Chủ nhật, 24/11/2024 23:19 (GMT+7)
Thứ ba, 24/05/2022 19:05 (GMT+7)

Tìm lời giải cho bài toán ô nhiễm không khí tại Hà Nội

Theo dõi KTMT trên

Ô nhiễm không khí đang là vấn đề nan giải tại các thành phố lớn, trong đó có Hà Nội. Để khắc phục và kiểm soát ô nhiễm, TP yêu cầu các cấp, các ngành tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ và hiệu quả các giải pháp cải thiện chất lượng không khí.

Hà Nội vẫn ô nhiễm nghiêm trọng

Ô nhiễm môi trường không khí trong cả nước nói chung và trên địa bàn Hà Nội nói riêng đang có diễn biến phức tạp, nồng độ các chất gây ô nhiễm không khí có xu hướng tăng, gây ảnh hưởng nguy hại đến sức khỏe của người dân.

Theo báo cáo chất lượng không khí toàn cầu của IQAir năm 2022, nồng độ bụi mịn PM2.5 trung bình tại Việt Nam trong năm 2021 là 24,7 μg/m3, có xu hướng giảm so với năm 2020 và 2019. Xét trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đứng thứ 5 trên 9 quốc gia; xét trên toàn thế giới Việt Nam xếp thứ 36/117 quốc gia có nồng độ PM2.5 cao nhất.

Trong Báo cáo mới đây của Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng (Live & Learn), Hà Nội là thành phố đứng thứ 6 trong xếp hạng các tỉnh, thành phố có nồng độ bụi PM2.5 cao nhất, mặc dù ô nhiễm bụi PM2.5 năm 2020 và năm 2021 giảm 16% so với năm 2019. 

Theo đó, nồng độ bụi PM2.5 trung bình năm 2019 tại các quận/huyện từ 28,15 - 39,4 μg/m3; gây ra 2.855 ca tử vong sớm, đóng góp 12% số ca tử vong sớm ở nhóm người trên 25 tuổi. Nếu nồng độ bụi PM2,5 trên địa bàn Hà Nội được kiểm soát, kỳ vọng sống của người dân Hà Nội có thể tăng lên từ 2,2 tới 3,8 năm. 

Tại Hà Nội, các nghiên cứu gần đây nhất đều chỉ ra các nguyên nhân chính gây ra ô nhiễm không khí là hoạt động công nghiệp, giao thông, đốt rơm rạ, đun nấu (dân sinh và thương mại), đốt rác thải, bụi đường.

Trong đó, ô nhiễm không khí do bụi PM2,5 tại Hà Nội bị ảnh hưởng rất lớn từ nguồn bên ngoài, cụ thể chỉ có 1/3 lượng bụi mịn PM2,5 sinh ra trực tiếp từ các nguồn thải tại địa bàn thành phố, và 2/3 lượng bụi còn lại đến từ các tỉnh lân cận, khu vực Đồng bằng sông Hồng, lan truyền từ xa và các nguồn tự nhiên.

Tìm lời giải cho bài toán ô nhiễm không khí tại Hà Nội - Ảnh 1
Nguyên nhân chính gây ra ô nhiễm không khí là hoạt động công nghiệp, giao thông, đốt rơm rạ, đun nấu (dân sinh và thương mại), đốt rác thải, bụi đường. (Ảnh minh họa)

Báo cáo Kiểm kê phát thải do hoạt động đốt rơm rạ ngoài đồng ruộng tại các quận/huyện trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2020 - 2021 của Đại học Khoa học Tự nhiên đã chỉ ra, vụ Đông Xuân năm 2021 so với cùng kỳ năm 2020, tỷ lệ đốt rơm rạ trung bình toàn thành phố tăng gấp đôi (từ 22% năm 2020 lên 43,2% năm 2021) và khối lượng bụi PM2,5 phát thải tăng gấp 4 lần (tăng gần 1,5 nghìn tấn).

Mặc dù các sở, ngành, Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thị xã đã tích cực triển khai các giải pháp theo chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, song, một số nhiệm vụ chưa đạt tiến độ, chất lượng không khí vẫn chưa được cải thiện rõ rệt.

Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp quyết liệt

Để khắc phục tồn tại, hạn chế trong công tác kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội yêu cầu các cấp, các ngành tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ và hiệu quả các giải pháp cải thiện chất lượng không khí.

Thành phố giao Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội triển khai "Xây dựng kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí cấp tỉnh" theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong giai đoạn 5 năm (2021-2025), hoàn thành trong năm 2022.

Trên cơ sở đó, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội tiến hành kiểm kê, lượng hóa được các nguồn ô nhiễm không khí và đưa ra các giải pháp phù hợp về chính sách, công nghệ.

Sở đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra các công trình xây dựng, giao thông, xử lý vi phạm về bảo vệ môi trường; áp dụng các biện pháp đình chỉ hoạt động đối với các công trình xây dựng vi phạm, không che chắn phát tán khói bụi ra môi trường...

Đồng thời, Sở Tài nguyên và Môi trường khẩn trương hoàn thiện và vận hành ổn định, liên tục hệ thống quan trắc chất lượng không khí nhằm cung cấp kịp thời thông tin cho người dân trên địa bàn Thủ đô.

Bên cạnh đó, UBND TP.Hà Nội giao Sở Xây dựng Hà Nội kiểm tra các điểm đổ, tập kết chất thải rắn xây dựng và các công trình đang thi công, đặc biệt là công trình xây dựng có quy mô lớn trên địa bàn các quận. Đặc biệt, kiên quyết áp dụng biện pháp đình chỉ hoạt động, thu hồi giấy phép xây dựng đối với các công trình xây dựng vi phạm, để phát tán bụi gây ô nhiễm môi trường và đổ phế thải xây dựng không đúng nơi quy định.

Sở Giao thông Vận tải triển khai hiệu quả Đề án "Phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng, tiến tới dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030”. Đồng thời, nghiên cứu xây dựng, triển khai Đề án thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe cơ giới đi vào.

Năm 2020-2022, Chương trình “Xe sạch – Trời xanh” được Trung tâm Live&Learn phối hợp cùng các cơ quan ban ngành nhà nước thực hiện tại 3 TP. HCM, Hà Nội và Đà Nẵng, nhằm kiểm soát mức độ phát thải chất gây ô nhiễm không khí của xe mô tô, xe gắn máy.

Cùng với đó, Chương trình “Chung tay vì Không khí sạch”, cũng từ nguồn tài trợ của USAID đã thu hút được 194 sáng kiến được gửi về, trong đó có 43 dự án đề xuất nhận được tài trợ để triển khai nhằm giải quyết các vấn đề môi trường ở địa phương.

Theo báo cáo cập nhật của Sở TNMT Hà Nội cho biết, tính đến hết năm 2021 30/30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố chỉ còn 316 bếp than tổ ong, đã loại bỏ được 54.176 bếp (giảm 99,42% so với số liệu điều tra khảo sát ban đầu năm 2017).

Cũng theo chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, các sở, ngành, địa phương tiếp tục triển khai đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả Chỉ thị số 15/CT-UBND ngày 30/10/2019 về việc thay thế và loại bỏ toàn bộ việc sử dụng than tổ ong trong sinh hoạt, kinh doanh dịch vụ nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, bảo đảm xóa bỏ 100% bếp than tổ ong trên địa bàn thành phố trong năm 2022; Chỉ thị số 19/CT-UBND ngày 25/12/2019 về các biện pháp khắc phục, hạn chế ô nhiễm, cải thiện chỉ số chất lượng không khí trên địa bàn thành phố; Chỉ thị số 15/CT-UBND ngày 18/9/2020 về tăng cường các biện pháp quản lý nhà nước đối với hoạt động đốt rơm rạ, các phụ phẩm cây trồng và chất thải khác không đúng nơi quy định nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Theo đó, Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm toàn diện nếu để xảy ra tình trạng sử dụng bếp than tổ ong và đốt rơm rạ trên địa bàn.

Cũng theo đề xuất của chuyên gia môi trường cao cấp của Ngân hàng thế giới (WB) tại Việt Nam, Hà Nội cần tạo cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng mô hình sản xuất sạch.

Cùng với đó, thành phố đẩy nhanh việc xây dựng các nhà máy đốt rác, xử lý rác tiên tiến và thúc đẩy trồng cây phủ xanh đô thị; kiểm soát ô nhiễm không khí từ hoạt động giao thông vận tải, dừng vận hành đối với các xe không đạt tiêu chuẩn về khí thải. Đồng thời, Hà Nội cần phát triển nhanh hơn nữa mạng lưới giao thông công cộng để hạn chế phương tiện giao thông cá nhân trong nội thành; đẩy nhanh tiến độ di chuyển trường đại học, trụ sở cơ quan ra khỏi nội đô để dành đất phát triển không gian xanh.

Lan Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Tìm lời giải cho bài toán ô nhiễm không khí tại Hà Nội. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thời tiết những ngày cuối tháng 11 tại TPHCM ra sao?
Theo Cơ quan khí tượng, trong ngày 28/11 TPHCM có khả năng có mưa rào và dông rải rác với một vài nơi có mưa vừa. Trong những ngày còn lại, thời tiết không mưa hoặc chỉ có mưa vài nơi với lượng không đáng kể.
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng, người dân chưa cảm nhận được cái lạnh. Do đợt không khí lạnh này về rất khô, trời ít mây và có nắng nên nhiệt độ thấp nhất thường rơi vào đêm và sáng sớm, ban ngày ít cảm nhận được lạnh.

Tin mới