Thứ năm, 25/04/2024 01:48 (GMT+7)
    Thứ tư, 23/03/2022 18:00 (GMT+7)

    Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 23/3

    Theo dõi KTMT trên

    Chính thức giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu; Thị trường chứng khoán châu Á mở rộng đà tăng... là những tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất hôm nay 23/3/2022.

    Chính thức giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu từ 1/4/2022

    Chiều nay 23/3, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc thừa Ủy quyền của Thủ tướng trình bày tờ trình của Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn.

    Các ý kiến thảo luận đều thống nhất việc xem xét, điều chỉnh giảm thuế đối với xăng, dầu, mỡ nhờn trong điều kiện hiện nay để kịp thời góp phần bình ổn thị trường xăng dầu trong bối cảnh nguồn cung xăng dầu khan hiếm, giá dầu thô có xu hướng tăng cao; góp phần hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội sau dịch Covid-19; bảo đảm hài hòa lợi ích của người dân, doanh nghiệp, Nhà nước.

    Để bình ổn giá xăng dầu có thể tính đến các sắc thuế và công cụ khác, tuy nhiên do thuộc thẩm quyền của Quốc hội nên thời gian xem xét, quyết định sẽ còn lâu mới có hiệu lực. Do đó, việc Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định ban hành Nghị quyết quy định mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn là đúng thẩm quyền theo quy định Khoản 2 Điều 8 Luật Thuế bảo vệ môi trường và kịp thời khi sớm có hiệu lực.

    Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 23/3 - Ảnh 1
    Chính thức giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu từ 1/4/2022.

    Cho ý kiến, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao các Bộ Tài chính và Công Thương đã chủ động đề xuất với Chính phủ trình UBTVQH điều chỉnh giảm thuế bảo vệ môi trường trong cơ cấu giá xăng dầu để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong điều kiên giá xăng dầu thế giới tăng cao. Việc giảm thuế có làm giảm thu ngân sách nhưng sẽ cố gắng bù bằng nguồn thu khác từ lĩnh vực khác.

    Sau khi thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết thông qua dự thảo nghị quyết với 100% thành viên có mặt tán thành như đề xuất của Chính phủ.

    Theo đó, Xăng, trừ etanol mức thuế 2.000đ/lít; Dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn mức thuế 1.000đ/lít (giảm 50% so với các mức thuế hiện hành); Dầu hỏa mức thuế 300đ/lít (giảm 70% so với mức thuế hiện hành); Nhiên liệu bay mức thuế 1.500đ/lít (giữ như mức thuế hiện hành).

    Nghị quyết được áp dụng từ 1/4/2022 đến 31/12/2022 và bãi bỏ Nghị quyết số 13/2021/UBTVQH15 ngày 31/12/ 2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

    Mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn từ ngày 1/1/2023 được thực hiện theo quy định tại Nghị quyết số 579/2018/UBTVQH14 ngày 26/9/ 2018 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Biểu thuế bảo vệ môi trường.

    Chiều 23/3, thị trường chứng khoán châu Á mở rộng đà tăng

    Trong phiên giao dịch chiều 23/3, thị trường chứng khoán châu Á mở rộng đà tăng trước kỳ vọng kế hoạch tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ giúp kiểm soát lạm phát.

    Chốt phiên này, tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 tăng 3% lên 28.040,16 điểm. Trong khi đó, chỉ số Hang Seng tăng 1,2% lên 22.154,08 điểm, chỉ số Shanghai Composite tăng 0,3% lên 3.271,03 điểm.

    Theo các nhà phân tích, dù thị trường vẫn lo ngại về cuộc chiến tại Ukraine, song các nhà đầu tư đang đặt cược vào khả năng phục hồi của hoạt động tiêu dùng và việc mở cửa trở lại của các nền kinh tế.

    Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 23/3 - Ảnh 2
    Chiều 23/3, thị trường chứng khoán châu Á mở rộng đà tăng.

    Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell ngày 21/3 đã phát tín hiệu về khả năng tăng lãi suất cao hơn so với mức tăng 0,25 điểm phần trăm trong lần tăng mới nhất, nhằm kiềm chế lạm phát tăng cao ở nước này. Fed đánh giá lạm phát của Mỹ đang ở mức quá cao, đe dọa sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế.

    Tuy nhiên, người đứng đầu Fed bày tỏ lạc quan rằng ngân hàng trung ương có thể kiềm chế lạm phát và ổn định thị trường lao động mà không đẩy nền kinh tế Mỹ vào tình trạng suy thoái. Theo các nhà quan sát, lập trường của Fed khiến một số người tự tin rằng cơ quan này có thể kiểm soát được tình hình giá cả.

    Seema Shah, chuyên gia tại tổ chức tư vấn Principal Global Investors, có trụ sở tại Mỹ, nhận định tổ chức này có đánh giá tích cực đối với thị trường chứng khoán trong năm nay. Theo bà Shah, mặc dù triển vọng ngắn hạn đối mặt với thách thức, song về cơ bản kinh tế Mỹ vẫn khá vững chắc.

    Dù vậy, các nhà đầu tư vẫn tiếp tục theo dõi những diễn biến tại Ukraine, vốn đã đẩy giá dầu lên mức cao kỷ lục. Chuyên gia Stephen Innes của công ty dịch vụ tài chính SPI Asset Management (Thụy Sỹ), thị trường đang hướng sự chú ý vào hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) cũng như Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) diễn ra trong vài ngày tới, với dự báo về những biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga.

    Chốt phiên giao dịch ngày 23/3, tại Việt Nam, VN-Index giảm 1,44 điểm xuống 1.502,34 điểm, còn chỉ số HNX-Index tăng 2,29 điểm lên 851,33 điểm.

    Nửa đầu tháng 3 Việt Nam xuất siêu 93 triệu USD

    Theo số liệu thông kê mới nhất từ Tổng cục Hải quan cho biết, trong nửa đầu tháng 3 kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cả nước đạt 15,32 tỷ USD, cán cân thương mại ghi nhận xuất siêu 93 triệu USD.

    Mặc dù mới đi hết nửa tháng nhưng theo số liệu từ Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, nửa đầu tháng 3 kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cả nước đạt 15,32 tỷ USD, tăng gần 76% so với cùng kỳ tháng trước; kim ngạch nhập khẩu đạt gần 15,23 tỷ USD, tăng 20,3%. Trong khi ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa là gần 15,228 tỷ USD, tăng 20,3%. Như vậy, nửa đầu tháng 3, Việt Nam xuất siêu 93 triệu USD.

    Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 23/3 - Ảnh 3

    Với mục tiêu phục hồi phát triển kinh tế sau đại dịch Bộ Công Thương đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó chú trọng triển khai hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực, các cam kết trong WTO và Cộng đồng Kinh tế ASEAN, hướng dẫn doanh nghiệp các cơ hội của các FTA quan trọng như: EVFTA, CPTPP, RCEP…

    Riêng với hoạt động xuất khẩu qua cửa khẩu, Bộ Công Thương cho biết bên cạnh các giải pháp của các cơ quan chức năng về việc tạo thuận lợi để thông quan hàng hóa, cơ quan này cũng khuyến cáo các thương lái, doanh nghiệp thực hiện mục tiêu “an toàn để xuất khẩu, xuất khẩu phải an toàn” nhằm giữ bằng được các cửa khẩu đã được mở cửa trở lại.

    Bên cạnh đó, nhận thấy việc xuất khẩu tiểu ngạch qua các của khẩu như Lạng Sơn, Móng Cái ..còn tồn tại nhiều vấn đề Bộ Công Thương cho biết sẽ cùng các các cơ quan chức năng đàm phán về việc tạo thuận lợi để thông quan hàng hóa, cơ quan này cũng khuyến cáo các thương lái, doanh nghiệp thực hiện mục tiêu “an toàn để xuất khẩu, xuất khẩu phải an toàn” nhằm giữ bằng được các cửa khẩu đã được mở cửa trở lại, đồng thời Bộ sẽ xây dựng nhiều tiêu chí hàng hóa xuất khẩu tiểu ngạch để đảm bảo hoạt động xuất khẩu tiểu ngạch bền vững.

    Lũy kế từ đầu năm đến hết ngày 15- tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt gần 69,78 tỷ USD, trong đó khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 50,86 tỷ USD và chiếm 72,9% tổng kim ngạch xuất khẩu.

    Trong khi đó, nhập khẩu đạt gần 70,27 tỷ USD, khu vực FDI đạt 46,59 tỷ USD và chiếm 66,3% tổng kim ngạch nhập khẩu. Như vậy, từ đầu năm đến 15-3, cán cân thương mại của nước ta vẫn thâm hụt với con số nhập siêu gần 500 triệu USD.

    Kho bạc Nhà nước khó hoàn thành kế hoạch phát hành trái phiếu trong quý 1/2022

    Ghi nhận trong tuần qua, Kho bạc Nhà nước gọi thầu trái phiếu Chính phủ tại 4 loại kỳ hạn 7 năm, 10 năm ,15 năm và 30 năm. Khối lượng gọi thầu cho 4 loại kỳ hạn trên với 7 năm là 500 tỷ, các kỳ hạn còn lại là 2.000 tỷ đồng.

    Kết quả cho thấy, mặc dù loại kỳ hạn 7 năm có lượng đặt thầu gấp 2,1 lần giá trị gọi thầu nhưng không có khối lượng trúng thầu. Trong khi, tỷ lệ trúng thầu với các kỳ hạn còn lại lần lượt là 75% - 50% - 50% và 14% cho mức kỳ hạn 30 năm.

    Nhìn chung, lượng đặt thầu trái phiếu Chính phủ trong tuần qua tiếp tục duy trì ở mức cao, gấp hơn 2 lần khối lượng gọi thầu nhưng tỷ lệ trúng thầu vẫn ở mức thấp, dưới 43%.

    Lũy kế từ đầu năm đến nay, Kho bạc Nhà nước đã huy động tổng cộng 38.522tỷ đồng thông qua kênh trái phiếu Chính phủ. Nếu so với kế hoạch đặt ra trước đó, cơ quan này mới hoàn thành được 37% kế hoạch quý 1 và 9,6% kế hoạch cả năm.

    Như vậy, Kho bạc Nhà nước khó có thể hoàn thành kế hoạch quý 1 trong tuần cuối cùng của tháng 3.

    Nâng quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu lên 120% GDP vào năm 2030

    Phó thủ tướng Lê Minh Khái đã ký đã phê duyệt Chiến lược tài chính đến năm 2030 với mục tiêu đảm bảo nguồn lực tài chính ngân sách góp phần thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội và an ninh, quốc phòng.

    Với thị trường tài chính và dịch vụ tài chính, Chính phủ đặt mục tiêu phát triển đồng bộ, minh bạch và bền vững.

    Về thị trường chứng khoán, Chính phủ sẽ phát triển thị trường theo hướng ổn định, hoạt động an toàn, hiệu quả, có cơ cấu hợp lý, cân đối giữa thị trường tiền tệ với thị trường vốn, giữa thị trường cổ phiếu với thị trường trái phiếu và thị trường chứng khoán phái sinh.

    Theo đó, quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu lần lượt đạt mức 100% và 120% GDP tới năm 2025 và 2030.

    Dư nợ thị trường trái phiếu lần lượt đạt mức tối thiểu 47% và 58% GDP vào năm 2025 và 2030. Còn dư nợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp lần lượt đạt mức tối thiểu 20% GDP và 25% trong cùng năm.

    Về thị trường bảo hiểm, Chính phủ sẽ phát triển toàn diện thị trường để đáp ứng nhu cầu bảo hiểm đa dạng của các tổ chức, cá nhân trong nền kinh tế.

    Doanh thu ngành dự kiến tăng trưởng bình quân 15% một năm trong giai đoạn 2021-2025. Với mức tăng trưởng này, quy mô ngành đạt khoảng 3% đến 3,3% GDP vào năm 2025.

    Tới giai đoạn 2026-2030, tăng trưởng doanh thu bình quân ngành là 10% một năm, quy mô ngành đạt khoảng 3,3% đến 3,5% GDP vào năm 2030.

    Với ngân sách, Chính phủ đảm bảo nguồn lực tài chính ngân sách, góp phần thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội và an ninh, quốc phòng.

    Tỷ lệ huy động vào ngân sách nhà nước bình quân không thấp hơn 16% GDP hàng năm trong giai đoạn 2021-2025 và không thấp hơn khoảng 16-17% GDP hàng năm trong giai đoạn 2026-2030. Trong đó, tỷ lệ huy động từ thuế, phí lần lượt trong khoảng 13-14% GDP và 14-15% GDP trong hai giai đoạn này.

    Tỷ trọng thu nội địa trong tổng thu ngân sách nhà nước dự kiến trong khoảng 85-86% vào năm 2025 và khoảng 86-87% vào năm 2030. Trước đó, tỷ trọng thu nội địa trong cơ cấu tổng thu ngân sách nhà nước bình quân đạt 68% GDP hàng năm trong giai đoạn 2011-2015, tăng lên 81,6% trong giai đoạn 2016-2020.

    Về chi, Chính phủ tiếp tục cơ cấu lại chi ngân sách nhà nước theo hướng bền vững, ưu tiên chi đầu tư phát triển và đảm bảo nguồn lực cho chi trả nợ. Đồng thời, tăng cường nguồn lực ngân sách nhà nước cho dự trữ quốc gia và tăng chi đầu tư phát triển con người, bảo đảm an sinh xã hội.

    Cụ thể, tỷ trọng chi thường xuyên chiếm khoảng 62-63% trong tổng chi ngân sách bình quân hàng năm giai đoạn 2021-2025. Còn tỷ trọng chi đầu tư phát triển khoảng 28%.

    Ngoài ra, phấn đấu tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển đạt khoảng 29%, giảm tỷ trọng chi thường xuyên xuống khoảng 60%.

    Giai đoạn 2026-2030, Chính phủ tiếp tục tiết kiệm chi thường xuyên, tăng tích lũy từ ngân sách nhà nước cho chi đầu tư phát triển.

    Về nợ công, trần nợ công hàng năm không quá 60% GDP trong giai đoạn 2021-2025, nợ Chính phủ không quá 50% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia không quá 50% GDP.

    Đến năm 2030, nợ công không quá 60% GDP, nợ Chính phủ không quá 50% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia không quá 45% GDP.

    Về quản lý giá, đẩy mạnh thực hiện cơ chế quản lý, điều hành giá theo cơ chế thị trường, có sự điều tiết của Nhà nước.

    Đến năm 2025, xây dựng hoàn chỉnh hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về giá, đảm bảo kết nối dữ liệu đến các bộ, ngành, địa phương.

    Hà Lan

    Bạn đang đọc bài viết Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 23/3. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

    Tin mới