Thứ sáu, 22/11/2024 17:17 (GMT+7)
Thứ năm, 09/07/2020 15:00 (GMT+7)

Tìm giải pháp cho 345.000 hecta đất rừng đang sản xuất nông nghiệp

Theo dõi KTMT trên

Tính đến cuối năm 2019, tổng diện tích sản xuất nông nghiệp trên đất lâm nghiệp là gần 345.000 hecta, chiếm 11,3% diện tích đất quy hoạch lâm nghiệp.

Trước thực trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp và sản xuất nông nghiệp trên đất lâm nghiệp diễn biến phức tạp tại Tây Nguyên, sáng nay (9/7), tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Bộ NN&PTNT tổ chức hội nghị “Phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, đời sống người dân sản xuất nông nghiệp trên đất lâm nghiệp vùng Tây Nguyên”.

Tìm giải pháp cho 345.000 hecta đất rừng đang sản xuất nông nghiệp - Ảnh 1
Người dân di cư tự do vào xâm lấn và sản xuất trên đất rừng tại huyện Ea Kar (Đắk Lắk).

Theo báo cáo của 5 tỉnh Tây Nguyên, tính đến cuối năm 2019, tổng diện tích sản xuất nông nghiệp trên đất lâm nghiệp là gần 345.000 hecta, chiếm 11,3% diện tích đất quy hoạch lâm nghiệp. Trong đó, nhiều nhất là tỉnh Đắk Lắk với khoảng 84.000 hecta và thấp nhất là Lâm Đồng với 52.000 hecta.

Những diện tích sản xuất nông nghiệp có cả trên 3 loại đất thuộc quy hoạch rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất. Số diện tích này chủ yếu là trồng cà phê, hồ tiêu, cây ăn quả và cây ngắn ngày như sắn, ngô và các loại hoa màu.

Ước tính, có khoảng 150.000 hộ tham gia canh tác nông nghiệp trên đất lâm nghiệp. Việc sản xuất nông nghiệp trên đất rừng chưa được thừa nhận, không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc ký hợp đồng giao khoán, nên người dân không được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ sản xuất, không được hướng dẫn kỹ thuật khiến năng suất, sản lượng, hiệu quả sản xuất thấp, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn.

Một trong những vấn đề nóng là tình trạng di dân tự do đến Tây Nguyên và lấn chiếm đất lâm nghiệp. Theo thống kê từ năm 2005 đến năm 2017, có gần 60.000 hộ di dân tự do đến các tỉnh trong khu vực. Hiện còn tới 22.000 hộ đang sống rải rác trong rừng, trên đất quy hoạch lâm nghiệp.

Canh tác nông nghiệp trên đất lâm nghiệp ở Tây Nguyên đã diễn ra với quy mô lớn, kéo dài nhiều năm, liên quan đến thực thi pháp luật về lâm nghiệp, đất đai, dân cư, hộ tịch, tổ chức chính quyền địa phương. Hậu quả là làm suy giảm rừng, đời sống người dân khó khăn, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội...

Hội nghị do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Bộ NN&PTNT tổ chức nhằm đánh giá tình hình, những tồn tại, nguyên nhân và bàn các giải pháp để tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư đưa ra những chủ trương, cơ chế, chính sách phù hợp và tổ chức thực hiện đồng bộ trong giai đoạn sắp tới. Qua đó, nhằm ổn định dân cư và phát triển sản xuất bền vững cho đồng bào đang sử dụng đất lâm nghiệp cho sản xuất nông nghiệp ở vùng Tây Nguyên.

Công Bắc

Bạn đang đọc bài viết Tìm giải pháp cho 345.000 hecta đất rừng đang sản xuất nông nghiệp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới