'Đánh thức' du lịch sinh thái để bảo tồn đa dạng sinh học
Tiềm năng du lịch sinh thái vùng Tây Bắc của Đà Nẵng đang được "đánh thức" mạnh mẽ nhằm bảo vệ sự đa dạng về sinh học và góp phần tạo sinh kế cho người dân.
Xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang là vùng đệm nằm giữa 02 khu bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) là Vườn quốc gia Bạch Mã và Khu Bảo tồn thiên nhiên Bà Nà - Núi Chúa nên có vai trò quan trọng trong việc bảo tồn đa dạng sinh học (ĐDSH) ở Việt Nam. Nơi đây, sở hữu những cánh rừng nguyên sinh đa đạng với những dòng sông, suối, thác ghềnh tuyệt đẹp, hoang sơ, gần như nguyên vẹn chưa bị thương mại hóa…
Dựa lợi thế tự nhiên sẵn có, đồng bào Cơ Tu ở 2 thôn Tà Lang và Giàn Bí, xã Hòa Bắc đang từng bước phát triển du lịch sinh thái gắn với cộng đồng, bao gồm mục đích bảo vệ sự đa dạng về sinh học và góp phần tạo sinh kế.
Phong cảnh tuyệt đẹp ở Hòa Bắc là lợi thế phát triển du lịch sinh thái. |
Anh Đinh Văn Như - Bí thư kiêm trưởng thôn Tà Lang, Tổ trưởng tổ hợp tác du lịch cộng đồng cho biết, từ khi Đề án "Bảo tồn văn hóa đồng bào Cơ tu gắn với phát triển du lịch sinh thái cộng đồng" do Qũy Môi trường toàn cầu tài trợ về với đồng bào, đã có tác động rất lớn đến cuộc sống người dân, tạo sinh kế và nâng cao nhận thức, tầm quan trọng về bảo tồn thiên nhiên và văn hóa truyền thống nơi đây; khôi phục một số văn hóa truyền thống đã mai một từ mấy năm trước như đan lát, thổ cẩm, múa cồng chiêng; thành lập 2 tổ quản lý rừng với diện tích hơn 1.800 hecta rừng tự nhiên, vùng đệm của Vườn Quốc gia Bạch Mã và khu bảo tồn thiên nhiên Bà Nà - Núi Chúa…
“Mấy năm nay, lượt khách tới tham quan tăng đáng kể. Tôi muốn thông qua du lịch cộng đồng này thì có thể khôi phục lại một số truyền thống văn hóa của người Cơ tu, nhằm giữ gìn để không mai một dần. Vừa là phát triển du lịch tạo việc làm cho người dân, vừa là gắn liền bảo tồn văn hóa và bảo vệ cảnh quan môi trường thiên nhiên.”- anh Đinh Văn Như chia sẻ.
Sông Cu Đê là điểm nhấn của núi rừng Hòa Bắc, từ Tà Lang, Giàn Bí du khách có thể chèo thuyền, chống bè, ngược nhánh Bắc, qua các địa danh hố Giếng, lỗ cối Thượng, Lỗ cối Hạ, thác Xếp, thác Rễ, Nà Mùn, Khe Giao, Trạng Trao, Trang Trợt, Bãi Hai, Vườn Mít, Côn Đờ Bay… Du khách có thể ngược Khe Đương lên với những thác, hồ kỳ thú giữa rừng nguyên sinh. Qua Tà Lang, vượt đèo Mũi Trâu, từ đây có thể thấy rõ đỉnh Bạch Mã và cả núi Chúa mây phủ giăng mờ…
Du khách xem trình diễn dệt thổ cẩm Cơ tu. |
Tham gia vào hành trình khám phá núi rừng Hòa Bắc, du khách sẽ trải nghiệm cuộc sống của đồng bào Cơ tu như tự kết bè, chèo thuyền xuôi dòng, hái dược liệu, thu hoạch chè dây tự nhiên và đi lấy mật ong rừng, học cách làm bánh sừng trâu và các món ngon Cơ Tu; đan Gùi để đi hái rau, bắt cá suối và thưởng thức ngay giữa rừng già…
Trước nhu cầu của khách du lịch trong nước và quốc tế đến với hai thôn của Hòa Bắc, từ 3 nhóm ban đầu đến giữa năm 2018 đã thành lập 8 nhóm phục vụ du lịch (gồm nhóm cồng chiêng, văn nghệ, ẩm thực, trekking, đan lát, hát lý, dệt thổ cẩm, thuyết minh…) với số lượng thành viên tham gia là 62 hộ dân địa phương. Từ đây đã thành lập được tổ hợp tác du lịch sinh thái cộng đồng và homestay tại 2 thôn Tà Lang, Giàn Bí.
Ông Đặng Phú Hành - Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang cho biết, bên cạnh sự đa dạng về tự nhiên và văn hóa ở xã Hòa Bắc, hiện nay, ở huyện Hòa Vang có nhiều làng nghề như nghề trồng rau ở Túy Loan, làm chiếu ở Cẩm Nê, khô mè ở Quang Châu, đan tre ở Yến Nê, nón ở La Bông... Những nơi này có nhiều tiềm năng phát triển du lịch nhưng chưa được khai thác. Huyện đang triển khai các đề án, hiện thực hóa ý tưởng phát triển du lịch làng nghề, kết hợp trải nghiệm sinh thái làng nghề, kết nối các điểm đến. Qua đó, phát triển du lịch sinh thái cộng đồng, cải thiện sinh kế cho người dân.
Theo đánh giá của Sở Du lịch Đà Nẵng, du lịch sinh thái cộng đồng là một trong những sản phẩm quan trọng, có sức hấp dẫn mạnh đối với khách du lịch quốc tế và nội địa. Hiện nay, Sở Du lịch Đà Nẵng đang phối hợp với các địa phương triển khai đề án phát triển du lịch cộng đồng nhằm thu hút khách Châu Âu.
Xuân Lam