Tin tức môi trường nổi bật ngày hôm nay 22/6: Liên tiếp xảy ra 4 trận động đất tại huyện Kon Plông
Ngoại thành đốt rơm rạ, dân nội đô khổ sở vì ô nhiễm; Quyết liệt xử lý tình trạng khai thác cát trái phép ở Lâm Đồng; Xử lý nghiêm hành vi xâm hại san hô tại quần thể Hòn Yến... là những tin tức môi trường nổi bật ngày hôm nay, 22/6.
Liên tiếp xảy ra 4 trận động đất tại huyện Kon Plông, Kon Tum
Rạng sáng nay 22/6, khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum lại đón liên tiếp 4 trận động đất, nâng tổng số trận động đất ở đây lên trên 200 trận trong vòng hơn một năm qua.
Trận động đất đầu tiên xảy ra vào giữa đêm, lúc 00 giờ 46 phút 47 giây, mạnh 3,2 độ richter.
Trận động đất tiếp theo xảy sau 12 phút, lúc 00 giờ 58 phút 45 giây, mạnh 2,8 độ richter.
Trận động đất thứ ba xảy ra lúc 01 giờ 15 phút 34 giây, mạnh 2,6 độ richter.
Trận động đất thứ tư xảy ra lúc 02 giờ 04 phút 27 giây, mạnh 2,6 độ richter.
Cả 4 trận động đất nói trên cùng có độ sâu chấn tiêu khoảng 8,1km, cấp độ rủi ro thiên tai cấp 0. Hiện Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý địa cầu vẫn đang tiếp tục theo dõi trận động đất này.
Hơn một năm qua, huyện Kon Plông ghi nhận hơn 200 trận động đất, gấp gần 6 lần số trận động đất xảy ra ở đây trong hơn một thế kỷ trước đó. Trong đó, trận động đất mạnh nhất có độ lớn 4.5, gây rung chấn mạnh cho Kon Plông và khu vực lân cận.
Liên quan đến các trận động đất liên tiếp xảy ra tại khu vực này, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum cũng đã có công văn đề nghị các chủ đầu tư, quản lý công trình thủy điện lắp đặt thêm ngay 5 trạm quan sát động đất theo kiến nghị của đoàn kiểm tra thuộc Viện Vật lý địa cầu.
Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu Nguyễn Xuân Anh cho biết, khu vực tỉnh Kon Tum nói chung và huyện Kon Plông nói riêng thuộc đới đứt gãy nhỏ. Các nghiên cứu trước chỉ ra rằng, các trận động đất tại khu vực này có độ lớn không quá 5,0 độ richter.
Tại Kon Plông, động đất liên tiếp xảy ra trong thời gian từ tháng 4/2021 đến nay, ngay khi công trình Thủy điện Thượng Kon Tum tích nước và vận hành tổ máy số 1 vào ngày 24/3/2021.
Tại Việt Nam, động đất kích thích từng xảy ra tại thủy điện Hòa Bình, thủy điện Sông Tranh 2, thủy điện Đắk Đrink. Trong đó, động đất kích thích xảy ra tại sông Tranh 2 kéo dài từ năm 2012 đến nay với hàng trăm trận, từng gây xáo trộn đời sống người dân hai huyện Bắc Trà My và Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam) trong thời gian dài. Động đất kích thích có thể kéo dài vài năm nhưng cũng có thể kéo dài vài chục năm như từng xảy ra tại Ấn Độ.
Ngoại thành đốt rơm rạ, dân nội đô khổ sở vì ô nhiễm
Hai tuần trở lại đây, nông dân tại các huyện ngoại thành Hà Nội bắt đầu đốt rơm rạ sau khi thu hoạch xong lúa chiêm xuân, khiến khu vực nội thành mù mịt ô nhiễm nặng nề.
Ghi nhận tại địa bàn huyện Sóc Sơn, Mê Linh... gần chiều tối liên tục có hiện tượng đốt rơm rạ. Đặc biệt khu vực quanh sân bay Nội Bài (huyện Sóc Sơn, Hà Nội), những cột khói mịt mù có thể gây uy hiếp an toàn bay.
Tại nhiều thửa ruộng sau thu hoạch lúa, người dân chất rơm phơi trên gốc rạ. Khi rơm héo, rạ cũng ráo chân thì người dân châm lửa đốt
Những cột khói bốc lên vào mỗi buổi chiều khiến phương tiện lưu thông trên đường bị che khuất tầm nhìn rất nguy hiểm. Chưa kể, gió thổi khói bụi bay về khu vực nội thành càng khiến không khí ô nhiễm.
Theo nghiên cứu của Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng (Live & Learn) cùng nhóm nghiên cứu thuộc Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, chỉ tính riêng vụ Đông Xuân năm 2020, tổng lượng rơm rạ bỏ lại trên đồng ruộng ở Hà Nội là 384.505 tấn. Khoảng 20% trong số đó bị đốt, phát sinh 179,08 tấn bụi PM10, 163,3 tấn bụi mịn PM2.5 và 23.000 tấn CO2. Đây đều là những chất gây ô nhiễm môi trường. Nghiên cứu cũng chỉ ra, việc đốt rơm rạ phát sinh lượng bụi mịn PM2.5 rất lớn.
Báo cáo của Tổng Cục môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, đốt rơm rạ cũng là nguyên nhân gây ô nhiễm không khí, nhất là chiều tối, ban đêm khi có sương xuống.
Lâm Đồng: Quyết liệt xử lý tình trạng khai thác cát trái phép
Ngày 22/6, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng cho biết qua kiểm tra, xử lý hoạt động khai thác khoáng sản (cát xây dựng), đơn vị xác định hiện vẫn còn nhiều vị trí bờ sông Đồng Nai qua địa bàn huyện Cát Tiên bị sạt lở, kéo dài hơn 3km.
Cụ thể, trên địa bàn thị trấn Phước Cát có 5 vị trí sạt lở với chiều dài 1km (đoạn qua các thôn Cát Lợi, Cát Lâm, Cát Lương); địa bàn xã Phước Cát 2 có 7 vị trí sạt lở với chiều dài 2,2km, đoạn đi qua các thôn Phước Thái, Vĩnh Linh và thôn 3.
Nguyên nhân của tình trạng sạt lở là do mưa lũ tác động, cộng với việc khai thác cát trái phép diễn ra thời gian qua.
Qua kiểm tra, xử lý tình trạng khai thác khoáng sản trên địa bàn (đoạn sông Đồng Nai qua huyện Cát Tiên), cơ quan chức năng đã tịch thu 7 tàu khai thác cát trái phép, ban hành quyết định xử phạt hành vi vi phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản cát xây dựng đối với 8 trường hợp, tổng số tiền 279 triệu đồng.
Đoạn sông Đồng Nai thuộc thị trấn Phước Cát và xã Phước Cát 2 (Cát Tiên) có chiều dài 48km là ranh giới giữa 3 tỉnh (Lâm Đồng, Đồng Nai, Bình Phước); hiện trên đoạn sông này không có giấy phép khai thác khoáng sản còn hiệu lực.
Tuy nhiên, trong thời gian qua, tình hình khai thác cát trái phép trong khu vực này vẫn diễn ra phức tạp. Đặc biệt tại khu vực đoạn sông dài 9km (giáp ranh giữa huyện Cát Tiên với tỉnh Bình Phước) có phương tiện neo đậu, lén lút khai thác trái phép bên bờ sông, gây bức xúc trong nhân dân.
Trước thực trạng này, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo một số giải pháp tăng cường, quyết liệt xử lý tình trạng khai thác cát trái phép như kiểm tra, đưa các tàu có thiết bị bơm, hút cát không được cấp phép ra khỏi khu vực sông Đồng Nai; giao Công an tỉnh chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan tăng cường tuần tra, xử lý các tổ chức, cá nhân khai thác, vận chuyển, sử dụng khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp; điều tra, khởi tố vụ án hình sự nhằm đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.
Xử lý nghiêm hành vi xâm hại san hô tại quần thể Hòn Yến
Văn phòng UBND tỉnh Phú Yên cho biết, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh vừa có văn bản yêu cầu cơ quan, đơn vị liên quan kiểm tra thông tin các cơ quan thông tấn, báo chí phản ánh về tình trạng nhiều người dân, du khách, nhiếp ảnh gia giẫm đạp lên san hô tại Di tích quốc gia danh lam thắng cảnh quần thể Hòn Yến.
Cùng với đó, các đơn vị khẩn trương triển khai biện pháp hiệu quả để bảo vệ, bảo tồn di tích danh thắng, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm, kiểm tra, xử lý thông tin báo chí nêu, có văn bản tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh trước ngày 27/6/2022.
Trước đó, ngày 17/6, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam có bài viết “Hệ sinh thái san hô Hòn Yến bị uy hiếp nghiêm trọng” phản ánh khu vực Di tích quốc gia danh lam thắng cảnh Quần thể Hòn Yến xã An Hòa Hải, huyện Tuy An có đặc điểm nổi bật về địa chất, địa mạo, hải dương tạo nên Hệ sinh thái san hô tầng nông và rất nông trên nền đất cát và đá núi lửa rất đặc trưng. Tuy nhiên, thời gian gần đây, ngoài tác động của thiên tai, mưa bão, sóng biển, nhiều người dân, du khách đã ngang nhiên giẫm đạp làm vỡ, chết nhiều loại san hô khiến hệ sinh thái san hô ở Hòn Yến đang bị hư hại, suy giảm nghiêm trọng.
Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam ghi nhận trong chiều 15 và 16/6, thời điểm này thủy triều rút, những rạn san hô lộ rõ, đẹp như một bức tranh có nhiều màu sắc nhưng đây cũng là thời điểm hệ sinh thái san hô, cỏ biển Hòn Yến bị uy hiếp nhiều nhất. Nhiều đoàn khách mang theo dụng cụ chụp ảnh tìm về “check in” cùng san hô. Nhiều người ngang nhiên giẫm đạp trực tiếp lên rạn san hô để chụp ảnh hoặc tìm đường đi đến khu vực có san hô khác, khiến nhiều loại san hô bị vỡ vụn.
Ngay trong ngày 17/6, thừa ủy nhiệm của Thường trực Tỉnh ủy Phú Yên, Văn Phòng Tỉnh ủy đã có công văn số 3355CV/VPTU gửi Ban cán sự Đảng Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban Thường vụ Huyện ủy Tuy An chỉ đạo kiểm tra thông tin các cơ quan thông tấn, báo chí phản ánh, khẩn trương có biện pháp bảo vệ, bảo tồn Di tích quốc gia danh lam thắng cảnh Quần thể Hòn Yến, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm.
Mưa lũ kỷ lục tại Trung Quốc: Một địa phương dự báo mực nước lên tới 36m, cao nhất trong 100 năm
Cơ quan khí tượng Trung Quốc cảnh báo mực nước lũ lụt vào tối ngày 22/6 sẽ đạt mức hơn 36 mét, cao hơn 10 mét so với dự đoán ban đầu.
Từ đầu tháng 6, tại khu vực phía Nam Trung Quốc hứng chịu lượng mưa lớn nặng nề gây ra lũ lụt. Đây không phải hiện tượng lạ mà đất nước tỷ dân này thường xuyên bị lũ lụt trong những tháng hè với tần suất lớn nhất ở miền Trung và Nam. Vào ngày 21/6, tại thị trấn Anh Đức, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc đã quyết định nâng cấp ứng phó khẩn cấp kiểm soát lũ lụt cấp II lên ứng phó khẩn cấp kiểm soát lũ lụt cấp I.
Dự kiến, mực nước đạt đỉnh cao tới khoảng 36,10 mét sẽ xuất hiện tại Anh Đức, dòng chính của sông Bắc Giang vào khoảng 8 giờ tối (theo giờ TQ) ngày 22/6. Con số mực nước kỷ lục này vượt mức cảnh báo trước đó tới 10,1 mét.
Theo dự báo của Cục Khí tượng Thủy văn, mực nước lưu vực sông Bắc Giang lần này sẽ đạt kỷ lục cao nhất trong hơn một thế kỷ qua. Việc kiểm soát tình hình lũ lụt tại Anh Đức đang được chính quyền Trung Quốc kiểm soát nghiêm ngặt để tránh thiệt hại tối đa về người và của. Các phương tiện truyền thông cũng đang gấp rút cảnh báo người dân về thiên tai trước mắt.
Đợt mưa lớn này đã khiến nhà cửa và đất nông nghiệp của 7 làng ở thị trấn Anh Đức bị ngập lụt ở nhiều mức độ khác nhau. Tính đến 17h chiều ngày 21/6, thị trấn đã di tản thành công hơn 4.000 người dân.
Từ tháng 12/2022, Canada sẽ cấm sản xuất, nhập khẩu nhiều loại nhựa dùng một lần
Chính phủ Canada vừa công bố các quy định cuối cùng để cấm đồ nhựa dùng một lần và lệnh cấm sản xuất và nhập khẩu hầu hết các mặt hàng này sẽ có hiệu lực vào tháng 12 năm nay.
Theo đó, lệnh cấm sẽ áp dụng đối với đồ nhựa sử dụng một lần, bao gồm túi nilon, dao kéo, đồ dùng phục vụ thực phẩm được làm từ hoặc chứa nhựa khó tái chế, hộp đựng, que khuấy và ống hút.
Năm 2020, Canada cho biết quốc gia này dự định áp đặt các tiêu chuẩn ràng buộc về hàm lượng nhựa có thể tái chế phải có trong các sản phẩm và bao bì. Đồng thời, chính phủ cho biết họ muốn có các quy định mới trong vòng 24 tháng.
Theo chính phủ Canada, lệnh cấm sản xuất và nhập khẩu các loại nhựa sử dụng một lần có hại này, trừ một số ngoại lệ, sẽ có hiệu lực vào tháng 12/2022. Việc bán những mặt hàng này sẽ bị cấm kể từ tháng 12/2023 để cung cấp cho các doanh nghiệp ở Canada đủ thời gian để chuyển đổi và sử dụng hết nguồn dự trữ hiện có của họ.
Vào cuối năm 2025, Chính phủ cũng sẽ cấm xuất khẩu nhựa trong 6 loại, đưa Canada trở thành quốc gia đầu tiên trong số các khu vực pháp lý ngang hàng thực hiện lệnh cấm này trên phạm vi quốc tế.
Theo số liệu của chính phủ Canada, có tới 15 tỷ túi nhựa được sử dụng hàng năm và khoảng 16 triệu ống hút được sử dụng hàng ngày ở quốc gia này.
Lan Anh