Thứ sáu, 29/03/2024 22:51 (GMT+7)
Thứ năm, 23/06/2022 17:50 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h: Cá chết hàng loạt chưa rõ nguyên nhân ở Quảng Ngãi

Theo dõi KTMT trên

Nắng nóng có thể gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột quỵ; Hồi sinh hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải; CDC Nghệ An báo cáo kết quả kiểm tra nước sinh hoạt nhiễm bẩn bất thường... là những tin tức môi trường nổi bật ngày hôm nay 23/6.

Nắng nóng có thể gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột quỵ

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, nắng nóng có xu hướng gia tăng ở khu vực Trung bộ và có khả năng xuất hiện ở khu vực trung du, đồng bằng Bắc bộ. Còn khu vực Bắc bộ tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất và ngập úng vùng trũng.

Dự báo, ngày 24/6, ở khu vực từ Thanh Hóa đến Phú Yên có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-37 độ C, có nơi trên 37 độ C. Độ ẩm tương đối thấp nhất trong ngày từ 55-70%. Thời gian có nhiệt độ trên 35 độ C từ 12-17 giờ.

Tin tức môi trường 24h: Cá chết hàng loạt chưa rõ nguyên nhân ở Quảng Ngãi - Ảnh 1
Chỉ số tia cực tím ngày hôm nay 23/6.

Từ khoảng ngày 25 đến 26/6, nắng nóng có xu hướng gia tăng ở khu vực Trung bộ và có khả năng xuất hiện ở khu vực trung du, đồng bằng Bắc bộ.

Do ảnh hưởng của nắng nóng và nắng nóng gay gắt kết hợp với độ ẩm trong không khí giảm thấp và gió Tây Nam gây hiệu ứng phơn thổi mạnh nên có nhiều nguy cơ xảy ra cháy nổ và hỏa hoạn ở khu vực dân cư do nhu cầu sử dụng điện tăng cao và nguy cơ cao cháy rừng ở khu vực Trung bộ. Ngoài ra, nắng nóng còn có thể gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột quỵ do sốc nhiệt đối với cơ thể người khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao.

Ngoài ra, trong ngày hôm nay và ba ngày tới, chỉ số UV cực đại ở hầu khắp các tỉnh/thành Bắc Bộ, Trung Bộ và Nam Bộ đều ở ngưỡng nguy cơ gây hại cao đến rất cao (7-10), trong đó, chỉ số UV cực đại cao nhất tập trung chủ yếu ở khu vực Trung bộ.

Hồi sinh hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải

Trước tình trạng ô nhiễm hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải đã diễn ra từ nhiều năm nay và ngày càng trở lên đáng báo động, tại Công văn số 3372/VPCP-NN ngày 31/5/2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương triển khai các nhiệm vụ theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 để quản lý chặt chẽ chất lượng môi trường nước tại hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải.

Do tốc độ đô thị hóa tăng nhanh, hình thành nhiều khu công nghiệp, làng nghề nên tình hình vi phạm pháp luật trong quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi ngày càng gia tăng và nghiêm trọng.

Nước thải chưa qua xử lý hoặc xử lý chưa đạt quy chuẩn kỹ thuật được xả vào hệ thống công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải diễn ra phổ biến, dẫn đến tình trạng ô nhiễm nước trong hệ thống ngày càng trầm trọng, đặc biệt là vào mùa kiệt từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau.

Tin tức môi trường 24h: Cá chết hàng loạt chưa rõ nguyên nhân ở Quảng Ngãi - Ảnh 2
Nước thải chưa qua xử lý hoặc xử lý chưa đạt quy chuẩn kỹ thuật được xả vào hệ thống công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải diễn ra phổ biến, dẫn đến tình trạng ô nhiễm nước trong hệ thống ngày càng trầm trọng. (Ảnh internet)

Ngoài nguyên nhân xả nước thải vượt quy chuẩn của các doanh nghiệp, thì nguyên nhân chính là các khu đô thị, khu dân cư tập trung, các làng nghề không có hệ thống xử lý nước thải đạt quy chuẩn.

Để "hồi sinh" kênh thủy lợi Bắc Hưng Hải, ông Hoàng Văn Vy, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ môi trường miền Bắc - Tổng cục Môi trường - Bộ Tài nguyên và Môi trường "hiến kế" 4 giải pháp trước mắt và lâu dài: Đầu tiên phải thống kê các nguồn thải vào hệ thống Bắc Hưng Hải, từ đó chúng ta sẽ có kế hoạch kiểm soát nguồn thải. Lâu nay, số liệu nguồn thải chưa đầy đủ. Muốn quản lý thì phải có thông tin làm cơ sở.

Tiếp đến là chúng ta phải điều tra, khảo sát, đánh giá khả năng chịu tải. Bởi vì, nếu muốn quản lý nguồn nước mặt xả thải thì phải xem hệ thống còn khả năng chịu tải hay không mới cấp phép xả thải. Ngoài ra, phải ban hành kế hoạch quản lý chất lượng nước mặt của hệ thống Bắc Hưng Hải.

Trên cơ sở thống kê, Bộ Tài nguyên và Môi trường phải phối hợp với UBND các tỉnh. Trong đó, UBND các tỉnh chịu kinh phí. Nếu có vướng mắc về kinh phí đầu tư hệ thống thì bộ và UBND các tỉnh có liên quan sẽ cùng có kiến nghị với Thủ tướng các giải pháp để hỗ trợ đầu tư hệ thống xử lý.

Sau cùng là trách nhiệm của đơn vị vận hành hệ thống Bắc Hưng Hải phải thường xuyên duy tu, bảo dưỡng, nạo vét, khơi thông dòng chảy.

Cá chết hàng loạt chưa rõ nguyên nhân ở Quảng Ngãi

Những ngày qua, dọc sông Châu Me Đông, đoạn qua cầu Khoán Cát (thôn Châu Me, xã Bình Châu) xảy ra tình trạng cá chết hàng loạt, chủ yếu là cá rô phi, sống tự nhiên ở sông, khu vực thượng lưu và hạ lưu cống ngăn mặn tập trung nhiều cá chết.

Trong ngày 22/6, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Bình Sơn, Đồn Biên phòng Bình Hải đã lập đoàn kiểm tra, khảo sát khu vực dọc sông Châu Me Đông tìm hiểu nguyên nhân cá chết.

Tin tức môi trường 24h: Cá chết hàng loạt chưa rõ nguyên nhân ở Quảng Ngãi - Ảnh 3
Nắng nóng kéo dài, nhiệt độ tự nhiên cao từ 37 độ C - 39 độ C khiến lượng nước sông giảm, gây sốc nhiệt và xảy ra tình trạng cá chết hàng loạt. (Ảnh: SGGP)

Nguyên nhân ban đầu có thể do đợt nắng nóng, nhiệt độ tự nhiên cao từ 37 độ C - 39 độ C, khiến lượng nước sông giảm, gây sốc nhiệt.

Đến sáng 23/6, Đoàn kiểm tra cũng phối hợp Trung tâm Quan trắc môi trường Dung Quất lấy mẫu để đánh giá thông số môi trường mặt nước, nguyên nhân tình trạng cá chết trên sông.

UBND xã Bình Châu đã huy động các lực lượng, người dân địa phương dùng xuồng vớt và thu gom toàn bộ cá chết để xử lý.

CDC Nghệ An báo cáo kết quả kiểm tra nước sinh hoạt nhiễm bẩn bất thường

Ngày 23/6, theo thông tin từ CDC Nghệ An, đơn vị đã có báo cáo kết quả kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch trên địa bàn TP.Vinh từ ngày 1/4/ 2022 đến nay.

Tin tức môi trường 24h: Cá chết hàng loạt chưa rõ nguyên nhân ở Quảng Ngãi - Ảnh 4
Nước sinh hoạt trên địa bàn TP.Vinh bị nhiễm bẩn bất thường.

Theo đó, sau khi có phản ánh của người dân, ngày 12/6, đơn vị này đã tiến hành lấy đột xuất 3 mẫu nước (1 mẫu nước tại nhà máy, 2 mẫu nước tại nhà dân) của Nhà máy nước Hưng Vĩnh (thuộc Công ty CP Cấp nước Nghệ An) để đánh giá tại phòng xét nghiệm theo 26 thông số của QCĐP 01:2021/NA.

Kết quả cho thấy, cả 3 mẫu nước đều không đạt QCĐP 01:2021/NA. Cụ thể, mẫu nước tại nhà máy có 1 thông số không đạt là mangan (Mn) 0,173 mg/L (ngưỡng giới hạn cho phép: 0,1 mg/L); mẫu nước tại hộ gia đình Phạm Đức L. ở phường Vinh Tân có 4 thông số không đạt là Coliforms 20 CFU/100 mL (ngưỡng giới hạn cho phép<3 cfu>), E.coli 5 CFU/100 mL (ngưỡng giới hạn cho phép <1 CFU/100 mL), chỉ số Pecmanganat 2,56 mg/L (ngưỡng giới hạn cho phép: 2mg/L), Mangan (Mn) 0,292 mg/L (ngưỡng giới hạn cho phép: 0,1mg/L).

Còn mẫu nước tại hộ gia đình Bùi Thị Thu - khối 3 - phường Hà Huy Tập - thành phố Vinh: có 2 thông số không đạt đó là chỉ số Pecmanganat 2,08 mg/L (ngưỡng giới hạn cho phép: 2mg/L) và Mangan (Mn) 0,206 mg/L (ngưỡng giới hạn cho phép: 0,1mg/L).

Trước đó, ngày 18/4, CDC Nghệ An đã tiến hành kiểm tra đột xuất và lấy 4 mẫu nước trong đó 3 mẫu được thử nghiệm đánh giá 24 thông số theo năng lực tại phòng xét nghiệm của CDC Nghệ An và 1 mẫu được gửi Viện Sức khỏe Nghề nghiệp và môi trường thử nghiệm đánh giá 98 thông số. Kết quả cho thấy, 1 mẫu nước lấy tại nhà dân không đạt.

Ngày 15/6, CDC Nghệ An tiếp tục tiến hành lấy đột xuất 6 mẫu nước của Nhà máy nước Hưng Vĩnh (1 mẫu nước tại nhà máy, 5 mẫu nước tại nhà dân) để xét nghiệm nhưng hiện chưa có kết quả.

Trước những kết quả xét nghiệm nói trên, CDC Nghệ An đã kiến nghị các cơ quan chức năng cần phối hợp tiến hành các đợt thanh, kiểm tra về hoạt động cấp nước sạch; Nâng cao vai trò và trách nhiệm của UBND TP Vinh và các phường xã đối với công tác quản lý chất lượng nước sạch trên địa bàn.

Lào Cai: Phạt Công ty DAP 350 triệu đồng do vi phạm môi trường

UBND tỉnh Lào Cai đã ban hành Quyết định số 1400/QĐ-XPVPHC về xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty Cổ phần DAP số 2 – Vinachem do vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường.

Theo đó, UBND tỉnh Lào Cai xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty Cổ phần DAP số 2 – Vinachem (trụ sở chính tại Khu công nghiệp Tằng Loỏng, thị trấn Tằng Loỏng, huyện Bảo Thắng) 350 triệu đồng do gây ra sự cố môi trường trong quá trình hoạt động dự án Nhà máy sản xuất phân bón Diamonphotphats (DAP) công suất 330.000 tấn/năm tại Khu Công nghiệp Tằng Loỏng, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai.

Tin tức môi trường 24h: Cá chết hàng loạt chưa rõ nguyên nhân ở Quảng Ngãi - Ảnh 5
Công ty Cổ phần DAP số 2 – Vinachem bị xử phạt  350 triệu đồng do vi phạm lĩnh vực môi trường. (Ảnh internet)

Trước đó, vào sáng 24/5/2022 tại xưởng SA (Nhà máy sản xuất DAP số 2 – Vinachem) có dao động bất thường về chỉ số công nghệ, nhưng công nhân trực ca không phát hiện và xử lý kịp thời, dẫn đến hệ thống chuyển hóa và hấp thu khí chưa triệt để, làm tăng lưu lượng khí thải độc hại ra môi trường gây nên sự cố táp lá, chết héo hoa màu, cây cối của người dân địa phương trên diện rộng. Sau khi phát hiện sự cố, công nhân trực ca đã điều chỉnh đưa dây chuyền sản xuất về trạng thái vận hành bình thường.

Theo thống kê của cơ quan chức năng huyện Bảo Thắng, đến thời điểm hiện tại sự cố rò rỉ khí thải xưởng SA của Công ty Cổ phần DAP số 2 - Vinachem ra môi trường đã làm khoảng 700 ha cây trồng của hơn 700 hộ dân ghi nhận bị ảnh hưởng; ước tổng thiệt hại trên 10 tỷ đồng.

Tại Quyết định xử phạt, UBND tỉnh Lào Cai cũng yêu cầu Công ty Cổ phần DAP số 2 – Vinachem phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, bồi thường thiệt hại cho các tổ chức, cá nhân bị ảnh hưởng và báo cáo kết quả khắc phục hậu quả vi phạm.

Trung Quốc triển khai các biện pháp ứng phó với lũ lụt kỷ lục

Trung Quốc chuẩn bị các phương án phòng chống bão lũ và giảm nhẹ thiên tai sau khi dự báo cho thấy nước này sẽ phải đối mặt với các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt hơn trong mùa mưa lũ năm nay.

Quyết định này được đưa ra tại hội nghị Quốc vụ viện do Thủ tướng Lý Khắc Cường chủ trì ngày 22/6.

Phát biểu tại hội nghị, ông Lý Khắc Cường cho biết: “Năm nay, lũ lụt đến sớm ở miền Nam Trung Quốc. Cần phải duy trì mực nước an toàn trên các con sông và đập nước lớn trong mùa mưa lũ và đảm bảo tính mạng và tài sản của người dân. Các khu vực phía Nam cũng nên chuẩn bị các phương án dự phòng và khắc phục cũng như giảm thiểu các rủi ro tiềm ẩn.”

Tin tức môi trường 24h: Cá chết hàng loạt chưa rõ nguyên nhân ở Quảng Ngãi - Ảnh 6
Dự báo các hiện tượng thời tiết tương đối khắc nghiệt hơn trong mùa mưa lũ năm nay và khu vực có mưa lớn gần đây đang hướng dần lên phía Bắc. (Ảnh internet)

Dự báo cho thấy các hiện tượng thời tiết tương đối khắc nghiệt hơn trong mùa mưa lũ năm nay và khu vực có mưa lớn gần đây đang hướng dần lên phía Bắc.

Hội nghị nhấn mạnh tính cấp thiết phải tăng cường trách nhiệm, cải tiến cơ chế cảnh báo sớm và ứng phó với tình huống khẩn cấp, đồng thời duy trì nỗ lực phòng chống bão lũ và giảm nhẹ thiên tai. Bên cạnh đó, hội nghị cũng nghe báo cáo về tình hình ổn định sản xuất lương thực và thông qua các bước tiếp theo để đảm bảo một vụ mùa bội thu cho cả năm.

Nhiều khu vực ở miền Nam Trung Quốc dự kiến ghi nhận những trận lũ lịch sử ngày 23/6 khi mưa lớn đẩy mực nước ở vùng châu thổ Châu Giang lên mức cao nhất trong gần một thế kỷ. Hàng trăm nghìn người đã được sơ tán khỏi những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, trong đó có tỉnh Quảng Đông.

Một ngày trước đó, nhà chức trách đã ra mức cảnh báo lũ cao nhất đối với lưu vực sông Châu Giang, đồng thời cho biết mực nước tại một số nơi đã vượt các mức cao kỷ lục trong lịch sử và thủ phủ Quảng Châu của tỉnh Quảng Đông sẽ bị ảnh hưởng xấu.

Chính quyền tỉnh Quảng Đông ngày 20/6 vừa qua cho biết hơn 200.000 người đã được sơ tán và thiệt hại ước tính đã lên tới 1,7 tỷ nhân dân tệ (254 triệu USD). Các số liệu chính thức cho biết tổng cộng 480.000 người bị ảnh hưởng của mưa và lũ.

Trong tháng 6 này, các vùng khác ở miền Nam Trung Quốc, trong đó có tỉnh Phúc Kiến và tỉnh Quảng Tây, cũng bị ảnh hưởng bởi mưa lũ kỷ lục, buộc hàng trăm nghìn người phải sơ tán.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h: Cá chết hàng loạt chưa rõ nguyên nhân ở Quảng Ngãi. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hà Nội “mạnh tay” xử lý ô nhiễm nước sông Cầu Bây
TP. Hà Nội sẽ không cấp phép môi trường, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường với các dự án, cơ sở không có biện pháp, công trình xử lý nước thải đảm bảo xử lý nước thải đạt quy chuẩn Việt Nam trước khi xả ra sông Cầu Bây.

Tin mới

GDP quý I/2024 tăng 5,66%
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý I các năm 2020-2023.