Thứ bảy, 20/04/2024 01:06 (GMT+7)
Thứ hai, 18/07/2022 22:24 (GMT+7)

Tin tức môi trường nổi bật ngày 18/7

Theo dõi KTMT trên

Miền Bắc nắng nóng đỉnh điểm lên gần 40 độ C; Xác cá voi chục tấn bị mắc kẹt ở biển Vân Đồn; WMO cảnh báo chất lượng không khí tồi tệ do nắng nóng ở châu Âu... là những tin tức môi trường nổi bật ngày 18/7.

Miền Bắc nắng nóng đỉnh điểm lên gần 40 độ C, khi nào mới xuất hiện mưa dông?

Hôm nay 18/7, khu vực Bắc Bộ và khu vực từ Thanh Hóa đến Phú Yên tiếp tục nắng nóng hoặc nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao phổ biến 35-38 độ C, có nơi trên 39 độ C. Trạng thái này duy trì đến hết ngày mai 19/7. Thời gian có nhiệt độ cao trên 35 độ C trong 2 ngày này kéo dài từ 11h đến 17h. Từ ngày 20/7, nắng nóng có thể tiếp diễn ở Trung Bộ và giảm cường độ ở Bắc Bộ.

Cơ quan khí tượng cho biết, Hà Nội ghi nhận mức nhiệt cao nhất 38 độ C trong 2 ngày 18 - 19/7. Khu vực bước vào hai ngày đầu tuần với nắng nóng đỉnh điểm khi nhiều nơi có thể trên 38 độ C.

Tin tức môi trường nổi bật ngày 18/7 - Ảnh 1
Hà Nội ghi nhận mức nhiệt cao nhất 38 độ C trong 2 ngày 18 - 19/7. (Ảnh minh họa)

Trong khi đó, trang dự báo Accuweather cho biết nắng nóng gay gắt nhất trong đợt này sẽ xảy ra vào 2 ngày 18-19/7, khi nền nhiệt cao nhất tại Hà Nội chạm ngưỡng 37 độ C. Vào đầu giờ chiều, mức nhiệt cảm nhận ngoài trời ở mức 41 - 42 độ C. Đến giữa tuần (20/7), thời tiết thủ đô chuyển trạng thái nhiều mây, có nắng. Nền nhiệt giảm nhanh với mức cao nhất 33 - 34 độ C, chưa chạm ngưỡng nắng nóng. Kiểu thời tiết này duy trì đến cuối tuần.

Theo bản đồ dự báo thời tiết 10 ngày của Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho thấy, Hà Nội và các tỉnh, thành phố Bắc Bộ khả năng trải qua mưa dông vào các ngày 19 - 22/7. Mưa tập trung về chiều tối và đêm.

Cơ quan khí tượng cảnh báo ảnh hưởng của nắng nóng và nắng nóng gay gắt, người dân đề phòng nguy cơ cháy nổ và hỏa hoạn do nhu cầu sử dụng điện tăng cao. Trung Bộ đề phòng nguy cơ cháy rừng. Ngoài ra, nắng nóng có thể gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột quỵ do sốc nhiệt đối với cơ thể con người khi tiếp xúc lâu với nhiệt độ cao.

Xác cá voi chục tấn bị mắc kẹt ở biển Vân Đồn sẽ được xử lý ra sao?

Sáng nay 18/7, ngư dân đảo Quan Lạn, huyện Vân Đồn phát hiện xác một con cá voi đang phân hủy nằm sâu trong rừng ngập mặn bãi Mắm, thuộc địa phận thôn Tân Phong, xã Quan Lạn, huyện Vân Đồn.

Lãnh đạo xã Quan Lạn đã báo cáo UBND huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) phương án xử lý xác cá voi đang phân hủy tại rừng ngập mặn. Nhưng do thủy triều đang lên cao nên phải đợi đến hôm sau mới tiến hành chôn lấp xác cá voi ngay tại chỗ. Qua đo đạc, xác cá voi hiện chỉ còn mỗi khung xương và da, phần thân trong của cá đã bị thối rữa, chiều dài khoảng 5m, vòng bụng to nhất 1,5m.

Tin tức môi trường nổi bật ngày 18/7 - Ảnh 2
Sáng nay 18/7, ngư dân đảo Quan Lạn, huyện Vân Đồn phát hiện xác một con cá voi đang phân hủy nằm sâu trong rừng ngập mặn bãi Mắm. (Ảnh internet)

“Về phương án xử lý, xã đã báo cáo lãnh đạo huyện, tuy nhiên, hiện tại nước đang lên nên khó khăn trong việc xử lý xác cá voi. Ngày mai, ngay khi thủy triều rút, xã sẽ tổ chức lực lượng tiến hành chôn lấp xác cá voi ngay tại chỗ để đảm bảo vệ sinh môi trường biển”, vị đại diện thông tin.

Được biết, con cá voi nặng khoảng 10 tấn đang trong quá trình phân hủy, được người dân phát hiện khi trên đường đi đánh bắt hải sản, tại rừng ngập mặn ven bờ. Vị trí xác cá voi mắc kẹt xa khu dân cư, nhưng gần đường đi ra biển đào sá sùng của người dân.

Theo một số người dân Quan Lạn, thời điểm này thủy triều đang cao, có thể, xác cá dạt vào khu rừng ngập mặn này từ 1-2 ngày trước. Tuy nhiên, những ngày qua, đảo Quan Lạn có lễ hội truyền thống nên ngư dân không ra biển, vì vậy, hôm nay mới phát hiện ra.

Bình Định: Nhiều giải pháp nhằm giảm thiểu ô nhiễm đại dương

Vừa qua, UBND tỉnh Bình Định đã phối hợp với Chương trình phát triển LHQ tại Việt Nam (UNDP Việt Nam) tổ chức Hội thảo “Các giải pháp tổng hợp nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất thải rắn và nhựa tại Bình Định, hướng đến giảm thiểu ô nhiễm nhựa đại dương”.

Tham dự Hội thảo, các đại biểu nghe các báo cáo tham luận về: Hiện trạng quản lý chất thải sinh hoạt và chất thải nhựa ngành Thủy sản tại TP. Quy Nhơn; Hiện trạng và các giải pháp quản lý nhằm giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa đại dương; Một số đề xuất dự án cụ thể trong thời gian tới nhằm thúc đẩy quản lý chất thải rắn và giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa đại dương.

Trong khuôn khổ Hội thảo, UBND tỉnh Bình Định và UNDP Việt Nam đã ký kết Biên bản Ghi nhớ nhằm thúc đẩy hợp tác giữa hai bên trên các lĩnh vực: Kinh tế tuần hoàn và quản lý chất thải; kinh tế biển xanh, bao gồm quy hoạch không gian biển và quản lý tổng hợp đới bờ; thích ứng biến đổi khí hậu và đa dạng sinh học; hành động bom mìn và phát triển nông thôn bền vững.

Cụ thể, Dự án Làng Hòa Bình Việt Nam - Hàn Quốc tại tỉnh Bình Định với mục tiêu hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội của các cộng đồng địa phương vùng dự án đang sinh sống tại và xung quanh đất đai mới được rà phá bom mìn. Tăng cường khả năng thích ứng của các cộng đồng địa phương vùng dự án đối với bom mìn, vật liệu nổ, thiên tai và các rủi ro khác. Dự án được triển khai trên địa bàn 20 xã tại 6 huyện, thị xã của tỉnh Bình Định gồm: An Lão, Hoài Nhơn, Hoài Ân, Tây Sơn, Tuy Phước, Vân Canh với tổng mức đầu tư: 4.215.713 USD (tương đương 97,7 tỷ đồng), thời gian dự kiến thực hiện 5 năm từ 2022-2026.

WMO cảnh báo chất lượng không khí tồi tệ do nắng nóng ở châu Âu

Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cho biết, đợt nắng nóng ở châu Âu sẽ khiến chất lượng không khí tồi tệ hơn, đặc biệt là ở các thị trấn và thành phố.

Lorenzo Labrador, quan chức khoa học của WMO cho biết: “Bầu khí quyển ổn định và ngưng trệ giống như một cái nắp để bẫy các chất ô nhiễm trong khí quyển, bao gồm cả vật chất dạng hạt. Tình trạng này dẫn đến sự suy giảm chất lượng không khí và tác động tiêu cực đến sức khỏe con người, đặc biệt là những người dễ bị tổn thương”.

Tin tức môi trường nổi bật ngày 18/7 - Ảnh 3
WMO cảnh báo chất lượng không khí tồi tệ do nắng nóng ở châu Âu. (Ảnh: Reuters)

Các quan chức lo ngại về những ảnh hưởng đối với sức khỏe người dân và hệ thống chăm sóc sức khỏe đang phải đối mặt với đại dịch Covid-19 khi đợt nắng nóng kinh hoàng quét qua châu Âu, đặc biệt là cảnh báo về điều tồi tệ nhất ở Anh.

Không chỉ ở Anh, tại Bồ Đào Nha, Bộ trưởng Bộ Y tế Marta Temido cho biết hệ thống y tế phải đối mặt với một tuần rất đáng lo ngại do đợt nắng nóng và một số bệnh viện đã quá tải. Cơ quan y tế DGS cho biết từ ngày 7/7 đến ngày 13/7, Bồ Đào Nha đã ghi nhận 238 ca tử vong do đợt nắng nóng.

Đợt nắng nóng đã càn quét các quốc gia khác tại châu Âu như: Pháp, Croatia và Tây Ban Nha, gây ra các đám cháy rừng lớn, thiêu rụi nhà cửa và đe dọa sinh kế của người dân, khiến hàng nghìn người phải sơ tán.

Pháp ghi nhận nhiệt độ có thể tăng tới 42 độ C trong ngày 18/7

Pháp dự kiến sẽ ghi nhận mức nhiệt cao kỷ lục trong ngày 18/7 trong bối cảnh nắng nóng trải rộng trên cả nước, với nhiệt độ tăng dần từ Địa Trung Hải cho đến vùng Brittany ở Tây Bắc nước này.

Các nhà khí tượng học đã đặt 15 trạm quan trắc trên cả nước trong tình trạng cảnh báo cao nhất do nhiệt độ cao, trong đó có vùng Gironde ở Tây Nam nước Pháp, nơi vừa xảy ra cháy rừng nghiêm trọng.

Nhà khí tượng học Olivier Proust dự báo nhiệt độ khu vực rừng Landes, thuộc vùng Aquitaine, Tây Nam nước Pháp, có thể lên tới 42 độ C. Vùng Brittany, khu vực vừa trải qua đợt nắng nóng tồi tệ nhất, có thể ghi nhận nhiệt độ lên tới 40 độ C - mức cao kỷ lục đối với khu vực này.

Các nhà khoa học cho biết nguyên nhân trực tiếp dẫn tới hiện tượng thời tiết cực đoan ngày một tăng là do lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính tăng cao, khiến Trái Đất nóng lên.

Nhiệt độ tăng kéo theo nhiều vụ cháy rừng xảy ra tại Pháp và nhiều nước, buộc nông dân phải làm việc ban đêm để giảm thiểu nguy cơ các thiết bị thu hoạch có thể bắt lửa, thiêu hủy mùa màng.

Thống kê cho thấy đám cháy rừng ở Gironde, bùng phát từ ngày 12/7, đã thiêu hủy 13.000 ha đất, buộc 16.200 người phải sơ tán khỏi khu vực nguy hiểm. Đám cháy rừng Teste de Buch ở Tây Nam nước này đã lan tới biển và đang di chuyển về phía Nam.

Bộ Nội vụ Pháp đã điều thêm 3 máy bay cứu hỏa, nâng tổng số máy bay tham gia công tác chữa cháy lên 9 chiếc, đồng thời triển khai thêm 200 lính cứu hỏa cùng nhiều thiết bị để ngăn chặn cháy rừng.

Nhiệt độ trên khắp nước Pháp được dự báo là trên 30 độ C trong ngày 18/7 nhưng ở nửa phía Tây của đất nước nhiệt độ có thể lên tới từ 38 đến 40 độ C. Trong khi đó, giới chức một số khu vực của nước này cũng đưa ra cảnh báo ô nhiễm do nồng độ ozone cao.

Trong khi đó, các đợt nắng nóng gay gắt vào mùa Hè dự kiến sẽ quay trở lại trong tuần này trên khắp các khu vực rộng lớn của Trung Quốc và dự kiến kéo dài đến cuối tháng Tám tới, cho dù có những cơn mưa trái mùa xen lẫn ngắn ngủi.

Theo Cơ quan khí tượng Trung Quốc, dự kiến khu vực miền Nam Trung Quốc sẽ đón mức nhiệt từ 39 - 42 độ C, sau ngày 20/7. Nắng oi sẽ phổ biến trên cả nước, kéo dài trong khoảng 40 ngày, từ ngày 16/7 đến hết ngày 24/8, tăng 10 ngày so với mức thông thường.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường nổi bật ngày 18/7. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Huy động thêm 400 người tham gia chữa cháy rừng tại Cà Mau
Tỉnh Cà Mau đã huy động thêm 400 người tham gia cháy rừng tại Nông trường 402, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời. Đến khoảng gần 3 giờ ngày 11/4, đám cháy cơ bản được khống chế, không để xảy ra cháy lan ra khu vực lân cận.

Tin mới