Thứ hai, 25/11/2024 21:19 (GMT+7)
    Thứ sáu, 03/06/2022 17:10 (GMT+7)

    Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 3/6

    Theo dõi KTMT trên

    Cục Thuế Hà Nội công bố hơn 800 người nộp thuế nợ 792 tỷ đồng; Giá dầu châu Á đi lên... là những tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất hôm nay 3/6/2022.

    Cục Thuế Hà Nội công bố hơn 800 người nộp thuế nợ 792 tỷ đồng

    Theo Cục Thuế Hà Nội, tính tới thời điểm này có 91 người nộp thuế sau khi thực hiện công khai trong năng 2021 đến thời điểm rà soát đã nộp hết nợ vào ngân sách nhà nước với số tiền 16.401 triệu đồng.

    Cục Thuế Hà Nội tiếp tục thực hiện công khai lần đầu nợ thuế đối với 809 người nộp thuế với tổng số nợ khó thu và khả năng thu 792.246 triệu đồng.

    Trong đó, 528 người nộp thuế nợ thuế, phí công khai lần đầu kỳ khóa sổ 31/03/2022 với số tiền 143.857 triệu đồng; 34 người nộp thuế nợ nghĩa vụ liên quan đến đất công khai lần đầu kỳ khóa sổ 31/03/2022 với số tiền 460.570 triệu đồng; 247 người nộp thuế nợ khó thu công khai lần đầu kỳ khóa sổ 31/03/2022 với số tiền 187.819 triệu đồng.

    Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 3/6 - Ảnh 1
    Cục Thuế Hà Nội công bố hơn 800 người nộp thuế nợ 792 tỷ đồng.

    Cục Thuế Hà Nội cho biết, nhằm đảm bảo quyền lợi của người nộp thuế, đồng thời đảm bảo tính công bằng trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước, chống thất thu ngân sách nhà nước, Cục Thuế Hà Nội cảnh báo các chủ dự án, doanh nghiệp sớm thu xếp được nguồn tài chính để nộp các khoản tiền thuế nợ vào ngân sách nhà nước theo đúng quy định trước khi Cơ quan thuế áp dụng các biện pháp quyết liệt hơn.

    Theo Cục Thuế Hà Nội, công tác quản lý nợ trong những năm qua đã được Cục Thuế Hà Nội triển khai rất quyết liệt theo đúng quy định, quy trình trên cơ sở phân loại đối tượng nộp thuế để áp dụng các biện pháp đôn đốc, quản lý nợ phù hợp.

    Cục Thuế Hà Nội chủ động nắm bắt những khó khăn vướng mắc của đơn vị nợ thuế để kịp thời tháo gỡ, báo cáo cấp có thẩm quyển xem xét, giải quyết hoặc phối hợp với các sở, ngành liên quan tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện để doanh nghiệp khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, nộp dần nợ thuế.

    Bên cạnh đó, đôn đốc kịp thời các khoản nợ đến hạn của những doanh nghiệp chây ì nợ thuế vào ngân sách nhà nước và kiên quyết áp dụng các biện pháp cưỡng chế thuế theo quy định với mục tiêu đồng hành, hỗ trợ tốt doanh nghiệp, người nộp thuế nhưng cũng đảm bảo sự công bằng trong việc thụ hưởng các chính sách ưu đãi theo quy định.

    Giá dầu châu Á đi lên trong phiên giao dịch chiều 3/6

    Trong phiên giao dịch chiều 3/6, giá dầu tại thị trường châu Á đi lên khi thị trường lờ đi quyết định tăng sản lượng của các nhà sản xuất dầu mỏ.

    Vào lúc 13 giờ 40 giờ Việt Nam, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao dịch kỳ hạn tăng 7 xu Mỹ lên 116,94 USD/thùng, còn giá dầu Brent giao dịch kỳ hạn tăng 18 xu Mỹ lên 117,79 USD/thùng.

    Theo các chuyên gia, thị trường đang đặt câu hỏi liệu đà tăng sản lượng của Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, còn gọi là OPEC+, có đủ để bù đắp nguồn cung sụt giảm của Nga và đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của Trung Quốc sau khi nới lỏng chính sách hạn chế do dịch COVID-19 hay không.

    Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 3/6 - Ảnh 2
    Giá dầu châu Á đi lên trong phiên giao dịch chiều 3/6.

    Tối 2/6 (theo giờ Việt Nam), OPEC+ đã nhất trí tăng sản lượng khai thác dầu thô cao hơn dự kiến trong bối cảnh giá "vàng đen" tăng và Liên minh châu Âu (EU) vừa thông báo lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ của Nga.

    Cụ thể, OPEC+ quyết định sẽ tăng sản lượng thêm 648.000 thùng/ngày trong tháng Bảy và Tám. Con số này cao hơn nhiều so với mức tăng hằng tháng trước đó là 432.000 thùng/ngày.

    Các nhà phân tích tại bộ phận nghiên cứu ANZ Research thuộc ngân hàng ANZ của Australia ước tính sản lượng dầu của Nga giảm 1 triệu thùng/ngày kể từ khi nước này tiến hành chiến dịch đặc biệt tại Ukraine. Mức giảm có khả năng cao hơn nữa khi lệnh cấm của Liên minh châu Âu đối với dầu Nga có hiệu lực.

    Theo ông Stephen Innes, đối tác quản lý tại công ty quản lý tài sản SPI Asset Management (Thụy Sĩ), các nhà giao dịch cho rằng mức tăng sản lượng của OPEC+ vẫn quá thấp so với rủi ro nguồn cung ngày càng giảm do lệnh cấm vận của EU trong khi nhu cầu từ Trung Quốc dự kiến gia tăng.

    Các nhà phân tích từ Ngân hàng Quốc gia Australia nhận định việc Trung Quốc mở cửa trở lại là nhân tố tích cực đối với nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ, song nước này vẫn theo đuổi chính sách “không COVID” nên khả năng phong tỏa trở lại có thể nhanh chóng làm xói mòn tác động tích cực này.

    Mặc dù giá dầu Brent đang trên đà hướng đến một tuần giảm giá, song giá dầu WTI vẫn đang trên đà hướng đến tuần tăng thứ sáu khi nguồn cung từ Mỹ được đánh giá là eo hẹp.

    NHNN chấp thuận cho OCB tăng vốn lên gần 13.758 tỷ đồng

    Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa chấp thuận việc OCB tăng vốn điều lệ tối đa thêm 58,8 tỷ đồng; trong đó tăng vốn điều lệ thêm tối đa 50 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động OCB và thêm tối đa 8,8 tỷ đồng thông qua (Ngân hàng Aozora) theo phương án tăng vốn điều lệ đã được Đại hội đồng cổ đông OCB thông qua.

    Ngân hàng Nhà nước cũng chấp thuận việc Ngân hàng Aozora - cổ đông lớn của OCB được mua cổ phần của OCB theo phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ đã được Đại hội đồng cổ đông OCB thông qua.

    Như vậy, sau khi hoàn tất đợt phát hành này, vốn điều lệ của OCB sẽ tăng lên 13.758 tỷ đồng.

    Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 3/6 - Ảnh 3

    Năm 2022, OCB đề ra kế hoạch lợi nhuận trước thuế tăng 29% so với năm trước, đạt 7.110 tỷ đồng. Tổng tài sản dự kiến tại thời điểm cuối năm 2022 tăng 25% so với đầu năm, lên mức 230.112 tỷ đồng. Huy động thị trường 1 (dân cư và tổ chức kinh tế) và dư nợ thị trường 1 lần lượt tăng 23% và 25%, đạt 155.003 tỷ đồng và 129.493 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu tiếp tục kiểm soát dưới 1%.

    Lạm phát tại Indonesia tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2017

    ngày 2/6, Cơ quan Thống kê Indonesia (BPS) cho biết tỷ lệ lạm phát của nước này trong tháng Năm đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 12/2017 trong bối cảnh kỳ nghỉ lễ xả chay Idul Fitri của người Hồi giáo đã đẩy giá cả tiêu dùng từ thực phẩm đến vé máy bay tăng cao.

    Số liệu của BPS cho thấy chỉ số giá tiêu dùng của Indonesia – được tính toán dựa vào giá cả của hàng trăm loại hàng hóa và dịch vụ - đã tăng 3,55% trong tháng 5/2022 so với cùng kỳ năm ngoái và cao hơn mức 3,47% trong tháng Tư.

    Phát biểu họp báo, người đứng đầu BPS, ông Margo Yuwono cho biết tỷ lệ lạm phát 3,55% trong tháng Năm vừa qua là mức tăng cao nhất kể từ khi đạt đỉnh 3,61% vào tháng 12/2017.

    Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 3/6 - Ảnh 4
    Lạm phát tại Indonesia tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2017.

    Tính theo tháng, lạm phát đã tăng 0,4% trong tháng Năm, thấp hơn mức 0,95% trong tháng Tư.

    Theo ông Margo, một số nguyên nhân chính khiến lạm phát gia tăng trong tháng Năm bao gồm giá vé vận tải hàng không, trứng gà, cá tươi và hẹ tây.

    Số liệu của BPS cho thấy thực phẩm và đồ uống chiếm một nửa mức tăng giá trong tháng Năm, trong khi giao thông vận tải chiếm 1/5.

    Indonesia – quốc gia có dân số Hồi giáo lớn nhất thế giới - đã bắt đầu kỳ nghỉ lễ Idul Fitri kéo dài 10 ngày vào ngày 2/5.

    Trước đó, chính phủ đã quyết định cho phép người dân nghỉ lễ về quê (Mudik) sau 2 năm bị cấm do đại dịch COVID-19.

    Bộ Giao thông Vận tải Indonesia ước tính hơn 85 triệu người Indonesia đã đổ về quê hoặc đi du lịch trong kỳ nghỉ lễ dài ngày này, làm gia tăng nhu cầu tiêu thụ hàng hóa và dịch vụ trên khắp quần đảo.

    Ông Margo cho biết lạm phát đã được ghi nhận tại 87 trong tổng số 90 thành phố được nghiên cứu, trong đó mức cao nhất tại Tanjung Pandan thuộc tỉnh Quần đảo Bangka-Belitung với 2,24%, và thấp nhất tại Tangerang thuộc tỉnh Banten và Gunungsitoli thuộc tỉnh Bắc Sumatra.

    Chỉ duy nhất ba thành phố ghi nhận giảm phát, trong đó có Kotamobagu ở tỉnh Bắc Sulawesi với -0,21% và Merauke ở tỉnh Papua với -0,02%./.

    Hà Lan

    Bạn đang đọc bài viết Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 3/6. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

    Tin mới