Các phương pháp áp dụng trong lập báo cáo ĐTM
Tính đến năm 2022 Việt Nam đã có gần 30 năm kinh nghiệm thực hiện đánh giá tác động môi trường (ĐTM) với hàng ngàn báo cáo đã được lập, thẩm định.
Theo đó, công tác này đã có những đóng góp to lớn trong công tác quản lý môi trường, bảo vệ môi trường của đất nước nhưng vẫn còn đó nhiều vấn đề tồn tại. Hiện chưa có nhiều hoạt động, tiến hành đánh giá một cách chính thống, nghiêm túc để tìm ra những điểm mạnh, điểm làm được của công tác ĐTM để phát huy và điểm yếu, điểm chưa làm được để khắc phục. Một trong những vấn đề cần phải làm rõ thêm, đó là hiệu quả các phương pháp được áp dụng đã đáp ứng nhu cầu và thích hợp với thực tế hay chưa.
Sở dĩ đặt vấn đề như vậy vì (1). Các phương pháp dùng trong ĐTM đã được trình bày khá đầy đủ trong các sách giáo khoa, sách chuyên khảo hoặc trong các bài báo, các kết quả nghiên cứu cả trong và ngoài nước nhưng không phải nước nào cũng áp dụng như nhau; (2). Nhiều nước, tổ chức quốc tế, tuy không áp đặt sử dụng phương pháp cụ thể trong ĐTM nhưng có yêu cầu, hướng dẫn, khuyến cáo sử dụng một số phương pháp để các chủ thể, nhóm chuyên gia thực hiện ĐTM có thể chọn lựa, áp dụng. Những phương pháp được được khuyến cáo này là những phương pháp có tính khả thi và có hiệu quả cao trong thực hiện các bước ĐTM, từ lược duyệt, xác định phạm vi, đánh giá tác động, v,v..; (3). Hệ phương pháp sử dụng trong ĐTM khá đa dạng, ngay trong một phương pháp cụ thể cũng có thể có cách tiếp cận giải quyết khác nhau, từ đơn giản đến phức tạp, từ độ chính xác thấp tới độ chính xác cao hơn, từ định tính tới định lượng, v.v,, nên lựa chọn sử dụng phương pháp nào không chỉ phụ thuộc điều kiện thực tế (có cho phép áp dụng được không) mà còn phụ thuộc vào chính chủ thể, nhóm ĐTM có muốn áp dụng không.
Đối chiếu với tình hình thực tế ở Việt Nam cho thấy, chúng ta chưa có văn bản hướng dẫn sử dụng các phương pháp trong ĐTM. Vậy có nên có loại văn bản này không? là câu hỏi cần bàn thêm để tìm cách trả lời. Là một người đã viết Giáo trình Đánh giá tác động môi trường [1], lúc đầu chúng tôi có ý nghĩ là việc áp dụng các phương pháp thực hiện ĐTM chủ yếu do chủ thể, nhóm thực hiện ĐTM quyết định lựa chọn. Tuy nhiên, sau khi được đọc một số báo cáo ĐTM thì thấy, nhiều phương pháp sử dụng hiệu quả nhưng lại không được sử dụng hoặc chọn phương pháp kém hiệu quả hơn để áp dụng. Vì vậy, chúng tôi cho rằng cần/nên có văn bản hướng dẫn, khuyến cáo sử dụng các phương pháp thực hiện ĐTM để có thể áp dụng được những phương pháp phù hợp, có hiệu quả cao hơn. Dưới đây, xin phép bàn luận về cơ sở đưa ra và nội dung cần có trong một văn bản như vậy.
1. Cơ sở pháp lý và cơ sở khoa học của việc đưa ra văn bản hướng dẫn áp dụng các phương pháp thực hiện ĐTM.
Chúng ta đã có Luật Bảo vệ môi trường quy định phải tiến hành ĐTM, ĐMC và có các Nghị định, Thông tư của Chính phủ, các Bộ quy định chi tiết cả về phân cấp thực hiện, nội dung, quy trình thực hiện ĐTM nên có thể lồng thêm nội dung hướng dẫn áp dụng các phương pháp thực hiện ĐTM vào Thông tư của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Ngoài ra, có thể đưa ra văn bản có tính pháp lý không cao như Thông tư nhưng cũng có hiệu lực thực thi tốt, đảm bảo tính hiệu quả thực hiện, đó là những công văn, những hướng dẫn kỹ thuật của Tổng cục Môi trường (TCMT) chẳng hạn. Chúng ta còn nhớ năm 2011 TCMT có Quyết định số: 878/QĐ-TCMT ngày 1 tháng 7 năm 2011 ban hành sổ tay hướng dẫn kỹ thuật tính toán chỉ số chất lượng không khí (AQI), với cách tính còn đơn giản nhưng cũng đã gợi mở một cách tính hợp lý hơn trong những năm tiếp theo.
Thật ra, các nhà khoa học cũng đã thử nghiệm áp dụng cách tính API (tương đương AQI của Mỹ, đang được áp dụng ở Trung Quốc, Thái Lan, Hồng Kông,...) tính với số liệu Việt Nam (trạm quan trắc CLKK tự động liên tục Láng – Hà Nội) để xác định chất lượng không khí của Hà Nội giai đoạn 2004-2008. Kết quả tính với bụi PM10 (thời gian này chưa quan trắc PM2,5) cho thấy giai đoạn 2004-2008 CLKK của Hà Nội vẫn ở mức rất tốt và tốt (đều chiếm tỷ lệ trên 80% số ngày trong năm) nhưng có xu thế giảm, với mức rất tốt giảm khá nhanh và mức ô nhiễm nhẹ tăng, vượt trên 10% trong giai đoạn 2006-2008 (hình 1). Mãi tới 2019, TCMT mới có Quyết định số: 459 /QĐ-TCMT Hà Nội, ngày 12 tháng 11 năm 2019 ban hành Hướng dẫn kỹ thuật tính toán và công bố chỉ số chất lượng không khí Việt Nam (VN_AQI). Giá trị AQI mới, theo hướng dẫn của TCMT năm 2019 đã tiếp thu cách tính của Mỹ, đã tính đến sự khác biệt về mức tác động của từng chất ô nhiễm khác nhau. Năm 2020 và 2021 cách tính AQI mới này đã được sử dụng đối với số liệu một số trạm quan trắc tự động trên địa bàn Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh cũng như ở các tỉnh có trạm quan trắc CLKK tự động liên tục và công bố trong báo cáo môi trường quốc gia, báo cáo CLKK do một số tổ chức thực hiện.
Như vậy, hai quyết định hướng dẫn tính AQI đã có tác dụng rất lớn giúp đánh giá CLKK rất hiệu quả.
Một văn bản khác cũng có tác dụng định hướng quan trong cho quản lý CLKK cấp Tỉnh, Thành phố, đó là Công văn số: 3051/BTNMT-TCMT ngày 7 tháng 6 năm 2021 về việc hướng dẫn kỹ thuật xây dựng Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí cấp tỉnh. Đây là văn bản hướng dẫn khá cặn kẽ về các bước lập kế hoạch, nội dung kế hoạch và gợi ý sử dụng nhiều phương pháp cần áp dụng khi thực hiện kế hoạch. Dưới đây, xin trích dẫn và trình bày một số phương pháp nêu trong văn bản này.
Khi tính toán mức thải, kiểm kê phát thải theo cách tiếp cận từ trên xuống (phương pháp top-down) thì mức phát thải được xác định theo công thức:
E = A x EF
Trong đó: - E: Mức phát thải (emission rate); - A: Thông tin liên quan đến hoạt động của đối tượng, nguồn phát thải; - EF: Hệ số phát thải;
“- Lưu ý: Nguồn thông tin về các hệ số phát thải có thể được tham khảo theo Tài liệu AP-42 của Cục Bảo vệ môi trường Mỹ (US EPA) như sau:
+ Hệ số phát thải cho các ngành, lĩnh vực sản xuất:https://www.epa.gov/airemissions-factors-and-quantification/ap-42-compilation-air-emissionsfactors#5thed.
+ Hệ số phát thải cho các loại nhiên liệu:https://www.epa.gov/air-emissionsfactors-and-quantification/ap-42-fifth-edition-volume-i-chapter-1-external-0.
+ Đối với bụi, tài liệu AP-42 của Cục Bảo vệ môi trường Mỹ (US EPA) cung cấp hệ số phát thải cho một số kích thước khác nhau. Trong đó, các hệ số phát thải được chia thành các mức A-E theo độ chính xác, độ tin cậy và kết quả của quá trình thử nghiệm, xây dựng hệ số phát thải: A (Mức tốt); B (Mức trên trung bình); C (Mức trung bình); D (Mức dưới trung bình); E (Mức kém). Do đó, khi tham khảo và lựa chọn các hệ số phát thải để tính toán phát thải theo tài 14 liệu AP-42, cần xem xét khả năng tối đa sử dụng các hệ số phát thải có độ chính xác, độ tin cậy cao phù hợp với trường hợp tính toán phát thải cụ thể; đồng thời tham khảo các tài liệu khoa học khác tại thời điểm thực hiện kiểm kê”.
Rõ ràng phương pháp này có thể áp dụng trong báo cáo ĐTM khi ước tính mức thải các chất ô nhiễm không khí của các dự án sản xuất như nhiệt điện, xi măng, thép, hóa chất,... có khả năng phát thải lớn. Theo chúng tôi, quy định về hệ số phát thải như vậy có phần chưa thỏa đáng vì có nhiều nguồn tham khảo hệ số phát thải khác cần xem xét đưa vào lựa chọn cho phù hợp với điều kiện thực tế.
Vì vậy, không nên bó hẹp chỉ tham khảo một nguồn mà nên quy định thêm một vài nguồn khác để lựa chọn, chẳng hạn như tài liệu do các nhà khoa học làm việc nhiều năm ở vùng Đông Nam Á (có cả chuyên gia Việt Nam như Nguyễn Thị Kim Oanh, Nguyễn Minh Bảo, Phan Văn Tân) soạn thảo và đóng góp, trong đó có nhiều công thức, hệ số phát thải đã được xem xét, định hướng sử dụng phù hợp với vùng Đông Nam Á [3].
Hay, phương pháp sử dụng mô hình lan truyền chất ô nhiễm được TCMT khuyến cáo sử dụng là mô hình AERMOD. Mô hình này cũng rất thích hợp trong việc sử dụng đối với ĐTM các dự án phát thải nhiều chất ô nhiễm không khí, đặc biệt phát thải qua các ống khói cao. Và, cũng như đối với lựa chọn hệ số phát thải, việc lựa chọn mô hình/phần mềm cũng cần đưa thêm các mô hình khác trong văn bản hướng dẫn. Và, còn nhiều phương pháp khác được định hướng sử dụng trong lập và thực hiện kế hoạch quản lý CLKK cấp tỉnh nhưng đồng thời có thể áp dụng trong thực hiện ĐTM.
Nêu những văn bản với nội dung như trên, chúng tôi mong muốn các cơ quan quản lý môi trường cần có văn bản tương tự nào đó nêu và hướng dẫn sử dụng các phương pháp trong thực hiện ĐTM, giúp nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác ĐTM.
2. Một số phương pháp cần được nêu trong hướng dẫn sử dụng các phương pháp trong thực hiện ĐTM
Do tính đa dạng của các phương pháp có thể áp dụng trong ĐTM nên khó có thể đưa ra hướng dẫn đầy đủ ngay được, nếu viết chi tiết, đầy đủ từng phương pháp thì rất dài, khó theo dõi nhưng viết quá tổng quát thì người đọc, người muốn sử dụng phải mất nhiều công tìm hiểu thêm. Vì vậy, phần dưới đây sẽ nêu một số định hướng về những nội dung cần có trong một văn bản hướng dẫn sử dụng các phương pháp trong ĐTM.
Đối với các phương pháp mang tính phổ biến có thể áp dụng cho mọi dự án, chẳng hạn như phương pháp danh mục, phương pháp ma trận đơn giản hay phương pháp phân tích chi phí lợi ích mở rộng thì có thể nêu, chỉ rõ tài liệu tham khảo cả về lý thuyết và các công bố áp dụng trong thực tế các phương pháp này cả trong và ngoài nước.
Đối với các phương pháp có tính đặc thù, chỉ áp dụng đối với dự án cụ thể thì phải tiến hành nghiên cứu cụ thể hơn, xem xét cả về lý thuyết và thực tiễn áp dụng để đưa vào tài liệu hướng dẫn một cách phù hợp, dễ hiểu, dễ vận dụng. Có thể tiến hành các bước sau để có thông tin đưa vào tài liệu hướng dẫn các phương pháp áp dụng trong ĐTM.
Phân loại các dự án theo một số tiêu chí. Đây là việc có thể làm được qua xem xét hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn báo cáo ĐTM của các dự án của Việt Nam và Thế giới. Tất nhiên, phân loại càng chi tiết càng tốt nhưng trong văn bản hướng dẫn chỉ nên chia theo một số tiêu chí như: (1). Dự án có phạm vi tác động lớn, sử dụng nhiều tài nguyên, chiếm nhiều diện tích đất (khai khoáng, thủy điện, dự án có mức phát thải lớn); (2). Dự án có khả năng gây sự cố môi trường với mức thiệt hại lớn (thủy điện, điện hạt nhân, dự án phát thải chất ô nhiễm độc hại lớn ra môi trường đất, nước, không khí; (3). Dự án đặt ở nơi nhạy cảm môi trường như đặt gần khu dân cư, đặt ở vùng cần bảo vệ, vùng có khả năng chịu tác động lớn của BĐKH, v.v.
Như vậy rõ ràng có những dự án thuộc nhiều nhóm nên từng nhóm lại có thể chia nhỏ, cụ thể hơn như dự án phát thải nhiều chất ô nhiễm không khí, dự án phát thải nhiều chất ô nhiễm nước, dự án phát sinh nhiều chất thải rắn, dự án có tác động lớn đến điều kiện xã hội, đến các hệ sinh thái, đến cạn kiệt tài nguyên,...
Từ việc chia nhóm dự án, xác định một số phương pháp đặc thù cần phải áp dụng để tiến hành ĐTM cho kết quả tốt. Chẳng hạn dự án phát thải nhiều chất ô nhiễm không khí qua ống khói cao (mức nào đó) thì phải sử dụng các mô hình lan truyền chất ô nhiễm không khí để xác định nồng độ các chất này trong phạm vi rộng lớn xung quanh nơi đặt dự án. Cũng tương tự như vậy đối với dự án thải nhiều nước thải chứa chất độc hại ra thủy vực lớn (sông, hồ, biển ven bờ) phải áp dụng các mô hình lan truyền chất ô nhiễm trong thủy vực để biết phân bố nồng độ chất ô nhiễm vùng thủy vực bị ảnh hưởng. Những dự án thải/chứa nhiều chất thải trong một diện tích đủ lớn (bãi thải, khu vực khai khoáng chẳng hạn) cần sử dụng mô hình lan truyền chất ô nhiễm trong đất để xem khả năng ảnh hưởng đến chất lượng nước ngầm.
Các dự án có khả năng gây sự cố, rủi ro môi trường, có khả năng gây ra mức thiệt hại rất lớn phải áp dụng phương pháp đánh giá khả năng xảy ra sự cố (qua tần suất xuất hiện những sự cố đã xảy ra với những dự án tương tự), chẳng hạn sự cố ở Công ty Formosa trước đây, có thể xem loại dự án này, đã xảy ra sự cố gì ở những nơi khác nhau. Ngoài đánh giá khả năng xảy ra sự cố phải ước tính được phạm vi ảnh hưởng, thiệt hại có thể xảy ra và phải sớm dự kiến các giải pháp ứng phó khi sự cố xảy ra. Xin nêu một vài ví dụ về đánh giá khả năng xảy ra sự cố và ước tính phạm vi ảnh hưởng như: đối với dự án xây dựng Thủy điện Sơn La, sau khi được Quốc hội yêu cầu, cơ quan quản lý đã triệu tập các nhà khoa học đánh giá lại khả năng vỡ đập do động đất và sau nhiều nghiên cứu, thảo luận đã đề xuất nâng thêm một mức chống chịu của đập đối với động đất. Hay như, sự cố Formosa do không ước tính trước những vùng có thể bị ảnh hưởng, mức ảnh hưởng, mức thiệt hại nên chúng ta đã mất nhiều công sức, thời gian để có thể xử lý khi sự cố xảy ra.
Theo chúng tôi, đánh giá rủi ro môi trường cần được đặt ra với tất cả nhóm dự án nêu trên và là phẩn không thể thiếu trong ĐTM. Đọc đoạn trích dưới đây về vai trò của đánh giá rủi ro môi trường (ERA) của tác giả Richard A. Carpenter, một nhà khoa học Mỹ có nhiều công trình xuất bản về môi trường, đã từng sang giảng bài cho nhóm các nhà khoa học Việt Nam những năm 1990, thì giống như lời cảnh báo về sự cố Formosa vậy:
“Sự không chắc chắn có trong tất cả các vấn đề môi trường, nhưng không phải lúc nào nó cũng được đặt ra và giải quyết đến nơi đến chốn. Hầu hết các đánh giá tác động môi trường (EIA) chỉ sử dụng một giá trị duy nhất trong phạm vi khá rộng các giá trị có thể có và xảy ra để đánh giá. Chẳng hạn, nhiều khi người thực hiện ĐTM chỉ sử dụng giá trị nồng độ chất thải theo khả năng xử lý của hệ thống để đánh giá thì chưa đủ. Bởi vì, khi sự không chắc chắn trong xử lý là lớn và quan trọng đối với kết quả của phân tích (ví dụ, khả năng làm tràn vật liệu độc hại) thì đánh giá sẽ không đủ thông tin và có thể khá sai lệch. Cách chính xác và thích hợp để mô tả dữ liệu phải là mô tả phân phối thống kê của một phạm vi giá trị và độ tin cậy mà phạm vi đó được coi là đúng. Đánh giá rủi ro môi trường (ERA) được giới thiệu sử dụng, thực hiện trong suốt quá trình phân tích, giải quyết vấn đề sẽ cho kết quả tốt hơn. Phương pháp này tuân theo các quy tắc của lý thuyết xác suất, tính đến khả năng xảy ra của tất cả các giá trị có thể có của mỗi tham số. ERA còn được gọi là đánh giá rủi ro theo xác suất (PRA) và đánh giá rủi ro định lượng theo xác suất (PQRA)” (dịch từ [4]).
Richard A. Carpenter còn nhận định, đánh giá rủi ro làm tăng thêm chi phí của ĐTM, nên cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà phân tích và nhà quản lý để quyết định thời gian và mức độ thực hiện. Vì chỉ có một báo cáo ĐTM nên khi coi rủi ro là quan trọng thì ERA sẽ bao gồm trong đó, là một phần trong đó.
Tham khảo các tài liệu đã được xuất bản, có thể thấy, hiện nay có nhiều phương pháp hiện đại đã và đang được áp dụng rất hiệu quả trong ĐTM, rất cần được đưa vào phân tích và định hướng sử dụng. Phương pháp tính toán lan truyền chất ô nhiễm trong không khí, nước, đất đã có mô hình/phần mềm thương mại hoặc cho phép áp dụng miễn phí. Vì vậy khi định hướng sử dụng trong ĐTM phải định hướng sử dụng các mô hình/phần mềm có bản quyền (mua hoặc được cho phép chính thức của chủ mô hình), tránh tình trạng sử dụng một số mô hình trôi nổi, không có bản quyền.
Riêng phương pháp phân tích chi phí - lợi ích và phân tích chi phí-lợi ích mở rộng cũng đã được giới thiệu và áp dụng ở Việt Nam [1,5,6] nên có thể mạnh dạn định hướng áp dụng trong tương lai gần một cách phổ biến.
Một số ý kiến mang tính đề xuất để các cơ quan có thẩm quyền xem xét, tổ chức nghiên cứu để sớm đưa ra được văn bản hướng dẫn sử dụng các phương pháp trong ĐTM. Mong có thêm những nhận xét, đánh giá của đọc giả về nên hay không nên ra văn bản loại này và nếu có văn bản thì nên tập trung, định hướng vào những loại phương pháp nào để có tính khả thi, hiệu quả áp dụng cao.
Tài liệu tham khảo
[1]. Hoàng Xuân Cơ, Phạm Ngọc Hồ, Đánh giá tác động môi trường, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, in lần thứ 5, 2009.
[2]. Hoàng Xuân Cơ, Hoàng Thị Thơm, 2010, Đánh giá diễn biến chất lượng không khí bằng hệ số ô nhiễm (API) thông qua số liệu trạm đo tự động Láng, Hà Nội giai đoạn 2004-2008, Tạp chí Khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội, KHTN & CN, tập 26 5S, tr. 678-682.
[3]. Shrestha, R.M., Kim Oanh, N.T., Shrestha, R. P., Rupakheti, M., Rajbhandari, S., Permadi, D.A., Kanabkaew, T. and Iyngararasan, M. (2012), Atmospheric Brown Cloud (ABC) Emission Inventory Manual, United Nations Environment Programme, Nairobi, Kenya.
http://www.rrcap.ait.ac.th/Publications/ABC%20Emission%20Inventory%20Manual.pdf
[4]. Richard A. Carpenter (1995) RISK ASSESSMENT, Impact Assessment, 13:2, 153-187, DOI: 10.1080/07349165.1995.9726088
file:///C:/Users/hoang/Desktop/BaiBaos%20EIA/EIA-RISK%20ASSESSMENT.pdf
[5]. Hoàng Xuân Cơ, 2013, Giáo trình Kinh tế môi trường, Nhà xuất bản Giáo dục.
[6]. Trịnh Phương Ngọc, Hoàng Xuân Cơ (2020), Phân tích chi phí - lợi ích mở rộng hoạt động khai thác, chế biến bauxite Tây Nguyên, Tạp chí Khoa học Đại học Quốc gia: Các Khoa học Trái đất và Môi trường, 36, 2(2020), 58-67.
GS.TS Hoàng Xuân Cơ
TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam