Thứ sáu, 26/04/2024 11:10 (GMT+7)
Thứ ba, 19/07/2022 17:11 (GMT+7)

Tin tức môi trường nổi bật ngày 19/7

Theo dõi KTMT trên

Xây hơn 1.000 nhà tránh lũ hỗ trợ người dân các địa phương; Nhiều nơi ở miền Bắc mưa to trong 3 ngày tới; Hải Phòng đề xuất xây dựng nhà máy đốt rác phát điện công suất 2.000 tấn rác/ngày... là những tin tức môi trường nổi bật ngày 19/7.

Xây hơn 1.000 nhà tránh lũ hỗ trợ người dân các địa phương

Thực hiện Đề án :Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2019-2022", tuổi trẻ cả nước đã xây dựng hơn 1.000 nhà tránh lũ tặng bà con các địa phương.

Theo thống kê, trong giai đoạn 2019-2022, các cấp bộ Đoàn trên cả nước đã triển khai hơn 390 nghìn vườn ươm cung cấp cây xanh, hơn 8.000 lớp tập huấn nâng cao năng lực bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu với hơn 680 nghìn đoàn thanh niên tham gia.

Ba năm qua, gần 95 nghìn chi đoàn khu dân cư đã đăng ký thực hiện “Tuyến đường sáng-xanh-sạch-đẹp”. Ở cấp tỉnh và cấp huyện, đã có lần lượt gần 1.600 và khoảng 12.700 công trình thanh niên bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu. Tương tự, có hơn 16.700 ý tưởng khởi nghiệp, lập nghiệp liên quan nội dung Đề án của thanh niên được triển khai mới.

Tin tức môi trường nổi bật ngày 19/7 - Ảnh 1
Trung ương Đoàn tổ chức Hội nghị Tổng kết Đề án "Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, giai đoạn 2019 - 2022".

Đáng chú ý, nhờ những nỗ lực của tuổi trẻ cả nước và các bộ, ngành, tổ chức, đơn vị, đã có 1.052 nhà tránh lũ được xây dựng mới tặng bà con các địa phương. Tổng nguồn lực triển khai Đề án từ ngân sách nhà nước đạt hơn 53 tỷ đồng, nguồn xã hội hóa đạt hơn 122 tỷ đồng.

Cũng theo báo cáo của Trung ương Đoàn, toàn bộ 7 chỉ tiêu của Đề án đều đạt và vượt mức đề ra. Trong đó, các chỉ tiêu vượt mức, gồm: trồng mới 30 triệu cây xanh; tổ chức 8.000 lớp tập huấn; triển khai 200 công trình cấp tỉnh, 1.600 công trình cấp huyện bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; hỗ trợ 1.000 ý tưởng khởi nghiệp, mô hình khởi nghiệp, lập nghiệp; hỗ trợ xây 250 nhà tránh lũ.

Nhiều nơi ở miền Bắc mưa to trong 3 ngày tới

Sau cơn mưa giải nhiệt chiều tối 18/7, miền Bắc hôm nay tiếp tục trở lại với trạng thái oi nóng, trước khi đón mưa lớn diện rộng từ ngày mai. Dự báo mưa lớn sẽ diễn ra trong 3-4 ngày.

Tính đến 13h chiều nay, hàng loạt địa phương đã ghi nhận mức nhiệt trên 38 độ C, có nơi chạm ngưỡng 40 độ C như: Mường La, Yên Châu, Phù Yên (Sơn La); Mai Châu, Lạc Sơn (Hòa Bình); Việt Trì (Phú Thọ); Hiệp Hòa (Bắc Giang); Láng, Hà Đông (Hà Nội); Ninh Bình; Hồi Xuân, Tĩnh Gia (Thanh Hóa); Tương Dương, Quỳ Hợp, Con Cuông (40 độ C), Đô Lương, Vinh (Nghệ An); Hương Khê (Hà Tĩnh).

Chiều tối và đêm có mưa rào và dông vài nơi, riêng chiều tối ngày 20/7 khu vực từ Đà Nẵng đến Bình Thuận có mưa rào và dông rải rác; ngày 19/7 có nắng nóng và nắng nóng gay gắt, ngày 20/7 có nắng nóng cục bộ.

Các khu vực khác có mưa rào và dông vài nơi; riêng Tây Nguyên và Nam Bộ chiều tối có mưa rào và rải rác có dông, cục bộ có mưa vừa, mưa to.

Dự báo xa, Bắc Bộ từ đêm 20-22/7 có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa vừa, mưa to. Tại Hà Nội, trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia đưa ra nhận định trong 4 ngày tới (20-23/7) khả năng mưa đều cao, đặc biệt ngày 21-22/7 được dự báo khả năng mưa cao nhất lên tới 100%.

Trang Accuweather đưa ra nhận định từ mai nhiệt độ Hà Nội và miền Bắc sẽ giảm từ 37 độ xuống 32 độ C, và tiếp tục giảm trong những ngày tiếp theo, đến cuối tuần sẽ duy trì ở mức 32-33 độ C.

Hải Phòng đề xuất xây dựng nhà máy đốt rác phát điện công suất 2.000 tấn rác/ngày

UBND TP.Hải Phòng vừa có đề xuất xây dựng Nhà máy sử dụng công nghệ đốt rác thu hồi năng lượng để phát điện với công suất phát điện khoảng 40MW, công suất xử lý 2.000 tấn rác/ngày.

Dự án Nhà máy đốt rác phát điện có công suất xử lý 2.000 tấn rác/ngày dự kiến được xây dựng tại Khu xử lý chất thải rắn Đình Vũ (quận Hải An). Nhà máy được phân kỳ đầu tư 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 có công suất xử lý 1.000 tấn rác/ngày, phát khoảng 20 MW điện với tổng mức đầu tư 2.498 tỷ đồng từ nguồn vốn ngoài ngân sách. Sau năm 2028, dây chuyền thứ 2 của Nhà máy cùng Nhà máy đốt rác phát điện thứ 2 có thể được xây dựng tại Trấn Dương (huyện Vĩnh Bảo) để có thể xử lý được 4.000 tấn rác/ngày.

Tin tức môi trường nổi bật ngày 19/7 - Ảnh 2
Hải Phòng đề xuất xây dựng nhà máy đốt rác phát điện công suất 2.000 tấn rác/ngày. 

Theo đó, nhà máy điện đốt rác có ưu điểm tiết kiệm quỹ đất sử dụng xử lý chất thải rắn sinh hoạt, thời gian hoạt động từ 30 – 50 năm. Nếu sử dụng công nghệ đốt rác phát điện tiên tiến còn có ưu điểm không phải phân loại nguồn rác từ đầu nguồn.

Theo đề án, đến 2025, Nhà máy đốt rác sinh hoạt phát điện Đình Vũ (giai đoạn 1) có công suất xử lý 1.000 tấn rác thải/ngày có thể sẽ được đầu tư, đi vào hoạt động.

Hải Phòng đặt mục tiêu đến năm 2050, các nhà máy điện rác cũng như công nghệ xử lý chất thải rắn sẽ được xử lý bằng công nghệ tiên tiến, hiện đại, không xử lý chất thải rắn bằng công nghệ chôn lấp.

Mỗi ngày, Hải Phòng phải xử lý khoảng gần 2.000 tấn rác thải, trong đó, rác thải đô thị là hơn 1100 tấn; rác thải ở khu vực nông thôn hơn 600 tấn. Còn lại là chất thải rắn công nghiệp; nông nghiệp; xây dựng; chất thải y tế nguy hại. Theo thời gian, khối lượng rác thải ngày càng tăng mà các cơ sở xử lý không theo kịp.

Theo tính toán của Hải Phòng, từ nay đến 2025, lượng rác thải sinh hoạt phát sinh khoảng hơn 1.700 tấn rác/ngày. Giai đoạn 2026 - 2027 lượng rác thải phát sinh khoảng 2.600 tấn rác/ngày. Giai đoạn 2028 - 2030, lượng rác thải trên địa bản Hải Phòng phát sinh khoảng 3.600 tấn rác/ngày.

Tiếp tục rà soát lại một số điều Luật Tài nguyên nước (sửa đổi)

Ngày 19/7, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành đã có buổi làm việc với Cục quản lý Tài nguyên nước về công tác xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 201/2013/NĐ- CP.

Theo báo cáo của Cục Quản lý Tài nguyên nước, thực hiện chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ về xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 201/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước. Cục đã phối hợp với Vụ Pháp chế và các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện việc soạn thảo dự thảo Nghị định theo đúng trình tự, thủ tục quy định.

Ông Châu Trần Vĩnh - Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước cho biết, Cục đã gửi các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức có liên quan và các đơn vị có liên quan trong Bộ để lấy ý kiến đối với dự thảo Nghị định. Đến nay, Cục Quản lý tài nguyên nước đã nhận được ý kiến góp ý của 11/15 Bộ; 58/63 Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh/Sở Tài nguyên và Môi trường; 7/11 đơn vị trực thuộc Bộ; 05/10 các tổ chức sử dụng nước lớn và không có ý kiến góp ý trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ.

Kết luận tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành đề nghị tập trung rà soát lại các chính sách mới để điều chỉnh một số nội dung phát sinh trong thực tiễn nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh; đảm bảo quyền, lợi ích của người dân, doanh nghiệp; xây dựng hệ thống chính sách pháp luật về tài nguyên nước đồng bộ, tổng hợp, thống nhất với các luật có liên quan.

Đức thiệt hại 145 tỷ euro do thời tiết cực đoan kể từ năm 2000

Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Bảo vệ khí hậu Đức cho rằng “khủng hoảng khí hậu đang leo thang trên toàn thế giới," nhấn mạnh hạn hán, cháy rừng đang xảy ra ở Nam Âu, lũ lụt ở Australia, Madagascar và Đức.

Các hiện tượng thời tiết cực đoan đã khiến Đức thiệt hại 145 tỷ euro (146,5 tỷ USD) kể từ năm 2000. Đây là kết quả nghiên cứu do Bộ Kinh tế và Bảo vệ khí hậu (BMWK) của Đức công bố ngày 18/7.

Theo nghiên cứu, phần lớn trong số tiền trên, khoảng 80 tỷ euro, là thiệt hại trong bốn năm qua, một nửa trong đó là thiệt hại do trận lũ lụt kinh hoàng xảy ra hồi tháng 7/2021 phá hủy hầu hết các làng mạc và khiến 186 người thiệt mạng.

Tin tức môi trường nổi bật ngày 19/7 - Ảnh 3
Các hiện tượng thời tiết cực đoan đã khiến Đức thiệt hại 145 tỷ euro (146,5 tỷ USD) kể từ năm 2000.

Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Bảo vệ khí hậu Robert Habeck cho rằng “khủng hoảng khí hậu đang leo thang trên toàn thế giới," nhấn mạnh hạn hán, cháy rừng đang xảy ra ở Nam Âu, lũ lụt ở Australia, Madagascar và Đức.

Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Môi trường Steffi Lemke nhận định nghiên cứu của Bộ Kinh tế và Bảo vệ khí hậu là một "tín hiệu báo động" cho thấy cần phải ngăn chặn khủng hoảng để tránh những thiệt hại nặng nề hơn nữa trên toàn cầu và nền kinh tế Đức.

Để đối phó với tình trạng khan hiếm khí đốt do ảnh hưởng từ cuộc xung đột tại Ukraine, Đức đã quyết định tái khởi động một số nhà máy nhiệt điện than để đảm bảo nguồn cung cấp điện.

Tuy nhiên, tại Đối thoại Khí hậu Petersberg ở Berlin do Đức và Ai Cập đồng chủ trì diễn ra ngày 18/7, Thủ tướng Đức Olaf Scholz khẳng định đây là một biện pháp khẩn cấp ngắn hạn sẽ không gây tổn hại các mục tiêu khí hậu của nước này.

Ông Scholz cũng nhắc lại cam kết của Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) cung cấp 100 tỷ USD hằng năm cho các nước nghèo hơn ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong đó, Đức tuyên bố đóng góp 6 tỷ euro chậm nhất vào năm 2025.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường nổi bật ngày 19/7. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới