Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 4/5
Giá xăng tiếp tục tăng 442 đồng/lít; Vốn đầu tư nước ngoài rót vào Bình Dương tăng hơn 4 lần... là những tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất hôm nay 4/5/2022.
Giá xăng tiếp tục tăng 442 đồng/lít
Chiều 4/5, Liên Bộ Tài chính - Công Thương quyết định điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu theo chu kỳ 10 ngày/lần.
Theo đó, xăng E5 RON 92 tăng 330 đồng/lít, giá xăng RON 95 được điều chỉnh tăng 440 đồng/lít. Sau khi tăng, mức giá bán lẻ tối đa với xăng E5 RON 92 là 27.460 đồng/lít và xăng RON 95 là 28.430 đồng/lít.
Không chỉ xăng, giá mặt hàng dầu diesel tại kỳ điều hành lần này cũng được điều chỉnh tăng, còn dầu mazut giảm. Theo đó, giá bán đối với mặt hàng dầu diesel lên 25.530 đồng/lít; dầu hỏa là 23.820 đồng/lít và dầu mazut là 21.560 đồng/kg.
Ở kỳ điều chỉnh lần này, liên Bộ Tài chính - Công Thương trích quỹ bình ổn với xăng E5 RON 92 ở mức 300 đồng/lít, xăng RON 95 ở mức 400 đồng/lít, dầu diesel 100 đồng/lít...
Theo Bộ Công Thương, trong các kỳ điều hành giá, liên Bộ đã sử dụng linh hoạt công cụ quỹ bình ổn giá để bảo đảm giá xăng dầu trong nước theo xu hướng diễn biến của giá xăng dầu thế giới nhưng mức tăng thấp hơn.
Giá bình quân một số mặt hàng thành phẩm xăng dầu thế giới (giao dịch trên thị trường Singapore) tại kỳ điều hành ngày 21/4 so với đầu năm 2022 biến động tăng 36,53-60,14% nhưng giá xăng dầu trong nước kỳ điều hành ngày 21/4 so với đầu năm 2022 chỉ tăng 3.975-7.120 đồng/lít/kg (tùy loại xăng dầu), tương đương tăng 17,16-39,04%.
Vốn đầu tư nước ngoài rót vào Bình Dương tăng hơn 4 lần
Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương cho biết tính từ đầu năm đến ngày 30/4, các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã thu hút hơn 9.200 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước, tăng hơn 5 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Cùng với đó, dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tiếp tục rót mạnh vào khu công nghiệp với số vốn gần 1,8 tỷ USD, vượt hơn 4 lần so với cùng kỳ năm 2021.
Lũy kế đến nay, có hơn 3.014 dự án đang đầu tư vào khu công nghiệp còn hiệu lực; trong đó có 2.340 dự vốn FDI với số vốn gần 28 tỷ USD rót vào lĩnh vực sản xuất đang phục hồi mạnh mẽ.
Cụ thể, theo ghi nhận tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nitto Denko Việt Nam chuyên sản xuất linh kiện điện tử đã bổ sung tăng vốn thêm 99 triệu USD để sản xuất và gia công các sản phẩm mạch tích hợp; Công ty Trách nhiệm hữu hạn May Accasette tại Khu công nghiệp Sóng Thần 3 tăng thêm vốn 14 triệu USD đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu quần áo thời trang và thể thao...
Còn tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sài Gòn Stec đầu tư máy móc sản xuất linh kiện điện tử 718 tỷ đồng; Công ty Trách nhiệm hữu hạn Polytex Far Eastern (Việt Nam) đầu tư nhà máy sản xuất sợi 521 tỷ đồng; Công ty Trách nhiệm hữu hạn Công nghiệp De Licacy Việt Nam đầu tư máy móc sản xuất sợi, dệt vải 500 tỷ đồng; Công ty Trách nhiệm hữu hạn Paihong Việt Nam đầu tư máy móc thiết bị sản xuất vải 412 tỷ đồng…
Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Công nghiệp New Motion (Singapore) Lim Hua Tiong cho biết công ty có vốn đầu tư 185 triệu USD vào Bình Dương trong những tháng đầu năm 2022 nhằm nâng công suất sản xuất màn hình vô tuyến, màn hình hiển thị, đầu tư xây dựng nhà kho, nhà xưởng, dịch vụ kho bãi tại Khu công nghiệp Phú Tân.
“Chúng tôi đã triển khai khảo sát mở rộng nhà máy và nhận thấy Bình Dương hội đủ các yếu tố thuận lợi về cơ sở hạ tầng khu công nghiệp đầu tư hoàn chỉnh, cơ hội chính quyền hỗ trợ cho doanh nghiệp hoạt động hiệu quả sản xuất, kinh doanh khá tốt,” ông Lim Hua Tiong cho hay.
Theo ông Nguyễn Thành Nhân, Phó Trưởng Ban các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương, kết quả trên cho thấy sau khi tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn được kiểm soát hoàn toàn, mọi hoạt động trở lại bình thường đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước đã tự tin rót vốn mạnh vào lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu hàng hóa.
Cùng theo đánh giá của Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Bình Dương mặc dù vẫn còn chịu nhiều ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19, nhưng các doanh nghiệp hoạt động trong các khu công nghiệp vẫn mở rộng nhà máy, phân xưởng, duy trì chuỗi sản xuất kinh doanh và cung ứng hàng hóa dường như trở lại hoàn toàn bình thường. Đây là tín hiệu tích cực về phục hồi kinh tế sau thời kỳ hậu COVID-19.
Việc “sáng đèn” sản xuất của các nhà máy tại “thủ phủ” khu công nghiệp Bình Dương cho thấy việc thực hiện chủ trương thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 của tỉnh đã đạt những kết quả tích cực; qua đó lĩnh vực sản xuất công nghiệp trở thành động lực tăng trưởng quan trọng, góp phần vào thực hiện mục tiêu kép của tỉnh Bình Dương trong năm 2022.
Shinhan xác nhận đầu tư vào Tiki
Tập đoàn tài chính Shinhan (Hàn Quốc) cho biết đã đạt được thỏa thuận mua 10% cổ phần của Tiki, theo thông tin từ DealStreetAsia.
Hai công ty con của Shinhan, gồm Ngân hàng Shinhan (Shinhan Bank) và Thẻ Shinhan (Shinhan Card), sẽ nhận lần lượt 7,44% và 2,56% cổ phần tại Tiki.
Shinhan được cho là đang xem xét đầu tư 40 triệu USD vào Tiki, có thể thông qua việc mua lại các cổ phần hiện hữu.
Kết hợp chuyên môn tài chính từ Shinhan Financial và nguồn dữ liệu mà Tiki sở hữu, nhà đầu tư Hàn Quốc kỳ vọng sẽ phát triển một hệ sinh thái kỹ thuật số hội tụ mới tại Việt Nam, đại diện Shinhan Financial thông tin trong một tuyên bố bằng tiếng Hàn.
Shinhan Financial cho biết các dịch vụ của họ, bao gồm Shinhan Bank, Shinhan Card, Shinhan Financial Investment, Shinhan Life và Shinhan DS, đều đã được triển khai tại thị trường Việt Nam.
Ứng dụng ngân hàng Shinhan được ra mắt vào năm 2018 và đã tăng lên 648.799 người dùng vào cuối năm 2021.
Tiki đã có vòng gọi vốn Series E trị giá 258 triệu USD vào tháng 11 năm 2021, do AIA dẫn đầu. Tập đoàn bảo hiểm đã đầu tư 60 triệu USD vào sàn thương mại điện tử do ông Trần Ngọc Thái Sơn sáng lập, và đảm bảo quan hệ đối tác chiến lược để trở thành đối tác bảo hiểm độc quyền của Tiki, cung cấp các giải pháp bảo hiểm nhân thọ và sức khỏe cho người dùng trên nền tảng này.
Các nhà đầu tư khác tham gia vòng Series E của Tiki bao gồm UBS AG, Mirae Asset, Taiwan Mobile, AppWorks và cổ đông hiện tại STIC Investments.
Vòng gọi vốn nói trên đưa Tiki đến gần hơn với vị thế kỳ lân. Theo tính toán của DealStreetAsia, công ty đã huy động được tổng cộng khoảng 450 triệu USD và đang cân nhắc việc niêm yết ở nước ngoài.
Lệnh cấm xuất khẩu dầu cọ của Indonesia tác động 2 mặt
Một số người kinh doanh đồ ăn hy vọng, lệnh cấm xuất khẩu sẽ giúp giá dầu ăn trong nước giảm, bởi chi phí cao hơn bình thường khiến công việc kinh doanh gặp nhiều khó khăn:
- “Tôi đồng ý với chính sách của Tổng thống Joko Widodo để giá dầu có thể ổn định và trở lại bình thường".
- “Tôi hy vọng giá dầu sẽ không tăng. Xin hãy hiểu cho những người nghèo ở đây, họ sẽ không thể xoay sở nếu giá cả tăng trở lại”.
Qua thăm dò dư luận, các biện pháp quyết liệt của Tổng thống Indonesia nhằm kiểm soát giá lương thực bằng cách cấm xuất khẩu dầu cọ đã giúp nâng mức tín nhiệm của Tổng thống. Tuy nhiên về lâu dài, lệnh cấm sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế.
Giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh tế và luật, Bhima Yudhistiraphân tích: “Thất thu từ việc xuất khẩu dầu cọ được bù đắp với việc tăng giá dầu ăn tại thị trường nội địa. Tình trạng đó không giúp ổn định giá dầu ăn ở Indonesia mà theo tôi nghĩ đó sẽ là phản ứng tiêu cực đối với nền kinh tế Indonesia.
Dầu cọ đóng góp hơn 12% trong xuất khẩu các mặt hàng phi dầu khí. Vì vậy chỉ trong một tháng, chúng tôi thu về hơn 3 tỷ đôla Mỹ từ dầu cọ, nên khi dầu cọ bị cấm, đồng nội tệ bị ảnh hưởng mà còn gây bất ổn cho các dịch vụ tài chính, hệ thống tài chính ở Indonesia cũng như ảnh hưởng đến dự trữ tiền tệ về lâu dài”.
Bộ trưởng Điều phối Kinh tế Airlangga Hartarto cho biết, Indonesia dự định nối lại xuất khẩu khi giá dầu ăn ở thị trường nội địa giảm xuống còn 14.000 Rupiah/lít (0,97 USD/lít) thay vì 26.000 Rupiah/lít (1,8 USD/lít) như những ngày gần đây.
Indonesia là nước sản xuất, xuất khẩu và tiêu thụ dầu cọ hàng đầu thế giới, chiếm khoảng 60% tổng nguồn cung. Với lệnh cấm xuất khẩu hoàn toàn dầu cọ của Indonesia, giá dầu ăn thế giới được dự báo sẽ còn tăng hơn nữa. Ngoài lý do truyền thống ẩm thực, dầu cọ còn được nhiều nước thu nhập thấp ưa chuộng vì giá rẻ. Đây từng là loại dầu ăn thực vật rẻ nhất trên thế giới và là 1 trong 4 loại dầu ăn chính tại Ấn Độ, nơi giá các mặt hàng này được xem là giá chuẩn của thế giới.
Hà Lan