Chủ nhật, 24/11/2024 01:54 (GMT+7)
Thứ ba, 26/04/2022 15:00 (GMT+7)

Chuyên gia khuyến cáo kiểm tra môi trường xung quanh Xí nghiệp Đèn ống Điện Quang

Theo dõi KTMT trên

Chất thải từ bóng đèn trong Xí nghiệp Đèn ống - Công ty cổ phần Bóng đèn Điện Quang chứa nhiều thành phần nguy hại nên khi xả thải trái phép có nguy cơ tác động xấu tới môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng sức khoẻ người dân xung quanh.

Điều cần làm ngay

Ngày 25/4/2022, trao đổi với phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường về hành vi xả thải trái phép, vi phạm môi trường xảy ra tại Xí nghiệp Đèn ống - Công ty cổ phần Bóng đèn Điện Quang (KCN 1, TP. Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai), GS.TSKH Phạm Hoàng Hải - Viện trưởng Viện Môi trường và Phát triển Bền vững, bày tỏ sự bức xúc trước sự vô trách nhiệm của doanh nghiệp trong vấn đề bảo vệ môi trường và sức khoẻ cộng đồng.

"Vi phạm về môi trường rất nguy hiểm. Tại sao Xí nghiệp Đèn ống lại có hành vi như thế dù Bộ Tài nguyên và Môi trường, các chuyên gia và cơ quan chức năng từ cấp xã, phường, tỉnh cảnh báo nhiều lần rồi?", GS.TSKH Phạm Hoàng Hải hỏi thẳng.

Theo GS.TSKH Phạm Hoàng Hải, sự việc xả thải trái phép, vi phạm môi trường xảy ra ở Xí nghiệp Đèn ống đã xảy ra và đang được cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai điều tra. Tuy nhiên, cần đặt ra thêm vấn đề xử lý của địa phương bây giờ như thế nào?

Chuyên gia khuyến cáo kiểm tra môi trường xung quanh Xí nghiệp Đèn ống Điện Quang - Ảnh 1
Bên trong hầm chứa chất thải nguy hại mà Xí nghiệp Đèn ống - Công  ty  cổ phần Bóng đèn Điện Quang xả thải trái phép.

Vị chuyên gia này nêu quan điểm: "Cá nhân, đơn vị nào làm sai thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật là điều đương nhiên. Không có chuyện chôn lấp, xả thải chất thải nguy hại sau đó chối bỏ hoặc quanh co, đùn đẩy trách nhiệm. Nhưng bên cạnh đó cũng cần có phương án yêu cầu trách nhiệm của cá nhân, đơn vị sai phạm ứng phó, xử lý sự cố môi trường có thể xảy ra trong vụ việc này".

Ông Hải cho rằng, đơn vị chuyên môn trong lĩnh vực môi trường của tỉnh Đồng Nai phải dự đoán được sự cố môi trường từ việc Xí nghiệp Đèn ống - Công ty cổ phần Bóng đèn Điện Quang xả thải trái phép. Vấn đề ảnh hưởng môi trường trong sự việc này đương nhiên là có. Tuy nhiên, ảnh hưởng ở mức độ như thế nào, tác động tới sức khoẻ người dân, đất, nước... ra sao thì cần phải có thêm đơn vị chuyên môn vào cuộc, lấy mẫu đưa đi kiểm tra để xác định cụ thể.

Chuyên gia khuyến cáo kiểm tra môi trường xung quanh Xí nghiệp Đèn ống Điện Quang - Ảnh 2
GS.TSKH Phạm Hoàng Hải - Viện trưởng Viện Môi trường và Phát triển Bền vững: "Không có chuyện chôn lấp, xả thải chất thải nguy hại sau đó chối bỏ hoặc quanh co, đùn đẩy trách nhiệm. Nhưng bên cạnh đó cũng cần có phương án yêu cầu trách nhiệm của cá nhân, đơn vị sai phạm ứng phó, xử lý sự cố môi trường có thể xảy ra trong vụ việc này".

Việc kiểm tra, xác định mức độ ảnh hưởng môi trường từ Xí nghiệp Đèn ống không quá khó khăn nhưng lại tốn kém về mặt kinh phí. Nhưng Viện trưởng Viện Môi trường và Phát triển Bền vững cho rằng, phía Xí nghiệp Đèn ống nói riêng và Công ty cổ phần Điện Quang phải chịu trách nhiệm, chi trả toàn bộ chi phí cho công tác này. Đây cũng là điều đã được quy định rất rõ trong luật hiện hành.

Ngoài ra, kết quả thu thập được từ việc kiểm tra mẫu đất, nước, không khí xung quanh Xí nghiệp Đèn ống cũng chính là một phần căn cứ để xác định mức độ vi phạm của cá nhân, đơn vị trong vụ việc. Từ đó có cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai xử lý đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

Cũng cần phải đặt ra câu hỏi, việc xả thải trái phép, vi phạm môi trường là của cá nhân, đơn vị Xí nghiệp Đèn ống hay là chủ trương, quy trình của Công ty cổ phần Bóng đèn Điện Quang?

Chuyên gia khuyến cáo kiểm tra môi trường xung quanh Xí nghiệp Đèn ống Điện Quang - Ảnh 3
Cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai làm việc với nhân viên Xí nghiệp  Đèn  ống - Công ty cổ phần Bóng đèn Điện Quang về chất thải nguy hại xả thải trái phép.

Sông Đồng Nai đang bị bức tử

Trong hai ngày 22 - 23/4, lực lượng công an đã khai quật 2 vị trí nghi chứa chất thải nguy hại nằm trong khuôn viên Xí nghiệp Đèn ống. Tại hiện trường, cơ quan công an thu được là 42 tấn chứa chất nguy hại. Trong đó, tại hầm bên trong Xí nghiệp Đèn ống có gần 15 tấn, khu vực ngoài sân là hơn 27 tấn. Các chất thải được phát hiện gồm miếng thủy tinh nhiễm chất thải nguy hại và nước thải từ quá trình xay nghiền bóng đèn. Kết quả test nhanh nước thải xác định độ PH vượt 7 lần cho phép.

Trong vỏ bóng đèn thải có chứa nhiều chất nguy hiểm, đặc biệt là loại đèn huỳnh quang compact. Theo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực môi trường, đèn compact có cấu tạo là ống thủy tinh, mặt trong ống có phủ lớp bột huỳnh quang với thành phần chủ yếu là hợp chất phốt pho, hơi thủy ngân và khí trơ (acgon, kripton).

Trường hợp người tiêu dùng không may để bóng bị nứt và vỡ thì thủy ngân, bột phốt pho trong bóng sẽ thoát ra ngoài, điều này có thể gây hại cho môi trường và ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Bột phốt pho, khi tiếp xúc trực tiếp với da người có thể gây bỏng phốt pho. Người bị bỏng phốt pho, nếu không vệ sinh đúng cách sẽ bị nhiễm trùng, gây lở loét hoặc hoại tử.

Cùng với bột phốt pho, trong bóng đèn compact còn có thủy ngân, thủy ngân được sử dụng ở dạng nguyên tố nên dễ dàng gây độc cho người sau khi hít vào. Thủy ngân nguyên tố được hít vào sẽ hấp thu nhanh qua đường hô hấp, qua màng phế nang vào máu đến thận, gan lách và tập trung gây tổn thương hệ thần kinh trung ương.

Hiện lực lượng Công an tỉnh Đồng Nai tiếp tục phối hợp với cơ quan chức năng khai quật tại các vị trí nghi vấn khác bên trong Xí nghiệp Đèn ống để tiếp tục mở rộng điều tra. 

Xí nghiệp Đèn ống - Công ty cổ phần Bóng đèn Điện Quang nằm trong khuôn viên KCN 1, phường An Bình, TP. Biên Hoà. Đây là một trong những KCN lâu đời nhất tại Việt Nam, được thành lập từ năm 1963 và có tầm quan trọng trong cơ cấu kinh tế của tỉnh Đồng Nai suốt nhiều thập kỷ. Tuy nhiên, sau gần 60 năm hoạt động, KCN đã và đang là một trong những tác nhân gây nên ô nhiễm cho sông Đồng Nai.

Ghi nhận thực tế trên sông, đoạn qua TP. Biên Hòa bằng cách hỏi cư dân hai bên bờ thì ai cũng trả lời: Có cho tiền cũng không còn dám tắm giặt trên dòng sông này. "Nhìn mặt nước thì không thấy bẩn nhưng cứ lao mình xuống tắm là thấy ngay hậu quả. Đó là nổi mẩn, ngứa ngáy khắp người" - chị Hòa, một cư dân sống bên dòng Đồng Nai đoạn chảy qua TP. Biên Hòa, chia sẻ.

Cục Cảnh sát môi trường từng thống kê trên toàn lưu vực hệ thống sông Đồng Nai hằng ngày phải tiếp nhận trên 4.500 điểm xả từ nhiều nguồn nước thải công nghiệp, khai thác khoáng sản, làng nghề, nước sinh hoạt, nông nghiệp, y tế, chăn nuôi...

Qua kiểm tra, Cục Cảnh sát môi trường phát hiện DN không xây dựng hệ thống xử lý chất thải hoặc có hệ thống xử lý nhưng không vận hành. Thậm chí, có doanh nghiệp xây dựng hệ thống xả thải bí mật để xả nước thải chưa qua xử lý ra kênh rạch, rồi ra sông. Hầu như tất cả đô thị đều chưa có hệ thống xử lý nước thải. Chưa kể các tỉnh, thành trên lưu vực sông còn nhiều bệnh viện tuyến huyện xả thải trực tiếp vào hệ thống nước thải sinh hoạt, xả ra nguồn nước lưu vực sông.

Trao đổi về vụ việc tại Xí nghiệp Đèn ống - thuộc Công ty Cổ phần Bóng đèn Điện Quang, nhiều luật sư nhận định, thành phần sản xuất đèn ống có phốt pho, lưu huỳnh. Đây đều là những chất chứa độc tố cao, có thể gây nguy hiểm cho con người và môi trường nếu không được xử lý đúng cách nên được xếp vào dạng chất thải nguy hại. Vì thế, vụ việc tại Xí nghiệp Đèn ống cần phải được điều tra, xem xét yếu tố hình sự theo Điều 235 Bộ luật Hình sự 2017 về tội gây ô nhiễm môi trường.

"Tuỳ vào mức độ, hành vi phạm tội mà người phạm tội bị phạt tù từ 3 tháng đến 7 năm tù. Cơ quan chức năng sẽ xác định khối lượng mà Xí nghiệp Đèn ống chôn, lấp, đổ, thải ra môi trường để có căn cứ xử lý đúng hành vi vi phạm", luật sư Nguyễn Văn Hiển - Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết.

Luật sư Hiển cũng cho biết, theo Nghị định 155/2016/NĐ-CP, sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 55/2021/NĐ-CP đối với hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường, các doanh nghiệp vi phạm sẽ bị áp dụng 02 hình thức xử phạt hành chính là phạt cảnh cáo và phạt tiền. Mức phạt tiền cao nhất là 1 tỷ đồng với cá nhân và 2 tỷ đồng với tổ chức.

Ngoài ra, cá nhân, tổ chức vi phạm còn bị tước quyền sử dụng có thời hạn với “giấy phép xử lý chất thải nguy hại, giấy phép xả thải khí thải công nghiệp…”. Lúc này, những hoạt động của công ty tạo ra chất thải cần xử lý sẽ bị tạm dừng cho đến hết thời hạn xử lý. Như vậy, việc tước giấy phép xử lý chất thải chỉ tạm dừng những hoạt động có liên quan đến quá trình xả thải của doanh nghiệp. Còn những hoạt động khác thì vẫn được phép hoạt động bình thường.

Phạm Danh

Bạn đang đọc bài viết Chuyên gia khuyến cáo kiểm tra môi trường xung quanh Xí nghiệp Đèn ống Điện Quang. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hải Dương: Xảy ra 2 vụ cháy rừng tại thị xã Kinh Môn chiều 1/11
Khoảng 15h chiều ngày 1/11, người dân phát hiện cháy rừng ở xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn (Hải Dương). Khoảng nửa giờ sau đó, tại địa bàn xã Bạch Đằng (cùng thị xã Kinh Môn) cũng phát hiện cháy rừng. Đây là vụ cháy rừng thứ 3 và thứ 4 tại thị xã này.

Tin mới