Thứ ba, 23/04/2024 21:44 (GMT+7)
    Thứ năm, 28/04/2022 18:00 (GMT+7)

    Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 28/4

    Theo dõi KTMT trên

    VN-Index giằng co dữ đội; Tỷ giá yen/USD vượt ngưỡng 130 lần đầu tiên kể từ năm 2002... là những tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất hôm nay 28/4/2022.

    VN-Index giằng co dữ đội

    Kể từ phiên giao dịch cuối tuần trước, đây là lần đầu tiên thị trường chứng khoán Việt Nam diễn ra yên ả và không có biến động cụ thể.

    Dù có nhiều pha đảo chiều, trước sự ảnh hưởng tiêu cực từ các cổ phiếu vốn hóa lớn, VN-Index vẫn đóng cửa ở mốc 1.3050,9 điểm, giảm 2,78 điểm (-0,21%). Trong khi đó, HNX và UPCoM vẫn giữ được sắc xanh ngay từ sáng với mức tăng lần lượt là 0,87% và 1,31%.

    Toàn thị trường có 534 mã tăng, 292 mã giảm, 728 mã giữ tham chiếu, 62 mã tăng trần và 9 mã giảm kịch biên độ. Dù không có sự chênh lệch rõ rệt, thanh khoản thị trường về cuối phiên tỏ ra đuối hơn so với phiên giao dịch 27/4, đạt 16.000 tỷ đồng, thấp hơn nhiều mức bình quân từ đầu năm khoảng 30.500 tỷ đồng/phiên và bình quân năm 2021 là 26.500 tỷ đồng/phiên.

    Rổ VN30 đại diện cho 30 cổ phiếu lớn nhất HoSE giảm 1,15 điểm (-0,08%) với 19 mã giảm, 7 mã tăng và 4 mã giữ tham chiếu. Thanh khoản của rổ đạt 4.715 tỷ đồng, chiếm hơn 28% giá trị giao dịch của VN-Index.

    Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 28/4 - Ảnh 1
    Sự giằng co mạnh khiến chỉ số không thể xác định xu hướng. 

    FPT là mã tăng mạnh nhất trong VN30 với 2,4%, những mã có mức tăng cao (đều từ 1,4%) kế đó là HPG, VPB, TCB. Đáng chú ý, cổ phiếu VCB trong phiên chiều nay đã lấy lại được tham chiếu sau khi giảm gần 2% vào phiên sáng và từng đóng góp tiêu cực nhất đến chỉ số.

    Vị trí này hiện chuyển lại cho GAS khi mã này giảm 3%. Ngoài GAS, những bluechips tác động tiêu cực nhất trên sàn HoSE là MSN, SAB, BID, VHM, MWG, VNM. Ngược lại, BCM, HPG, VPB, TCB, FPT vẫn nỗ lực làm trụ đỡ cho chỉ số.

    Khối ngoại trong phiên này vẫn tích cực bán ròng trên 307 tỷ đồng. Tổng giá trị giao dịch trên cả hai sàn HoSE và HNX vượt 2.700 tỷ đồng.

    VHM là mã có giá trị bán ròng cao nhất, đạt 213 tỷ đồng, gấp 3,5 lần giá trị của mã kế sau là DGC. Bên cạnh đó, VND, HBC, DIG, DXG cũng đang bị nhà đầu tư nước ngoài xả hàng mạnh.

    Trong khi đó, giá trị mua ròng của HPG đạt 120,9 tỷ đồng, cao nhất phiên. Ngoài ra, khối ngoại đang đẩy mạnh thu mua NLG, HDB, VCB, HDG, VRE.

    HPG còn là mã đứng đầu giá trị giao dịch toàn thị trường, ước tính khoảng 586 tỷ đồng. DIG, VPB và VHM cũng có phiên giao dịch tích cực với giá trị đều trên 400 tỷ đồng. Sự ảnh hưởng của HPG còn chuyển hướng dòng tiền và tiếp đà tăng cho nhiều cổ phiếu thép như VGS, VCA, POM.

    Khác với phiên sáng, một số cổ phiếu bất động sản vốn hóa lớn như VHM, VIC, KDH, PDG đã thu hẹp đà sụt giảm. Cổ phiếu của NVL thậm chí lộn ngược dòng để kết thúc với mức tăng 0,49%. Tuy nhiên, ba cổ phiếu đầu cơ là DIG, CEO, L14 đều suy yếu và tiến sát đến mức giá sàn.

    Tương tự ca sáng, hàng loạt cổ phiếu nhóm chế biến thủy hải sản như AAM, ANV, ACL, IDI, FMC, CMX vẫn giữ được sắc xanh hoặc tham chiếu. ABT là mã duy nhất đóng cửa tiêu cực với mức giảm 3,17%.

    Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu phân bón, hóa chất như BFC, CSV, DCM, DGC, DPM, LAS, PMB cũng giữ được sự hấp dẫn với nhà đầu tư khi đều có mức tăng mạnh.

    Tỷ giá yen/USD vượt ngưỡng 130 lần đầu tiên kể từ năm 2002

    Trong phiên giao dịch chiều 28/4, tỷ giá của đồng yen đã vượt ngưỡng 130 yen/USD sau khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) quyết định duy trì chính sách tiền tệ siêu lỏng.

    Vào lúc 14 giờ 42 (giờ địa phương), tỷ giá mua-bán giữa hai đồng tiền ở thị trường Tokyo đứng ở mức 130,20-130,23 yen/USD. Đây là lần đầu tiên đồng nội tệ của Nhật Bản mất giá mạnh như vậy so với đồng bạc xanh của Mỹ kể từ tháng 4/2002.

    Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 28/4 - Ảnh 2
    Ảnh minh hoạ.

    WB: Tỷ lệ giảm nghèo của Việt Nam trong 10 năm qua đầy ấn tượng

    Trong 10 năm qua, tỷ lệ nghèo ở Việt Nam đã giảm đầy ấn tượng; tỷ lệ nghèo theo chuẩn quốc gia thu nhập trung bình thấp của Ngân hàng Thế giới (WB) (3,20 USD/ngày ngang giá sức mua năm 2011) giảm từ 16,8% xuống còn 5%, với trên 10 triệu người được thoát nghèo.

    Đây là thông tin được Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đưa ra trong buổi công bố Báo cáo Đánh giá thực trạng nghèo và bình đẳng của Việt Nam năm 2022-Từ chặng đường cuối đến chặng đường kế tiếp, diễn ra sáng 28/4, tại Hà Nội.

    Báo cáo gồm hai phần: điểm lại các xu hướng nghèo và bất bình đẳng trong thập kỷ vừa qua, giai đoạn 2010-2020; đánh giá các cơ hội và thách thức trong lộ trình Việt Nam hướng tới những khát vọng của Chặng đường kế tiếp, đồng thời nâng cao sự thịnh vượng cho cả hộ gia đình và người lao động.

    Phát biểu tại buổi công bố, bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho biết đây là một trong những báo cáo quan trọng của WB. Các phát hiện, phân tích từ báo cáo sẽ giúp cung cấp thông tin và hình thành khuyến nghị, dự án, đối thoại chính sách của Ngân hàng Thế giới đối với Chính phủ Việt Nam.

    Trong báo cáo, WB đánh giá Việt Nam là quốc gia năng động đang trong quá trình chuyển đổi. Các chỉ số cho thấy Việt Nam đang đi đúng hướng, với nhiều chuyển biến tích cực về kinh tế, xã hội.

    “Việt Nam đã đạt được những tiến triển chưa từng có về kinh tế-xã hội trong vòng chưa đầy nửa thế kỷ qua kể từ sau khi kết thúc chiến tranh,” Ngân hàng Thế giới khẳng định.

    Trong vòng chưa đầy nửa thế kỷ kể từ khi chiến tranh kết thúc và sau 35 năm Đổi mới, Việt Nam đã trở thành nền kinh tế năng động và là thị trường đầy hấp dẫn với thế giới. GDP bình quân đầu người (tính theo giá cố định bằng USD năm 2015) tăng từ 481 USD năm 1986 lên 2.655 USD vào năm 2020. Tăng trưởng kinh tế ở mức cao nhưng có tính chất bao trùm và sinh kế ở Việt Nam đã được cải thiện đáng kể.

    Căn cứ vào chuẩn nghèo áp dụng cho quốc gia thu nhập trung bình thấp (3,20 USD/ngày tính theo ngang giá sức mua năm 2011) của Ngân hàng Thế giới, tỷ lệ nghèo đã giảm từ 16,8% năm 2010 xuống còn 5,0% vào năm 2020, có nghĩa là 10 triệu người đã thoát nghèo, số người nghèo đã giảm xuống còn 5 triệu người vào năm 2020. Theo ước tính sơ bộ cho năm 2019, 5,7% người Việt Nam được phân loại là nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều.

    Tăng trưởng trong thập kỷ qua ở Việt Nam nhìn chung có tính chất bao trùm, do những cải thiện về phúc lợi đạt được trên toàn bộ phân bố kinh tế hộ gia đình. Sự thoát nghèo diễn ra đồng đều ở hầu hết các nhóm, và nhiều gia đình thoát nghèo chỉ trong vòng một thế hệ.

    Bên cạnh những thành tựu giảm nghèo ấn tượng trên, báo cáo của Ngân hàng Thế giới cũng lưu ý Việt Nam, với vị trí hiện tại là quốc gia thu nhập trung bình ở ngưỡng thấp, đang phải đối mặt với chặng đường đầy thách thức trong thời gian tới để đạt tới các ngưỡng của quốc gia thu nhập trung bình cao và quốc gia thu nhập cao trong bối cảnh nền kinh tế và khí hậu toàn cầu đang có nhiều thay đổi.

    Theo một khảo sát cư dân, từ năm 2015 đến năm 2020, nghèo/đói được chọn là vấn đề chính cần được chính phủ giải quyết. Khi được hỏi tại sao vấn đề nghèo là mối quan tâm chính, nhiều người dân Việt Nam tỏ ra lo ngại về khả năng tái nghèo, đồng thời một số đông người tham gia khảo sát cho rằng tình trạng nghèo là lực cản chung đối với nền kinh tế và làm giảm uy tín quốc gia.

    PV Oil đạt gần 60% kế hoạch lợi nhuận cả năm chỉ sau quý I

    Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) đã tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên với ghi nhận lợi nhuận quý 1 đạt hơn nửa kế hoạch năm 2022.

    Cụ thể, trong quý I, tổng sản lượng kinh doanh xăng dầu của PV Oil đạt 875.000 m3/tấn, đạt 105,2% kế hoạch quý và 26,3% kế hoạch năm đã đề ra. Doanh thu hợp nhất quý I của doanh nghiệp ước đạt 17.800 tỷ đồng, vượt 58% kế hoạch quý và hoàn thành gần 40% kế hoạch năm.

    Lợi nhuận trước thuế hợp nhất của PV Oil ước đạt 295 tỷ đồng, đạt 136% kế hoạch quý và hoàn thành 59% mục tiêu cả năm. Như vậy, so với kết quả thực hiện trong quý I/2021, doanh thu và lợi nhuận trước thuế của PV Oil lần lượt tăng 51% và 43%.

    Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 28/4 - Ảnh 3

    Tổng doanh thu hợp nhất năm 2021 của PV Oil đạt 58.299 tỷ đồng, hoàn thành 105% kế hoạch và tăng trưởng 15% so với cùng kỳ. Doanh thu của doanh nghiệp đến từ hai lĩnh vực chính là kinh doanh xăng dầu (chiếm 67%) và kinh doanh dầu thô quốc tế (chiếm 33%). Lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 928 tỷ đồng, công ty mẹ đạt 698 tỷ, gấp 2,3 lần kế hoạch được giao.

    Doanh nghiệp cho biết trong quý I, cùng với tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, thị trường xăng dầu trong và ngoài nước có nhiều biến động. Giá dầu thế giới liên tục tăng, trong khi nguồn hàng thiếu hụt do nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn giảm công suất hoạt động và nguồn hàng nhập khẩu chỉ về cuối tháng 2 dẫn đến các đầu mối hạn chế bán hàng, chiết khấu thị trường giảm xuống rất thấp, ảnh hưởng đến hiệu quả kênh bán lẻ của PV Oil.

    Mặc dù vậy, các đơn vị trong toàn hệ thống PV Oil đạt kết quả kinh doanh khả quan, không có đơn vị nào bị lỗ. Giá trị giải ngân đầu tư thực hiện trong năm là 303 tỷ đồng, đạt 49% kế hoạch, chủ yếu cho việc phát triển mới 26 cửa hàng xăng dầu, mở rộng kho xăng dầu Nghi Sơn giai đoạn 1 và cải tạo, nâng cấp kho/cửa hàng xăng dầu hiện hữu.

    Lãnh đạo doanh nghiệp chia sẻ năm 2021 PV Oil đặt mục tiêu phát triển 36 cây xăng nhưng việc triển khai khó khăn vì dịch bệnh. Do đó cơ hội chuyển sang năm 2022. Trong quý I, PV Oil mở được 22 cây xăng trong tổng số 50 cây xăng. 50 cây xăng kế hoạch năm 2022 là kế thừa năm 2021. PV Oil cũng có kế hoạch phát triển mạnh mẽ số lượng cây xăng những năm tới.

    Về kế hoạch chia cổ tức năm 2022, lãnh đạo doanh nghiệp cho biết còn phụ thuộc vào kết quả sản xuất kinh doanh năm nay. Hiện thế giới có nhiều bất ổn hậu quả từ đại dịch Covid-19 vẫn còn, xung đột Nga - Ukraine khiến giá dầu tăng vọt. Những yếu tố này đang ảnh hưởng lớn đến tình hình sản xuất kinh doanh của tập đoàn.

    Với dự định chuyển niêm yết lên sàn HoSE, PV Oil gặp khó về việc còn lỗ lũy kế 401 tỷ đồng theo báo cáo tài chính hợp nhất 2021. "Nếu trong năm 2022 hoàn thành vượt mức kế hoạch lợi nhuận năm 2022 thì PV Oil sẽ thoát được lỗ lũy kế và sẽ thực hiện kế hoạch chuyển sang sàn HOSE", theo đại diện doanh nghiệp.

    Cũng theo vị này, để sang được sàn HoSE PV Oil cần đảm bảo các điều kiện ngặt nghèo. Theo đó, cần hết lỗ lũy kế trong báo cáo tài chính hợp nhất, không còn điểm loại trừ trong báo cáo kiểm toán, ROE năm gần nhất đạt 5% trở lên. Hiện nay PV Oil vẫn còn 3 điểm loại trừ liên quan đến nhà máy nhiên liệu sinh học Phú Thọ, công tác quyết toán của công ty PETEC, và hoàn thành một số thủ tục đất đai liên quan đến một số công ty thành viên.

    Tại đại hội, nhiều cổ đông quan tâm tới xu hướng chuyển đổi nhiên liệu từ xe chạy xăng sang xe điện sẽ ảnh hưởng ra sao tới hoạt động kinh doanh của PVOil tới đây.

    Ông Cao Hoài Dương, Chủ tịch HĐTV PVOil nói xu hướng chuyển đổi này là tất yếu và chắc chắn ảnh hưởng tới các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu như PVOil trong 5-10 năm tới.

    "Chúng tôi vẫn đang theo dõi xu hướng này, và tranh thủ cơ hội hợp tác với các đối tác để chuyển đổi cây xăng truyền thống thành các trạm dịch vụ vừa cung cấp xăng dầu, vừa là trạm sạc cho xe điện. Hoặc có thể chuyển đổi hoàn toàn một số cây xăng dầu truyền thống thành các trạm sạc xe điện để bắt kịp xu hướng chuyển đổi mới", ông nói.

    Hà Lan

    Bạn đang đọc bài viết Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 28/4. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

    Tin mới

    Hà Tĩnh khai mạc lễ hội du lịch biển năm 2024
    Tối 21/4, tại quảng trường Hồ Tùng Mậu (Khu du lịch Thiên Cầm, Cẩm Xuyên), UBND tỉnh Hà Tĩnh đã long trọng tổ chức khai mạc lễ hội du lịch biển năm 2024 với chủ đề “Hà Tĩnh – Thanh âm ngày nắng mới”.