Thứ sáu, 19/04/2024 16:53 (GMT+7)
Thứ năm, 07/05/2020 09:30 (GMT+7)

Sau đại dịch Covid-19, kinh tế Việt Nam hồi phục với 5 mũi đột phá

Theo dõi KTMT trên

Chính phủ đang xây dựng các kịch bản và giải pháp phục hồi nền kinh tế ngay từ trong dịch Covid-19, đón bắt các cơ hội mới. Trong đó, xác định rõ 5 mũi đột phá để thúc đẩy tăng trưởng, phát triển, vượt qua khó khăn giai đoạn này gồm: đẩy mạnh thu hút FDI, xuất khẩu, đầu tư công, thu hút đầu tư tư nhân, kích cầu tiêu dùng nội địa.

Sau đại dịch Covid-19, kinh tế Việt Nam hồi phục với 5 mũi đột phá - Ảnh 1

Chính phủ chỉ đạo đẩy mạnh đầu tư công với vốn giải ngân khoảng 700.000 tỉ đồng.

5 mũi nhọn đột phá giúp “hồi phục” nền kinh tế

Những giải pháp quyết liệt của Chính phủ, các bộ ngành và địa phương đã phát huy hiệu quả khi sớm kiểm soát được dịch bệnh Covid-19, khiến Việt Nam trở thành điểm đến an toàn và hấp dẫn các nhà đầu tư thế giới.

Trong bối cảnh này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: nhiệm vụ trọng tâm hiện nay là đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm, đời sống cho người dân, thúc đẩy tăng trưởng. Phải tập trung hơn nữa khởi động lại nền kinh tế, phấn đấu GDP năm 2020 đạt mức tăng trưởng trên 5%, cao gấp đôi so với mức 2,7% theo dự báo của IMF, kiểm soát lạm phát dưới 4%.

Để nền kinh tế không chỉ sớm vượt qua khó khăn của dịch bệnh, mà còn có thể đón bắt các cơ hội mới sau dịch, Thủ tướng nêu rõ 5 mũi đột phá để thúc đẩy tăng trưởng, phát triển cho nền kinh tế gồm: thu hút FDI, đẩy mạnh xuất khẩu, đẩy mạnh đầu tư công, thu hút đầu tư tư nhân, đẩy mạnh tiêu dùng nội địa.

Trong bối cảnh vô cùng khó khăn và nhiều nước tăng trưởng âm, việc xem xét điều chỉnh phù hợp một số chỉ tiêu kinh tế-xã hội là việc cần làm ngay và báo cáo Bộ Chính trị, báo cáo Quốc hội ngay tại kỳ họp tới và xây dựng các kịch bản phục hồi nền kinh tế.

Ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT cho biết, Bộ này đang chủ trì cùng các bộ ngành xây dựng kịch bản phục hồi nền kinh tế với những định hướng, giải pháp linh hoạt. Bộ KH&ĐT đã kiến nghị 3 bước đối với điều hành nền kinh tế.

Bước một là, trong lúc Covid-19 đang diễn ra thì ưu tiên chống dịch, việc phát triển kinh tế lúc này là cầm cự và giảm thiểu tối đa các thiệt hại do dịch gây ra. Việc giảm thiểu thiệt hại ở mức thấp nhất cũng có nghĩa là tạo điều kiện cho phục hồi sau này nhanh và tốt hơn.

Bước hai là, sau khi nguy cơ và tác động của dịch bệnh giảm đi nhiều như hiện nay nhờ sự chỉ đạo rất quyết liệt, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống dịch và các bộ, ngành thì chúng ta sẽ phục hồi kinh tế dần dần.

Bộ KH&ĐT cũng đã báo cáo và tham mưu Chính phủ sẽ mở lại dần các hoạt động kinh tế. Đối với các mảng thị trường, sẽ tập trung phục hồi trong nước trước, sau đó mới đến thị trường nước ngoài vì dịch bệnh ở các nước trên thế giới vẫn đang diễn biến phức tạp. Do đó, nền kinh tế Việt Nam chưa thể mở hoàn toàn mà vẫn phải kết hợp giữa phòng chống dịch với phát triển kinh tế.

“Bộ KH&ĐT xây dựng trạng thái bình thường mới, có nghĩa là xây dựng các kịch bản, chính sách phát triển kinh tế trong bối cảnh Covid-19 vẫn còn tồn tại, đặc biệt xung quanh Việt Nam. Mỗi chính sách đề ra cần phải kết hợp cả 2 mục tiêu là phòng chống dịch và phát triển kinh tế”, ông Phương chỉ rõ.

Sau đại dịch Covid-19, kinh tế Việt Nam hồi phục với 5 mũi đột phá - Ảnh 2
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương.

Đón bắt dòng vốn ngoại, phát huy lợi thế sẵn có

Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho hay, trong định hướng xây dựng kịch bản phục hồi kinh tế, Bộ KH&ĐT sẽ chú trọng nghiên cứu việc nắm bắt cơ hội để thúc đẩy kinh tế trong nước. Điều này đòi hỏi thay đổi nhiều vào cơ cấu của nền kinh tế nói chung cũng như định hướng và cơ cấu của từng doanh nghiệp, sản phẩm để đón nhận cơ hội này.

Trong cơ hội này có sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư khỏi Trung Quốc, đặc biệt các tập đoàn kinh tế lớn đang hết sức cân nhắc trong việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng, nhắm tới khu vực Đông Nam Á đầu tiên. Và Việt Nam nằm trong nhóm hấp dẫn dòng vốn FDI và sự dịch chuyển này.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, Việt Nam đã tận dụng được “thời gian vàng” để chống dịch Covid-19 hiệu quả, và giờ chính là “thời điểm vàng” để phục hồi kinh tế.

Trong 5 mũi nhọn đột phá, Chính phủ đang hối thúc đẩy nhanh đầu tư công với khoảng 700.000 tỉ đồng cần được giải ngân ngay trong năm 2020, tăng gấp 2,2 lần so với số giải ngân năm 2019. Trong 2 tháng đầu năm nay, giải ngân đầu tư công được cải thiện đáng kể, tăng gần 18% và vốn giải ngân sẽ tăng mạnh trong thời gian tới.

Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư, nhất là vốn đầu tư công là giải pháp hữu hiệu để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19. Các chủ đầu tư sử dụng vốn đầu tư công cần nhanh chóng hoàn thiện các thủ tục đầu tư, tổ chức lựa chọn nhà thầu có đầy đủ năng lực về kỹ thuật, tài chính, kinh nghiệm để triển khai dự án đúng tiến độ.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nhận định, hiện nay có nhiều cơ hội đang được mở ra đối với nhiều ngành, nghề, lĩnh vực có thế mạnh của Việt Nam. Tổ chức Fitch Ratings (Fitch) đánh giá đà tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ quay trở lại vào năm 2021, với mức tăng dự kiến là 7,3%, cho thấy Việt Nam vẫn giữ được uy tín trong cộng đồng quốc tế.

Nhờ quá trình phát triển khá tốt trong những năm qua, cải thiện đáng kể về cân đối ngân sách, dự trữ ngoại hối, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, giữ ổn định kinh tế vĩ mô… Việt Nam có triển vọng về thu hút đầu tư nước ngoài cũng như thúc đẩy phát triển kinh tế trong nước, kinh tế tư nhân. Sau dịch Covid-19, những nội lực và sức nén của nền kinh tế sẽ được giải phóng để đạt được mức tăng trưởng cao trên 7% như Fitch dự báo.

Bình Minh

Bạn đang đọc bài viết Sau đại dịch Covid-19, kinh tế Việt Nam hồi phục với 5 mũi đột phá. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Petrovietnam kinh doanh ra sao trong quý I?
Trong quý I/2024, hầu hết các chỉ tiêu sản xuất của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) đều hoàn thành vượt mức kế hoạch. Trong đó, khai thác dầu thô đạt 2,54 triệu tấn, vượt 19,4% .

Tin mới

Petrovietnam kinh doanh ra sao trong quý I?
Trong quý I/2024, hầu hết các chỉ tiêu sản xuất của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) đều hoàn thành vượt mức kế hoạch. Trong đó, khai thác dầu thô đạt 2,54 triệu tấn, vượt 19,4% .