Tin tức môi trường nổi bật ngày 26/4
22,7 tỷ đồng trồng 1 tỷ cây xanh; Cả nước cấp hơn 24.000 giấy phép tài nguyên nước; Lâm Đồng: Xử lý 2.800 vụ vi phạm, thu hồi trên 200 dự án để mất rừng... là những tin tức môi trường nổi bật ngày 26/4.
22,7 tỷ đồng trồng 1 tỷ cây xanh
Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) triển khai dự án trồng 1 tỷ cây xanh với kinh phí 22,7 tỷ đồng. Dự án nhằm tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, vai trò và trách nhiệm của cộng đồng dân cư, đặc biệt là các bạn nhỏ và các gia đình trẻ tại Việt Nam trong công tác bảo vệ môi trường, bảo vệ khu di sản, khôi phục rừng phòng hộ giúp ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, lũ lụt tạo môi trường cảnh quan xanh - sạch - đẹp và phát triển bền vững; Đồng thời đóng góp vào Quỹ 1 tỷ cây xanh theo lời kêu gọi của Thủ tướng.
Việc tổ chức trồng cây xanh khu vực rừng đầu nguồn là hết sức cấp thiết sẽ giúp chống xói mòn đất vào mùa mưa lũ, tăng cường mực nước ngầm vào mùa khô hạn; Đồng thời giúp giảm cường độ gió vào mùa mưa bão cho người dân trên địa bàn, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững cho người dân.
Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân chia sẻ, hàng năm chúng ta đang phải chứng kiến những tác động nghiêm trọng do thiên tai và các hiện tượng thời tiết cực đoan kèm theo những hậu quả hết sức nặng nề, hơn ai hết chúng ta càng thấm nhuần ý nghĩa của việc trồng cây, phủ xanh đất trống, phục hồi hệ sinh thái trên mọi miền Tổ quốc.
Trồng cây “Vì một Việt Nam xanh” cho các thế hệ hôm nay và mai sau cũng chính là sửa chữa, khắc phục những sai lầm trong ứng xử với tự nhiên trong suốt thời gian qua, đưa Việt Nam trở thành một tấm gương mẫu mực, một điểm đến hấp dẫn về cuộc sống hài hòa với thiên nhiên trên bản đồ thế giới.
Bộ TN&MT đánh giá cao sự hưởng ứng và chung tay từ Công ty CP Con Cưng trong việc chung sức trồng rừng phòng hộ ở khu vực Miền Trung và Miền Tây Nam Bộ.
Dự án triển khai trong thời gian 5 năm, tập trung vào việc khôi phục rừng phòng hộ tại các tỉnh, TP khu vực miền Trung và miền Tây Nam Bộ với tổng mức đóng góp dự kiến là 22,7 tỷ đồng.
Cả nước cấp hơn 24.000 giấy phép tài nguyên nước
Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cho biết, tính đến tháng 4/2022, đã có khoảng hơn 24.000 công trình khai thác, sử dụng nước và xả nước thải vào nguồn nước đã được quản lý từ Trung ương đến địa phương thông qua biện pháp, công cụ cấp phép tài nguyên nước.
Trong đó, Bộ TN&MT đã cấp 1.787 giấy phép tài nguyên (113 giấy phép hành nghề khoan thăm dò khai thác nước dưới đất; 843 giấy phép khai thác sử dụng nước mặt, nước biển; 149 giấy phép thăm dò nước dưới đất; 277 giấy phép khai thác sử dụng nước dưới đất và 405 giấy phép xả nước thải vào nguồn nước).
Ở địa phương, theo số liệu báo cáo tại 54 tỉnh, thành phố đã cấp 23.794 Giấy phép tài nguyên nước cho các tổ chức và cá nhân (577 giấy phép hành nghề khoan thăm dò khai thác nước dưới đất; 1.890 giấy phép khai thác sử dụng nước mặt, nước biển; 1.968 giấy phép thăm dò nước dưới đất; 9.439 giấy phép khai thác sử dụng nước dưới đất và 9.920 giấy phép xả nước thải vào nguồn nước).
Qua công tác thẩm định các dịch vụ công trong lĩnh vực tài nguyên nước, tính từ năm 2012, Bộ TTN&MT đã thu gần 16 tỷ đồng nộp về ngân sách Nhà nước.
Đồng thời, Bộ TN&MT và các địa phương đã đẩy mạnh triển khai công tác thanh tra, kiểm tra định kỳ và đột xuất; xử lý các vi phạm của các cơ sở có hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước không có giấy phép và không chấp hành các quy định pháp luật về tài nguyên nước có liên quan theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản (hiện nay là Nghị định số 36/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản và Nghị định số 04/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai;tài nguyên nước và khoáng sản; khí tượng thủy văn; đo đạc và bản đồ).
Hành động để bảo vệ đa dạng sinh học và các hệ sinh thái
Đó là kêu gọi của Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) Abdulla Shahid nhân Ngày Quốc tế Mẹ Trái đất.
Thiên nhiên đang phải hứng chịu nhiều vấn đề và thiên tai. Các đại dương đang chứa rất nhiều nhựa; nắng nóng khắc nghiệt, cháy rừng và lũ lụt đã ảnh hưởng đến hàng triệu người và chúng ta vẫn đang đối mặt với Covid-19, đại dịch sức khỏe trên toàn thế giới có liên quan đến sức khỏe của hệ sinh thái của chúng ta.
Chủ tịch Shahid cho biết, chúng ta đang tàn phá ngôi nhà của chính mình - ngôi nhà duy nhất và ngôi nhà chung mà tất cả chúng ta cùng chia sẻ.
Ông khuyến khích cộng đồng quốc tế nhận trách nhiệm về “hành vi liều lĩnh” của mình. Theo ông, khoa học đã chỉ ra rằng sự xâm phạm liên tục và bất cẩn của chúng ta vào các hệ sinh thái của thế giới đã làm tổn hại đến đa dạng sinh học và gây nguy hiểm cho sức khỏe và hạnh phúc của con người.
Đề cập đến chủ đề của Ngày Quốc tế Mẹ Trái đất năm nay là “Hài hòa với thiên nhiên và đa dạng sinh học: Kinh tế sinh thái và quy luật lấy Trái đất làm trung tâm”, Abdulla Shahid đã kêu gọi thế giới chuyển sang các nền kinh tế xanh. Ông nhấn mạnh: “Chúng ta hãy xây dựng các lĩnh vực giáo dục, công nghệ và khoa học giúp bảo vệ một hành tinh khỏe mạnh cho tất cả mọi người, bao gồm cả những người trẻ tuổi”.
Biến đổi khí hậu, những thay đổi do con người tạo ra đối với thiên nhiên cũng như các tội ác phá hủy đa dạng sinh học, chẳng hạn như phá rừng, thay đổi mục đích sử dụng đất, tăng cường sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi hoặc buôn bán trái phép động vật hoang dã ngày càng tăng, có thể đẩy nhanh tốc độ hủy diệt hành tinh.
Lâm Đồng: Xử lý 2.800 vụ vi phạm, thu hồi trên 200 dự án để mất rừng
Ngày 26/4, UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết đã có báo cáo số 67/BC-UBND gửi Thủ tướng Chính phủ về công tác quản lý và bảo vệ rừng của địa phương từ năm 2018 đến nay.
Từ năm 2018 đến hết quý 1/2022, cơ quan chức năng địa phương đã phát hiện và lập hồ sơ xử lý hơn 2.800 vụ vi phạm; trong đó có 147 vụ vi phạm nổi cộm, có tính chất phức tạp nhưng đã được cơ quan chức năng phát hiện, điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
UBND tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo xử lý trách nhiệm tổ chức, cá nhân có liên quan đến các vụ vi phạm trên. Các cấp thẩm quyền trong tỉnh đã xử lý kỷ luật đối với 13 cơ quan, đơn vị; có 161 cá nhân bị kỷ luật do thiếu trách nhiệm để xảy ra phá rừng.
Tỉnh Lâm Đồng đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện quản lý, bảo vệ rừng như: một số sở, ban, ngành và địa phương chưa quyết liệt tổ chức thực hiện chỉ thị, văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, dẫn đến tình trạng phá rừng, lấn chiếm rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa được ngăn chặn triệt để.
Trên địa bàn còn xảy ra các vụ phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái pháp luật có tính chất phức tạp, nổi cộm, gây thiệt hại lớn đến rừng nhưng chậm phát hiện, ngăn chặn và xử lý; vi phạm vắng chủ vẫn chiếm tỷ lệ lớn; số vụ án được hoàn thiện điều tra, đưa ra truy tố, xét xử chiếm tỷ lệ thấp, gây dư luận không tốt.
Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp được thuê đất, thuê rừng thực hiện chậm tiến độ, thực hiện không đúng các hạng mục đầu tư đã được phê duyệt, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trái pháp luật, buông lỏng quản lý...; chưa chấp hành nghiêm việc nộp tiền bồi thường tài nguyên rừng đối với diện tích rừng bị mất.
Thế giới sẽ hứng chịu 1,5 thảm họa mỗi ngày vào năm 2030
Theo một báo cáo hai năm một lần của Liên hiệp quốc về các thảm họa, trong hai thập kỷ qua, hàng năm có khoảng 350 đến 500 thảm họa từ vừa đến lớn xảy ra, nhưng các chính phủ về cơ bản đã đánh giá thấp tác động thực sự của chúng đối với cuộc sống và sinh kế của con người.
Ngày 25/4, bà Mami Mizutori, người đứng đầu Văn phòng Liên hiệp quốc về Giảm thiểu rủi ro thiên tai (UNDRR), đơn vị công bố Báo cáo Đánh giá Toàn cầu 2022, cho biết: “Việc nâng cao báo động bằng cách nói ra sự thật không chỉ cần thiết mà còn rất quan trọng. Hành động trước khi một thảm họa tàn phá sẽ ít tốn kém hơn là đợi cho đến khi nó kết thúc để ứng phó”.
Báo cáo mới của UNDRR đã đề cập đến các loại thảm họa khác nhau do thiên tai gây ra, từ lũ lụt, hạn hán và bão cho đến động đất và dịch bệnh. Theo đó, các thảm họa ngày càng thường xuyên và dữ dội hơn trong 5 năm qua đã giết chết hoặc ảnh hưởng đến nhiều người so với 5 năm trước đó, đồng thời có thể đẩy thêm 100 triệu người vào cảnh đói nghèo vào năm 2030.
Thiên tai đã gây thiệt hại trung bình khoảng 170 tỷ đô la Mỹ mỗi năm trong thập kỷ qua, với các quốc gia đang phát triển và những người nghèo nhất phải gánh chịu thiệt hại nặng nề.
Báo cáo cho biết những quốc gia này đã mất trung bình 1% tổng sản phẩm quốc nội mỗi năm - nhiều hơn 10 lần so với các quốc gia có thu nhập cao. Cụ thể, các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương bị ảnh hưởng nặng nề nhất, với mức sụt giảm 1,6% GDP hàng năm.
Mặc dù các nước đã cam kết hạn chế mức tăng nhiệt độ của Trái đất ở ngưỡng 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp theo mục tiêu Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu đề ra, song phần lớn các nước đều không đạt được tiến bộ đáng kể trong vấn đề này. Năm ngoái, lượng khí thải CO2 đã tăng mạnh sau thời gian suy giảm do đại dịch COVID-19 làm gián đoạn nhiều hoạt động xã hội trên toàn cầu.
Lan Anh