Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 6/5
Hàng không xin giảm 50% phí hạ, cất cánh hết năm 2022 với bay nội địa; Giá dầu châu Á tiếp tục tăng... là những tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất hôm nay 6/5/2022.
Hàng không xin giảm 50% phí hạ, cất cánh hết năm 2022 với bay nội địa
Cục Hàng không Việt Nam vừa có báo cáo gửi Bộ Giao thông Vận tải đề xuất bổ sung các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành hàng không.
Theo đó, cơ quan này đề xuất giảm 50% giá dịch vụ hạ cất cánh tàu bay đối với các chuyến bay nội địa từ ngày 1/1 - 31/12/2022.
Bên cạnh đó, áp dụng mức giá tối thiểu 0 đồng đối với các dịch vụ chuyên ngành hàng không thuộc danh mục nhà nước quy định khung giá đến hết 2022.
Theo cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành hàng không, việc này nhằm tiếp tục hỗ trợ các hãng hàng không vượt qua giai đoạn khó khăn, tạo tiền đề cho sự phục hồi và phát triển trong tương lai.
Vẫn theo báo cáo, từ 15/2, hoạt động vận chuyển hàng không quốc tế đi, đến Việt Nam đã được khôi phục như giai đoạn trước dịch COVID-19.
Cụ thể, Việt Nam đã khôi phục lại đường bay tới trên 20 quốc gia/vùng lãnh thổ truyền thống trước dịch như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Hong Kong, Đài Loan, Singapore, Thái Lan, Campuchia, Malaysia, Philippines, Lào, Qatar, Thổ Nhĩ Kỳ, Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE), Pháp, Đức, Anh, Nga, Australia, Hoa Kỳ... Dự kiến các thị trường sẽ tiếp tục được khôi phục cũng như tăng dần tần suất đường bay khai thác.
Đối với thị trường nội địa, sau khi hoạt động vận chuyển hàng không nội địa được dỡ bỏ các hạn chế về tần suất, cho đến nay, các hãng hàng không Việt Nam đã khai thác trở lại gần 60 đường bay nội địa với trung bình tổng số chuyến bay nội địa thực hiện hàng ngày từ 700 - 800 chuyến bay.
Theo dự báo, sản lượng hành khách trong năm 2022 ước đạt từ 42 - 47 triệu lượt, tăng 170 - 200% so với năm 2021, nhưng vẫn giảm trên 40% so với năm 2019.
Tính riêng thị trường nội địa, lượng hành khách nội địa vận chuyển trong năm 2022 ước đạt từ 33 - 35 triệu lượt khách giảm từ 6 - 10% so với năm 2019. Sản lượng hàng hóa vận chuyển đạt 1,524 triệu tấn hàng hóa, tăng 16,4% so với năm 2021 và tăng 21,2% so với năm 2019.
Theo Cục Hàng không Việt Nam, thị trường hàng không nội địa có thể phục hồi từng bước, nhưng còn nhiều khó khăn, dự kiến đến hết năm 2022, sản lượng vận chuyển hành khách nội địa đạt gần về mức năm 2019, thời điểm trước khi xảy ra dịch COVID-19.
Riêng thị trường quốc tế sẽ cần một thời gian dài để phục hồi, dự kiến năm 2022 sản lượng vận chuyển hành khách quốc tế giảm 72 - 80% so với năm 2019.
Với tỷ trọng doanh thu, lợi nhuận của các hãng hàng không chủ yếu đến từ thị trường vận chuyển quốc tế thì dự kiến năm 2022, hoạt động kinh doanh của các hãng hàng không vẫn tiếp tục gặp khó khăn.
Thêm vào đó, tình hình bất ổn về kinh tế, chính trị trên thế giới giai đoạn vừa qua khiến giá nhiên liệu tăng đột biến, gây sức ép nặng nề lên chi phí của các hãng hàng không.
EU gặp khó với kế hoạch cấm vận dầu Nga
Bản đề xuất mà các đại sứ Liên minh châu Âu (EU) đưa ra bàn bạc trong ngày 6/5 đã được điều chỉnh để giúp một số nước như Hungary, Slovakia và CH Séc có thêm thời gian thích nghi, cũng như để nâng cấp hạ tầng dầu khí của họ.
Nguồn tin giấu tên cho biết dự thảo này đề xuất giai đoạn chuyển đổi trong 3 tháng trước khi các công ty của EU vận chuyển dầu khí Nga, thay vì 1 tháng như ban đầu.
Theo dự thảo mới, Hungary và Slovakia sẽ tiếp tục mua dầu của Nga cho đến cuối năm 2024, còn CH Séc tiếp tục đến tháng 6/2024 nếu không thể nhận dầu qua đường ống từ miền nam châu Âu sớm hơn.
Theo đề xuất lúc đầu, các nước EU sẽ dừng mua dầu thô từ Nga sau 6 tháng áp dụng chính sách này, rồi dừng nhập các sản phẩm dầu khí thành phẩm từ cuối năm nay. Hungary và Slovakia ban đầu được cho thời hạn đến cuối năm 2023 để thích nghi với thay đổi.
Bulgaria cũng yêu cầu ngoại lệ, nhưng không được nhượng bộ về thời hạn chót “vì họ không có luận điểm thực sự”, một quan chức cho biết, trong khi 3 nước trên “gặp vấn đề khách quan”.
Thủ tướng Hungary Viktor Orban hôm nay nói rằng nước này cần 5 năm và những khoản đầu tư lớn vào hạ tầng lọc hóa dầu và đường ống dẫn để có thể chuyển đổi khỏi hệ thống đang phụ thuộc vào 65% dầu từ Nga hiện nay.
Việc gia hạn thời điểm cấm các công ty vận tải biển EU vận chuyển dầu mỏ từ Nga đi khắp thế giới được thực hiện dựa trên kiến nghị của Hy Lạp, Malta và CH Síp, khi các nước này lo ngại tác động của lệnh cấm lên ngành vận tải của họ, một quan chức cho biết.
Theo đề xuất ban đầu, các công ty EU sẽ phải dừng dịch vụ vận chuyển, môi giới, bảo hiểm và cung cấp tài chính cho hoạt động vận chuyển dầu mỏ của Nga đi khắp thế giới sau 1 tháng nữa.
Giá dầu châu Á tiếp tục tăng phiên chiều 6/5
Phiên này, giá dầu thô Brent Biển Bắc tăng 88 xu Mỹ (tương đương 0,8%) lên 111,78 USD/thùng vào lúc 13 giờ 41 phút. Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) kỳ hạn cũng tăng 84 xu Mỹ (0,8%) lên 109,10 USD/thùng.
Giá cả hai loại dầu này đều hướng tới đà tăng tuần thứ hai liên tiếp, nhờ đề xuất của EU về việc loại bỏ nguồn cung dầu thô của Nga trong sáu tháng và các sản phẩm tinh chế vào cuối năm 2022. EU cũng sẽ cấm tất cả các dịch vụ vận chuyển và bảo hiểm cho vận chuyển dầu mỏ của Nga. Kế hoạch này sẽ cần nhận được sự ủng hộ nhất trí từ 27 quốc gia thành viên EU.
Warren Patterson, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu hàng hóa của tập đoàn tài chính ING, có trụ sở tại Hà Lan, nhận định: "Có những lo ngại về tăng trưởng kinh tế toàn cầu và điều đó có ý nghĩa đối với nhu cầu dầu mỏ. Tuy nhiên, lệnh cấm đối với dầu mỏ của Nga hiện còn nhiều hơn bù đắp cho điều này, và do đó hạn chế sự giảm giá đối với giá nhiên liệu".
Trong khi đó, Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, được gọi là OPEC+, ngày 5/5 cho biết họ sẽ bám sát các kế hoạch hiện nay về mức tăng sản lượng dầu 432.000 thùng/ngày trong tháng 6/2022 bất chấp giá dầu thô tăng.
Ngoài ra, giới nhà đầu tư cũng đang chú ý đến nhu cầu cao hơn từ Mỹ vào mùa Thu này khi Washington công bố kế hoạch mua 60 triệu thùng dầu thô cho các kho dự trữ khẩn cấp.
Xuất khẩu cá tra tăng vọt, ngành thủy sản tiếp tục bội thu
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, sau khi đạt hơn 1 tỷ USD trong tháng 3, xuất khẩu (XK) thủy sản tháng 4/2022 tiếp tục mang về trên 1 tỷ USD, tăng tới 41% so với cùng kỳ năm 2021.
Tổng 4 tháng đầu năm 2022, kim ngạch XK thủy sản Việt Nam gần chạm mốc 3,6 tỷ USD, tăng hơn 44,5% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, XK cá tra đạt 297 triệu USD, tăng gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ. Nhờ đó, lũy kế 4 tháng đầu năm, XK cá tra thu về trên 950 triệu USD, tăng 94% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hai thị trường hàng đầu của cá tra Việt Nam vẫn là Trung Quốc và Mỹ, chiếm tỷ trọng lần lượt là 32% và 24,5%. Cả hai thị trường này đều ghi nhận tăng trưởng 3 con số trong 4 tháng đầu năm nay, thị trường Trung Quốc đạt 306 triệu USD (tăng 161%), thị trường Mỹ đạt hơn 232 triệu USD (tăng 128%).
XK tôm vẫn duy trì được tăng trưởng cao 35% trong tháng 4 khi đạt 406 triệu USD, đưa kim ngạch XK tôm 4 tháng đầu năm nay lên 1,36 tỷ USD, tăng 41,5% so với cùng kỳ năm 2021.
Tôm và cá tra Việt Nam đều tăng trưởng mạnh tại các thị trường nhờ nhu cầu cao và giá XK tốt. Sau 2 năm kiềm chế vì dịch COVID-19, nhu cầu tại các thị trường hồi phục và bùng phát mạnh, nguồn cung tại các thị trường không đủ đáp ứng.
Tại thị trường Mỹ, XK tôm, cá tra và các mặt hàng chủ lực khác đều ghi nhận tăng trưởng cao vọt so với năm trước, nhất là mặt hàng cá tra.
Sản lượng cá da trơn của Mỹ giảm; lạm phát cao; thuế chống bán phá giá giai đoạn POR17 có lợi cho nhiều DN cá tra; số DN cá tra được phép XK sang Mỹ tăng; giá XK cá tra trung bình sang Mỹ đạt đỉnh. Đó là 5 yếu tố chính khiến cho XK cá tra sang Mỹ tăng đột phá.
Tổng XK thủy sản sang Mỹ trong tháng 4 tăng khoảng 79% khi đạt trên 266 triệu USD. Tính đến hết tháng 4/2022, XK thủy sản sang Mỹ đạt 842 triệu USD, tăng 74% so với cùng kỳ năm 2021.
Với thị trường Trung Quốc, nhu cầu thủy sản đang gia tăng thu hút nhiều hơn số DN Việt Nam XK sang đây. XK thủy sản sang Trung Quốc trong tháng 4 tăng gấp hơn 2 lần khi đạt 216 triệu USD.
Lũy kế tới hết tháng 4/2022, XK thủy sản sang Trung Quốc ước đạt 578 triệu USD, tăng 94% so với cùng kỳ năm trước. Riêng mặt hàng cá tra chiếm 53% XK thủy sản sang thị trường này.
Ngoài ra, XK sang EU, Nhật Bản, Hàn Quốc và nhiều thị trường khác đều ghi nhận tăng trưởng 2 con số trong 4 tháng đầu năm.
Dự báo trong những tháng tới, Mỹ và Trung Quốc vẫn sẽ tiếp tục chiếm trọng lực chính, quyết định tốc độ tăng trưởng của XK thủy sản Việt Nam. Theo đó, XK thủy sản quý II/2022 dự kiến sẽ đạt 2,8 – 3 tỷ USD, tăng khoảng 36-38% so với cùng kỳ năm 2021.
Hà Lan