Thứ bảy, 27/04/2024 02:59 (GMT+7)
    Thứ năm, 05/05/2022 18:00 (GMT+7)

    Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 5/5

    Theo dõi KTMT trên

    OPEC khẳng định nguồn cung dầu mỏ của Nga là không thể thay thế; Lạm phát tại Anh cao nhất trong hơn 10 năm... là những tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất hôm nay 5/5/2022.

    Ngành du lịch thu về 22.000 tỷ đồng trong 4 ngày nghỉ lễ

    Trong 4 ngày nghỉ lễ (từ ngày 30.4 đến ngày 3.5), ngành du lịch đã phục vụ khoảng 5 triệu lượt khách với tổng thu từ du lịch đạt khoảng 22.000 tỷ đồng.

    Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) ngày 5.5 cho biết, trong những ngày nghỉ lễ (từ ngày 30.4 đến ngày 3.5), ngành du lịch đã phục vụ khoảng 5 triệu lượt khách nội địa, trong đó có khoảng 2 triệu lượt khách nghỉ đêm tại các cơ sở lưu trú du lịch. Theo đó, tổng thu từ du lịch đạt khoảng 22.000 tỷ đồng.

    Theo ông Nguyễn Trùng Khánh - Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, kỳ nghỉ lễ 30.4-1.5 năm nay kéo dài hơn so với mọi năm (4 ngày), lại vào thời điểm đầu hè thích hợp cho những chuyến đi chơi cùng gia đình, hội nhóm,... Một số tỉnh/thành phố đã đạt và vượt chỉ tiêu phục vụ khách du lịch so với cùng kỳ năm 2021.

    Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 5/5 - Ảnh 1

    Trong khi đó, số lượng khách du lịch quốc tế tới một số địa phương trọng điểm du lịch tăng so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, Đà Nẵng đã đón 18 chuyến bay quốc tế từ Singapore, Thái Lan, Hàn Quốc, tổng số khách quốc tế đạt khoảng 7.400 lượt khách, tăng gần 16 lần so với cùng kỳ năm 2021. Hải Phòng đã đón 4.500 lượt khách quốc tế, du khách tập trung tại hai khu du lịch Đồ Sơn và Cát Bà. Đây là tín hiệu tốt cho mùa du lịch của Việt Nam năm nay.

    Đối với tour đưa khách ra nước ngoài (outbound), hiện nay cũng ghi nhận sự phục hồi, thị trường được du khách ưa thích là Dubai, UAE (tháng 3.2022 đạt hơn 2.000 khách, tổng tháng 3-4.2022 khoảng 5.000 khách).

    Theo đánh giá của Tổng cục Du lịch, dù lượng khách tăng nhưng chất lượng nhân lực ngành du lịch vẫn bị thiếu hụt nghiêm trọng. Do tuyển gấp và một phần lấy từ dân địa phương chưa qua đào tạo, chất lượng phục vụ chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu của du khách. Vì vậy, qua mạng xã hội, truyền thông, vẫn có một số phản ánh của người dân, du khách về chất lượng dịch vụ phục vụ khách.

    Bên cạnh đó, tình trạng ùn tắc cục bộ trên các tuyến đường tới khu, điểm du lịch vẫn chưa được cải thiện. Xu hướng du lịch của khách hiện nay đã chuyển từ đi theo tour, tuyến sang đi tự túc bằng xe cá nhân, từ đi xa sang đi gần nên số lượng xe lưu thông tăng đột biến, cùng với tình hình thời tiết bất thường khiến tình trạng ùn tắc giao thông kéo dài hàng giờ đồng hồ gây khó khăn cho việc đi lại của du khách.

    Theo Tổng cục Du lịch, năm 2022 ngành du lịch đặt mục tiêu đón 65 triệu lượt khách, trong đó có 5 triệu lượt khách quốc tế và 60 triệu khách nội địa. Tổng thu từ ngành du lịch ước đạt 400.000 tỷ đồng.

    Xuất khẩu nông sản Việt Nam đạt gần 18 tỷ USD trong 4 tháng

    Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), 4 tháng đầu năm, xuất khẩu nông sản tiếp tục là điểm sáng của nền kinh tế khi đạt kim ngạch 17,9 tỷ USD, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

    Theo Bộ NN&PTNT, tháng 4/2022, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt hơn 4,8 tỷ USD, tăng 11,2% so với tháng 4/2021. Trong đó, giá trị XK nhóm nông sản chính (cà phê, gạo, nhóm rau quả, tôm, sản phẩm gỗ) khoảng 1,9 tỷ USD; lâm sản chính ước gần 1,6 tỷ USD; thủy sản đạt gần 1,1 tỷ USD và chăn nuôi đạt 29,7 triệu USD.

    Tính chung 4 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt gần 17,9 tỷ USD, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm trước.

    Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 5/5 - Ảnh 2
    Xuất khẩu nông sản Việt Nam đạt gần 18 tỷ USD trong 4 tháng.

    Trong đó, xuất khẩu nhóm nông sản chính đạt trên 7,4 tỷ USD, tăng 10,5%; lâm sản chính đạt gần 5,9 tỷ USD, tăng 4,9%; thủy sản ước đạt gần 3,6 tỷ USD, tăng 43,7%; chăn nuôi ước đạt 105,4 triệu USD, giảm 19,0%; xuất khẩu đầu vào sản xuất khoảng 883 triệu USD, tăng 70,7% (nhất là phân bón giá trị xuất khẩu khoảng 439 triệu USD, tăng 2,9 lần so với cũng kỳ năm ngoái).

    Trong 4 tháng đầu năm, có 5 sản phẩm/nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD, gồm: cà phê, gạo, nhóm rau quả, tôm, sản phẩm gỗ. Một số mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu cao hơn so với cùng kỳ, như: cà phê, cao su, hồ tiêu, sắn và các sản phẩm từ sắn, cá tra, tôm, gỗ và các sản phẩm gỗ.

    Cụ thể, giá trị xuất khẩu cà phê đạt gần 1,7 tỷ USD (tăng 59,4%); cao su đạt khoảng 869 triệu USD (tăng 10,9%); hồ tiêu khoảng 367 triệu USD (tăng 29,6%); sắn và sản phẩm sắn đạt 574 triệu USD (tăng 29,5%), cá tra đạt 894 triệu USD (tăng 89,6%), tôm đạt trên 1,3 tỷ USD (tăng 38,6%), gỗ và sản phẩm gỗ đạt gần 5,5 tỷ USD (tăng 4,5%); mây, tre, cói thảm đạt 339 triệu USD (tăng 22,7%).

    Về thị trường xuất khẩu, các thị trường thuộc khu vực châu Á chiếm 41,0% thị phần, châu Mỹ 29,7%, châu Âu 12,8%, châu Phi 1,8%, châu Đại Dương 1,7%.

    Lạm phát tại Anh cao nhất trong hơn 10 năm

    Theo BRC, lạm phát phi thực phẩm trong tháng 4 vừa qua đã tăng 2,2% - mức cao nhất kể từ khi Anh bắt đầu thống kê số liệu này vào năm 2006. Trong khi đó, lạm phát thực phẩm tăng 3,5% - mức tăng cao nhất kể từ tháng 3/2013. Giám đốc điều hành BRC, bà Helen Dickinson, cho biết nguyên nhân khiến giá cả các mặt hàng tại Anh tăng "phi mã" là do tác động của giá năng lượng tăng và cuộc xung đột ở Ukraine. Theo bà Dickinson, giá thực phẩm toàn cầu đã đạt mức cao kỷ lục, tăng tới 13% riêng trong tháng 4, thậm chí giá dầu ăn và ngũ cốc còn cao hơn.

    Cùng chung nhận định trên, ông Mike Watkins, một chuyên gia thuộc công ty phân tích dữ liệu và đo lường toàn cầu NielsenIQ, cho biết lạm phát tại Anh "không hề có dấu hiệu giảm bớt".

    Thông tin được BRC đưa ra phù hợp với mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chính thức của Anh. BRC đã nghiên cứu giá cả của các mặt hàng thường được mua nhất trong các cửa hàng, trong khi chỉ số CPI bao gồm nhiều loại hàng hóa và dịch vụ gia dụng hơn.

    Dữ liệu cho thấy CPI của Anh đã tăng 7% trong tháng 3 - mức cao kỷ lục trong vòng 30 năm và dự kiến chỉ số này sẽ còn cao hơn nữa, chủ yếu do giá năng lượng cao hơn nhiều kể từ tháng 4.

    OPEC khẳng định nguồn cung dầu mỏ của Nga là không thể thay thế

    Phát biểu tại cuộc họp của Ủy ban kỹ thuật hỗn hợp chung của OPEC và các nước đồng minh (còn được gọi là OPEC+) hôm 4/5, ông Barkindo nhấn mạnh rằng: “Đương nhiên lượng dầu xuất khẩu hơn 7 triệu thùng/ngày của Nga không thể được thay thế bằng các nguồn khác. Đơn giản là không có khả năng".

    Hãng tin Reuters dẫn nguồn thạo tin cho hay các bộ trưởng OPEC+ sẽ nhóm họp vào hôm nay (5/5) và dự kiến sẽ đồng ý nâng mục tiêu sản lượng lên 432.000 thùng/ngày (bpd) cho tháng 6.

    Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 5/5 - Ảnh 3

    OPEC khẳng định nguồn cung dầu mỏ của Nga là không thể thay thế.

    Reuters cũng trích dẫn một báo cáo nội bộ cho hay OPEC+ dự kiến cung sẽ vượt cầu 1,9 triệu thùng/ngày vào năm 2022, cao hơn 600.000 thùng/ngày so với dự báo trước đó.

    OPEC hiện dự kiến nhu cầu dầu thế giới năm 2022 sẽ tăng thêm 3,67 triệu thùng/ngày, giảm 480.000 thùng/ngày so với dự báo trước đó.

    Giá dầu thế giới tăng trong phiên giao dịch 4/5 sau khi Liên minh châu Âu (EU) công bố kế hoạch loại bỏ dần dầu nhập khẩu từ Nga.

    Theo đó, khép lại phiên 4/5, giá dầu Brent Biển Bắc tăng 5,17 USD (tương đương 4,9%) lên 110,14 USD/thùng, trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 5,4 USD (tương đương 5,3%) lên 107,81 USD/thùng.

    Theo kế hoạch được Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen đề xuất, EU sẽ ngưng nhập khẩu hoàn toàn dầu thô từ Nga trong vòng 6 tháng và ngưng nhập các sản phẩm hóa dầu vào cuối năm 2022.

    Hãng tin Reuters cho biết 4 nước hiện đang phụ thuộc gần như hoàn toàn vào nguồn cung dầu từ Nga là Hungary, Slovakia, Bulgaria và Czech nhiều khả năng sẽ được miễn trừ khỏi lệnh cấm nhập khẩu dầu thô từ Nga.

    Theo báo cáo, các lô hàng của Nga đáp ứng khoảng 58% nhu cầu dầu hàng năm của Hungary, với Slovakia là 96%,

    Được biết, Czech và Slovakia muốn có giai đoạn chuyển tiếp kéo dài từ 2-3 năm để có thể tìm kiếm các nguồn cung thay thế cho nguồn dầu thô từ Nga.

    Để có hiệu lực, kế hoạch cấm vận dầu Nga cần nhận được sự nhất trí của toàn bộ các nước thành viên. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng khả năng thông qua các biện pháp này sẽ gặp nhiều khó khăn bởi khối này vốn phụ thuộc rất nhiều vào nguồn cung năng lượng từ Nga, bao gồm dầu mỏ. Do đó, việc đưa ra lệnh cấm vận đối với dầu Nga vào thời điểm này sẽ gây ra những thiệt hại kinh tế rất lớn cho EU.

    Hà Lan

    Bạn đang đọc bài viết Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 5/5. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

    Tin mới