Thứ sáu, 22/11/2024 17:18 (GMT+7)
Chủ nhật, 05/07/2020 14:00 (GMT+7)

Kinh tế toàn cầu 6 tháng đầu năm: Những khoảng tối chưa từng thấy

Theo dõi KTMT trên

Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận định nền kinh tế thế giới “rõ ràng” đã bước vào một cuộc suy thoái tồi tệ tương tự hoặc thậm chí tồi tệ hơn so với cuộc khủng hoảng tài chính năm 2009.

Kinh tế toàn cầu 6 tháng đầu năm: Những khoảng tối chưa từng thấy - Ảnh 1
Người dân thủ đô Bangkok, Thái Lan, mua sắm sau khi các biện pháp phong tỏa phòng chống Covid-19 được nới lỏng. (Ảnh: Ngọc Quang/TTXVN)

Khởi phát tại Trung Quốc hồi tháng 12/2019, đại dịch Covid-19 đã lây lan nhanh ra các quốc gia khác, đặc biệt là tại Mỹ và châu Âu.

Các biện pháp phong tỏa nhằm kiểm soát đại dịch đã làm tê liệt gần như mọi lĩnh vực của nền kinh tế toàn cầu kể từ đầu năm đến nay.

Dù các nước chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất trong đại dịch cũng đã từng bước mở cửa trở lại, triển vọng kinh tế toàn cầu vẫn kém lạc quan khi chưa hết lo ngại về làn sóng bùng phát dịch lần thứ hai.

Kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái

Trong một cuộc họp báo, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), bà Kristalina Georgieva, nhận định nền kinh tế thế giới “rõ ràng” đã bước vào một cuộc suy thoái tồi tệ tương tự hoặc thậm chí tồi tệ hơn so với cuộc khủng hoảng tài chính năm 2009. IMF dự kiến nền kinh tế toàn cầu sẽ giảm 3% trong năm 2020.

Tại Mỹ, Cơ quan Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia Mỹ cho biết nền kinh tế nước này đã kết thúc giai đoạn tăng trưởng dài nhất trong lich sử và rơi vào suy thoái trong tháng 2/2020 do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. GDP của Mỹ giảm 4,8% trong quý 1 và dự kiến giảm ít nhất 20% trong quý 2. tỉ lệ thất nghiệp của Mỹ đã tăng từ mức thấp kỷ lục 3,5% trong tháng Hai lên 14,7% trong tháng Tư, song đã hạ xuống 13,3% trong tháng Năm.

Theo các nhà kinh tế, tăng trưởng kinh tế Mỹ sẽ phục hồi trong mùa Hè 2020 và có thể được duy trì nếu đại dịch Covid-19 không bùng phát trở lại.

Phát biểu tại một hội thảo triển vọng kinh tế do Hiệp hội Kinh tế Kinh doanh Quốc gia Mỹ tổ chức, nhà kinh tế trưởng Jack Kleinhenz của Hiệp hội Bán lẻ Quốc gia Mỹ, cho rằng nếu đại dịch Covid-19 bùng phát trở lại ở mức độ mạnh hơn thì rất có thể tăng trưởng kinh tế Mỹ lại giảm tốc trong thời gian tới.

Tại Trung Quốc, mặc dù dịch bệnh đã được kiểm soát, song tác động nghiêm trọng về kinh tế của dịch bệnh đã lộ rõ. Các biện pháp hạn chế đi lại nghiêm ngặt và dừng các hoạt động sản xuất để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh đã gây ra những tác động nặng nề về kinh tế. Sản lượng công nghiệp của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới giảm 13,5% trong hai tháng đầu năm và là lần giảm đầu tiên trong gần 30 năm qua.

Trong khi các quốc gia trên thế giới đang xem xét cách thức nới lỏng hạn chế đối với doanh nghiệp và hộ gia đình, Trung Quốc hồi đầu tháng 4/2020 đã dỡ bỏ lệnh phong tỏa thành phố Vũ Hán, nơi khởi phát đại dịch Covid-19, và thông báo khôi phục hoàn toàn các hoạt động giao thông vận tải đường sắt, đường không và vận chuyển hàng hóa vào cuối tháng Tư.

Chính phủ Trung Quốc cũng đã cho phép các nhà máy và doanh nghiệp khôi phục hoạt động, dẫn đến sự phục hồi lần đầu tiên kể từ đầu năm 2020 của ngành chế tạo nước này trong tháng Ba.

Các nhà kinh tế tham gia cuộc khảo sát của hãng tin Reuters cho rằng, kinh tế Trung Quốc sẽ dần hồi phục sau khi sụt giảm lần đầu tiên trong nhiều thập niên qua vào quý 1, song nguy cơ suy thoái vẫn cao nếu đại dịch Covid-19 diễn biến xấu đi. GDP của Trung Quốc được dự báo sẽ chỉ tăng 1,3% trong quý 2, sau khi ghi nhận mức giảm 6,8% trong quý 1, lần suy giảm tăng trưởng lần đầu tiên kể từ năm 1992.

Kinh tế toàn cầu 6 tháng đầu năm: Những khoảng tối chưa từng thấy - Ảnh 2
Công nhân làm việc bên trong một xưởng may ở tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. (Ảnh: THX/TTXVN)

Trong khi đó, kinh tế Nhật Bản đã lần đầu tiên rơi vào suy thoái kể từ năm 2015 do nền kinh tế lớn thứ ba thế giới này tăng trưởng âm hai quý liên tiếp do tác động của đại dịch Covid-19. So với cùng kỳ năm ngoái, GDP của Nhật Bản giảm đến 3,4% trong quý 1 khi cả tiêu dùng tư nhân, chi tiêu vốn và xuất khẩu đều sụt giảm. Trước đó, trong quý 4 kinh tế Nhật Bản đã ghi nhận mức giảm 7,3%.

Tình hình thậm chí còn được dự đoán đang diễn biến xấu đi trong quý 2 sau khi Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hồi tháng Tư đã ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc trước sự lây lan nhanh của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, tình trạng khẩn cấp này đã được dỡ bỏ trên toàn quốc vào ngày 25/5.

Các chuyên gia phân tích trong cuộc khảo sát của hãng tin Reuters đã dự báo trong quý 2 kinh tế Nhật Bản sẽ giảm đến 22% so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu đúng vậy, đây sẽ là mức sụt giảm mạnh chưa từng có và cho thấy sự suy sụp của nền kinh tế thế giới vốn được dự báo sẽ chứng kiến đợt suy thoái tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại Suy thoái những năm 1930.

Bức tranh kinh tế châu Âu cũng xuất hiện một loạt khoảng tối chưa từng thấy khi dịch bệnh diễn biến nghiêm trọng ở tất cả các nền kinh tế chủ chốt của châu lục. Nền kinh tế của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã giảm 3,8% trong quý 1 khi hoạt động kinh doanh đình trệ do các doanh nghiệp phải đóng cửa nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19. Đây là mức sụt giảm lớn nhất của kinh tế Eurozone kể từ năm 1995.

Theo nhà kinh tế trưởng của IHS Markit, ông Chris Williamson, GDP trong quý II của Eurozone vẫn có khả năng giảm xuống mức thấp chưa từng thấy, giảm khoảng 10% so với quý trước đó, nhưng chỉ số nhà quản lý mua hàng tháng Năm nhích lên làm tăng thêm hy vọng rằng sự suy giảm hoạt động kinh tế sẽ chậm lại khi các biện pháp phong tỏa tiếp tục được nới lỏng vào mùa Hè.

Triển vọng kém lạc quan

Ngày 10/6, Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) dự báo kinh tế toàn cầu sẽ giảm ít nhất 6% trong năm nay do các nước áp đặt lệnh phong tỏa nhằm khống chế đại dịch Covid-19, đồng thời cảnh báo khả năng phục hồi "chậm và không chắc chắn." Theo tổ chức này, trong trường hợp bùng phát làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ hai vào cuối năm, sản lượng kinh tế thế giới có thể giảm tới 7,6% trong năm 2020.

Cũng theo OECD, những lĩnh vực bị ảnh hưởng các biện pháp phong tỏa, giãn cách xã hội như du lịch, giải trí, nhà hàng, nhà nghỉ sẽ không thể hồi phục như trước. Đó là chưa kể các biện pháp này vẫn chưa đủ để có thể ngăn chặn nguy cơ bùng phát làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ hai. Do đó, các chính phủ cần phải điều chỉnh hỗ trợ, đồng hành cùng quá trình chuyển đổi, tạo điều kiện thúc đẩy các quy trình tái cấu trúc cho các doanh nghiệp.

Kinh tế toàn cầu 6 tháng đầu năm: Những khoảng tối chưa từng thấy - Ảnh 3
Một phố mua sắm ở New York, Mỹ. (Ảnh: THX/TTXVN)

Trước đó, Ngân hàng Thế giới (WB) cũng đã công bố Báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu tháng Sáu, cho rằng nền kinh tế toàn cầu sẽ suy giảm nghiêm trọng, ở mức 5,2% trong năm nay, do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 cùng với các biện pháp đóng cửa nền kinh tế.

Báo cáo của WB cũng cho rằng hoạt động kinh tế của các nền kinh tế phát triển sẽ giảm 7% vào năm 2020 do cung cầu, thương mại và tài chính trong nước đã bị gián đoạn nghiêm trọng. Các nền kinh tế đang phát triển và thị trường mới nổi dự kiến sẽ giảm 2,5% trong năm nay - sự sụt giảm lần đầu tiên của nhóm này trong vòng ít nhất 60 năm qua.

Trong khi đó, bà Georgieva hồi tháng Năm phát biểu, ước tính trước đó của IMF rằng kinh tế thế giới sẽ suy giảm 3% trong năm 2020 là “quá lạc quan." Tại cuộc họp trực tuyến mới nhất ở Florence, người đứng đầu IMF nói rằng, những số liệu kinh tế xấu đi tại nhiều quốc gia có thế sẽ khiến IMF buộc phải cân nhắc lại về mức dự báo kinh tế vốn đã kém lạc quan trong năm nay.

IMF dự báo kinh tế Mỹ sẽ giảm 5,9% trong năm 2020. Theo IMF, việc buộc phải đóng cửa nhiều hoạt động kinh doanh trên khắp đất nước và tỉ lệ thất nghiệp tăng mạnh do đại dịch Covid-19 sẽ làm tăng trưởng kinh tế Mỹ giảm. Mặc dù Chính phủ Mỹ đã công bố các chương trình kích thích kinh tế và nới lỏng tiền tệ chưa từng có, song nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn phải đối mặt với rủi ro do các gói kích thích kinh tế này có thể không đủ lớn hoặc đủ nhanh để ngăn chặn các làn sóng phá sản của các doanh nghiệp và đại dịch Covid-19 có thể thay đổi về cơ bản hành vi tiêu dùng của người dân Mỹ.

Hồi tháng Tư, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin khẳng định nền kinh tế Mỹ sẽ phục hồi, bất chấp cảnh báo của giới chuyên gia về tác động lâu dài của đại dịch Covid-19 đối với nền kinh tế đầu tàu thế giới.

Ông nhận định, khi Mỹ bắt đầu mở cửa lại nền kinh tế vào tháng Năm và tháng Sáu nền kinh tế thực sự hồi phục vào tháng Bảy, tháng Tám, tháng Chín. Ông đồng thời cho biết Chính phủ Mỹ đã chi cho nền kinh tế một số tiền cứu trợ tài chính chưa từng có lên tới hàng nghìn tỉ USD và điều này sẽ có tác động đáng kể.

Tuy nhiên, ngày 7/5, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang chi nhánh Philadelphia của Mỹ Patrick Harker tin rằng nếu phần lớn nền kinh mở cửa trở lại trong tháng Sáu và Covid-19 không bùng phát trở lại vào mùa Thu, nền kinh tế sẽ phục hồi đáng kể trong nửa cuối của năm 2020, sau khi bị giảm mạnh trong quý 2. Tuy nhiên, mức phục hồi này sẽ không đủ đề bù đắp thiệt hại trong hai quý đầu của 2020.

Đối với Trung Quốc, tăng trưởng kinh tế của nước này có thể rơi xuống mức thấp nhất trong 44 năm qua. Theo IMF mức tăng trưởng trung bình đối với tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong năm 2020 là 1,2% - thấp nhất kể từ năm 1976.

Tuy vậy, các nhà kinh tế nhìn chung vẫn dự kiến kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng mạnh mẽ vào cuối năm 2020 với các mức tăng 5,3% và 6% trong hai quý cuối của năm nay. Nhà phân tích kinh tế vĩ mô kỳ cựu Bingnan Ye của Bank of China International, có trụ sở tại Bắc Kinh, cho rằng dự báo kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 3% trong cả năm 2020 mà ông đưa ra dựa trên giả định nhu cầu thế giới sẽ hồi phục trong thời gian tới.

Với kinh tế Eurozone, IMF dự báo sẽ giảm tới 7,5% trong năm nay và châu Âu là khu vực được dự đoán có hoạt động kinh tế giảm sút mạnh hơn so với các khu vực khác trên thế giới.

Tuy nhiên, trong một đánh giá lạc quan hơn, IMF cho rằng mức độ tác động về kinh tế do đại dịch gây ra tại Eurozone sẽ giảm dần trong nửa cuối năm 2020, khi các biện pháp chăn chặn dịch bệnh dần được dỡ bỏ.

Lê Minh

Bạn đang đọc bài viết Kinh tế toàn cầu 6 tháng đầu năm: Những khoảng tối chưa từng thấy. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới