp & PTNT (Agribank) chi nhánh Nam Ninh Bình và huyện Kim Sơn triển khai công trình Rừng cây thanh niên chắn sóng tại Cồn Nổi.

Đây là hoạt động có ý nghĩa sâu sắc, là trách nhiệm không chỉ với mỗi địa phương, mà còn là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của các tầng lớp nhân dân cùng chung tay, góp sức để bảo vệ môi trường biển.

Để Rừng cây thanh niên chắn sóng phát triển tốt, lãnh đạo Tỉnh đoàn Ninh Bình đề nghị Huyện đoàn Kim Sơn và Đoàn thanh niên Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh tích cực, chủ động chăm sóc rừng cây, trồng bổ sung kịp thời những cây bị khô héo.

Việc triển khai Công trình Rừng cây thanh niên chắn sóng là hoạt động thiết thực nhằm thực hiện Đề án trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025 của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời là hoạt động tiêu biểu nằm trong chuỗi các hoạt động của tuổi trẻ toàn tỉnh chào mừng thành công Đại hội đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2022-2027.

Cũng trong dịp này, lãnh đạo Tỉnh đoàn đã phát động phong trào trồng cây xanh tới toàn thể đoàn viên, thanh niên trong toàn tỉnh nhằm tích cực thực hiện Nghị quyết Đại hội ngay từ đầu nhiệm kỳ. Đồng thời, kêu gọi cấp ủy chính quyền địa phương các cấp, mọi người dân tích cực tham gia trồng cây vùng ven biển, vùng đất trống, đồi trọc, chắn gió, chắn sóng bảo vệ môi trường biển, bảo vệ đê biển, chống xói mòn, chống cát bay… Tích cực tham gia trồng rừng, bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng chặt phá, đốt rừng, khai thác rừng trái pháp luật, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập; đặc biệt, cải thiện chất lượng cuộc sống cho nhân dân, giữ gìn môi trường sống bền vững cho con cháu muôn đời sau.

Lũ lụt kinh hoàng khiến hơn 600 người Nigeria thiệt mạng

Đợt lũ lụt tồi tệ nhất suốt một thập kỷ nhấn chìm một phần Nigeria trong biển nước, cướp đi sinh mạng của hơn 600 người và buộc 1,3 triệu người phải rời bỏ nhà cửa.

Tuần trước, số người thiệt mạng được công bố vào khoảng 500 người. Giới chức Nigeria cho rằng, việc chính quyền một số bang chưa có kinh nghiệm ứng phó với lũ lụt cộng với việc cơ sở hạ tầng kém phát triển ở nhiều nơi đã khiến số nạn nhân tăng lên đáng kể.

Cập nhật tin tức môi trường nổi bật ngày 17/10 - Ảnh 3
Hơn 600 người Nigeria thiệt mạng trong trận lũ lụt kinh hoàng vừa qua.

Vẫn theo Bộ Nhân đạo Nigeria, lũ lụt cũng đã cuốn trôi hơn 82.000 ngôi nhà và gần 110.000 hecta sản xuất nông nghiệp. Đợt thiên tai đã ảnh hưởng tới 27 trong tổng số 36 bang của Nigeria. Tình trạng ngập lụt được dự báo tiếp tục kéo dài đến hết tháng 11/2022.

Chương trình Lương thực Thế giới và Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc hồi tháng 9/2022 cảnh báo, Nigeria thuộc nhóm 6 nước có nguy cơ cao xảy ra nạn đói thảm khốc.

Đợt lũ lụt đang diễn ra được cho là sẽ tác động tiêu cực đến hoạt động cung cấp lương thực cũng như giá cả hàng hóa tại quốc gia này.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Cập nhật tin tức môi trường nổi bật ngày 17/10. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hà Nội sắp đón mưa lớn
Theo Dự báo của Trung tâm khí tượng thuỷ văn quốc gia, đêm nay (17/4) Hà Nội sẽ đón mưa rào rải rác và có nơi có dông.

Tin mới