Thứ sáu, 22/11/2024 21:59 (GMT+7)
Thứ sáu, 03/07/2020 07:15 (GMT+7)

Hiến kế chống suy thoái kinh tế thời đại dịch Covid-19

Theo dõi KTMT trên

Thảo luận tại Hội nghị Chính phủ với địa phương đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020 ngày 2/7, lãnh đạo các địa phương đã đề xuất nhiều giải pháp để chống suy thoái kinh tế trong thời điểm “sống chung với Covid-19".

Hiến kế chống suy thoái kinh tế thời đại dịch Covid-19 - Ảnh 1
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận hội nghị. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Tìm mọi giải pháp đột phá

Trong nội dung phát biểu ý kiến, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung thể hiện quyết tâm thực hiện mục tiêu “kép” vừa kiểm soát, khống chế dịch Covid-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, an ninh quốc phòng của Thủ đô.

Theo Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội, Thủ đô đã xây dựng 2 kịch bản tăng trưởng 6 tháng cuối năm để chỉ đạo, điều hành, phấn đấu tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng cao hơn 1,3 lần tốc độ tăng của cả nước. Phấn đấu hoàn thành kế hoạch thu ngân sách theo dự toán Chính phủ giao.

Để hoàn thành các nhiệm vụ đặt ra, Hà Nội đề xuất Chính phủ thành lập Ban chỉ đạo của Chính phủ để phát triển kinh tế xã hội hậu Covid-19; cho phép Hà Nội khai thác lựa chọn, xây dựng các khu đô thị mới, lựa chọn các nhà đầu tư để đầu tư phát triển hạ tầng cũng như phát triển các khu đô thị, tăng tỉ lệ đô thị của thành phố, phấn đấu đến năm 2025 là đạt 60%.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, Thủ đô đang chuẩn bị từ 10 đến 15 khu vực để bố trí các khu bán hàng để mời các tỉnh đưa doanh nghiệp có hàng hóa nông, lâm thủy, hải sản bán hàng. “Toàn bộ chỗ bán hàng sẽ được miễn phí nhằm kích cầu tiêu dùng nội địa, đặc biệt kích cầu tiêu thụ các mặt hàng nông, lâm thủy, hải sản và rau củ, quả của các tỉnh, thành phố trên địa bàn Hà Nội”, ông Nguyễn Đức Chung nói.

Nhấn mạnh đại dịch COVID -19 đã tác động toàn diện đến mọi mặt của đời sống xã hội, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong khẳng định: Thành phố sẽ vào cuộc với tinh thần quyết liệt, khẩn trương, thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm để làm tốt hơn. “Là một đô thị đặc biệt, trung tâm kinh tế lớn của cả nước, Thành phố Hồ Chí Minh xác định phải nỗ lực nhiều hơn, quyết tâm mạnh mẽ, bởi sự chậm lại của Thành phố mang tên Bác sẽ tác động trực tiếp đến kết quả tăng trưởng chung của cả nước”, ông Nguyễn Thành Phong nói.

Chủ tịch TP Hồ Chí Minh cũng kiến nghị, Thủ tướng xem xét tháo gỡ khó khăn về thực hiện đầu tư công. Theo ông Nguyễn Thành Phong, Điều 89 Luật Đầu tư công quy định tổng số vốn đầu tư còn lại của các dự án đã được quyết định chủ trương đầu tư giai đoạn 2016-2020 chuyển tiếp qua giai đoạn 2021-2025 không vượt quá 20%.

“Quy định này gây rất nhiều khó khăn cho các địa phương”, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh nêu ý kiến. Bên cạnh đó, UBND TP Hồ Chí Minh kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Kế hoạch Đầu tư sớm có thông báo tổng mức vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 để Thành phố Hồ Chí Minh cùng các địa phương có thể triển khai thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn theo quy định của Luật Đầu tư công.

Là một trong 12 địa phương tăng trưởng âm, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cho biết: Đã Nẵng đã tích cực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư trong bối cảnh bất động sản “đóng băng”, cũng như kích cầu du lịch nội địa…

“Đến nay cơ bản đã từng bước được phục hồi”, ông Huỳnh Đức Thơ báo cáo và nhấn mạnh, phấn đấu đến hết năm 2020, cơ bản cân đối ngân sách bảo đảm không xin trợ cấp từ ngân sách trung ương. Từ thực tế của địa phương, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng đề nghị, Chính phủ, các cơ quan trung ương tiếp tục quan tâm có chỉ đạo để tháo gỡ khó khăn vướng mắc về pháp lý rất nhiều dự án trước đây của Đà Nẵng liên quan đến kết luận của Thanh tra Chính phủ.

Theo ông Huỳnh Đức Thơ, Đà Nẵng xem các dự án này là một trong những nguồn lực quan trọng để phát triển Đà Nẵng. Nếu thủ tục không được tháo gỡ, không giải quyết thì điểm nghẽn này sẽ cản trở sự phát riển kinh tế - xã hội của đầu tàu kinh tế miền Trung.

Hiến kế chống suy thoái kinh tế thời đại dịch Covid-19 - Ảnh 2
Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu ý kiến. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Cũng theo Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, hiện một số kết luận của thanh tra, một số phán quyết của các vụ án đang rất khó khăn trong thi hành án như sân vận động Chi Lăng đã có phán quyết của toà án nhưng chưa thi hành được do vướng nhiều thủ tục pháp lý. “Đà Nẵng đã kiến nghị, cơ quan tư pháp đã có kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các cơ quan quyết liệt để Đã Nẵng tháo gỡ khó khăn ở các dự án này, xem như nguồn lực để tạo động lực cho Đà Nẵng phát triển”, ông Huỳnh Đức Thơ kiến nghị.

Khó khăn gấp đôi thì cố gắng gấp ba

Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao các ý kiến đã phát biểu và đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ tiếp thu các ý kiến vào nghị quyết sau phiên họp, tập trung làm ngay những vấn đề cấp bách, càng sớm càng tốt để tận dụng cơ hội phục hồi kinh tế - xã hội.

Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần vừa phòng thủ dịch Covid-19, vừa tấn công trên mặt trận kinh tế, khó khăn gấp đôi thì cố gắng gấp ba, không bàn lùi, cả nước chung sức đồng lòng xây dựng đất nước lúc khó khăn.

Nhấn mạnh phục hồi kinh tế là vấn đề cấp bách, Thủ tướng yêu cầu các chính sách điều hành phải chủ động, linh hoạt hơn để kích thích tổng cầu, thu hút đầu tư, đảm bảo mục tiêu ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

“Tín dụng năm nay phải tăng trưởng ít nhất 10%, nợ công có thể nâng lên 2 - 3% nữa để chính sách tài khoá rõ nét hơn. Từ mức nợ công 64,8% GDP trước đây, chúng ta đã giảm còn 57%, thì nay ta tăng thêm 2% là 59% GDP, thì quản lý nợ công chưa phải vấn đề lúc khó khăn này”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng lưu ý, nếu để đứt gãy nền kinh tế sẽ gây hệ luỵ khó lường trong trung và dài hạn, nhất là năm nay khi chúng ta tiến hành Đại hội Đảng các cấp và Đại hội Đảng toàn quốc vào năm sau. Do đó, việc giữ vững niềm tin, đảm bảo thu nhập của người dân là vô cùng quan trọng. Cho rằng vai trò của Nhà nước, của chính sách tiền tệ, tài chính với an sinh xã hội là rất quan trọng. Thủ tướng đề nghị hệ thống tài chính quốc gia từ trung ương đến địa phương bơm thêm tiền cho an sinh xã hội “không để ai quá khổ, quá khó khăn trong lúc đại dịch gây ảnh hưởng”.

Tập trung giải ngân đầu tư công

Về một số nhiệm vụ, giải pháp sắp tới, Thủ tướng nhấn mạnh việc tập trung giải ngân đầu tư công bởi số lượng tiền năm nay rất lớn, gần 30 tỉ USD, đóng vai trò quan trọng cho tăng trưởng.

Hiến kế chống suy thoái kinh tế thời đại dịch Covid-19 - Ảnh 3
Quang cảnh Hội nghị. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Thủ tướng yêu cầu xem xét tiến độ các dự án hiện nay để thực hiện điều chỉnh vốn vào tháng 8. Đây là thời điểm Chính phủ ra tay, không để tình trạng trì trệ. Quốc hội đã có Nghị quyết giao Thủ tướng điều hành, không giải ngân được thì giao đơn vị khác làm, coi giải ngân vốn đầu tư công là căn cứ đánh giá hoàn thành nhiệm vụ của các cấp, ngành, địa phương, không để tình trạng trì trệ giải ngân tái diễn như một số năm.

Về chính sách tài khoá, Thủ tướng nhấn mạnh vai trò của chính sách tài khoá lúc khủng hoảng là vô cùng quan trọng với bất cứ nước nào. Theo đó, yêu cầu các Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước chủ động xây dựng phương án cân đối nguồn để triển khai các gói hỗ trợ theo quy định, trong đó có việc vay từ các tổ chức quốc tế, các nguồn khác… “Kể cả dự trữ ngoại hối trong trường hợp cần thiết”, Thủ tướng nói.

“Các nước bình quân chi ra cho gói tài khoá này là 10% GDP, với GDP của ta khoảng 300 tỉ USD thì gói này phải vào khoảng 30 tỉ USD, nhưng chúng ta mới chi hơn 14.000 tỉ đồng. Nên Chính phủ đồng ý, Bộ Tài chính đàm phán tiếp nhận các khoản hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới, Quỹ tiền tệ quốc tế để có nguồn kích hoạt kinh tế, nâng trần nợ công lên mức cần thiết, từ mức 57 - 58% hiện nay”, Thủ tướng chỉ đạo.

Viết Tôn

Bạn đang đọc bài viết Hiến kế chống suy thoái kinh tế thời đại dịch Covid-19. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới