Thứ năm, 25/04/2024 21:51 (GMT+7)
Thứ sáu, 13/08/2021 14:43 (GMT+7)

Tiêu thụ điện ở miền Nam giảm mạnh do giãn cách xã hội

Theo dõi KTMT trên

Theo số liệu từ Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia, tiêu thụ điện miền Nam đã giảm mạnh từ ngày 19/7 - thời điểm bắt đầu thực hiện giãn cách xã hội ở 19 tỉnh, thành phố.

Mức độ tiêu thụ điện giảm mạnh

Mức độ tiêu thụ điện ở khu vực phía Nam đã giảm khoảng 29% về công suất đỉnh và giảm 20% về sản lượng điện ngày so với mức trung bình trước khi thực hiện giãn cách xã hội.

Tiêu thụ điện ở miền Nam giảm mạnh do giãn cách xã hội - Ảnh 1
Lượng điện tiêu thụ tại 19 tỉnh, thành phố phía Nam lại giảm mạnh tới 20% từ ngày 19/7 đến nay. (Ảnh: EVN)

Cụ thể, về công suất đỉnh trong ngày, trong những ngày đầu tháng 7, khi chưa thực hiện giãn cách xã hội thì công suất đỉnh của khu vực miền Nam là khoảng 17.500 - 18.500 MW. Song kể từ ngày 19/7, chỉ còn ở mức 13.300 - 13.500 MW, nghĩa là giảm tới 4.000 - 5.000 MW (tương đương khoảng 29%) so với trước khi giãn cách xã hội.

Về sản lượng tiêu thụ điện trong ngày, vào những ngày đầu tháng 7 khi chưa thực hiện giãn cách xã hội, sản lượng tiêu thụ điện trung bình ngày của hệ thống điện phía Nam là 326,8 triệu kWh (ngày cực đại đạt 367,3 triệu kWh vào 2/7), sản lượng tiêu thụ trung bình ngày sau ngày 19/7 chỉ đạt 263,2 triệu kWh - tức là giảm khoảng 20% so với trước khi giãn cách xã hội.

Đảm bảo an toàn hệ thống điện quốc gia

Để đảm bảo vận hành an toàn hệ thống điện quốc gia khi tiêu thụ điện khu vực miền Nam xuống thấp do nhiều tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách xã hội, Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0) sẽ duy trì thực hiện việc chỉ huy điều độ với yêu cầu phù hợp cơ cấu nguồn điện, công suất truyền tải giữa các vùng/miền, mức dự phòng quay và dự phòng khởi động nhanh cần thiết...

Các mệnh lệnh điều độ huy động nguồn điện trong hệ thống tiếp tục được thực hiện trên nguyên tắc minh bạch, rõ ràng, thực hiện đồng đều và không phân biệt giữa các loại hình nguồn điện.

Tiêu thụ điện ở miền Nam giảm mạnh do giãn cách xã hội - Ảnh 2
Nắng nóng gay gắt diện rộng làm tiêu thụ điện miền Bắc tăng cao trở lại. (Ảnh minh họa)

EVN đề nghị chủ đầu tư các đơn vị phát điện tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0) và các cấp điều độ trong việc thực hiện nghiêm các mệnh lệnh điều độ để đảm bảo vận hành an toàn hệ thống điện quốc gia, nhất là khi mức độ tiêu thụ điện khu vực miền Nam xuống thấp khi nhiều tỉnh/ thành phố thực hiện giãn cách xã hội.

Tổng Công ty Điện lực miền Nam cho biết, đang thực hiện giảm giá điện, giảm tiền điện cho khách hàng trên địa bàn các tỉnh thành phía Nam (không bao gồm TP.HCM). Ước dự kiến trên 1.170 tỉ đồng sẽ được giảm cho các đối tượng khách hàng bị tác động của dịch Covid-19 trong đợt 3 và đợt 4 năm 2021.

Mức độ tiêu thụ điện miền Bắc tăng cao trở lại do nắng nóng

Theo Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia, công suất tiêu thụ điện lớn nhất của hệ thống điện miền Bắc ngày 4/8/2021 là 17.900 MW, tăng 35% so với cùng kỳ năm 2020. Công suất này cũng cao hơn khoảng 10% so với trung bình ngày thường của tuần trước (từ 26/7-1/8/2021).

Nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, từ giữa tuần này bắt đầu diễn ra đợt nắng nóng gay gắt diện rộng ở khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ. 

Nắng nóng gay gắt diện rộng đã làm tiêu thụ điện miền Bắc tăng cao trở lại. Để hạn chế nguy cơ xảy ra sự cố cục bộ trên lưới điện cũng như trong gia đình, Tập đoàn Điện lực Việt Nam khuyến cáo người dân, các cơ quan công sở và nơi sản xuất cần chú ý sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, đặc biệt vào các giờ cao điểm trưa và tối: từ 11h30 - 15h00 và 20h00 - 23h00 hàng ngày. Đồng thời, chú ý sử dụng hợp lý điều hoà nhiệt độ (đặt ở mức 26-27 độ trở lên, sử dụng kết hợp với quạt); không nên sử dụng đồng thời nhiều thiết bị điện có công suất lớn.

Minh Dương (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Tiêu thụ điện ở miền Nam giảm mạnh do giãn cách xã hội. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

WB: Kinh tế Việt Nam đang hồi phục tăng trưởng
Theo Báo cáo cập nhật kinh tế 6 tháng Điểm lại mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB) được công bố ngày 23/4, Kinh tế Việt Nam đang có những tín hiệu phục hồi khác nhau, với dự báo tăng trưởng sẽ đạt 5,5% vào năm 2024 và tăng dần lên 6,0% vào năm 2025.

Tin mới

Hiến giọt máu đào, trao đời sự sống
Đây là chủ đề của chương trình hiến máu tình nguyện, được Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương tổ chức ngày 24/4.