Thứ bảy, 23/11/2024 20:47 (GMT+7)
    Thứ sáu, 29/04/2022 18:00 (GMT+7)

    Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 29/4

    Theo dõi KTMT trên

    Bộ Tài chính phản hồi kiến nghị giảm thuế cho doanh nghiệp hàng không; Chốt đẹp cho tháng 4 lao dốc kỷ lục trong vòng 2 năm.... là những tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất hôm nay 29/4/2022.

    Bộ Tài chính phản hồi kiến nghị giảm thuế cho doanh nghiệp hàng không

    Ngày 29/4, Bộ Tài chính đã chính thức có phản hồi về kiến nghị giảm thuế suất thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống mức 5% và miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho các doanh nghiệp hàng không. Theo đó, cơ quan này cho hay thẩm quyền quyết định vấn đề này là của Quốc hội.

    Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng cho biết trong thời gian qua, để kịp thời hỗ trợ cho các ngành sản xuất trong nước nói chung cũng như ngành hàng không nói riêng trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, bộ đã chủ động nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền và ban hành các chính sách thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy sản xuất kinh doanh.

    Riêng đối với ngành hàng không, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 3 Nghị quyết (Nghị quyết số 979/2020/UBTVQH14 ngày 27/7/2020 và Nghị quyết số 1148/2020/UBTVQH14 ngày 21/12/2020, Nghị quyết số 13/2021/UBTVQH15 ngày 31/12/2021) quy định giảm 30% đến 50% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay. Theo đó, mức giảm của sắc thuế này đối với nhiên liệu bay áp dụng trong năm 2022 là 50%.

    Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 29/4 - Ảnh 1
    Bộ Tài chính phản hồi kiến nghị giảm thuế cho doanh nghiệp hàng không.

    Theo Bộ Tài chính, trong bối cảnh cân đối ngân sách Nhà nước còn khó khăn nhưng vẫn phải đảm bảo nhiều nhiệm vụ chi quan trọng, việc đặt những vấn đề bổ sung thêm các giải pháp để hỗ trợ cho ngành hàng không sẽ phải cân nhắc, tính toán cẩn trọng, đảm bảo hài hòa lợi ích của doanh nghiệp và Nhà nước.

    Hiện nay, quy định tại Nghị định số 57/2020/NĐ-CP quy định mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với mặt hàng xăng nhiên liệu bay là 7%. Thêm vào đó, nhiên liệu bay nhập khẩu từ một số quốc gia (có ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA) với Việt Nam) được áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi thấp hơn (5%) trên cơ sở nguyên tắc có đi có lại. Mặt khác, các doanh nghiệp hàng không cũng đang được hưởng lợi từ chính sách giảm 2% mức thuế suất thuế giá trị gia tăng quy định tại Nghị quyết số 43/2022/QH15.

    Ngoài ra, thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP, Bộ Tài chính cũng đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất cho một số đối tượng, trong đó có ngành hàng không.

    Chốt đẹp cho tháng 4 lao dốc kỷ lục trong vòng 2 năm

    Phiên giao dịch cuối cùng của tháng 4 thị trường vượt qua vòng T+3 đầu tiên kể từ đáy một cách mạnh mẽ, khi tăng 1,17% tương đương 15,81 điểm. Tuy vậy tháng 4 vẫn là tháng tồi tệ nhất của VN-Index khi bốc hơi 8,4% giá trị. Cách đây 2 năm, tháng 3/2020 chỉ số 24,9% dưới ảnh hưởng của đại dịch covid-19 bùng phát...

    Hôm nay là phiên T+3 của khối lượng cổ phiếu bắt đáy giá thấp nhất về tài khoản. Áp lực chốt lời ngắn hạn để nghỉ ngơi qua dịp lễ 30/4 được thị trường chờ đợi, nhưng áp lực không thật sự mạnh. Đây là tín hiệu tích cực thể hiện mức độ kỳ vọng đang lớn dần lên.

    Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 29/4 - Ảnh 2
    Chốt đẹp cho tháng 4 lao dốc kỷ lục trong vòng 2 năm.

    Phiên chiều nay thị trường có trồi sụt nhẹ, nhưng cơ bản các chỉ số vẫn tăng tốt và nhất là độ rộng áp đảo toàn thời gian. VN-Index kết phiên tăng 1,17%, VN30-Index tăng 1,17%, Midcap tăng 2,08%, Smallcap tăng 2,85%. Độ rộng toàn sàn HoSE ghi nhận 339 mã tăng/99 mã giảm.

    Trong số giảm, chỉ có 30 cổ phiếu giảm trên 1% và duy nhất LGC giảm sàn. Thống kê cho thấy tổng giá trị giao dịch khớp lệnh của nhóm cổ phiếu giảm giá chỉ chiếm 10,8% tổng giá trị sàn. Điều này cho thấy tỷ lệ tổn thương của danh mục là nhỏ.

    Ngược lại, số tăng hôm nay tưng bừng: 35 mã tăng kịch trần, 141 mã tăng trên 2%, 52 mã tăng trên 1%. Giá trị khớp lệnh của nhóm tăng chiếm 86% tổng giá trị sàn.

    Các nhịp rung lắc trong phiên hôm nay diễn biến từ vùng đỏ buổi sáng, sang vùng xanh buổi chiều. Nói cách khác, mức độ tụt giá cổ phiếu ngày càng theo chiều hướng tăng. Áp lực chốt lời buổi sáng chấp nhận xả giá đỏ và ép cổ phiếu giảm, nhưng đến chiều lực chốt không đủ để tạo áp lực tương tự mà chỉ khiến giá rung lắc trong chiều tăng. Đây là tín hiệu tốt, nhất là khi kết hợp với tổng thanh khoản thị trường vẫn duy trì ở mức rất thấp.

    Phiên chiều sàn HoSE lực cầu có dấu hiệu tăng khi giá trị khớp lệnh thêm đạt 7.731 tỷ đồng, tăng 50% so với chiều hôm qua. Rất có thể người mua đã không chờ giá được mà nâng dần giá đặt lên, dẫn đến độ rộng mở rộng theo chiều tăng. Chốt phiên sáng VN-Index mới có 291 mã tăng/122 mã giảm, kết phiên chiều đã là 339 mã tăng/99 mã giảm.

    Mức tăng của VN-Index đã có thể tốt hơn nhiều nếu như buổi chiều vài trụ không tụt giá. SAB bị đánh tụt mạnh, từ mức tăng 0,61% cuối phiên sáng thành giảm 1,76% lúc đóng cửa, tương đương giảm riêng buổi chiều hơn 2,3%. MSN đang tăng 1,2% thành giảm 0,43%, tức là đánh mất 1,6% giá trị trong buổi chiều. CTG, FPT, GAS, VCB, VNM là các trụ tụt giá đáng kể chiều nay và đều đóng cửa dưới tham chiếu.

    Nhóm cổ phiếu nhỏ có phiên T+3 rực rỡ với hàng chục mã kịch trần. Rất nhiều cổ phiếu đang đem lại lợi nhuận rất lớn chỉ trong vòng 4 phiên như FTM tăng 22,33%, PXS tăng 22,32%, CIG tăng 22,22%, TGG tăng 22,08%... Thống kê vòng T+3 đầu tiên từ đáy, có 11 cổ phiếu trên HoSE tăng vượt 20%, HNX có 13 mã tương tự. Hàng trăm cổ phiếu khác hiện cũng đang có lời 3-5% giá trị.

    Việc cổ phiếu tăng giá tốt trong nhịp bắt đáy đầu tiên mà vẫn chưa bị chốt lời lớn, đặc biệt khi thị trường chuẩn bị nghỉ lễ 4 ngày, thể hiện kỳ vọng của nhà đầu tư vào xu hướng giao dịch đầu tháng 5 sẽ tiếp tục tăng. Tâm lý nghỉ ngơi đang khiến thanh khoản tụt giảm rất mạnh, nhưng không có nghĩa là nhà đầu tư cầm cổ cũng lo sợ như vậy. Nếu khối lượng hàng bắt đáy có lãi cùng đổ ra bán, thị trường phiên này sẽ không chịu nổi vì lực cầu khá yếu.

    41.000 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh trong 4 tháng

    Theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 4 có 5.391 DN đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 81,1% so với tháng trước và tăng 17,2% so với cùng kỳ năm 2021. Trong khi đó, số 3.762 DN ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 52,1% và giảm 32,9%; có 1.227 DN hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 13,9% và giảm 20,4%.

    Tính chung 4 tháng đầu năm 2022, số DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn 41.000 DN, tăng 44,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, 15.000 DN ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 8,7%. Gần 5,6 nghìn DN hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 17,5%.

    Tuy nhiên, trong tháng 4, cả nước có 15 nghìn DN thành lập mới với số vốn đăng ký là 164,1 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký gần 104,8 nghìn lao động, tăng 4,9% về số DN, giảm 15,3% về vốn đăng ký và tăng 11,7% về số lao động so với tháng 3/2022. So với cùng kỳ năm trước, tăng 0,9% về số DN, giảm 8,8% về số vốn đăng ký và tăng 10,7% về số lao động.

    Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 29/4 - Ảnh 3

    Tổng cục Thống kê đánh giá, hoạt động khởi sự kinh doanh khởi sắc mạnh mẽ trong tháng tư khi số lượng DN thành lập mới đạt mức cao nhất từ trước đến nay. Nếu tính cả số DN quay trở lại hoạt động thì số DN tham gia thị trường trong tháng 4 gấp hơn 2 lần so với DN rút lui khỏi thị trường.

    Bên cạnh đó, cả nước còn có 7.034 DN quay trở lại hoạt động, tăng 63,6% so với tháng trước và tăng 22,4% so với cùng kỳ năm 2021.

    Tính chung 4 tháng đầu năm 2022, cả nước có 49,6 nghìn DN đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 635,3 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký 348,2 nghìn lao động, tăng 12,3% về số DN, tăng 1,2% về vốn đăng ký và tăng 2,3% về số lao động so với cùng kỳ năm trước.

    Ngoài ra, còn có 30,9 nghìn DN quay trở lại hoạt động (tăng 60,6% so với cùng kỳ năm 2021), nâng tổng số DN thành lập mới và DN quay trở lại hoạt động trong 4 tháng đầu năm 2022 lên 80,5 nghìn DN, tăng 26,9% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân một tháng có 20,1 nghìn DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

    Tính chung 4 tháng đầu năm 2022, số DN thành lập mới tăng 12,3% so với cùng kỳ năm 2021. Số DN quay trở lại hoạt động tăng 60,6% và số DN hoàn tất thủ tục giải thể giảm 17,5%. Kết quả trên cho thấy các chính sách phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội của Quốc hội và Chính phủ đúng hướng và hiệu quả, tạo niềm tin cho người dân và cộng đồng DN.

    76% doanh nghiệp tạo tác động xã hội kêu thiếu vốn

    Từ ngày 17/2 - 14/4 vừa qua, đơn vị tư vấn TDI Consulting và Viện Phát triển Bền vững (Đại học Kinh tế quốc dân) đã tiến hành phỏng vấn và khảo sát hơn 150 SIB, 10 đơn vị trung gian hỗ trợ và 4 cơ quan quản lý Nhà nước về những thách thức của các SIB.

    Ông Lê Quang Cảnh - đại diện nhóm tư vấn cho biết, kết quả khảo sát cho thấy khó khăn lớn nhất của các SIB là thiếu vốn (hơn 76%), đầu ra và tiêu thụ sản phẩm (47,9%), thiếu thông tin tài trợ (47%), Thiếu kiến thức kỹ năng quản lý doanh nghiệp (40,2%), chính sách và thủ tục hỗ trợ nói chung còn phức tạp (33,3%).

    Ngoài ra, những khó khăn khác được các SIB nêu ra gồm hạn chế về mạng lưới kinh doanh, mặt bằng sản xuất kinh doanh, xã hội chưa hiểu về DN, thiếu lao động và quản lý đặc thù, chính sách thuế không ưu đãi...

    Trong đại dịch, các SIB dễ bị tổn thương. Dù 85% và 81% SIB có kế hoạch ứng phó và đánh giá tác động của COVID-19 nhưng thị trường tiêu thụ sụt giảm, doanh thu suy giảm.

    Cụ thể 47% SIB bị giảm doanh thu trong COVID-19 -ccao hơn các kết quả khảo sát của CSIP vào năm 2020, VCCI & World Bank năm 2021. Thêm vào đó chi phí đầu vào tăng cao (chi phí vận tải, nhập khẩu,…), việc làm bị giảm.

    Về tỷ lệ SIB biết về các chính sách hỗ trợ, ông Cảnh cho biết, 44,4% các SIB nói rằng biết về chính sách hỗ trợ. Trong khi đó, tỷ lệ này với DN sử dụng người dân tộc thiểu số là 55%, DN làm việc với nhóm người nghèo 51%, DN sử dụng nhiều lao động nữ 45,6%.

    "Điều đáng lưu ý tỷ lệ DN nhận được hỗ trợ rất ít so với tỷ lệ DN biết về chính sách hỗ trợ. Trong đó, với DN do phụ nữ làm chủ tỷ lệ nhận được hỗ trợ là 11,7%, DN sử dụng người khuyết tật là 8,6%, DN sử dụng người dân tộc thiểu số chỉ 4,9%...", ông Cảnh nói.

    Trước thực trạng này, nhóm nghiên cứu đề xuất các cơ quan quản lý Nhà nước cần năng cao năng lực bản thân cho các SIB, trong đó hỗ trợ tăng cường tiếp cận vốn, xây dựng chương trình đào tạo mới phù hợp với điều kiện của các SIB.

    "Về đào tạo, nội dung bồi dưỡng cần cung cấp năng lực cho từng vị trí cụ thể. Xây dựng một nền tảng công nghệ cung cấp các khóa đào tạo trực tuyến cho các SIB. Nền tảng này được thiết kế và tích hợp với tài nguyên của Trung âm hỗ trợ DNNVV. Ngoài ra, phương pháp đào tạo "cầm tay chỉ việc" tại DN nên được mở rộng nhằm hỗ trợ trực tiếp và giải quyết vấn đề của SIB", ông Cảnh khuyến nghị.

    Hà Lan

    Bạn đang đọc bài viết Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 29/4. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

    Tin mới