Chủ nhật, 24/11/2024 05:57 (GMT+7)
Thứ sáu, 08/04/2022 11:00 (GMT+7)

Khả năng đánh giá chất lượng không khí giai đoạn 2022-2030

Theo dõi KTMT trên

Thông qua thu thập, phân tích một số kết quả nghiên cứu CLKK và những chính sách quản lý CLKK gần đây của cơ quan chức năng, bài viết phản ánh hiện trạng công tác đánh giá CLKK còn nhiều hạn chế, chưa có đánh giá mang tính chính thống với chất lượng cao.

Tóm tắt: Thông qua thu thập, phân tích một số kết quả nghiên cứu, đánh giá chất lượng không khí (CLKK) và những chính sách quản lý CLKK gần đây của cơ quan chức năng, bài viết phản ánh hiện trạng công tác đánh giá CLKK còn nhiều hạn chế, chưa có đánh giá mang tính chính thống với chất lượng cao. Những cố gắng gần đây của Chính phủ và cơ quan chức năng được phản ánh qua nhiều văn bản pháp luật được ban hành và rất đáng để chúng ta hy vọng về quản lý CLKK sẽ tốt hơn, hiệu quả hơn. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều việc chúng ta phải làm quyết liệt trong giai đoạn 2021-2030 như kiểm kê khí thải, xây dựng cơ sở dữ liệu phát thải; Xây dựng và vận hành tốt hệ thống quan trắc CLKK và sử dụng công cụ mô hình để có thể đánh giá đúng CLKK ở mức nào, bị ô nhiễm hay chưa bị ô nhiễm trên các vùng, tỉnh, thành phố Việt Nam; Cần có những giải pháp nào để giảm mức phát thải chất ô nhiễm không khí, ngăn chặn, giảm ô nhiễm không khí có tính khả thi và hiệu quả cao. Hy vọng sau 2030 công tác quản lý CLKK sẽ được tiến hành một cách bài bản đáp ứng mong đợi của nhiều tầng lớp nhân dân.

Mở đầu

CLKK là điều kiện có ý nghĩa sống còn của con người. Con người còn sống là còn thở, nghĩa là hít không khí vào phổi để lấy oxy đưa vào máu đi nuôi cơ thể và thải khí CO2 ra ngoài. Lượng không khí người lớn, khỏe mạnh hít vào phổi rất lớn, ước tính mỗi ngày cần tới cỡ 10.000 lít. Chúng ta ai cũng muốn có bầu không khí “trong lành” theo nghĩa không khí có đủ hàm lượng oxy và không có chất gây hại cho cơ thể nói chung và phổi nói riêng. Vậy, không khí nơi chúng ta đang sống có đủ trong lành để thở bình thường không hay chứa nhiều chất gây khó chịu, gây hại cho cơ thể là câu hỏi luôn được quan tâm. Trong khoa học và trong công tác quản lý người ta dùng khái niệm CLKK để đo độ trong lành theo những tiêu chí, tiêu chuẩn, quy chuẩn rất cụ thể. Ở Việt Nam hiện nay đang sử dụng QCVN 05:2013/BTNMT cho không khí xung quanh, quy định mức ngưỡng nồng độ bụi (TSP, PM10, PM2,5), SO2, NO2,...trong không khí xung quanh.

Trong vòng 5 năm tính đến 2020, CLKK, ô nhiễm không khí được đăng tải nhiều trên các phương tiện đại chúng nhưng người dân Việt Nam khó phân biệt chất lượng của các thông tin và nhiều khi còn hồ nghi về độ tin cậy của thông tin. Thật ra thông tin về CLKK được đăng tải dưới nhiều dạng khác nhau, chẳng hạn như: (1) Các bài báo, ấn phẩm khoa học do các nhà khoa học trong và ngoài nước đăng trên các tạp chí có uy tín khoa học cao, tuy nhiên, các ấn phẩm này thường khó hiểu đối với cộng đồng; (2). Thông tin trên các báo cáo, văn bản chính thống từ các cơ quan quản lý nhà nước như Báo cáo môi trường quốc gia, Báo cáo môi trường các tỉnh, các văn bản liên quan tới bảo vệ môi trường, tuy nhiên số lượng các văn bản loại này chưa nhiều và cũng khó tiếp cận; (3). Thông tin trên các phương tiện đại chúng: báo chí, diễn đàn, báo cáo từ các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức nước ngoài, đây là loại thông tin được đăng tải liên tục, được viết dễ hiểu, dễ tiếp cận đối với cộng đồng nên được rất nhiều người quan tâm và trao đổi trên nhiều diễn đàn nhưng độ tin cậy khó xác định. Chính vì có nhiều thông tin nên chắc chắn người đọc phải biết lựa chọn loại thông tin phù hợp để sử dụng. Các thông tin từ các nhà khoa học, các cơ quan quản lý nhà nước là thông tin chính thống, có cơ sở khoa học và cơ sở pháp lý rõ ràng còn các thông tin trên phương tiện đại chúng, từ các cơ sở phi chính phủ, các tổ chức quốc tế phải đọc kỹ để xem thông tin nói lên điều gì, có phạm vi thời gian không gian đến đâu, có đi kèm khuyến cáo cụ thể không, từ đó hiểu rõ cách sử dụng thông tin cho chính mình.

Thông tin về CLKK

Có lẽ, người dân Việt Nam thật sự quan tâm nhiều đến CLKK từ khi Đại sứ quán Mỹ (ĐSQ Mỹ) tại Hà Nội thông báo CLKK qua chỉ số CLKK (AQI) tính được từ số liệu quan trắc liên tục bụi mịn, có đường kính khí động học nhỏ hơn hoặc bằng 2,5 μm. (PM2,5) ngay tại Đại sứ quán. Người dân đã được thông báo về khá nhiều giờ có CLKK ở mức hại cho sức khỏe mức độ khác nhau, nhiều khi ở mức xấu ảnh hưởng đến những người chịu tác động. Mức CLKK mà ĐSQ Mỹ đưa ra là giá trị AQI từng giờ tính theo phương pháp Nowcast (đối với bụi PM2.5), cần thêm 11 giá trị ngay trước giá trị đo được tại thời điểm (giờ) tính. Một trong ứng dụng kết quả này là ĐSQ Mỹ đã lắp đặt hệ thống lọc bụi cho tất cả cơ sở làm việc ở Hà Nội. Do nhiều người thắc mắc liệu số liệu do ĐSQ Mỹ nêu có đại diện cho CLKK của TP.Hà Nội không nên ĐSQ Mỹ có đăng kèm thông tin làm rõ kết quả này không đủ để đánh giá CLKK toàn Thành phố nhưng có thể cảnh báo về CLKK ở khu vực đủ lớn xung quanh nơi đặt ĐSQ Mỹ. Cảnh báo CLKK ở mức có hại trong nhiều ngày từ ĐSQ Mỹ đã gây lo lắng cho nhiều người và họ muốn có lý giải rõ ràng hơn về CLKK nơi mình đang sống. Vì vậy, các thông tin đại chúng như báo giấy, truyền hình, báo mạng đã tranh thủ viết bài, làm chương trình, tranh thủ ý kiến của các nhà khoa học, các nhà quản lý để làm rõ hơn về mức CLKK và khả năng tác động đến sức khỏe con người.

Ở Việt Nam, năm 2011 Tổng cục Môi trường (TCMT) có Quyết định số: 878/QĐ-TCMT ngày 01 tháng 7 năm 2011 ban hành sổ tay hướng dẫn kỹ thuật tính toán chỉ số chất lượng không khí (AQI), với cách tính tuy đơn giản nhưng nhiều nhà khoa học cho rằng giá trị tính được chưa thật sự phản ánh đúng mức CLKK và khả năng tác động khi CLKK ở mức ô nhiễm. Phải đến năm 2019, khi TCMT có Quyết định số: 459/QĐ-TCMT Hà Nội, ngày 12 tháng 11 năm 2019: Hướng dẫn kỹ thuật tính toán và công bố chỉ số chất lượng không khí Việt Nam thì chúng ta mới chính thức có công thức tính giá trị VN_AQI. Công thức tính toán VN_AQI và nhiều giá trị ngưỡng nồng độ, nồng độ các chất dùng trong Quyết định này khá tương đồng với cách tính của Mỹ và các nước, các vùng lãnh thổ xung quanh Việt Nam như Trung Quốc, Thái Lan, Hồng Công,... nên rất dễ so sánh. Quyết định này còn quy định cả về thiết bị và số liệu cần có khi tính và công bố VN_AQI, chẳng hạn như:

“- Thiết bị quan trắc phải được kiểm soát chất lượng hệ thống và đo lường theo các quy định của pháp luật. 

- VN_AQI được tính toán cho dữ liệu của từng trạm quan trắc không khí tự động liên tục đối với môi trường không khí xung quanh. 

- Phương pháp tính toán VN_AQI yêu cầu bắt buộc phải có tối thiểu 01 trong 02 thông số PM10, PM2.5 trong công thức tính”.

Nghĩa là các cơ quan quản lý có thẩm quyền và tổ chức khác khi tính toán và công bố VN_AQI cho các vùng lãnh thổ Việt Nam phải chứng minh thỏa mãn quy định trên. Đối với những công bố AQI khác (không phải VN_AQI) phải nói rõ nguồn gốc số liệu, cách tính AQI để mọi người được biết. 

Để đánh giá CLKK của Việt Nam hay của một thành phố lớn như Hà Nội phải có hệ thống các trạm quan trắc tự động liên tục, cố định, được thiết lập có cơ sở khoa học với mật độ trạm đủ dày để có thể bao quát, đặc trưng cho CLKK cả nước hoặc cả Thủ đô. Cho đến nay, số trạm loại này của cả nước và Hà Nội còn hạn chế và phân bố chưa hợp lý nên số liệu thu được theo chúng tôi vẫn chưa đủ độ bao phủ, đặc trưng cho toàn quốc và toàn Thành phố. Hiện nay, vẫn chưa có quy định thật rõ ràng về đánh giá CLKK của toàn quốc hay của một tỉnh, thành phố, khu vực liên tỉnh. Theo hệ thống quy chuẩn, phải dựa vào giá trị trung bình năm của nồng độ các chất ô nhiễm nên phải quan trắc cả năm mới tính được và so sánh với giá trị quy định trong cột Trung bình năm của QCVN 05:2013/BTNMT, nếu giá trị tính trung bình năm tính được lớn hơn giá trị quy chuẩn thì CLKK đã ở mức ô nhiễm (vi phạm tiêu chuẩn). Tuy nhiên, ngoài giá trị trung bình năm còn có giá trị trung bình ngày nên đôi khi phải kết hợp để đưa ra cách đánh giá cụ thể, chẳng hạn: Không khí của khu vực chưa bị ô nhiễm khi tại tất cả điểm đo CLKK, nồng độ trung bình năm của tất cả các chất không vi phạm quy chuẩn (trung bình năm) và tỷ lệ số ngày trong năm có nồng độ vượt quy chuẩn dưới 5%. Trường hợp còn lại KK đã bị ô nhiễm. Có thể chia nhỏ thêm mức CLKK nhưng phải theo các tiêu chí trên.

Luôn nhớ là giá trị VN_AQI và giá trị AQI của Mỹ không có giá trị cho thời hạn cả năm, chỉ có giá trị cho từng ngày nên khi dùng để xác định CLKK thì phải tính các giá trị tần suất xuất hiện mức CLKK theo giá trị AQI ngày. Khi đó chúng ta biết tần suất giá trị (%) xuất hiện các mức CLKK tốt, trung bình, xấu... theo quy định đối với AQI ngày của một năm.

Như vậy, đối với thông tin chính thống từ TCMT hay của các Sở KH&MT thì chắc chắn phải tính VN_AQI đúng quy định, còn khi sử dụng các thông tin khác như của Pamair hay Airvisual thì phải tìm hiểu kỹ hơn về nguồn số liệu có đủ độ chính xác không và cách tính có tương đồng với cách tính VN_AQI không. Chẳng hạn trong một công trình đăng trên mạng gần đây của Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng (Live&Learn) [1] đã có hẳn một đoạn lưu ý khi diễn giải kết quả, nêu rõ khả năng “kết quả trong nghiên cứu này có thể sự chênh lệch so với mức tác động thực tế của ONKK tại Hà Nội năm 2019”. Chỉ khi biết rõ những vấn đề như vậy mới có đánh giá đúng và áp dụng đúng các kết quả nghiên cứu, đánh giá CLKK.

Khi đã có thông tin về CLKK đã bị suy giảm và có dấu hiệu ô nhiễm ở nhiều nơi, đặc biệt là ở một số thành phố tập trung đông dân và nhiều cảnh báo của các nhà khoa học về khả năng gây thiệt hại kinh tế, gây chết sớm với mức khá lớn của một số tổ chức quốc tế, của một số nhà khoa học thì người dân đặt ra câu hỏi là nguyên nhân suy giảm CLKK là gì? và việc quản lý CLKK của các cơ quan có thẩm quyền đã đáp ứng yêu cầu đặt ra chưa?. Đây là những câu hỏi khó và chưa có nhiều tài liệu chính thống đề cập nên trong bài viết này cũng không thảo luận nhiều mà chỉ nêu và thảo luận về một số hoạt động quản lý CLKK qua một số văn bản pháp luật gần đây, chú trọng nhiều hơn đến tính khả thi của nhiều vấn đề đã và đang được đặt ra liên quan đến quản lý CLKK ở Việt Nam.

Hy vọng có kết quả quản lý CLKK tốt khi thực hiện các chính sách 

Năm 2016, chúng ta vui mừng khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số: 985a/QĐ-TTg ngày 01 tháng 6 năm 2016, phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng không khí đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 [2] với mục tiêu tổng quát rất rõ ràng: “Tăng cường công tác quản lý chất lượng không khí thông qua kiểm soát nguồn phát sinh khí thải và giám sát chất lượng không khí xung quanh nhằm cải thiện chất lượng môi trường không khí và bảo đảm sức khỏe cộng đồng” và nhiều mục tiêu cụ thể khác. Trong đó phải kể đến mục tiêu kiểm soát nguồn thải; Xác định hiện trạng ô nhiễm bụi PM10 và PM2.5 tại các đô thị đặc biệt và đô thị trực thuộc trung ương; Tăng cường công tác giám sát chất lượng không khí xung quanh thông qua việc tăng số lượng trạm quan trắc không khí xung quanh tự động liên tục tại các đô thị. Trong phần Phụ lục kèm theo, đã xây dựng các chương trình với tổng cộng hơn 30 nhiệm vụ ưu tiên thực hiện, trong mỗi nhiệm vụ quy định cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp và thời gian thực hiện rất rõ ràng. Các nhiệm vụ đều có thời hạn thực hiện chậm nhất là năm 2020, như vậy, đến nay (đầu năm 2022) coi như các nhiệm vụ đều đã hoàn thành. Xin trích dẫn một số nhiệm vụ quan trọng trong bảng 1 dưới đây.

Bảng 1. Trích một số nhiệm vụ có trong phụ lục của Quyết định số: 985a/QĐ-TTg

Khả năng đánh giá chất lượng không khí giai đoạn 2022-2030 - Ảnh 1

Ngày 18 tháng 01 năm 2021 Thủ tướng Chính phủ lại có Chỉ thị số 03/CT-TTg [3] về tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí nhận định: “Thời gian qua, ô nhiễm không khí tại nhiều địa phương trên toàn quốc vẫn có chiều hướng gia tăng cả về quy mô, mức độ, nhất là tại các thành phố lớn, như: Hà Nội, TP.HCM, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội và sức khỏe cộng đồng”. Trong Chỉ thị này Thủ tướng đã giao cho Bộ TN&MT: “Tổ chức đánh giá kết quả thực hiện Quyết định số: 985a/QĐ-TTg, đề xuất kế hoạch quản lý chất lượng không khí trong giai đoạn 2021 – 2025, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý I năm 2021”. 

Tin tưởng rằng, Bộ TN&MT đã có báo cáo trình Thủ tướng nhưng có lẽ cũng cần công khai về những kết quả thực hiện Quyết định 985a/QĐ-TTg để mọi người được biết. Tác giả bài viết này được tham gia một nhiệm vụ/đề tài với Viện Chiến lược, Chính sách TN&MT liên quan tới khả năng đánh giá khả năng chịu tải của môi trường không khí, nghiên cứu mẫu ở Bắc Ninh, không biết có thuộc nhiệm vụ số 9 theo số thứ tự của bảng 1 hay không?. Và, vấn đề đánh giá khả năng chịu tải của môi trường không khí không biết có được đặt ra nữa hay không ở các kế hoạch quản lý CLKK các giai đoạn tới. Hay một đề tài khác liên quan tới xây dựng mô hình/phần mềm tính toán lan truyền chất ô nhiễm không khí cũng do Viện Chiến lược, Chính sách TN&MT thực hiện liệu có thuộc nhiệm vụ số 8 theo số thứ tự của bảng 1 hay không? Nhìn vào danh mục các nhiệm vụ thì thấy gần như các vấn đề nghiên cứu, thực hiện quản lý CLKK đã được tiến hành, từ kiểm kê phát thải, xây dựng hệ thống quan trắc, xây dựng và áp dụng mô hình lan truyền chất ô nhiễm trong khí quyển, mô hình nơi tiếp nhận xác định nguồn khí thải, từ đó đánh giá CLKK xung quanh, công bố CLKK cho cộng đồng trong giai đoạn 2016 - 2020. Tuy nhiên, cộng đồng dân cư vẫn muốn biết, liệu kết quả thực hiện có đáp ứng được hết các yêu cầu đặt ra để quản lý tốt CLKK, có giải pháp từng bước giảm thiểu được mức suy giảm, mức ô nhiễm không khí đã, đang diễn ra trên một số khu vực của Việt Nam hay chưa. Những điều chưa làm tốt, cần làm tiếp cũng phải nêu rõ để cộng đồng biết và đóng góp ý kiến để làm tốt hơn trong tương lai.

Chắc vẫn còn nhiều vấn đề chưa thể giải quyết hết nên trong Chỉ thị số 03/CT-TTg Thủ tướng Chính phủ vẫn giao Bộ TN&MT:

“Tăng cường quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình quan trắc chất lượng không khí bảo đảm hiệu quả, thực hiện kiểm soát chặt chẽ về chất lượng trong quan trắc môi trường không khí, công bố kết quả quan trắc và kịp thời cảnh báo ô nhiễm không khí cho cộng đồng.

Khẩn trương xây dựng và triển khai thực hiện việc đầu tư, tăng cường năng lực quan trắc chất lượng môi trường không khí phù hợp với quy hoạch tổng thể quan trắc môi trường quốc gia, đảm bảo đến năm 2025 phải kiểm soát, cảnh báo, dự báo được diễn biến chất lượng không khí tại các đô thị, vùng miền trên phạm vi cả nước”.

Quả thật, hệ thống quan trắc CLKK cả nước vẫn còn nhiều hạn chế, Bộ TN&MT còn quá nhiều việc phải làm để có thể lắp đặt hệ thống này theo đúng quy định pháp luật và có cơ sở khoa học, có tính đến hiệu quả kinh tế. Có nhiều người cho rằng, nhà nước có tiền, có quyền và dễ dàng mua, lắp đặt hệ thống quan trắc CLKK nhưng sao việc thực thi lại quá chậm?. Là người đã từng được mời dự họp để ra quyết định lắp đặt một số trạm quan trắc tự động, liên tục, cố định tại Hà Nội những năm cuối thập kỷ 1990 đầu thập kỷ 2000 chúng tôi nhận thấy, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là chúng ta chưa biết hệ thống trên sẽ hoạt động như thế nào, thiết bị lắp đặt ở đâu, với mục đích gì?; mức kinh phí hoạt động hàng năm nhiều hay ít và lấy ở đâu?; số liệu thu được dùng để làm gì, phục vụ ai, công bố ra sao?,.v.v. Và rồi, sau khoảng 10 năm lắp đặt tôi lại có dịp ngồi dự một số cuộc họp để đi đến thanh lý các trạm này thì rất ít trạm hoạt động có hiệu quả, thậm chí số liệu có chất lượng hay không, có được sử dụng hay không cũng không thật sự rõ ràng. Tuy nhiên, có một con số được công bố đó là khoản đầu tư lắp đặt ban đầu không nhỏ và mức kinh phí vận hành hàng năm cũng khá lớn. Kể ra, cũng không trách được những người có thẩm quyền cho phép lắp đặt các trạm này (khoảng 6 trạm tại Hà Nội) vì khi đó các khái niệm về AQI chưa có quy định ở Việt Nam; quy chế chia sẻ số liệu cũng chưa được ban hành, hệ thống truyền dẫn số liệu cũng chưa có nên mới dẫn ra tình trạng trên. Có trách là trách việc xây dựng cơ sở khoa học lắp đặt hệ thống quan trắc CLKK và các cơ sở hạ tầng cần có để đảm bảo tính khả thi cho các trạm hoạt động và cơ chế, phương pháp khai thác số liệu chưa được đưa ra bàn bạc kỹ lưỡng.

Có lẽ chính vì vậy mà trong Quyết định số: 985a/QĐ-TTg, nhiệm vụ (số thứ tự 03 của bảng 1) có tiêu đề Hoàn thiện, hiện đại hóa hệ thống quan trắc môi trường không khí tự động ở các đô thị đặc biệt và đô thị loại I trở lên được đặt ra và phải hoàn thành trong năm 2020. Không biết Bộ TN&MT báo cáo Thủ tướng Chính phủ những gì về kết quả nhiệm vụ này (theo Chỉ thị số 03/CT-TTg) nhưng có lẽ hệ thống quan trắc môi trường không khí tự động ở một số đô thị chưa được hoàn thiện, kể cả Thủ đô Hà Nội và TP.HCM.

Trong Chỉ thị số 03/CT-TTg, ngoài việc Thủ tướng giao Bộ TN&MT đánh giá kết quả thực hiện Quyết định số: 985a/QĐ-TTg, Thủ tướng còn yêu cầu Bộ này: đề xuất kế hoạch quản lý chất lượng không khí trong giai đoạn 2021 – 2025, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý I năm 2021. Và, vào ngày 13 tháng 11 năm 2021 Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số: 1973/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch quốc gia về quản lý chất lượng không khí giai đoạn 2021 – 2025 [4] theo đề nghị của Bộ TN&MT. Mục tiêu tổng quát của kế hoạch này không khác nhiều kế hoạch phê duyệt của Quyết định số: 985a/QĐ-TTg. Tuy nhiên mục tiêu cụ thể thì ít hơn và không có định mức cụ thể nên rất khó biết kết quả triển khai. Các chương trình nhiệm vụ cụ thể cũng ít hơn, đặc biệt không có chương trình: Nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ về quản lý chất lượng không khí như đã có trong Chương trình 6 của kế hoạch phê duyệt của Quyết định số: 985a/QĐ-TTg. Phải chăng không còn vấn đề cần nghiên cứu hoặc không cần nghiên cứu khoa học vẫn thực hiện được kế hoạch này.

 Trước đó Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số: 259/QĐ-TTg ngày 14 tháng 02 năm 2020 phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch tổng thể quan trắc môi trường quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.  Về thời hạn lập quy hoạch, Quyết định này quy định: Thời hạn lập quy hoạch không quá 24 tháng kể từ ngày Nhiệm vụ lập quy hoạch được phê duyệt, nghĩa là đầu năm 2022 phải có Quy hoạch để trình duyệt và đưa vào thực hiện. Mặc dù việc lập quy hoạch này được thực hiện sau nhưng nó lại định hướng cho việc lập kế hoạch quản lý CLKK, cụ thể là xây dựng mạng lưới quan trắc môi trường không khí quốc gia phải thực hiện thông qua:

  • Rà soát các thông tin về quan trắc không khí.
  • Phân vùng các khu vực quan trắc không khí.
  • Xây dựng các trạm, điểm quan trắc không khí, trong đó có trạm quan trắc bụi nano.

Kết luận

Qua nghiên cứu tất cả các văn bản trên và tham khảo các tài liệu, công trình nghiên cứu có liên quan chúng tôi thấy:

Cho đến nay, chúng ta vẫn chưa kiểm kê được mức thải chất ô nhiễm không khí của cả nước nói chung và của các tỉnh, thành nói riêng. Tuy nhiên vẫn có các công trình nghiên cứu công bố mức thải của một ngành nào đấy, của một địa phương nào đấy trong khoảng thời gian nhất định. Cái chúng ta cần là cơ sở dữ liệu phát thải, có thể cập nhật liên tục, số liệu có thể trích xuất phục vụ yêu cầu của quá trình phát triển đất nước và đời sống nhân dân. Các văn bản phân tích ở trên mới chỉ cho thấy cơ quan chức năng vào cuộc nhưng vẫn có phần lúng túng trong kiểm kê khí thải và theo Kế hoạch quốc gia về quản lý chất lượng không khí giai đoạn 2021 – 2025 thì năm 2025 ta sẽ có số liệu sau khi hoàn thành nhiệm vụ đầu tiên của Chương trình 4 về Thực hiện việc kiểm kê nguồn khí thải.

Cho đến nay vẫn chưa có tài liệu chính thống nào đánh giá được CLKK thỏa mãn yêu cầu cao của nhiều tầng lớp nhân dân. Người dân chưa thể tra “trên mạng” để biết CLKK ở nơi mình sống và nơi mình sẽ đến trên đất nước Việt Nam. Thật ra, chúng ta đã có trang mạng, cổng thông tin của Trung tâm Quan trắc môi trường miền Bắc đăng tải CLKK theo số liệu đo của 71 trạm cả nước [5] nhưng đây chỉ là AQI từng giờ, chưa thể đặc trưng cho CLKK thời gian dài (ít nhất là một năm). Có một điều mọi người có thể đặt câu hỏi, tại sao có những tỉnh nhỏ như Bắc Ninh mà có tới 17 điểm có kết quả quan trắc để tính AQI từng giờ trong khi nhiều thành phố lớn đông dân thì lại không có điểm nào (TP.Hải Phòng, TP.HCM, TP.Cần Thơ, tỉnh Thanh Hóa,...). Ngay Thủ đô Hà Nội cũng chỉ có 3 điểm có số liệu được đăng tải.

Từ đó, rất khó đưa ra được nhận định xu thế CLKK sẽ diễn ra như thế nào trong những năm thuộc giai đoạn 2021-2030 và sau đó nữa. Nếu chúng ta xây dựng được bản đồ mức phát thải chất ô nhiễm không khí và bản đồ mức CLKK cả nước theo từng năm thì mới thấy rõ xu thế diễn biến theo thời gian được. Hoặc, nếu chưa xây dựng được cho cả nước thì xây dựng các bản đồ này cho những vùng, những tỉnh, thành phố có nhiều nguồn thải, đông dân cư như vùng đồng bằng Bắc Bộ, TP.Hà Nội, TP.HCM để có thể đánh giá xu thế CLKK, đánh giá hiệu quả những nỗ lực, biện pháp nhằm giảm thiểu phát thải chất ô nhiễm và nâng cao CLKK. Trong một số nghiên cứu, đã xây dựng được các bản đồ loại này, được đăng tải nhưng chưa phải dựa trên những cố gắng của các cơ quan chức năng và cũng chưa được đánh giá của các cơ quan này nên cũng chưa được phổ biến rộng rãi. Chẳng hạn, theo đánh giá của một số đề tài nghiên cứu thì ô nhiễm bụi mịn đã xảy ra ở phạm vi TP.Hà Nội và các tỉnh xung quanh, vậy các cơ quan chức năng có kiểm định lại chưa? hay cứ để mọi người hiểu theo cảm nhận và đánh giá của họ?.

Theo chúng tôi, quản lý CLKK là một vấn đề lớn cần huy động của nhiều nguồn lực, cả nhân lực, kinh phí, khoa học công nghệ, công cụ kinh tế, thời gian,... ở mức rất cao và phải tiến hành bài bản, từ kiểm kê khí thải, xây dựng hệ thống quan trắc CLKK, xây dựng/sử dụng các mô hình lan truyền chất ô nhiễm để nắm được thực trạng CLKK cả nước và của từng khu vực, tỉnh, thành phố. Tiếp đến có biện pháp giảm phát thải, nâng cao CLKK theo tiêu chí rõ ràng, mức giảm phát thải bao nhiêu, ở ngành nào, địa phương nào và đến thời gian cụ thể nào để nồng độ chất ô nhiễm giảm đến mức chấp nhận được, tiến tới xóa tình trạng ô nhiễm không khí trong cả nước. Có lẽ phải đến giai đoạn sau 2030 công cuộc quản lý CLKK mới có thể đi vào thực chất và ổn định hơn.

Tài liệu tham khảo

  1. Tác động ô nhiễm không khí do bụi PM2.5 đến sức khỏe cộng đồng tại Hà Nội năm 2019, tài liệu được xuất bản bởi Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng (Live&Learn) tháng 7 năm 2021.
  2. Quyết định số: 985a/QĐ-TTg ngày 01 tháng 6 năm 2016, phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng không khí đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025.
  3. Chỉ thị số 03/CT-TTg về tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí. 
  4. Quyết định số: 1973/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch quốc gia về quản lý chất lượng không khí giai đoạn 2021 – 2025.
  5. Cổng thông tin của Trung tâm Quan trắc môi trường miền Bắc. http://cem.gov.vn/

Hoàng Xuân Cơ

Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, Tôn Thất Thuyết, Cầu Giấy, Hà Nội

Bạn đang đọc bài viết Khả năng đánh giá chất lượng không khí giai đoạn 2022-2030. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Về mái trường xưa
Dịp kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam, ngôi trường tiểu học quê tôi cũng tổ chức kỷ niệm 70 năm thành lập với bao xúc cảm của cậu học trò năm xưa nay tóc đã điểm bạc.

Tin mới