Thứ năm, 25/04/2024 13:49 (GMT+7)
    Thứ hai, 06/06/2022 17:00 (GMT+7)

    Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 6/6

    Theo dõi KTMT trên

    Gói hỗ trợ lãi suất 2% góp phần giữ ổn định giá cả; Giá dầu Brent vượt 120 USD/thùng... là những tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất hôm nay 6/6/2022.

    Gói hỗ trợ lãi suất 2% góp phần giữ ổn định giá cả

    Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP.HCM cho biết hiện nay, toàn hệ thống ngân hàng đang rốt ráo triển khai gói tín dụng hỗ trợ 2% lãi suất từ nguồn ngân sách nhà nước theo Nghị định 31/2022 và Thông tư 03/2022 của NHNN nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp (DN), hợp tác xã và hộ kinh doanh.

    Theo quy định, có 11 nhóm ngành được hưởng chính sách hỗ trợ lãi suất 2%/năm gồm các ngành, lĩnh vực: hàng không, vận tải kho bãi, du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống; GD-ĐT; nông - lâm nghiệp - thủy sản; công nghiệp chế biến - chế tạo; xuất khẩu phần mềm, lập trình máy vi tính và hoạt động liên quan; thực hiện dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo chung cư cũ...

    Đánh giá về vai trò của việc thực hiện gói tín dụng hỗ trợ này, ông Lệnh cho biết, gói hỗ trợ lãi suất với quy mô 40.000 tỉ đồng từ ngân sách mang lại lợi ích rất lớn không chỉ cho DN, hợp tác xã và hội kinh doanh - các đối tượng thụ hưởng trực tiếp, cho các tổ chức tín dụng (TCTD) mà còn cho toàn bộ nền kinh tế.

    Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 6/6 - Ảnh 1
    Gói hỗ trợ lãi suất 2% góp phần giữ ổn định giá cả.

    Đối với DN, hợp tác xã và hộ kinh doanh, việc hỗ trợ 2% lãi suất cho vay sẽ trực tiếp giảm chi phí vốn vay, từ đó giảm chi phí hoạt động, giảm giá thành sản phẩm, khi chi phí nguyên vật liệu, vận chuyển đang có xu hướng tăng do giá xăng dầu và nguyên liệu nhập khẩu tăng.

    Đối với các TCTD, gói cấp bù lãi suất này sẽ giúp các TCTD mở rộng và tăng trưởng tín dụng hiệu quả, mở rộng và phát triển dịch vụ. Đây là yếu tố quan trọng và luôn trong mục tiêu phát triển thị phần, phát triển khách hàng của mỗi TCTD trong quá trình thực hiện chiến lược kinh doanh.

    "Bên cạnh đó, thực hiện tốt gói tín dụng này, không chỉ đảm bảo đạt mục tiêu hỗ trợ và phục hồi tăng trưởng kinh tế mà còn góp phần quan trọng trong ổn định kinh tế vĩ mô, nhờ phát huy hiệu quả tín dụng trong nền kinh tế. Đặc biệt trực tiếp giảm chi phí cho DN, hỗ trợ giữ ổn định giá thành và giá bán sản phẩm hàng hóa, góp phần giữ ổn định giá cả trong bối cảnh áp lực lạm phát gia tăng"- ông Lệnh nêu quan điểm.

    Giá dầu Brent vượt 120 USD/thùng

    Động thái của Saudi Arabia báo hiệu nguồn cung dầu mỏ bị thắt chặt, bất luận sau khi Tổ chức các ngước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh (gọi tắt là OPEC+) nhất trí nhanh chóng tăng sản lượng trong hai tháng tới.

    Giá dầu thô Brent sáng nay tăng 91 cent, tương đương 0,8%, lên 120,63 USD/thùng vào lúc 03:43 giờ GMT, sau khi đạt mức cao nhất phiên là 121,95 USD/thùng. Trước đó, giá dầu Brent tăng 1,8% trong phiên giao dịch cuối tuần trước - phiên 3/6.

    Trong khi đó, giá dầu thô WTI của Mỹ tăng 93 cent, tương đương 0,8%, lên 119,80 USD/thùng sau khi đạt đỉnh ba tháng là 120,99 USD. Tương tự Brent, dầu thô WTI cũng tăng giá 1,7% tại phiên giao dịch cuối tuần trước.

    Theo thông báo ngày 5/6 của Tập đoàn dầu mỏ quốc doanh Aramco, Saudi Arabia đã tăng giá bán chính thức (OSP) đối với loại dầu thô nhẹ hàng đầu mà nước này cung cấp cho thị trường châu Á với mức chênh 6,50 USD so với mức trung bình mà Oman và Dubai bán ra, cao hơn 2,10 USD so với mức chênh của tháng 6.

    Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 6/6 - Ảnh 2
    Giá dầu Brent vượt 120 USD/thùng.

    Động thái tăng giá bán chính thức của Saudi Arabia diễn ra trong bối cảnh liên minh OPEC+ tuần trước đã đạt được thỏa thuận tăng sản lượng vào tháng 7 và tháng 8 thêm 648.000 thùng/ngày, nhiều hơn 50% so với kế hoạch trước đó.

    Cũng trong tuần trước, Iraq cho biết họ có kế hoạch nâng sản lượng lên 4,58 triệu thùng/ngày vào tháng 7.

    Về vấn đề này, ông Avtar Sandu, Giám đốc hàng hóa của Công ty môi giới Phillip Futures tại Singapore cho rằng, các nhà sản xuất dầu mỏ đang tận dụng nốt cơ hội để tăng giá trước khi nguồn cung được đẩy thêm vào thị trường. Ngoài ra, chuyên gia này dự đoán nhu cầu tiêu thụ xăng dầu của Mỹ sẽ tăng cao vào mùa du lịch hè và việc Trung Quốc nới lỏng các biện pháp chống dịch Covid-19 sẽ đẩy giá dầu thế giới tăng cao hơn nữa.

    Do vậy, động thái tăng sản lượng của OPEC+ được cho là khó có thể đáp ứng được nhu cầu dầu mỏ tăng cao bởi việc phân bổ tăng sản lượng được áp dụng cho tất cả các thành viên, bao gồm cả Nga - quốc gia đang đối mặt với các lệnh trừng phạt của phương Tây.

    "Mặc dù mức tăng đó là rất cần thiết, nhưng nó không đáp ứng được kỳ vọng thị trường, đặc biệt là khi EU đã đạt được thỏa thuận cấm nhập khẩu một lượng lớn dầu mỏ của Nga", ông Vivek Dhar, chuyên gia phân tích thị trường năng lượng tại Commonwealth Bank đánh giá.

    Trong động thái liên qua, các nguồn tin của Reuters cho biết Công ty dầu mỏ Eni của Italia và Công ty năng lượng Repsol của Tây Ban Nha sẽ bắt đầu vận chuyển dầu mỏ của Venezuela đến châu Âu ngay trong tháng tới để bù đắp cho phần dầu thô thường phải nhập từ Nga. Tuy nhiên, lượng dầu mỏ mà hai công ty này chuyển đến châu Âu là không nhiều.

    Kinh tế châu Âu chật vật với cú sốc năng lượng nghiêm trọng

    Trong gần một thập kỉ qua, lãi suất ở mức đáy cùng với lạm phát thấp dường như đã trở thành một thực tế đời sống hiển hiện tại khu vực đồng tiền chung châu âu (eurozone). Giờ đây, chỉ số giá tiêu dùng đã vượt 8%/năm, cao hơn mục tiêu 2% mà Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đề ra.

    Nhiều thành viên trong hội đồng điều hành ECB đã bắt đầu phát đi tín hiệu về sớm tăng lãi suất, một thông điệp nhiều khả năng sẽ được tái khẳng định trong phiên họp của ECB về chính sách tiền tệ ngày 9/6 tới. Tuy nhiên, cơ quan này hiện rơi vào tình thế khó khăn: Phải đẩy nhanh tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát, nhưng đi cùng đó là triển vọng kinh tế ngày một ảm đạm – một thực tế đòi hỏi phải duy trì thêm một thời gian nữa chính sách nới lỏng tiền tệ.

    Nguyên nhân gây ra “thực trạng kép” này chính là cú sốc về giá năng lượng. Giá dầu mỏ và khí đốt bước vào chu kỳ tăng giá mạnh sau khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine. Tăng giá ở hai mặt hàng này là tác nhân khiến chỉ số giá tiêu dùng tại châu Âu tăng mạnh hơn ở Mỹ - nước mới bắt tay siết lại các gói kích thích kinh tế hào phóng. Theo Goldman Sachs, giá nhiên liệu trong tháng 5 tăng 39% so với cùng kỳ làm lạm phát tăng 0,4% ở châu Âu, trong khi tại Mỹ chỉ là 0,2%.

    Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 6/6 - Ảnh 3
    Kinh tế châu Âu chật vật với cú sốc năng lượng nghiêm trọng.

    Hệ quả đã bắt đầu lộ ra trên hai khía cạnh giá tiêu dùng. “Lạm phát lõi” - lạm phát loại trừ lương thực, năng lượng, đã tăng nhanh hơn ở eurozone trong tháng 5 so với ước đoán của giới chuyên gia kinh tế. Chi phí giá sản xuất đầu vào tại Đức đã tăng 33,5% trong tháng 4 so với cùng kỳ năm ngoái, không chỉ do giá năng lượng tăng cao, mà còn do các mặt hàng trung gian thâm dụng nhiều năng lượng, như kim loại, bê tông, hóa chất… Điều này làm tăng chi phí của doanh nghiệp, giáng mạnh vào sức mua của người tiêu dùng.

    Xu hướng trên đe dọa tới kinh tế eurozone ra sao? Một hệ quả của cú sốc năng lượng chính là giảm thu nhập thực tế hộ gia đình. Tiền lương, thu nhập của người lao động ở eurzone có tăng, nhưng không theo kịp mức tăng của lạm phát. Nhiều chủ sử dụng lao động đã thực hiện chính sách trợ cấp một lần cho nhân công, để bù đắp cho mức giá tăng và tránh được việc phải tăng tiền lương cho người lao động.

    Tuy nhiên, mức tăng thu nhập tính theo năm vẫn đứng ở mức thấp, như tại Hà Lan con số này chỉ là 2,8%, dù tâm lý doanh nghiệp lạc quan, thị trường việc làm “nóng’. Ở một khí cạnh nào đó, đây là tin tốt với ECB, bởi nó giúp giảm nguy cơ giá tiêu dùng tăng do hiệu ứng tăng thu nhập. Nhưng ngược lại, mức tiêu dùng thấp cũng làm suy yếu tăng trưởng kinh tế.

    Cầu yếu làm trầm trọng thêm thách thức đặt ra với khu vực chế tạo, nơi lòng tin doanh nghiệp suy giảm mạnh. Đứt gãy chuỗi cung lặp lại do Trung Quốc phong tỏa chống COVID-19 cùng với giá năng lượng tăng cao đang tác động mạnh tới doanh nghiệp, trong đó Đức và các nước Đông Âu thuộc nhóm dễ bị tổn thương trước suy yếu sản xuất công nghiệp. Đơn hàng đối với các nhà máy ở eurozone trong tháng 5 đã giảm lần đầu tiên kể từ tháng 6/2020, cho thấy rõ cầu giảm. Đơn hàng xuất khẩu cũng giảm ở mức cao nhất trong hai năm trở lại đây.

    Giới kinh tế vì vậy đã cắt giảm dự báo tăng trưởng đối với khu vực châu Âu, nhưng bảo lưu quan điểm ít có khả năng xảy ra suy thoái mạnh. Một phần là bởi nhiều quốc gia trong eurozone đối diện với cú sốc năng lượng trên thế mạnh, chứ không phải thế yếu. Lĩnh vực dịch vụ - nhất là du lịch đang được hưởng lợi, hồi phục tốt do chính sách mở cửa, chấm dứt làn sóng phong tỏa, đóng cửa.

    Thị trường việc làm cũng chuyển biến tích cực. Quý 1 vừa qua, tính trung bình trong eurozone, cứ 100 chỗ làm còn 3 chỗ trống. Xu hướng tuyển dụng thêm lao động vẫn rất mạnh tuy có suy giảm chút ít ngay sau thời điểm bùng phát xung đột Ukraine. Khoảng 25% doanh nghiệp châu Âu cho biết thiếu nhân công là rào cản lớn đối với tăng năng lực sản xuất.

    Tiết kiệm chi tiêu tích tụ trong các giai đoạn phong tỏa trước đó cũng giúp người tiêu dùng tăng khả năng chống chọi với cú sốc năng lượng. Tính toán sơ bộ cho thấy, mức tiết kiệm “phụ trội” này tại Pháp và Đức chiếm khoảng 10% thu nhập khả dụng của người tiêu dùng trong quý 1 vừa qua.

    Tuy nhiên, khả năng bù đắp từ nguồn thu nhập tích trữ này là không đồng đều. Người nghèo ở các nước giàu và phần lớn hộ gia đình tại các nước nghèo thuộc nhóm dễ bị tổn thương. Như tại Slovakia, mức tiết kiệm gần như không tăng trong suốt thời gian diễn ra đại dịch. Giới chuyên gia đánh giá, yếu kém về tiêu dùng sẽ đến từ những hộ gia đình thu nhập thấp.

    Ngay cả khi eurozone tránh được nguy cơ suy thoái, cú sốc năng lượng vẫn là lực cản đối với tăng trưởng. ECB đối diện với tình thế tiến thoái lưỡng nan không thể tránh được. Lạm phát tăng do nhân tố tăng giá năng lượng, lương thực sẽ khiến kinh tế châu Âu suy yếu đi.

    Bước tiến của nền kinh tế tiền ảo trong 10 năm

    Kể từ khi Bitcoin ra đời năm 2009, sự trỗi dậy của thị trường tiền ảo được ghi dấu bởi những thăng trầm dữ dội.

    Những năm gần đây, nền kinh tế tiền ảo tăng trưởng vượt bậc, từ chỗ chỉ có vài trăm tiền ảo trên thị trường vào cuối năm 2014 lên gần 20.000 đồng vào cuối tháng 5/2022.

    Chủ yếu diễn ra trong 3 năm qua, sự bùng nổ này một phần do việc tạo ra một tiền ảo mới hoàn toàn miễn phí và có thể thực hiện chỉ bằng vài cú nhấp chuột. Tuy nhiên, các tài sản kỹ thuật số được liệt kê trong biểu đồ thông tin dưới dây là các đồng áp ứng những tiêu chuẩn nhất định như được giao dịch trên một sàn tiền ảo.

    Trong khi số lượng tiền ảo đang tăng lên gần như theo gấp số nhân, giá trị của chúng thì không như vậy. Với mức biến động hàng năm thường lên tới hơn 100%, tiền ảo đang trải qua những đợt điều chỉnh lớn và vẫn được xem là loại tài sản đầu tư rủi ro cao.

    Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 6/6 - Ảnh 4

    Sau sự bùng nổ vào năm ngoái và đạt mức vốn hóa thị trường cao nhất mọi thời đại khoảng 3.000 tỷ USD vào tháng 11/2021, hiện đã giảm hơn 50% và còn khoảng 1.300 tỷ USD. Dù vậy, con số này vẫn cao gấp đôi so với thời điểm cuối năm 2020.

    Đồ thị thông tin dưới đây cũng cho thấy sức mạnh của đồng Bitcoin đang giảm dần do sự trỗi dậy của những tiền ảo khác như Ethereum. Hiện tại, Bitcoin chiếm khoảng 40-50% vốn hóa toàn thị trường, giảm từ mức khoảng 80% vào năm 2014.

    Hà Lan

    Bạn đang đọc bài viết Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 6/6. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

    Tin mới

    Hiến giọt máu đào, trao đời sự sống
    Đây là chủ đề của chương trình hiến máu tình nguyện, được Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương tổ chức ngày 24/4.