Thứ bảy, 27/04/2024 02:56 (GMT+7)
Thứ tư, 25/03/2020 07:40 (GMT+7)

Tiêu hủy nhiều hecta sắn nguyên liệu bị nhiễm bệnh khảm lá

Theo dõi KTMT trên

Những ngày này, các địa phương trên địa bàn huyện Phong Điền (Thừa Thiên – Huế) đang tích cực ra quân thu gom, nhổ bỏ và tiêu hủy các diện tích sắn bị nhiễm bệnh để hạn chế nguy cơ dịch bệnh lan rộng.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Phong Điền diện tích nhiễm bệnh khảm lá sắn là 989 hecta/1144 hecta sắn đã trồng, trong đó tỉ lệ bệnh gây hại trên 70% là gần 500 hecta. Trước những diễn biến phức tạp của bệnh khảm lá sắn, để dập dịch, huyện Phong Điền đã chỉ đạo các ngành, địa phương vào cuộc vận động người dân sớm tiêu hủy cây sắn bị bệnh, không được trồng mới trên những diện tích đã bị nhiễm để hạn chế thiệt hại và tránh lây lan trên diện rộng. Hiện các địa phương đang triển khai quyết liệt các phương án.

Tiêu hủy nhiều hecta sắn nguyên liệu bị nhiễm bệnh khảm lá - Ảnh 1
Các diện tích sắn bị nhiễm bệnh khảm lá được nhổ bỏ.

Theo ông Nguyễn Văn Quang, Giám đốc Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp huyện Phong Điền, cho biết: “Hiện nay, các địa phương đang huy động lực lượng đoàn viên thanh niên, cùng với bà con nông dân ra quân nhổ bỏ và tiêu hủy số sắn bị nhiễm bệnh. Bên cạnh đó, huyện Phong Điền đã tăng cường chỉ đạo, đôn đốc các địa phương quyết liệt xử lý theo hình thức tiêu hủy toàn bộ diện tích sắn nhiễm bệnh trên 70% và tổ chức tiêu hủy cục bộ đối với diện tích sắn nhiễm bệnh dưới 70%”.

Hiện nay, các ngành, các địa phương đang ra quân tiêu hủy các diện tích sắn bị nhiễm bệnh, cùng với đó tăng cường công tác tuyên truyền vận động bà con, giúp bà con có nhận thức rõ về căn bệnh nguy hiểm này để tiêu hủy, vì vậy nếu không xử lý tiêu hủy cây bị bệnh sẽ lan truyền sang cây sắn chưa bị bệnh và sẽ bị nhiễm bệnh.

Tiêu hủy nhiều hecta sắn nguyên liệu bị nhiễm bệnh khảm lá - Ảnh 2
Trên địa bàn huyện Phong Điền diện tích nhiễm bệnh khảm lá sắn 989 hecta/1144 hecta sắn đã trồng.

Ngoài ra, hiện nay cây sắn bị bệnh đang ở giai đoạn cây con rất dể nhổ, đặc biệt đối với diện tích sắn xen lạc khi nhổ bỏ không ảnh hưởng đến lạc, khối lượng thu gom sau khi nhổ ít nên thuận lợi cho việc thu gom và xử lý chôn lấp hoặc đốt.

Để hỗ trợ cho người nông dân bị thiệt hại, các địa phương đơn vị tùy vào điều kiện để hỗ trợ thêm ngân sách, huy động hệ thống chính trị ở xã, thôn cùng vào cuộc tiêu hủy sắn với người dân. Với các phương án hỗ trợ trên đã phần nào giảm bớt khó khăn cho người nông dân, để các hộ dân có thể chuyển đổi cây trồng trước mắt phù hợp với khung lịch thời vụ.

Tiêu hủy nhiều hecta sắn nguyên liệu bị nhiễm bệnh khảm lá - Ảnh 3
Các diện tích sắn bị nhiễm bệnh được tiêu hủy để hạn chế lây lan bệnh khảm lá trên diện rộng.

Theo ông Nguyễn Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền cho biết: “Để hạn chế đến mức thấp nhất bệnh khảm lá sắn gây ra trên diện rộng, huyện đã tuyên truyền cho người dân về tác hại của bệnh khảm lá sắn; cây bị bệnh khảm lá sắn sẽ không cho thu hoạch và tuyên truyền vận động người dân tổ chức tiêu hủy cây sắn bị bệnh. Đồng thời, tổ chức tiêu hủy bệnh khảm lá sắn sẽ kết hợp với kế hoạch thực hiện ngày Chủ nhật xanh để huy động thêm lực lượng xử lý tiêu hủy có hiệu quả, áp dụng các biện pháp phòng chống bệnh khảm lá sắn, theo hướng dẫn trong quy trình kỹ thuật mà Cục Bảo vệ thực vật đã ban hành, trong đó chú trọng chỉ đạo cấm việc vận chuyển hom giống sắn ra khỏi vùng dịch hoặc sang địa phương khác; tích cực tổ chức phòng trừ bọ phấn trắng; tạm thời chuyển đổi cây trồng phù hợp trên các diện tích đất nhiễm bệnh, xử lý triệt để nguồn dịch bệnh còn lưu trên đất”.

Như Kinh tế Môi trường đã thông tin, thời gian vừa qua bệnh khảm lá sắn xuất hiện nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế khiến cây sắn của người dân hư hại phải tiêu hủy, nhiều hộ dân trồng sắn đứng trước nguy cơ mất trắng.

Trần Bốn - Đại Nghĩa

Bạn đang đọc bài viết Tiêu hủy nhiều hecta sắn nguyên liệu bị nhiễm bệnh khảm lá. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới