Thứ hai, 25/11/2024 21:06 (GMT+7)
    Thứ năm, 02/06/2022 18:00 (GMT+7)

    Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 2/6

    Theo dõi KTMT trên

    Thành lập Doanh nghiệp nhà nước phải có mức vốn điều lệ tối thiểu 100 tỷ đồng; VN Index quay đầu giảm mạnh... là những tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất hôm nay 2/6/2022.

    Từ 1/6, thành lập Doanh nghiệp nhà nước phải có mức vốn điều lệ tối thiểu 100 tỷ đồng

    Nghị định số 23/2022/NĐ-CP quy định, bắt đầu từ ngày 1/6/2022 doanh nghiệp nhà nước khi thành lập phải có vốn điều lệ tối thiểu 100 tỷ đồng.

    Nghị định số 23/2022/NĐ-CP ngày 25/4/2022 của Chính phủ về thành lập, sắp xếp lại, chuyển đổi sở hữu, chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu tại doanh nghiệp do Nhà nước giữ 100% vốn điều lệ có hiệu lực từ ngày 1/6/2022.

    Nghị định quy định doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ chỉ được xem xét thành lập khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:

    Có ngành, lĩnh vực hoạt động thuộc phạm vi đầu tư vốn nhà nước để thành lập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.

    Đảm bảo đủ vốn điều lệ theo quy định.

    Có Hồ sơ hợp lệ theo quy định.

    Việc thành lập doanh nghiệp phải phù hợp với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch ngành quốc gia.

    Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 2/6 - Ảnh 1
    Từ 1/6, thành lập Doanh nghiệp nhà nước phải có mức vốn điều lệ tối thiểu 100 tỷ đồng.

    Trường hợp kinh doanh những ngành, nghề quy định phải có vốn pháp định thì ngoài điều kiện trên, vốn điều lệ của doanh nghiệp khi thành lập không thấp hơn mức vốn pháp định quy định đối với ngành, nghề kinh doanh đó.

    Đối với doanh nghiệp cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu, bảo đảm an sinh xã hội hoặc hoạt động trong một số ngành, lĩnh vực, địa bàn cần Nhà nước đầu tư vốn để thành lập doanh nghiệp thì vốn điều lệ có thể thấp hơn 100 tỷ đồng nhưng không thấp hơn mức vốn pháp định quy định đối với ngành, nghề kinh doanh yêu cầu vốn pháp định.

    Ngoài ra, Nghị định cũng nêu rõ quy định về sắp xếp lại, chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

    Theo quy định, hai hoặc một số doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ (công ty bị hợp nhất) có thể hợp nhất với nhau thành một doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ mới (công ty hợp nhất), đồng thời chấm dứt tồn tại của các công ty bị hợp nhất.

    Một hoặc một số doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ (công ty bị sáp nhập) có thể sáp nhập vào một doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ khác (công ty nhận sáp nhập) bằng cách chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp sang công ty nhận sáp nhập, đồng thời chấm dứt sự tồn tại của công ty bị sáp nhập.

    Bên cạnh đó, Nghị định cũng quy định, một doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ có thể chia các tài sản, quyền, nghĩa vụ của công ty hiện có (công ty bị chia) để thành lập hai hoặc nhiều doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ mới, đồng thời chấm dứt sự tồn tại của công ty bị chia.

    Một doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ có thể tách bằng cách chuyển một phần tài sản, quyền, nghĩa vụ của công ty hiện có (công ty bị tách) để thành lập một hoặc một số doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ (công ty được tách) mà không chấm dứt tồn tại của công ty bị tách.

    Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ được hợp nhất, sáp nhập, chia, tách khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

    Việc sáp nhập, hợp nhất, chia, tách doanh nghiệp phải phù hợp với văn bản về sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trường hợp chưa được quy định tại các văn bản này thì cơ quan đại diện chủ sở hữu phải trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

    Các doanh nghiệp mới hình thành sau khi chia, tách phải đảm bảo đủ điều kiện như đối với thành lập doanh nghiệp.

    Việc hợp nhất, sáp nhập doanh nghiệp phải đảm bảo tuân thủ quy định của Luật Cạnh tranh về hợp nhất, sáp nhập doanh nghiệp.

    'Gục ngã' trên mốc 1.300 điểm, VN Index quay đầu giảm mạnh

    Phiên tăng điểm ngày hôm qua tạo đà tâm lý tích cực cho NĐT khi bước vào phiên hôm nay 2-6. Lệnh mua trên giá tham chiếu được NĐT đẩy “dồn dập” lên bảng điện, với kỳ vọng VN Index sẽ chinh phục ngưỡng kháng cự 1.300 điểm ngay trong phiên hôm nay. Thực tế, VN Index dễ dàng tái lập thành công điểm số này ngay sau đợt khớp lệnh ATO nhờ lực cầu kỳ vọng này.

    Tuy nhiên, VN Index đã không thể giữ được sắc xanh và nhanh chóng rớt khỏi mốc 1.300 điểm, khi lệnh bán chốt lãi với số lượng lớn bất ngờ xuất hiện. Đáng chú ý là áp lực cung xuất hiện ở khắp các nhóm ngành, từ nhóm CP có vốn hóa lớn, CP đầu cơ, cho đến nhóm CP vừa và nhỏ.

    Thiếu lực đỡ từ nhóm CP lớn, VN Index chốt phiên hôm nay với mức giảm 0,84%, tương đương 10,9 điểm, xuống còn 1.288,62 điểm.

    Toàn sàn HoSE có 123 mã tăng và 53 mã đứng giá, trong khi số mã giảm là 332 mã. Chênh lệch tăng giảm cũng thể hiện rõ nét bên nhóm VN30 với 23 mã giảm, so với 5 mã tăng và 2 mã không thay đổi giá.

    Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 2/6 - Ảnh 2
    VN Index quay đầu giảm mạnh.

    Nhóm CP tác động tiêu cực lên VN Index trong phiên hôm nay gồm có: VPB, VNM, VHM, VCB, VJC, STB, TCB, SSI, POW, KDH, HPG, GAS, BID… Phía ngược lại, đóng góp tích cực nhất cho chỉ số chỉ có vài mã như: BVH, MWG, NVL, PNJ.

    Thanh khoản trong phiên hôm nay không có nhiều thay đổi so với những phiên trước, với 572,5 triệu CP được khớp lệnh thành công, tương đương giá trị giao dịch đạt 16.464 tỷ đồng.

    MobiFone có chủ tịch mới

    Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp vừa ban hành quyết định điều động, bổ nhiệm ông Nguyễn Hồng Hiển - Vụ trưởng Vụ Công nghệ và Hạ tầng, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp - giữ chức chủ tịch hội đồng thành viên (HĐTV) Tổng công ty Viễn thông MobiFone với nhiệm kỳ 5 năm. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày 1/6.

    Ông Nguyễn Mạnh Thắng, người tiền nhiệm của ông Hiển tại MobiFone, cũng được Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp điều động giữ chức vụ thành viên HĐTV Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT).

    Ông Nguyễn Hồng Hiển sinh năm 1974, quê quán tại Nam Định. Ông Hiển là thạc sỹ Luật Tài chính Ngân hàng tại trường Queen Mary, Đại học Tổng hợp London (Anh). Ngoài ra, ông có bằng cử nhân luật và cử nhân kinh tế - tài chính.

    Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 2/6 - Ảnh 3
    Ông Nguyễn Hồng Hiển.

    Trước khi làm Vụ trưởng Vụ Công nghệ và Hạ tầng, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, ông Hiển có nhiều năm công tác tại Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) và từng giữ chức phó tổng giám đốc của SCIC.

    Năm 2021, MobiFone ghi nhận doanh thu hợp nhất 31.217 tỷ cùng hơn 4.800 tỷ lợi nhuận trước thuế. Lợi nhuận gộp hợp nhất năm 2021 của MobiFone là 8.521 tỷ đồng, biên lợi nhuận gộp được cải thiện tăng lên 27,3%. Tỷ lệ khả năng thanh toán nợ đến hạn của nhà mạng này lớn hơn 1 và tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu là 0,39 và không có nợ quá hạn. Số tiền mặt và tiền gửi ngân hàng MobiFone đang nắm giữ là 15.166 tỷ đồng.

    Nhật Bản dự kiến doanh thu thuế cao kỷ lục trong tài khóa 2021

    Theo một nguồn tin của chính phủ Nhật Bản ngày 1/6, nước này ước tính sẽ đạt doanh thu từ thuế cao kỷ lục, trên 65.000 tỷ yen (502 tỷ USD) trong tài khóa 2021 nhờ thuế doanh nghiệp và các loại thuế chủ chốt khác dự kiến sẽ tăng trong bối cảnh nền kinh tế Nhật Bản đang phục hồi từ đại dịch COVID-19.

    Doanh thu từ thuế doanh nghiệp trong tài khóa 2021 (kết thúc vào ngày 31/3/2022) đến nay đã tăng 20% so với cùng kỳ của tài khóa trước trong khi thuế thu nhập và thuế tiêu dùng dự báo cũng sẽ tăng, từ đó nâng tổng doanh thu từ thuế của Nhật Bản lên mức cao kỷ lục trong năm thứ hai liên tiếp.

    Doanh thu từ thuế dự kiến sẽ cao hơn so với ước tính của chính phủ đưa ra hồi cuối năm 2021 là 63.880 tỷ yen, trong đó phần thặng dư có thể sẽ được sử dụng cho ngân sách bổ sung được soạn thảo sau cuộc bầu cử Hạ viện Nhật Bản dự kiến diễn ra vào mùa Hè này.

    Theo số liệu mới nhất của Bộ Tài chính Nhật Bản công bố ngày 1/6, doanh thu từ thuế trong tài khóa 2021, tính đến hết tháng Tư đã ở mức 56.930 tỷ yen, tăng 14,3% so với cùng kỳ năm trước.

    Tháng Bảy tới, bộ trên sẽ công bố tổng doanh thu thuế sau khi tính khoản nộp thuế tháng Năm của các doanh nghiệp chốt sổ kế toán vào tháng Ba.

    Hà Lan

    Bạn đang đọc bài viết Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 2/6. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

    Tin mới