Tin môi trường 24h ngày 24/6: Bãi rác Xuân Sơn vẫn tiếp nhận rác bình thường trong hôm nay
Bãi rác Xuân Sơn vẫn tiếp nhận rác bình thường trong ngày hôm nay 24/6; 14h hôm nay, hồ Thủy điện Hòa Bình mở cửa xả đáy; Vừa bị xử phạt, Công ty DAP số 2 Lào Cai tiếp tục gây ô nhiễm... là những tin tức môi trường nổi bật ngày hôm nay, 24/6.
Hà Nội: Bãi rác Xuân Sơn vẫn tiếp nhận rác bình thường trong ngày hôm nay 24/6
Sáng 24/6, lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, ngay khi tiếp nhận thông tin tạm dừng tiếp nhận rác tại khu XL CTR Xuân Sơn của Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội, Sở đã chỉ đạo các đơn vị chức năng như: Ban Duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị, Phòng Hạ tầng kỹ thuật trực tiếp xuống địa bàn tổ chức cuộc họp, đồng thời làm việc với liên ngành Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài Nguyên và Môi trường Hà Nội để lấy ý kiến, phân tích kỹ thuật, làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan, tìm giải khắc phục tạm thời ngay sự cố ô nhiễm rò rỉ nước rác tại bãi rác Xuân Sơn.
Theo đó, Ban Duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị - Sở Xây dựng, đã áp dụng ngay giải pháp bơm hút nước rác đang chứa tại hồ Ba Vì nhỏ sang hồ chứa nước rác 1.3 cách đó 500m để giải quyết tình trạng nước rác rò rỉ tại đây. Với giải pháp này, ngày 24/6, bãi rác Xuân Sơn vẫn nhận rác bình thường mà không dừng việc tiếp nhận rác như đề nghị của Công ty Môi trường đô thị Hà Nội.
Bên cạnh đó, Sở Xây dựng tiếp tục chỉ đạo sát sao nhà thầu đẩy nhanh tiến độ và chịu trách nhiệm hoàn thành Nhà máy xử lý rác thải tại hồ chứa 1.3 trước ngày 30/6. Sở cũng cam kết phấn đấu thực hiện thi công đúng tiến độ, nếu không có sự cố bất ngờ xảy ra thì ngày 30/6 tới sẽ vận hành nhận rác về bãi rác Xuân Sơn ổn định, bình thường.
Hiện bãi rác Xuân Sơn đang tiếp nhận rác tại ô chôn lấp 2,2 Ba Vì và hợp nhất với giai đoạn 2 cốt +38.00 với công suất tiếp nhận là 1.750 tấn/ngày. Dự kiến nếu hạ tầng đảm bảo sẽ đủ điều kiện tiếp nhận rác đến ngày 31/10/2022.
Nhưng hiện nay, lượng nước rác phát sinh tại bãi Xuân Sơn là khoảng 700-800m3/ngày đêm, trong khi trạm xử lý nước thải duy nhất tại bãi của Công ty Cổ phần môi trường đầu tư Sơn Tây đã dừng hoạt động từ 1/6 năm nay. Dẫn đến lượng nước rác hàng ngày không được xử lý, trong khi lượng nước rác lưu chứa tại hồ đến này 23/6 là 70.152m3/ 71.000m3.
14h hôm nay, hồ Thủy điện Hòa Bình tiếp tục mở cửa xả đáy chống lũ
Thông tin từ Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai cho biết, vào hồi 7 giờ ngày 24/6, mực nước thượng lưu hồ Hòa Bình ở cao trình 107,50 m, lưu lượng về hồ 3.559 m3/s, lưu lượng xả 2.325 m3/s (phát điện). Hiện nay, mực nước hồ Hòa Bình đang cao hơn mực nước cao nhất trước lũ 2,5 m.
Căn cứ quy định tại khoản 1, Điều 7 - Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng được ban hành tại Quyết định số 740/QĐ-TTg ngày 17/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai lệnh Giám đốc Công ty thủy điện Hòa Bình: Mở cửa xả đáy thứ nhất vào hồi 14 giờ ngày 24/6.
Đồng thời, thông báo cho chính quyền địa phương; các cơ sở, hộ nuôi trồng thủy sản, phương tiện vận tải đường thủy... khu vực hạ du thủy điện Hòa Bình biết để chủ động các biện pháp bảo đảm an toàn về người, tài sản, an toàn đê điều.
Tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, an toàn công trình, lưu lượng đến hồ, mực nước thượng, hạ lưu hồ chứa kịp thời báo cáo về Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai và các cơ quan liên quan theo quy định.
Trước đó, từ ngày 12-15/6, thủy điện Hòa Bình cũng đã phải lần lượt mở 5 cửa xả đáy theo lệnh của Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai để chống lũ.
Theo các chuyên gia, bão dồn dập, mưa lũ gia tăng tần suất, cường độ sẽ tăng áp lực điều tiết, vận hành các hồ chứa thủy điện của nước ta. Trong bối cảnh giá xăng dầu và than đá thế giới năm 2022 tăng rất cao thì khai thác tối đa hệ thống thủy điện sẽ giúp giảm đáng kể chi phí, giá thành và ổn định giá điện cho nền kinh tế.
Vừa bị xử phạt, Công ty DAP số 2 Lào Cai tiếp tục gây ô nhiễm môi trường
Đã một tháng trôi qua kể từ khi xảy ra sự cố khí thải tại Nhà máy DAP số 2 của Công ty DAP số 2 - Vinachem, thuộc Khu Công nghiệp Tằng Lỏong, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai; tuy nhiên, chính quyền địa phương và Công ty vẫn chưa hỗ trợ cho người dân.
Ngày 23/6, Chánh Văn phòng HĐND và UBND huyện Bảo Thắng - ông Phùng Tiến Phong xác nhận, hiện việc hỗ trợ vẫn đang trong quá trình triển khai; chưa có hỗ trợ cho người dân có cây cối, hoa màu bị ảnh hưởng do ô nhiễm môi trường từ Công ty CP DAP số 2 - Vinachem.
Trước đó, ngày 17/6/2022, UBND tỉnh Lào Cai ra quyết định xử phạt hành vi vi phạm hành chính 350 triệu đồng đối với Công ty Cổ phần DAP số 2 – Vinachem, đồng thời, công ty phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, bồi thường thiệt hại cho các tổ chức, cá nhân bị ảnh hưởng.
Quyết định xử phạt vi phạm hành chính của UBND tỉnh Lào Cai vẫn chưa "ráo mực" thì Công ty CP DAP số 2 tiếp tục gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng tới người dân. Ghi nhận của phóng viên, khoảng 15h ngày 23/6, đập bãi thải Gyps của Công ty CP DAP số 2 lại bị vỡ và rò rỉ nước khiến cho nước từ bãi thải chảy ra suối và ao của người dân làm chết cá. Sau đó, chính quyền địa phương và công nhân của công ty đang đắp lại đập bãi thải và xử lý sự cố xảy ra.
Theo ông Nguyễn Quốc Hưng - Phó Tổng Giám đốc của Công ty CP DAP số 2 - Vinachem, "bãi thải Gyps của công ty có sức chứa hơn 3 triệu tấn, hiện đã có khoảng hơn 2,5 triệu tấn chất thải của nhà máy thải ra. Chất thải của nhà máy vẫn còn độ PH thấp".
Theo quan sát của phóng viên, bãi thải Gyps của Công ty CP DAP số 2 cao ngất ngưởng, nằm ngay cạnh khu dân cư.
Sự việc vỡ đập này đã từng xảy ra tháng 9/2018, khiến cho hơn 45.000 m3 nước thải chảy ra ngoài. Sau đó, UBND tỉnh Lào Cai đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính tổng số tiền 560 triệu đồng và số tiền 122,5 triệu đồng phí nước thải công nghiệp. Có thể thấy, sự cố ô nhiễm môi trường của Công ty CP DAP số 2 - Vinachem không chỉ liên tiếp mà còn lặp lại, gây tổn hại nặng nề tới môi trường và cuộc sống người dân.
Sơn La: Dự kiến triển khai 3 dự án lĩnh vực tài nguyên nước
UBND tỉnh Sơn La vừa ban hành 3 quyết định cho phép lập đề cương, dự toán nhiệm vụ: Điều tra, đánh giá tổng hợp tài nguyên nước dưới đất với các nguồn nước nội tỉnh; Điều tra, thống kê các công trình khai thác nước dưới đất; Lập, ban hành Danh mục nguồn nước nội tỉnh.
Nhiệm vụ Điều tra, đánh giá tổng hợp tài nguyên nước dưới đất tương ứng với các mức độ bản đồ tỷ lệ 1:50.000 đến 1:25.000 với các nguồn nước nội tỉnh thuộc Kế hoạch điều tra cơ bản tài nguyên nước đến năm 2030, tầm nhìn 2050 đối với các nguồn nước nội tỉnh, được UBND tỉnh chấp thuận cho phép lập đề cương, dự toán nhiệm vụ tại Quyết định số 1003/QĐ-UBND.
Đối tượng thực hiện gồm tài nguyên nước dưới đất với các nguồn nước nội tỉnh. Thời gian thực hiện dự án trong giai đoạn 2022-2025.
Mục tiêu của nhiệm vụ nhằm đánh giá tổng hợp sự phân bổ, đặc điểm, đặc trưng chủ yếu, số lượng (trữ lượng), chất lượng tài nguyên nước dưới đất. Xác định được khả năng đáp ứng nguồn nước dưới đất cho các mục đích sử dụng để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng. Từ đó, tạo lập bộ dữ liệu nhằm cung cấp các thông tin số liệu về tài nguyên nước dưới đất; phục vụ quản lý nhà nước về tài nguyên nước dưới đất với các nguồn nước nội tỉnh.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã cho phép lập đề cương, dự toán nhiệm vụ Điều tra, thống kê các công trình khai thác nước dưới đất hiện có thuộc các vùng, khu vực hạn chế khai thác được công bố; xây dựng phương án tổ chức thực hiện hạn chế khai thác nước dưới đất tại Quyết định số 1004/QĐ-UBND.
Phạm vi thực hiện Dự án gồm diện tích các vùng hạn chế khai thác nước dưới đất đã được UBND tỉnh công bố tại Quyết định 2049/QĐ-UBND ngày 17/9/2020. Thời gian thực hiện dự án giai đoạn 2022-2023.
Nhiệm vụ Lập, ban hành danh mục nguồn nước nội tỉnh thuộc kế hoạch điều tra cơ bản tài nguyên nước đến năm 2030, tầm nhìn 2050 với các nguồn nước nội tỉnh. Đối tượng thực hiện bao gồm tài nguyên nước trên các lưu vực sông, suối nội tỉnh; các hồ chứa nước (hồ thủy lợi, thủy điện). Thời gian thực hiện dự án trong giai đoạn 2022-2023.
Động đất ở Afghanistan làm chết ít nhất 1.000 người
Các quan chức quản lý thảm họa cho biết, trận động đất mạnh 6,1 độ Richter ở Afghanistan ngày 22/6 đã làm ít nhất 1.000 người thiệt mạng, hơn 600 người bị thương và những con số này dự kiến sẽ tăng lên khi có thêm thông tin từ các ngôi làng ở vùng núi hẻo lánh.
Bà Loretta Hieber Girardet thuộc Văn phòng Liên Hiệp Quốc về giảm thiểu rủi ro thiên tai cho hay, nỗ lực cứu trợ những người bị mắc kẹt dưới đống đổ nát sẽ gặp phải thách thức rất lớn do địa hình và thời tiết.
Theo bà, việc triển khai hoạt động nhân đạo sẽ gặp thách thức do việc tiếp cận khu vực này không dễ dàng, hơn nữa, mưa kết hợp với động đất đã tạo ra nguy cơ sạt lở đất cao hơn đối với những người làm công tác nhân đạo.
Văn phòng Liên Hiệp Quốc về giảm thiểu rủi ro thiên tai cho biết họ đang triển khai các đội y tế và cung cấp vật tư y tế. Ông Salahuddin Ayubi, quan chức Bộ Nội vụ Afghanistan nhận định, số người chết có thể sẽ tăng lên do một số ngôi làng ở vùng sâu vùng xa trên núi và sẽ mất thêm thời gian để thu thập thông tin chi tiết.
Theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS), trận động đất ngày 22/6 ở Afghanistan là trận động đất chết chóc nhất tại quốc gia này kể từ năm 2002. Nó xảy ra khoảng 44 km về phía Đông Nam thành phố Khost, gần biên giới với Pakistan.
Trung tâm Địa chấn Châu Âu - Địa Trung Hải (EMSC) cho biết khoảng 119 triệu người ở Pakistan, Afghanistan và Ấn Độ đã cảm nhận được sự rung chuyển do động đất, nhưng không có báo cáo ngay lập tức về thiệt hại hoặc thương vong ở Pakistan.
Năm 2015, một trận động đất xảy ra ở vùng Đông Bắc Afghanistan xa xôi đã cướp đi sinh mạng của hàng trăm người ở Afghanistan và các vùng phía Bắc Pakistan lân cận.
Lan Anh