Thứ bảy, 20/04/2024 01:46 (GMT+7)
Thứ sáu, 03/06/2022 17:45 (GMT+7)

Tin tức môi trường nổi bật ngày 3/6

Theo dõi KTMT trên

Miền Bắc có thể hứng trực tiếp 2 cơn bão trong năm nay; Hà Nội phát động “Chung tay hành động vì Hà Nội xanh" dịp 5/6; TP.HCM là một trong 10 Thành phố có số dân bị ảnh hưởng do ngập lụt... là những tin tức môi trường nổi bật ngày hôm nay, 3/6.

Miền Bắc có thể hứng trực tiếp 2 cơn bão trong năm nay

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, bão và áp thấp nhiệt đới khả năng xuất hiện trên Biển Đông với tần suất thấp hơn nhiều năm trong tháng 6 và tháng 7. Xu hướng mùa bão năm nay khả năng tập trung vào các tháng cuối năm.

Dự báo ban đầu cho thấy, từ nay đến cuối năm, biển Đông có khoảng 10 - 12 cơn bão và áp thấp nhiệt đới. Trong đó, 4 - 6 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta, thấp hơn trung bình nhiều năm.

Dù vậy, ảnh hưởng của La Nina (bề mặt nước biển ở pha lạnh) có thể khiến bão xảy ra dồn dập, không loại trừ cơn bão mạnh và có hướng đi dị thường.

Tin tức môi trường nổi bật ngày 3/6 - Ảnh 1
Miền Bắc có thể hứng trực tiếp 2 cơn bão trong năm nay. (Ảnh minh họa)

Riêng khu vực Bắc bộ, chuyên gia nhận định, từ tháng 6 đến tháng 9, khu vực khả năng chịu ảnh hưởng trực tiếp khoảng 2 cơn bão. Lượng mưa trong thời gian này cũng có xu hướng cao hơn trung bình nhiều năm.

Trong tháng 6, tổng lượng mưa ở miền Bắc cao hơn 10 - 20% so với cùng kỳ, trong đó Tây Bắc và Việt Bắc có thể ghi nhận vũ lượng cao hơn 20 - 30%. Tình hình mưa lũ ở miền núi phía Bắc trong những tháng tới cũng diễn biến phức tạp, nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn các hồ thủy điện thuộc liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng.

Hiện, Bắc bộ bắt đầu bước vào đợt nắng nóng sau chuỗi ngày mưa dông liên tục. Ngày 3/6, khu vực đồng bằng Bắc bộ, Sơn La và Hòa Bình có nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-36 độ C, có nơi trên 36 độ C. Thời gian oi nóng nhất trong ngày kéo dài từ 13h đến 16h.

Cùng lúc, nắng nóng gia tăng ở khu vực từ Thanh Hóa đến Phú Yên với nhiệt độ đạt ngưỡng 35-37 độ C, có nơi trên 38 độ C. Độ ẩm thấp nhất 50-65%.

Cơ quan khí tượng cho biết, Bắc bộ duy trì trạng thái oi nóng đến ngày 4/6, sau đó dịu dần. Ở khu vực Trung Bộ, nắng nóng còn kéo dài trong những ngày tới.

Theo dự báo, số ngày nắng nóng trong tháng 6 ở miền Bắc ở mức thấp hơn so với cùng kỳ. Đồng thời, áp thấp nhiệt đới hoặc bão khả năng xuất hiện trên Biển Đông trong khoảng 2 tuần tới.

Trong khi đó, gió mùa Tây Nam hoạt động đều hơn với cường độ trung bình đến mạnh nên khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ sẽ xuất hiện nhiều ngày mưa rào và dông.

Hà Nội phát động “Chung tay hành động vì Hà Nội xanh" dịp 5/6

Sáng 3/6, TP.Hà Nội tổ chức Lễ Phát động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới 5/6/2022 với thông điệp “Chung tay hành động vì Hà Nội xanh” mở đầu cho Tháng hành động vì môi trường năm 2022.

Phát biểu tại Lễ phát động, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Trọng Đông nhấn mạnh: "Trong năm 2022, với sự đồng hành của các tổ chức và người dân, Thành phố sẽ tiếp tục xây dựng, triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp thông qua Kế hoạch quản lý chất lượng không khí, Đề án phân loại rác tại nguồn, Đề án cải thiện, phục hồi các sông nội đô và nhiều chương trình, kế hoạch khác với quyết tâm trở thành điểm đến xanh, “tọa độ xanh” trên bản đồ thế giới”.

Tin tức môi trường nổi bật ngày 3/6 - Ảnh 2
Đại diện lãnh đạo UBND TP. Hà Nội, các ban ngành, đoàn thê, tổ chức, cá nhân quyết tâm triển khai những hành động hiệu quả nhất trong công tác bảo vệ môi trường. (Ảnh: Hà Ánh)

Có thể nói, năm 2022 cũng là năm có ý nghĩa quan trọng với việc Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi năm 2020 được chính thức áp dụng (từ 1/1/2022). Theo đó, đây là giai đoạn chuyển đổi mạnh mẽ trong việc bảo vệ môi trường hướng tới mục tiêu cao nhất cải thiện chất lượng môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân, cân bằng sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển kinh tế bền vững.

Trong những năm qua, quận Hoàn Kiếm được TP. Hà Nội lựa chọn thí điểm thực hiện nhiều chương trình về bảo vệ môi trường và đều đạt kết quả cao như: thí điểm việc xóa bếp than tổ ong, 100% trường mầm non, tiểu học trên địa bàn quận đã tham gia chương trình thu gom vỏ sữa học đường, qua đó giáo dục, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho các cháu học sinh. Hoàn Kiếm là quận đầu tiên của Thành phố triển khai thực hiện Chương trình phân loại rác tại nguồn trên toàn địa bàn, Chương trình “Xây dựng Trường học xanh – Vì một Hà Nội xanh”...

Cần có quy định cụ thể về phí dịch vụ thu gom, xử lý chất thải rắn

Sáng 3/6, tại Hà Nội, Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam phối hợp với Hiệp hội Môi trường đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam tổ chức Tọa đàm: "Chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt" theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Tại Tọa đàm, các chuyên gia kiến nghị các bộ, ngành có liên quan cần nghiên cứu ban hành phương pháp, quy trình xác định quản lý chi phí dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt để các địa phương xây dựng, điều chỉnh đơn giá nhanh chóng, thuận tiện. Cần có quy định cụ thể về mức thu, tỷ lệ hỗ trợ, bù đắp từ ngân sách địa phương thống nhất trên cả nước với từng loại đô thị. Quy định khoản bù trừ đối với trường hợp thất thu.

Bên cạnh đó, cần có chế tài đối với những đối tượng không phân loại rác tại nguồn, không nộp tiền dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt.

Tin tức môi trường nổi bật ngày 3/6 - Ảnh 3
Toàn cảnh Tọa đàm "Chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt".

Theo ông Phạm Văn Đức, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (URENCO), hiện nay, mức thu giá vệ sinh môi trường (VSMT) đối với hộ gia đình ở Hà Nội còn rất thấp; chỉ 6.000đ/tháng đối với nội thành, 3.000đ/tháng ngoại thành (tại Đà Nẵng là 20.000đ/tháng/ hộ gia đình; tại Hồ Chí Minh, hộ gia đình nội thành hạng I, hạng II là 22.000 đồng/tháng; hộ gia đình nội thành hạng III, hạng IV là 16.500 đồng/tháng). Chi phí thu này chỉ bằng 15% chi phí thực mà chưa có chi phí cho việc xử lý.

Việc thực hiện đơn giá duy trì VSMT trên địa bàn TP. Hà Nội theo Quyết định số 453/QĐ – UBND ngày 21/01/2021 có một số vấn đề bất cập và khó khăn về cấp bậc thợ, về hệ số bảo đảm thu nhập, biến động nhiên liệu, nguyên giá, thời gian khấu hao, chi phí quản lý chung... Điều này dẫn đến nhiều hệ lụy, đời sống người lao động không bảo đảm, công nhân không gắn bó lâu dài với công việc, doanh nghiệp khó khăn khi thực hiện chi trả bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế...

TP. HCM là một trong 10 Thành phố có số dân bị ảnh hưởng do ngập lụt

Sáng 3/6, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. HCM tổ chức Hội thảo Biến đổi khí hậu và sự tác động đến sức khỏe người dân TP. HCM.

Tại Hội thảo, theo TS. Nguyễn Văn Hồng, Phó phân Viện trưởng Viện Khoa học khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu, biến đổi khí hậu tác động không ít tới sức khỏe người dân TP. HCM.

“Mưa lớn gây ngập, thoát nước kém, ứ đọng ảnh hưởng đến vệ sinh và gia tăng dịch bệnh. Nhiệt độ tăng, kèm hiệu ứng đảo diện tác động tiêu cực đến sức khỏe cộng đồng. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng y tế dưới điều kiện biến đổi khí hậu càng gặp nhiều khó khăn, khó đáp ứng nhu cầu cộng đồng nếu chưa có sự chuẩn bị”, TS. Hồng cho biết thêm.

Theo TS. Hồng, TP. HCM cần có cách tiếp cận và định hướng ưu tiên để ứng phó biến đổi khí hậu gắn liền với phát triển bền vững. Bên cạnh đó, tiến hành đồng thời các hoạt động thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu.

Tin tức môi trường nổi bật ngày 3/6 - Ảnh 4
TP. HCM là một trong 10 TP hàng đầu thế giới có số dân có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng do ngập lụt. (Ảnh: TTXVN)

“Ứng phó với biến đổi khí hậu là trách nhiệm của toàn xã hội. Các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu phải có tính hệ thống đồng bộ liên ngành, liên vùng, trọng tâm, trọng điểm phù hợp với từng giai đoạn và các quy định”, TS. Hồng nói.

Tại Hội thảo, TS. Vũ Xuân Đán, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. HCM đã trình bày kế hoạch hành động, ứng phó biến đổi khí hậu của ngành y tế TP. HCM giai đoạn 2022 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

Theo TS. Đán, TP. HCM là một trong 10 Thành phố hàng đầu thế giới có số dân có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng do ngập lụt. Bên cạnh đó, nhiệt độ trung bình của TP. HCM tăng khoảng 0,7 độ C, gây gia tăng ô nhiễm môi trường không khí.

“Hiện tượng thời tiết cực đoan tăng tần suất và cường độ mưa bão, lũ lụt, gây tai nạn thương tích. Ngập lụt do mưa và triều cường gây ra các bệnh truyền nhiễm và bệnh lây truyền qua da. Nhiệt độ tăng gây gia tăng ô nhiễm không khí, phát sinh bệnh truyền nhiễm và bệnh không lây…”, TS. Đán cho biết.

Đánh giá trữ lượng khoáng sản tại 3 địa phương

Sáng 3/6 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Trần Quý Kiên chủ trì cuộc họp Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia.

Ông Hoàng Anh Tuấn, đại diện Công ty Cổ phần Tư vấn Đầu tư Khoáng sản Việt, đơn vị tư vấn thực hiện thăm dò đá granit làm ốp lát khu vực Suối Tiên, xã Suối Tiên, huyện Diên Khánh (tỉnh Khánh Hòa) cho biết: Công tác thăm dò đã làm sáng tỏ đặc điểm địa chất khu thăm dò. Khoanh định được diện phân bố của đá granit làm ốp lát và đá làm vật liệu xây dựng thông thường.

Trong khu vực thăm dò phân bố duy nhất loại đá granit biotit có nguồn gốc magma xâm nhập. Đá có cấu tạo khối, chủ yếu có màu xám trắng. Bề mặt địa hình đá lộ ít dưới dạng khối, vách hoặc mặt trượt, còn lại phần lớn diện tích bị phủ bởi tầng đất phủ bở rời hoặc đá granit bị phong hóa. Đá bị nứt nẻ tự nhiên mạnh do ảnh hưởng của các khe nứt tự nhiên.

Tin tức môi trường nổi bật ngày 3/6 - Ảnh 5
Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên chủ trì cuộc họp Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia. (Ảnh: Báo TN&MT)

Ông Nguyễn Xuân Toán, Văn phòng Hội đồng Đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia, đánh giá, báo cáo kết quả thăm dò đá granit làm ốp lát khu vực Suối Tiên, xã Suối Tiên, huyện Diên Khánh (tỉnh Khánh Hòa) đã thu thập, tổng hợp đầy đủ tài liệu thăm dò, xác định được đặc điểm địa chất khu mỏ, cũng như quy mô, chất lượng của đá granit làm ốp lát trong diện tích thăm dò. Trữ lượng sau thăm dò đạt 114% so với mục tiêu đề án đặt ra. Trong quá trình thi công đề án, chủ đầu tư đã tiến hành khai thác, cơ quan quản lý nhà nước đã xử phạt hành chính.

Công ty Cổ phần Tư vấn Đầu tư Khoáng sản Việt cũng là đơn vị tư vấn thực hiện thăm dò khoáng sản đá granit làm ốp lát khu vực sườn Tây Bắc núi Dung xã Nhơn Tân và xã Nhơn Thọ, thị xã An Nhơn (tỉnh Bình Định). Ông Đào Trung Tấn, đại diện đơn vị này cho biết: Mỏ đá granit sườn Tây Bắc núi Dung có cấu trúc địa chất đơn giản, phân bố hoàn toàn là các thành tạo đá granitoit thuộc pha 2 phức hệ Vân Canh, đối tượng thăm dò là phần đá gốc cứng chắc và đá tảng lăn, đáp ứng yêu cầu làm nguyên liệu đá ốp lát.

Mỏ đá có điều kiện giao thông thuận lợi, hệ thống sông suối ít phát triển. Diện tích thăm dò không ảnh hưởng đến các công trình kinh tế, quốc phòng và xa khu dân cư. Đơn vị tư vấn đã tính toán trữ lượng đá granit đủ tiêu chuẩn phục vụ cho sản xuất đá khối ốp lát, đá xây dựng đi kèm và khối lượng đất phủ, hệ số bóc.

TS. Lê Văn Lượng, Phó Chánh Văn phòng Hội đồng Đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia, nhận xét, báo cáo kết quả thăm dò đá granit làm ốp lát khu vực sườn Tây Bắc núi Dung cơ bản đã tổng hợp đầy đủ các kết quả thăm dò, xác định được đặc điểm địa chất và đánh giá quy mô, chất lượng của đá granit làm ốp lát và làm vật liệu xây dựng thông thường đi kèm trong diện tích thăm dò. Kết quả thăm dò đạt 79% so với đề án đặt ra.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường nổi bật ngày 3/6. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Huy động thêm 400 người tham gia chữa cháy rừng tại Cà Mau
Tỉnh Cà Mau đã huy động thêm 400 người tham gia cháy rừng tại Nông trường 402, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời. Đến khoảng gần 3 giờ ngày 11/4, đám cháy cơ bản được khống chế, không để xảy ra cháy lan ra khu vực lân cận.

Tin mới