Triển vọng hồi phục kinh tế châu Á hậu Covid-19
Kể từ khi Covid-19 xuất hiện, các nhà đầu tư ngoại đã rút hơn 26 tỉ USD vốn đầu tư ra khỏi các nền kinh tế đang phát triển thuộc khu vực châu Á. Điều này làm gia tăng mối lo ngại về một cuộc suy thoái kinh tế lớn sẽ càn quét châu Á.
Dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) công bố hồi giữa tháng 4/2020 cũng cho thấy bức tranh kinh tế ảm đạm của châu lục đông dân nhất thế giới này.
Dưới tác động của đại dịch Covid-19, lần đầu tiên trong 60 năm qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế của châu Á trong năm 2020 sẽ bằng 0. Những tổn thất do đại dịch Covid-19 gây ra cho kinh tế châu Á trong năm nay được dự báo sẽ rất lớn. Liệu khi dịch bệnh được kiểm soát, châu Á có thể vực dậy nhanh chóng như đã từng trải qua với các cuộc khủng hoảng trước đây?
Mối nguy chưa từng có tiền lệ
Đại dịch viêm đường hô hấp cấp (Covid-19) đang là mối đe dọa lớn chưa từng có tiền lệ đối với sức khỏe con người và sự thịnh vượng của các quốc gia ở châu Á nói riêng và trên toàn cầu nói chung. Với 7,2 triệu người nhiễm bệnh, hơn 408 nghìn người tử vong ở 215 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới (tính đến 9/6/2020), Covid-19 tác động đến kinh tế - xã hội với quy mô và mức độ mạnh chưa từng thấy trước đây.
Tăng trưởng GDP của châu Á được dự báo là sẽ giảm mạnh trong năm 2020 do ảnh hưởng của Covid-19. (Ảnh: World Bank) |
Theo báo cáo giữa năm 2020 mới công bố ngày 13/5 của Liên hợp quốc (UN), đại dịch Covid-19 đã khiến gần 90% nền kinh tế thế giới bị phong toả, phá hủy chuỗi cung ứng, làm giảm nhu cầu tiêu thụ và khiến hàng triệu người mất việc làm. Theo đó, sản lượng kinh tế toàn cầu được dự báo sẽ giảm gần 8.500 tỉ USD trong 2 năm tới, xóa bỏ tất các các thành tựu đạt được trong 4 năm qua. Nền kinh tế toàn cầu có thể giảm 4,9% trong năm 2020 nếu làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ hai bùng phát và các biện pháp phong tỏa tiếp tục bị kéo dài sang quý III/2020. Thương mại thế giới được dự báo giảm 15% trong năm 2020 do sự sụt giảm mạnh trong nhu cầu toàn cầu và gián đoạn các chuỗi nguồn cung thế giới.
Châu Á cũng không nằm ngoài bức tranh tối màu của kinh tế toàn cầu dưới tác động của Covid-19. Theo dự báo của IMF, châu Á sẽ ngừng tăng trưởng kinh tế lần đầu tiên trong 60 năm qua. Kể cả kinh tế Trung Quốc, quốc gia đang bắt đầu nối lại các hoạt động kinh tế sớm hơn nhiều so với các nước khác, cũng chỉ có thể hồi phục chậm. Trước đó, theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, kinh tế nước này trong quý I/2020 đã giảm 6,8% so với cùng kỳ năm 2019, lần giảm đầu tiên trong gần ba thập niên (kể từ 1992), do các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh khiến hoạt động kinh tế bị đình trệ.
Các nền kinh tế lớn khác của châu Á như Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc cũng đang đối mặt với sự suy giảm trầm trọng dưới tác động của Covid-19. Theo số liệu được chính phủ Nhật Bản công bố ngày 18/5, GDP của Nhật Bản giảm 3,4% trong quý I/2020 khiến nền kinh tế lớn thứ ba thế giới này chính thức rơi vào suy thoái sau 2 quý tăng trưởng âm liên tiếp. Đây là lần đầu tiên kinh tế Nhật Bản rơi vào tình trạng suy thoái kể từ năm 2015.
Kinh tế Ấn Độ cũng đang đối mặt với tình trạng khó khăn do Covid-19. Theo Ngân hàng Goldman Sachs, GDP của quý đầu năm tài khóa 2020-2021 (từ tháng 4-6/2020) sẽ giảm 45% so với quý IV của tài khóa trước đó, thay vì mức giảm 20% như dự kiến trước đây. Dự báo GDP năm tài khoá 2020-2021 của nền kinh tế lớn thứ ba châu Á này sẽ giảm kỷ lục 5%. Trong khi đó, Hàn Quốc ghi nhận mức tăng trưởng GDP âm trong quý I năm 2020, -1,4%, thấp nhất trong hơn 11 năm qua, sau mức -3,3% của quý IV năm 2008, thời kỳ khủng hoảng tài chính toàn cầu. |
Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sau khi đạt mức tăng trưởng 4,4% trong năm 2019 dự báo chỉ tăng trưởng 1,0% trong năm 2020. Thái Lan đã ghi nhận mức giảm 2,2% của tăng trưởng GDP trong quý I/2020, đây là mức giảm mạnh nhất trong 8 năm qua. Trong khi đó tăng trưởng GDP quý I của Việt Nam chỉ đạt 3,82% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất kể từ 2011 trở lại đây.
Theo Chuyên gia kinh tế David Dapice, thuộc Đại học Harvard, tác động của Covid-19 tới các nền kinh tế châu Á vẫn còn ở trước mắt. Mức độ tác động phụ thuộc vào độ dài và mức độ nghiêm trọng của các biện pháp kiểm soát dịch bệnh. Việt Nam và Trung Quốc đang nới lỏng, trong khi Singapore thắt chặt hơn trước. Indonesia vẫn đang giữ nguyên các biện pháp kiểm soát, trong khi Thái Lan, Malaysia, Philippines và Ấn Độ dần nới lỏng kiểm soát từ tháng 5. Tác động lâu dài của Covid-19 tới các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á phụ thuộc vào thời gian kết thúc đóng băng và tốc độ tan băng của nền kinh tế.
Triển vọng hồi phục hậu Covid-19
Châu Á là một trong những khu vực phát triển nhanh nhất thế giới. Trong các cuộc khủng hoảng trước đây, như khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009, khu vực này vẫn không ngừng tăng trưởng. Châu Á cũng từng đối mặt với nhiều cuộc khủng hoảng dịch bệnh như dịch SARS năm 2003, dịch MERS năm 2015.
Theo ước tính của IMF, tác động của Covid-19 đến tăng trưởng GDP của các nền kinh tế châu Á mạnh hơn nhiều so với các cuộc khủng hoảng trước đây. (Nguồn: IMF) |
Nhớ lại 17 năm trước, dịch SARS khởi nguồn từ Trung Quốc cũng gây ra tổn thất nặng cho kinh tế thế giới nói chung và khu vực châu Á nói riêng. Theo tính toán của các nhà nghiên cứu, kinh tế thế giới mất khoảng 40 tỉ USD trong năm 2003 do dịch SARS. Trung Quốc là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch SARS.
Tăng trưởng GDP quý I/2003 của Trung Quốc đang ở mức 11,1% tụt xuống 9,1% ở quý tiếp theo sau khi dịch SARS xuất hiện. Nghiên cứu ước tính rằng, tăng trưởng GDP của Trung Quốc có thể cao hơn 0,5 đến 1 điểm so với tăng trưởng thật (10%) của năm 2003 nếu không chịu tác động của dịch SARS. Trong khi đó, Singapore, Hong Kong và Đài Loan (Trung Quốc) giảm 4 điểm phần trăm tăng trưởng GDP. Những quốc gia thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) còn lại không bị ảnh hưởng nặng nề, nhưng tốc độ tăng trưởng của Thái Lan và Malaysia chậm đi rõ rệt.
Lưu ý rằng, dịch SARS cách đây gần hai thập niên chỉ mất 7 tháng để khống chế (từ tháng 12/2003 đến tháng 6/2004) với 8.096 người nhiễm bệnh, 774 người chết. SARS có mặt ở 29 quốc gia và vùng lãnh thổ. So với Covid-19 thì các con số của SARS không đáng kể. Covid-19 đã lây cho hơn 7,2 triệu người với hơn 408 nghìn người tử vong ở 215 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các ca nhiễm và ca tử vong được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới khi nhiều quốc gia vẫn chưa đạt đỉnh dịch.
Đại dịch Covid-19 ảnh hưởng trực tiếp đến thương mại, dịch vụ trong khu vực khi các biện pháp kiểm soát dịch bệnh buộc mọi người phải ở nhà, còn các cửa hàng phải đóng cửa ngừng kinh doanh. Covid-19 được đánh giá là một cuộc khủng hoảng y tế, xã hội và kinh tế chưa từng có tiền lệ, sự phục hồi của các nền kinh tế, đặc biệt là các nền kinh tế phát triển hậu Covid-19 được UN dự báo là sẽ chậm và đau đớn.
Trong khi Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp ở châu Âu và Mỹ, thì các quốc gia ở châu Á đang kiểm soát dịch bệnh khá tốt. Điều này là tín hiệu tốt để các nhà kinh tế tin tưởng rằng châu Á có khả năng hồi phục nhanh chóng sau khi dịch bệnh qua đi. Oxford Economics (OE), Tổ chức phân tích và dự báo kinh tế toàn cầu có trụ sở tại Oxford, Vương quốc Anh, đưa ra hai kịch bản dự báo cho sự hồi phục kinh tế châu Á hậu Covid-19. Ở kịch bản thứ nhất, OE cho rằng kinh tế châu Á sẽ hồi phục mạnh mẽ từ cuối năm 2020 đầu 2021. Kịch bản này giả định rằng, các quốc gia châu Á sẽ nới lỏng hoặc loại bỏ các biện pháp kiểm soát dịch bệnh vào tháng 6, tháng 7 và cho phép các hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại bình thường.
Dự báo của IMF, OE và UN đều cho thấy kinh tế châu Á sẽ hồi phục từ năm 2021 ở các mức độ khác nhau. (Ảnh: Reuters) |
Bên cạnh đó, việc các quốc gia châu Á đã triển khai nhiều chính sách tài chính – tiền tệ, các gói kích cầu hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua thời kỳ khó khăn cũng tạo cơ sở vững chắc cho kịch bản thứ nhất. Cụ thể, Trung Quốc đã triển khai gói hỗ trợ Covid-19 tương đương 1,3% GDP của nước này; Hồng Kông, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan tương đương lần lượt 10%, 7,4%, 12%, 11,4%; Malaysia đã triển khai gói hỗ trợ Covid-19 lên đến 17,2% GDP.
Ở kịch bản thứ hai, OE giả định dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp khiến các nước phải kéo dài các biện pháp kiểm soát dịch bệnh đến cuối quý III năm 2020. Điều này khiến hoạt động kinh doanh cầm chừng, làm suy yếu thị trường tài chính. Các gói kích cầu, hỗ trợ của chính phủ vẫn được xem xét ở kịch bản này. OE kết luận, các nền kinh tế sẽ bắt đầu hồi phục từ năm 2021 nhưng mức độ chậm hơn so với kịch bản thứ nhất.
Dự báo về triển vọng hồi phục của châu Á, IMF cho rằng chưa có cơ sở vững chắc cho tăng trưởng mạnh mẽ vào năm 2021. Nếu các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh có hiệu quả và các chính sách kích cầu phát huy tác dụng thì kinh tế châu Á sẽ hồi phục mạnh mẽ, mạnh hơn cả giai đoạn sau khủng hoảng tài chính tế giới.
Thu hút FDI - 'mũi giáp công' quan trọng để phục hồi nền kinh tế |
Tuy nhiên, các nền kinh tế của khu vực này vẫn đang trải qua các giai đoạn khác nhau của dịch bệnh. Trong khi Trung Quốc đã nới lỏng kiểm soát, các hoạt động kinh tế đang dần trở lại bình thường thì các quốc gia khác vẫn đang triển khai các biện pháp kiểm soát chặt chẽ, một số quốc gia khác đang đối mặt với làn sóng lây nhiễm lần hai. Sự hồi phục của châu Á sau đại dịch phụ thuộc phần lớn vào mức độ lây lan của vi-rút và chính sách đối phó của các nền kinh tế.
Các nền kinh tế của khu vực Đông Á phụ thuộc nhiều vào du lịch như Campuchia, Thái Lan và các đảo quốc Thái Bình Dương sẽ hồi phục chậm do sự sụt giảm trong du lịch quốc tế. Các nền kinh tế tham gia sâu vào mạng lưới sản xuất toàn cầu như Malyasia, Hàn Quốc và Singapore cũng sẽ gặp khó trước tình hình ảm đạm của thương mại toàn cầu. Khu vực Tây Á, ước tính tăng trưởng GDP năm 2020 sẽ ở mức 3,5% và bắt đầu hồi phục chậm từ năm 2021. Khu vực Nam Á cho thấy bức tranh hồi phục ảm đạm nhất châu lục. Tăng trưởng GDP năm 2020 dự kiến chỉ còn 0,6% và năm 2021 chỉ đạt khoảng 4,4%.
UN cho rằng tốc độ và khả năng hồi phục hậu Covid-19 của các nền kinh tế châu Á phụ thuộc phần lớn vào hiệu quả của các chính sách tài khoá và y tế cộng đồng, kiểm soát sự lây lan của vi-rút, giảm thiểu rủi ro tái nhiễm, bảo vệ việc làm, thu nhập và khôi phục niềm tin của người tiêu dùng.
Báo cáo giữa năm 2020 của UN cũng đưa ra nhận định rằng, các nền kinh tế châu Á sẽ bắt đầu hồi phục ở các mức độ khác nhau từ năm 2021. Nhật Bản dù đã công bố gói kích cầu lên đến 108 tỉ yên (tương đương 20% GDP) nhưng vẫn sẽ phục hồi chậm từ 2021 do các tác động tiêu cực lên tiêu dùng tư nhân, đầu tư nhà ở cá nhân và xuất khẩu vẫn tồn tại. Khu vực Đông Á được dự báo là sẽ tăng trưởng ở mức 6,8% năm 2021 nếu kiểm soát dịch bệnh thành công. Một số nền kinh tế dựa vào xuất khẩu của khu vực này sẽ gặp khó khăn trong việc hồi phục khi chuỗi cung ứng vẫn bị gián đoạn và nhu cầu thế giới cũng giảm đáng kể. GDP của Trung Quốc được dự báo là sẽ tăng trở lại mức 7,6% năm 2021. Tuy nhiên, đà phục hồi của Trung Quốc sẽ bị kìm hãm bởi sự sụt giảm của thương mại quốc tế và sự suy yếu của thị trường lao động trong nước. |
Kim Minh