Phục hồi kinh tế bằng giải pháp chưa từng có tiền lệ
Quá trình hồi phục kinh tế sẽ rất chậm do cung và cầu đều đứt gãy, vì vậy cần có các giải pháp đặc biệt mới có thể phục hồi tăng trưởng theo hình chữ V.
Công ty TNHH Công nghệ Cosmos Khu công nghiệp Khai Quang (Vĩnh Phúc) sản xuất linh kiện xe máy. (Ảnh: Vĩnh Đức) |
Ðiều hành vượt ra ngoài kịch bản
Ðại dịch Covid-19 đã tác động nghiêm trọng đến toàn cầu, đẩy hầu hết các nền kinh tế lớn của thế giới lâm vào tình trạng suy thoái. Kinh tế Việt Nam cũng chịu tác động rất mạnh do độ mở cao, phụ thuộc lớn vào hoạt động xuất khẩu và đầu tư nước ngoài. Quý I-2020, tăng trưởng GDP đạt 3,82%, nhưng tăng trưởng quý II chỉ còn 0,36%, là mức tăng trưởng thấp nhất kể từ khi Việt Nam tính GDP theo kinh tế thị trường.
Sáu tháng đầu năm 2020, GDP tăng trưởng 1,81%, đây cũng là tốc độ tăng trưởng thấp nhất của cùng kỳ sáu tháng trong cả giai đoạn 2011 - 2020. Sản xuất trên tất cả các lĩnh vực đều suy giảm, có những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề, thậm chí đóng băng như vận tải, nhất là vận tải hàng không; du lịch, lưu trú. Hàng chục nghìn doanh nghiệp (DN) đã phải thu hẹp sản xuất, tạm ngừng kinh doanh, phá sản. Hàng triệu lao động đã và đang mất việc làm hoặc không đủ việc làm, thu nhập sụt giảm. Thu ngân sách nhà nước sáu tháng chỉ đạt 40% dự toán và cuối năm có thể đi ngang hoặc giảm mạnh hơn do hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN vẫn chồng chất khó khăn.
Giả sử thu ngân sách cả năm 2020 bằng 80% dự toán thì không tăng chi cũng đã thâm hụt rất lớn so với mọi năm. Trong khi đó, nhiệm vụ chi ngân sách năm 2020 đòi hỏi phải tăng chi rất lớn cho các mục tiêu phòng, chống dịch và chữa bệnh, bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ DN và chi đầu tư để phục hồi kinh tế.
Trong hoàn cảnh như vậy, thực trạng điều hành kinh tế vĩ mô đã chuyển sang một trạng thái hoàn toàn khác, không còn theo kịch bản, mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2020 và Nghị quyết số 02/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Toàn bộ hệ thống chính trị, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đặt nhiệm vụ phòng, chống và dập dịch Covid-19 lên ưu tiên hàng đầu, hy sinh lợi ích kinh tế để bảo đảm tính mạng và sức khỏe của người dân. Ðây chính là tiền đề vững chắc để nền kinh tế nước ta tiếp tục duy trì tăng trưởng, không rơi vào tình trạng tăng trưởng âm.
Thay vì thúc đẩy tăng trưởng, Chính phủ tập trung vào các giải pháp tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý, qua đó ổn định tâm lý và thu phục niềm tin thị trường, người tiêu dùng. Triển khai các gói hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, tăng cường sức chống chịu của DN để đối phó, vượt qua khó khăn do đại dịch. Ðồng thời thực hiện các gói hỗ trợ an sinh xã hội, cứu trợ lao động thất nghiệp, lao động bị ảnh hưởng, nhóm người thu nhập thấp...
Bước ngoặt quan trọng trong sự thay đổi nhận thức để có phản ứng chính sách điều hành là ngày 4/3, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg về sáu nhóm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh. Trong đó, tập trung giải quyết khó khăn về vốn, thanh khoản; tháo gỡ khó khăn về xuất, nhập khẩu, thông quan hàng hóa; giảm chi phí và hỗ trợ, tạo thuận lợi chuyển đổi số, phát triển các mô hình kinh doanh mới... Tiếp sau đó, Chính phủ ban hành một loạt chính sách hỗ trợ về tài khóa thông qua giãn, hoãn thuế, hỗ trợ về chính sách tiền tệ như giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ, thúc đẩy đầu tư công, bảo đảm trật tự an toàn xã hội... Ðáng lưu ý, Chính phủ cũng ban hành Nghị quyết số 42/NQ-CP về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 với giá trị lên đến 62 nghìn tỉ đồng, hỗ trợ an sinh xã hội cho khoảng 20 triệu người bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch Covid-19. Ðây là gói giải pháp chưa có tiền lệ, bởi lần đầu Chính phủ chi tiền trực tiếp cho người dân, người lao động bị giảm sâu thu nhập vì đại dịch.
Ba trụ đỡ quan trọng
Mặc dù định hướng chính sách là phù hợp nhưng hiệu quả của các giải pháp hỗ trợ chưa được như kỳ vọng do triển khai thực hiện chưa quyết liệt, chưa đồng đều. Bên cạnh đó, quy mô các gói hỗ trợ còn quá nhỏ so với mức thiệt hại của DN cũng như so với mức hỗ trợ của Chính phủ các nước đối với cộng đồng sản xuất, kinh doanh.
Nhìn vào thiết kế chính sách hỗ trợ tài khóa, có tới 98% số DN sẽ được hỗ trợ thuế nhưng trong thực tế, số DN được thụ hưởng chính sách không đáng kể. Vì chỉ những DN vẫn còn doanh thu, có phát sinh nghĩa vụ thuế mới được gia hạn nộp. Còn DN khó khăn hơn, không duy trì được sản xuất, kinh doanh, không có doanh thu lại không được hưởng hỗ trợ nào về thuế. Hơn nữa, để phục hồi sức khỏe, tạo giá trị đóng góp cho nguồn thu, DN cần được miễn, giảm thuế hoặc giãn, hoãn thuế từ một đến ba năm, nhưng thiết kế chính sách chỉ được chậm nộp 5 tháng; chính sách miễn, giảm thuế, phí còn quá ít và chưa kịp thời, điều kiện hỗ trợ lại chưa hợp lý, chưa phù hợp thực tiễn khiến DN không thể tiếp cận. Tương tự, lãi suất cho vay tuy có giảm nhưng chưa đến được với DN nhỏ và vừa. DN cũng chưa thật sự được chia sẻ gánh nặng về chi phí tiền lương, tiền công cho người lao động và nhất là gói hỗ trợ an sinh xã hội chưa đủ mạnh để tăng thêm sức cầu cho nền kinh tế.
Triển vọng tăng trưởng nửa cuối năm còn rất nhiều thách thức vì dự đoán thời điểm phục hồi của kinh tế thế giới vẫn bất định; cầu trong nước mới chỉ vừa phục hồi. Trụ đỡ quan trọng cho phục hồi kinh tế hiện nay là đẩy mạnh đầu tư công, tăng quy mô các gói hỗ trợ tài khóa, tiền tệ, nhưng phải thực hiện bằng cách làm sáng tạo, phi truyền thống. Nếu bị gò vào quy trình, thủ tục, các giải pháp hỗ trợ sẽ chậm đến tay người dân, DN. Và như thế không chỉ làm giảm hiệu lực, hiệu quả chính sách mà còn bỏ lỡ cơ hội phục hồi sản xuất, kinh doanh, làm giảm niềm tin, giảm động lực của DN.
Phục hồi kinh tế trong ngắn hạn, không cách gì hiệu quả hơn kích cầu thông qua tăng chi tiêu của Chính phủ, nhất là ở đầu tư công. Việc kích thích tổng cầu thông qua đầu tư công là giải pháp đặc biệt quan trọng để bù đắp khi đầu tư tư nhân, nhu cầu chi tiêu trong xã hội sụt giảm. Ðầu tư công nếu được thực hiện đúng mục đích sẽ tăng cầu của nền kinh tế, giúp nền kinh tế phục hồi nhanh, đồng thời tạo ra năng lực tăng trưởng trong tương lai. Nhưng phải áp dụng cơ chế đặc biệt, sẽ phải thay đổi một số chỉ tiêu, yêu cầu để bảo đảm tính thực thi của giải pháp. Cụ thể, phải thay đổi chỉ tiêu về thâm hụt ngân sách, trần nợ công, thay đổi cách thức về quản lý đầu tư công, tăng cường giám sát qua cơ chế công khai, minh bạch thông tin. Ngay thời điểm này phải có chương trình cụ thể về phục hồi kinh tế, tính toán phương án thật sát với thực tiễn, xác định rõ mức bội chi ngân sách và định hướng thu xếp nguồn lực để sẵn sàng khởi công các công trình trọng điểm của đất nước.
TS Nguyễn Ðình Cung
(Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ)