Thứ sáu, 19/04/2024 19:12 (GMT+7)
Thứ hai, 22/06/2020 06:41 (GMT+7)

Chọn lọc 'đại bàng' thúc đẩy nền kinh tế

Theo dõi KTMT trên

Hậu đại dịch Covid-19, Việt Nam đang nổi lên là một trong những điểm đến đầu tư hấp dẫn và dự báo sẽ đón làn sóng đầu tư từ các nhà đầu tư nước ngoài hay còn gọi là "làn sóng FDI".

Chọn “đại bàng” từ sóng đầu tư hậu Covid-19

Đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực tới nền kinh tế thế giới, trong đó hoạt động sản xuất kinh doanh bị đình trệ, chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn, ảnh hưởng lớn đến hoạt động đầu tư của các nhà đầu tư quốc tế.

Báo cáo sơ bộ đánh giá về “Tác động của dịch Covid-19 đến FDI và các chuỗi giá trị toàn cầu” của Diễn đàn Thương mại và Phát triển Liên hợp quốc đã đưa ra nhận định, đại dịch dự kiến sẽ làm giảm 30 - 40% FDI toàn cầu trong giai đoạn 2020 - 2021, xuống mức thấp nhất trong vòng 2 thập kỷ.

Chọn lọc 'đại bàng' thúc đẩy nền kinh tế - Ảnh 1
Thời điểm này, Việt Nam đang nổi lên là một trong những điểm đến đầu tư hấp dẫn và dự báo sẽ đón làn sóng từ các nhà đầu tư nước ngoài, hay còn gọi là làn sóng FDI. (Ảnh minh họa)

Trong bối cảnh hậu Covid-19, các nhà đầu tư quốc tế đang có hoạt động tái cơ cấu, định vị lại chuỗi cung ứng để giảm thiểu rủi ro phụ thuộc nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất ở một số thị trường nhất định.

Thời điểm này, Việt Nam đang nổi lên là một trong những điểm đến đầu tư hấp dẫn và dự báo sẽ đón làn sóng từ các nhà đầu tư nước ngoài, hay còn gọi là làn sóng FDI.

Trong một phát biểu mới đây, ông Hirai Shinji, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại TP.HCM cho biết, Chính phủ Nhật Bản sẽ dùng 2,2 tỉ USD trong gói cứu trợ kinh tế để giúp các công ty nước này chuyển nhà máy và hoạt động sản xuất khỏi Trung Quốc. Và theo ông Hirai Shinji, Việt Nam là một trong những “địa chỉ đỏ” để các doanh nghiệp Nhật Bản “đặt chân”.

Các thông tin liên quan gần đây cũng cho thấy, các nhà đầu tư từ Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu… đang tích cực tìm kiếm cơ hội kinh doanh tại Việt Nam.

Chọn lọc 'đại bàng' thúc đẩy nền kinh tế - Ảnh 2Biến chất thải thành tài nguyên, thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn

Lâu nay, chúng ta vẫn tồn tại quan niệm, chất thải là thứ bỏ đi, không còn giá trị sử dụng. Đã đến lúc, Việt ...

“Tuy nhiên, cơ hội vẫn chỉ là cơ hội nếu như Việt Nam không giải quyết tốt vấn đề cấp thiết đang đặt ra hiện nay, đó là logistics (dịch vụ vận chuyển hàng hóa tối ưu), nguồn nhân lực và thủ tục hành chính” - GS.TS Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển, trường ĐH Kinh tế quốc dân nhận định.

Theo GS Đình Đào, vấn đề cấp thiết nhất chúng ta cần phải giải quyết hiện nay là kết cấu hạ tầng kết nối. Nhiều năm qua, chúng ta đã đầu tư hàng loạt các dự án hạ tầng lớn, quy mô hoành tráng, tạo ra một diện mạo mới nhưng khâu hạ tầng logistics để kết nối lại rất kém. Trong khi đó, đây lại là khâu tối ưu hóa dòng chảy hàng hóa, tiền tệ và thông tin trong nền kinh tế, giúp giảm chi phí và là khâu quan trọng để nâng cao giá trị hàng hóa, sức hấp dẫn các nhà đầu tư.

Chọn lọc 'đại bàng' thúc đẩy nền kinh tế - Ảnh 3
Việt Nam đang nổi lên là một trong những điểm đến đầu tư hấp dẫn và dự báo sẽ đón làn sóng từ các nhà đầu tư nước ngoài.

“Chúng ta đã làm các dự án đường cao tốc, đường quốc lộ lớn, nhưng nếu nghĩ rằng làm đường đến đâu mọi thứ sẽ tự động kết nối đến đấy thì là sai lầm. Vấn đề hiện nay của nước ta là phát triển kết cấu hạ tầng kết nối mà thực chất là đầu tư xây dựng hạ tầng logistics kết nối đường cao tốc, đường quốc lộ với hệ thống đường gom, kết nối đường sắt với hệ thống cảng biển quốc tế, hàng không… để tối ưu hóa chuỗi cung ứng, phát triển vận tải đa phương thức… Trên thực tế đã có những cây cầu làm xong nhiều năm nhưng vẫn chưa làm xong đường dẫn, cảng làm xong từ lâu mà chưa có đường vào cảng phù hợp… Điều này thực sự rất lãng phí!” - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển, trường ĐH Kinh tế quốc dân phân tích.

Cũng theo GS Đình Đào, để đón làn sóng đầu tư mới, Việt Nam cần phải chuẩn bị sẵn sàng cơ sở hạ tầng - mặt bằng cho các nhà đầu tư mới về lĩnh vực logistics, công nghệ cao để nâng giá trị hàng hóa dịch vụ Việt Nam.

Hiện cả nước có tới 325 khu công nghiệp với gần 95 nghìn ha nhưng lại không có một khu công nghiệp logistics, trung tâm logistics nào trên các hành lang kinh tế. Hệ lụy của tình trạng này là làm giảm hiệu quả chuỗi cung ứng, giảm chất lượng tăng trưởng do đứt gãy lưu thông, tăng các loại chi phí…

“Chính phủ, lãnh đạo địa phương, thành phố cần có chính sách đặc thù về đất cho xây dựng các khu công nghiệp logistics - Bất động sản logistics, các trung tâm logistics nhằm thu hút làn sóng đầu tư mới, thực hiện liên kết kinh tế hiệu quả giữa các ngành và địa phương. Từ đó thúc đẩy lưu thông, khai thác hiệu quả thị trường trong nước và xuất nhập khẩu hàng hóa. Hệ thống bất động sản công nghiệp và hệ thống bất động sản logistics cần phải được xây dựng bài bản, đồng bộ và chuẩn bị sẵn mặt bằng để khi các nhà đầu tư muốn rời nhà máy sang hoặc đầu tư mới thì có thể đáp ứng dễ dàng, nhanh chóng với chi phí cạnh tranh. Đặc biệt, cần có các khu công nghiệp logistics - bất động sản logistics xứng tầm, không chỉ là các ICD (cảng cạn) mở rộng thêm một số chức năng, để thu hút các tập đoàn logistics, công nghệ lớn” - GS Đình Đào nhấn mạnh.

Một vấn đề cũng cần đặc biệt lưu ý theo GS Đình Đào, đó là cần chuẩn bị nguồn nhân lực dồi dào, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao cung ứng đủ nhu cầu của các nhà đầu tư, tránh cách làm của cán bộ quản lý thị trường gạo xuất khẩu hay câu chuyện điều tiết cung - cầu thị trường thịt lợn Việt Nam như thời gian gần đây do dịch tả lợn Châu Phi và đại dịch Covid-19, làm xói mòn niềm tin vào chất lượng đội ngũ nguồn nhân lực Việt Nam!

Cuối cùng, các thủ tục hành chính cần phải được thực hiện một cách thuận tiện, nhanh chóng. GS Đình Đào cũng lưu ý để thu hút FDI không chỉ cần cắt giảm thủ tục hành chính theo số lượng, mà cần quan tâm đồng thời môi trường kinh doanh và môi trường logistics, hệ thống định mức kinh tế - kỹ thuật phải sớm được cải thiện phù hợp với bối cảnh mới.

Chọn lọc 'đại bàng' thúc đẩy nền kinh tế - Ảnh 4
Cần tạo ra “bộ lọc” các nhà đầu tư và các dự án FDI, được xây dựng bằng các tiêu chuẩn, có cơ chế xem xét, thẩm định minh bạch về nguồn tài chính, thiết kế, dự toán, khả năng xây dựng và quản lý.

GS.TS Đặng Đình Đào nhấn mạnh: “Nếu không giải quyết các “điểm nghẽn” chúng ta sẽ vuột mất cơ hội đón làn sóng đầu tư mới, không mời được “đại bàng” mà chỉ đón được “chim sẻ”... Bên cạnh đó, nguy cơ chúng ta sẽ bước vào vết xe đổ, phát triển không bền vững, chất lượng tăng trưởng không cao và không thể chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế theo kỳ vọng”.

Tạo “bộ lọc” để hạn chế những rủi ro cho môi trường

Đứng trước cơ hội lớn đón "sóng đầu tư", giới chuyên gia vẫn khuyến cáo về những rủi ro cho môi trường, cho nền kinh tế khi chúng ta quá dễ dãi trong việc rộng cửa cho các dòng vốn kém chất lượng chảy vào. Những bài học về sự hủy hoại môi trường, về tình trạng chuyển giá, trốn thuế khiến ngân sách Nhà nước thất thu vẫn còn rất nóng.

Trước những ý kiến lo ngại nêu trên, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển, trường ĐH Kinh tế quốc dân cho rằng, chúng ta cần tạo ra “bộ lọc” các nhà đầu tư và các dự án FDI. “Bộ lọc” này được xây dựng bằng các tiêu chuẩn, có cơ chế xem xét, thẩm định minh bạch về nguồn tài chính, thiết kế, dự toán, khả năng xây dựng và quản lý để lựa chọn được các nhà đầu tư tốt, có kinh nghiệm và thực lực.

Chọn lọc 'đại bàng' thúc đẩy nền kinh tế - Ảnh 5Nền kinh tế Việt Nam bứt phá bằng tư duy và tầm nhìn mới

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã có những trao đổi xung quanh việc xây dựng chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2030 ...

GS Đình Đào phân tích: “Đứng trước làn sóng đầu tư, cần nhớ rằng chúng ta có quyền lựa chọn. Vì vậy, các địa phương cần có thái độ dứt khoát với những công nghệ lạc hậu gây ô nhiễm môi trường để đón những nhà đầu tư mang theo công nghệ cao, thân thiện với môi trường. Cần tuyệt đối tránh tình trạng các tỉnh khi thu hút đầu tư chỉ chạy theo số lượng, quy mô mà không chú trọng đến chất lượng hay tình trạng thu hút các nhà đầu tư vào địa phương theo kiểu “phân lô, chia nền” làm “băm nát” không gian kinh tế của địa phương.

“Không bao giờ có tấm huân chương nào mà mặt sau không xù xì. Chỉ có minh bạch lựa chọn, sàng lọc nhà đầu tư ngay từ ban đầu mới có thể tránh được nguy cơ trở thành bãi chứa rác thải công nghệ” - GS.TS Đặng Đình Đào nhấn mạnh.

Chuyên gia kinh tế này cũng lưu ý đã đến lúc Việt Nam phải tính đến đội ngũ tình báo chiến lược kinh tế. Từ đó có những cơ chế, chính sách phù hợp để đón sóng, rải thảm mời các nhà đầu tư chiến lược, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội đầu tư cao, đồng thời phòng chống hiệu quả thất thoát, lãng phí, tham nhũng… trong đầu tư phát triển kinh tế thời mở cửa.

Đồng quan điểm nêu trên, TS Phan Hữu Thắng - nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, việc lựa chọn những dòng vốn chất lượng cao, nhà đầu tư có uy tín, có năng lực không chỉ góp phần hạn chế tình trạng gây ô nhiễm môi trường, mà còn loại bỏ tình trạng gian lận về thuế. Như vậy mới có thể đảm bảo được sự phát triển bền vững cũng như việc lan tỏa công nghệ đã được đặt ra trong mục tiêu thu hút FDI của Chính phủ.

Các chuyên gia nhận định, đã qua rồi thời “trải thảm đỏ” đón sóng đầu tư, đây là thời điểm chúng ta cần tỉnh táo “thanh lọc”, chỉ chấp nhận những dòng vốn chất lượng, loại bỏ những dòng vốn kém chất lượng, chỉ ưu đãi những doanh nghiệp đem công nghệ tốt vào trong nước và thực hiện cam kết chuyển giao công nghệ. Như vậy, dòng vốn FDI mới thực sự phát huy hiệu quả, đúng như mục tiêu chúng ta đặt ra.

Thành lập tổ công tác đặc biệt đón “sóng” FDI sau dịch Covid-19

Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ chiều 22/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Việt Nam cần tranh thủ luồng dịch chuyển vốn đầu tư sau đại dịch Covid-19, trọng tâm là các tập đoàn đa quốc gia, công nghệ cao, đứng đầu các chuỗi cung ứng, bằng tư duy mới về cách thức thu hút dòng vốn FDI trong tình hình mới.

“Chúng ta phải nghĩ xem nhà đầu tư cần gì để bàn bạc, hợp tác, đáp ứng đúng điều họ cần để phát triển thành công, mang lại lợi ích cho cả hai phía”, Thủ tướng đặt vấn đề và chỉ rõ, trong bối cảnh cạnh tranh quyết liệt, Việt Nam phải có các ưu đãi hấp dẫn, thu hút đầu tư có chọn lọc, hướng vào các tập đoàn đa quốc gia, công nghệ cao, hiện đại, thân thiện môi trường.

Để thực hiện những mục tiêu này, Thủ tướng đồng ý với đề xuất lập Tổ công tác đặc biệt về thu hút vốn đầu tư, đón sóng dịch chuyển đầu tư sau đại dịch, yêu cầu xây dựng ngay đề án thu hút dòng vốn dịch chuyển để có sự chỉ đạo chung dựa trên tinh thần nhanh và mạnh hơn, rõ hơn. Đặc biệt, đề án phải giải quyết các điểm nghẽn của nhà đầu tư như vấn đề mặt bằng, nguồn nhân lực.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, cùng lãnh đạo một số cơ quan thành lập ngay tổ công tác đặc biệt để lo vấn đề này.

Quang Trung

Bạn đang đọc bài viết Chọn lọc 'đại bàng' thúc đẩy nền kinh tế. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Petrovietnam kinh doanh ra sao trong quý I?
Trong quý I/2024, hầu hết các chỉ tiêu sản xuất của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) đều hoàn thành vượt mức kế hoạch. Trong đó, khai thác dầu thô đạt 2,54 triệu tấn, vượt 19,4% .

Tin mới

Petrovietnam kinh doanh ra sao trong quý I?
Trong quý I/2024, hầu hết các chỉ tiêu sản xuất của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) đều hoàn thành vượt mức kế hoạch. Trong đó, khai thác dầu thô đạt 2,54 triệu tấn, vượt 19,4% .