Tiêu chí đánh giá kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp
Hiện nay, Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở ASEAN đưa quy định về áp dụng kinh tế tuần hoàn vào trong Luật Bảo vệ môi trường với 01 quy định riêng về kinh tế tuần hoàn và nhiều quy định khác để thúc đẩy áp dụng kinh tế tuần hoàn trong tất cả các ngành.
Tóm tắt: Bài viết đã tổng quan các vấn đề về kinh tế tuần hoàn từ khái niệm, đặc điểm kinh tế tuần hoàn và quy định pháp luật ở Việt Nam về kinh tế tuần hoàn. Theo đó, hiện nay, Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở ASEAN đưa quy định về áp dụng kinh tế tuần hoàn vào trong Luật Bảo vệ môi trường với 01 quy định riêng về kinh tế tuần hoàn và nhiều quy định khác để thúc đẩy áp dụng kinh tế tuần hoàn trong tất cả các ngành, lĩnh vực của đời sống. Trên cơ sở khái quát một số phương pháp đánh giá kinh tế tuần hoàn, nội dung và nguyên tắc kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp, nhóm tác giả đề xuất các tiêu chí phục vụ cho việc đánh giá kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp.
1. Đặt vấn đề
Chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn (KTTH) đang là một xu hướng mạnh mẽ ở nhiều quốc gia trên thế giới như EU, Trung Quốc và cả các quốc gia ASEAN bởi chính những lợi ích mà nó mạng lại. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045 đã đưa ra định hướng “phát triển các mô hình KTTH để sử dụng hiệu quả đầu ra của quá trình sản xuất” [6]. Thực hiện KTTH đang được xem là một đòn bẩy quan trọng để đạt được các mục tiêu quan trọng của các nhà hoạch định chính sách như tạo ra tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm và giảm tác động môi trường [4]. Đặc biệt, trong bối cảnh thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu, tiếp cận chuyển đổi sang KTTH sẽ góp phần đạt được trực tiếp 8 trong 17 mục tiêu phát triển bền vững và sẽ tiếp tục lan tỏa để thúc đẩy đạt được các mục tiêu khác [5]. Ở Việt Nam, phát triển KTTH được xem là một trong những chủ trương lớn để thực hiện nhiệm vụ về “quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên; bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu”, có thể xem đây là một trong những giải pháp đột phá để giải quyết mối quan hệ giữa kinh tế với môi trường trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa nền kinh tế, tài nguyên ngày càng cạn kiệt và suy thoái, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu gia tăng. Hiện nay, Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở ASEAN đưa quy định về áp dụng KTTH vào trong Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) với 01 quy định riêng về KTTH và nhiều quy định khác để thúc đẩy áp dụng KTTH trong tất cả các ngành, lĩnh vực của đời sống.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là ở các nước phát triển đã đạt được tiến bộ đáng kể trong việc áp dụng các biện pháp song song với những nguyên tắc của nông nghiệp tái tạo, nông nghiệp hữu cơ; Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy nông nghiệp vẫn cần cải thiện vì việc sử dụng các sản phẩm gây ô nhiễm và chất thải vẫn chưa được cải thiện, cơ sở hạ tầng quản lý và chuỗi giá trị có khả năng khai thác tiềm năng sử dụng các sản phẩm phụ cần được nâng cao. Ở Việt Nam, lượng phụ phẩm từ ngành nông nghiệp thải ra môi trường lớn. Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng khối lượng phụ phẩm nông nghiệp năm 2020 của cả nước là trên 156,8 triệu tấn, bao gồm: 88,9 triệu tấn phụ phẩm sau thu hoạch từ cây trồng, từ quá trình chế biến nông sản của ngành trồng trọt (chiếm 56,7%); 61,4 triệu tấn phân gia súc, gia cầm từ ngành chăn nuôi (chiếm 39,1%); 5,5 triệu tấn từ ngành lâm nghiệp (chiếm 3,5%) và khoảng gần 1 triệu tấn từ ngành thủy sản (10,6%). Vì vậy, ở nước ta, xây dựng kinh tế tuần hoàn đã được xác định là một trong những định hướng phát triển đất nước. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045 đã đưa ra định hướng “phát triển các mô hình KTTH để sử dụng hiệu quả đầu ra của quá trình sản xuất”. Luật Bảo vrrj môi trường năm 2020 cũng đã quy định “Kinh tế tuần hoàn” là Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội và được xem là một trong những chính sách ưu đãi, hỗ trợ và phát triển kinh tế môi trường, sẽ góp phần đẩy nhanh việc phát triển kinh tế tại Việt Nam (Điều 142). Trong lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp, kinh tế tuần hoàn thực chất đã được nông dân thực hiện lâu đời dựa trên hiểu biết về chuỗi thức ăn, thể hiện ở mô hình VAC, mô hình VACR trong nông nghiệp. Khi khoa học phát triển, các mô hình đã sử dụng công nghệ Biomas, mô hình thu gom phế phẩm nông nghiệp như thân các loại cây, rơm, vỏ trấu, mô hình bioaquatic trong nuôi trồng thủy sản,… Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hằng năm, ngành nông nghiệp có khoảng 114 triệu tấn phế phụ phẩm là thân cây ngô, cây đậu, rơm rạ, vỏ trấu, xơ dừa, gáo dừa... Nếu các phế phụ phẩm trong nông nghiệp sẽ được chế biến thành phân hữu cơ hoặc sản xuất ra những sản phẩm khác nếu thực hiện được KTTH.
Như vậy, hầu hết các nghiên cứu về kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp trên thế giới là các nghiên cứu điển hình, ít dành cho việc phát triển khung lý thuyết có thể áp dụng vào thực tế. Ở nước ta, tiêu chí nhận diện và đánh giá kinh tế tuần hoàn nói chung và kinh tế tuần hoàn cho nông nghiệp nói riêng vẫn ít được nghiên cứu và chưa ban hành văn bản hướng dẫn. Điều này nhấn mạnh sự cần thiết phải phát triển khung và bộ tiêu chí để hướng dẫn quá trình chuyển đổi từ nền kinh tế tuyến tính sang KTTH trong lĩnh vực nông nghiệp.
2. Tổng quan về kinh tế tuần hoàn
2.1 Khái niệm
Theo Quỹ Ellen MacArthur (2015) thì KTTH là một hệ thống công nghiệp được phục hồi và tái tạo theo thiết kế, dựa trên ba nguyên tắc chính là bảo tồn và tăng cường vốn tự nhiên, tối ưu hóa năng suất tài nguyên và thúc đẩy hiệu quả của hệ thống [2]. Theo Uỷ ban châu Âu thì “KTTH là nền kinh tế mà trong đó giá trị của sản phẩm, nguyên vật liệu và tài nguyên được duy trì trong nền kinh tế càng lâu càng tốt, và tạo ra chất thải tối thiểu” [3]. Mô hình kinh tế tuyến tính (linear economy) chỉ quan tâm đến việc khai thác tài nguyên, sản xuất và vứt bỏ sau tiêu thụ, dẫn đến việc tạo ra một lượng phế thải khổng lồ thì mô hình KTTH chú trọng việc quản lý và tái tạo tài nguyên theo một vòng khép kín nhằm tránh tạo ra phế thải.
Trong bối cảnh hiện nay, chuyển đổi từ mô hình kinh tế tuyến tính sang nền KTTH là cách tiếp cận hữu hiệu để giải quyết tốt môi quan hệ giữa kinh tế với môi trường, tạo ra khả năng phục hồi lâu dài, cơ hội kinh doanh cũng như mang lại những lợi ích môi trường và xã hội [1]. Trên cơ sở các khái niệm, nguyên tắc, đặc điểm của KTTH được các tổ chức quốc tế, nhà khoa học đưa ra, Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã hệ thống và chỉ rõ “KTTH là mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ nhằm giảm khai thác nguyên liệu, vật liệu, kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường”.
2.2. Đặc điểm của kinh tế tuần hoàn
- KTTH là một hệ thống công nghiệp được phục hồi và tái tạo theo thiết kế, dựa trên ba nguyên tắc chính là [2]: (i) duy trì và tăng cường vốn tự nhiên thông qua kiểm soát các tài sản hữu hạn và cân bằng các dòng tài nguyên tái tạo với các mức độ quyết tâm như: phục hồi, ảo hóa, trao đổi; (ii) tối ưu hóa năng suất tài nguyên thông qua tuần hoàn các sản phẩm, các linh kiện và vật liệu để sử dụng được ở mức độ độ thỏa dụng cao nhất tại tất cả thời gian trên cả khía cạnh kỹ thuật và các mức độ quyết tâm như: phục hồi, chia sẻ, tối ưu và lặp lại; (iii) thúc đẩy hiệu suất toàn hệ thống bằng cách tối thiểu các ngoại ứng tiêu cực ở tất cả các mức độ nỗ lực.
- Trong KTTH, chất thải được giảm thiếu tới mức tối đa thông qua quá trình thiết kế sản phẩm và quá trình sản xuất công nghiệp sao cho tài nguyên được lưu giữ để sử dụng mãi mãi trong dòng chảy vật chất, bảo đảm rằng các chất thải hoặc các chất dư thừa không mong muốn được tái chế hoặc phục hồi. Hiệp hội Ellen MacArthur đã mô tá KTTH bao gồm hai chu trình: một chu trình sinh học trong đó các các chất dư thừa sẽ quay trở lại tự nhiên sau khi sử dụng, còn trong chu trình kỹ thuật thì các sản phẩm, cấu kiện hay vật liệu được thiết kế và lưu thông trên thị trường với mục đích giảm tối đa sự hao hụt/lãng phí. Hệ tuần hoàn này hướng tới tăng tối đa sự sử dụng các sản phẩm và vật liệu nguyên sinh, không độc hại và các sản phẩm được thiết kế sao cho dễ bảo dưỡng, tái sử dụng hoặc tân trang trong phạm vi vòng đời có ích của chúng, và sau đó dễ được tháo rời và tái chế để dùng cho sản phẩm mới với sự giảm thiếu tối đa sự hao hụt, lãng phí trong toàn bộ chu trình khai thác- sản xuất-sử dụng. KTTH xoay quanh hai khía cạnh là chu trình phục hồi kỹ thuật và sinh học. Theo đó, có thể phục hồi vật liệu kỹ thuật bằng chu trình kỹ thuật thông qua các vòng lặp lại khác nhau: bảo trì và sửa chữa, tái sử dụng và phân phối lại, tân trang và chế tạo lại, và cuối cùng là tái chế. Tài nguyên có nguồn gốc sinh học đi theo cách phục hồi khác như được miêu tả ở phái bên trái của hình 1.
- KTTH không chỉ đơn thuần là về quản lý chất thải và tận dụng chất thải, mà nó bao gồm một hệ thống với đầy đủ 5 khâu: (i) thiết kế để hướng tới việc tạo ra các sản phẩm xanh, tăng khả năng sửa chữa, phục hồi, tái chế, tái sử dụng của các sản phẩm, linh kiện, cấu kiện. Thiết kế trong KTTH không chỉ đơn thuần là thiết kế sản phẩm mà còn tính tới cả việc thiết kế chất thải của nó, thiết kế cho tương lai, sử dụng chất thải như một nguồn tài nguyên, bảo tồn và mở rộng những gì đã có, hợp tác để tạo ra giá trị chung, kết hợp công nghệ kỹ thuật số và giá cả cùng các cơ chế phản hồi khác phải phản ánh chi phí thực; (ii) Sản xuất thông qua áp dụng các biện pháp sản xuất sạch hơn, giảm phát thải và thực hiện cả tuần hoàn các nguyên vật liệu ngay trong khâu sản xuất; (iii) Tiêu dùng thông qua việc cung cấp dịch vụ tốt hơn (better services), tăng cường trách nhiệm của người tiêu dùng đối với môi trường sinh thái; (iv) Quản lý chất thải bằng việc phân loại, thu gom tại cuối vòng đời, tái chế chất thải; và (v) Từ chất thải trở lại thành tài nguyên gồm có tái chế chất thải, tái sử dụng tài nguyên. Theo cách tiếp cận hệ thống với 5 khâu này chính là điểm khác biệt căn bản của KTTH hiện nay.
- KTTH đòi hỏi phải có tư duy hệ thống để thiết kế hoạt động phát triển kinh tế nhằm mang lại các lợi ích cho doanh nghiệp, xã hội và môi trường để thúc đẩy các tác nhân để phát triển các sáng kiến, mô hình kinh doanh hướng đến thúc đẩy hoạt động sửa chữa, tái sử dụng, tái sản xuất, tái chế, cộng sinh công nghiệp để đạt được mục tiêu giảm tiêu hao nguyên liệu, nhiên liệu, kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế tối đa lượng chất thải thải ra môi trường.
- Các mô hình kinh doanh theo hướng KTTH như mô hình thiết kế tuần hoàn, mô hình sử dụng tối ưu tài nguyên, mô hình phục hồi giá trị và mô hình hỗ trợ tuần hoàn. Các mô hình này được vận hành trên nguyên tắc của thị trường, lấy lợi ích về kinh tế là động lực chính để hình thành và vận hành.
- KTTH có thể nhìn nhận ở nhiều cấp độ: Vĩ mô để phục vụ mục tiêu quản lý, điều hành chính sách của nhà nước; cấp khu vực như khu công nghiệp sinh thái để phát triển hệ thống cộng sinh công nghiệp; cấp vi mô để xem xét, đánh giá sự vận hành của 1 cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ theo các nguyên tắc, chiến lược của KTTH; và cấp sản phẩm để xem xét đến tính tuần hoàn của từng sản phẩm.
- Thực hiện KTTH cần có sự tham gia của tất cả các bên liên quan từ khu vực nhà nước ở trung ương và địa phương, doanh nghiệp khai thác khoáng sản và nguyên liệu thô, các nhà chế biến, sản xuất, phân phối, bán lẻ, người tiêu dùng, người thu gom rác... [8]. Tuy nhiên, khu vực công đóng vai trò quan trọng để kiến tạo và thúc đẩy hệ sinh thái tuần hoàn. Theo Ellen MacArthur Foundation thì: “Các tổ chức, chính phủ và thành phố đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo ra và tạo điều kiện cho một nền KTTH xuất hiện và phát triển mạnh. Họ có vai trò định hướng và tạo động lực đổi mới và đầu tư. KTTH cung cấp một khuôn khổ cho phép chính phủ và các thành phố hiện thực hóa nhiều tham vọng kinh tế, môi trường và xã hội của họ [9].
2.3. Kinh tế tuần hoàn trong chính sách, pháp luật ở Việt Nam
Ở Việt Nam, thuật ngữ KTTH được đề cập phổ biến từ năm 2016 và chính thức được bàn luận nhiều từ năm 2019 khi Việt Nam tiến hành nghiên cứu xây dựng các Văn kiện tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Đến nay, KTTH chính thức được chỉ ra như một giải pháp về quản lý, phân bổ, sử dụng hiệu quả tài nguyên; bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu trong Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội (KTXH) 5 năm 2021 – 2025 và Chiến lược phát triển KTXH 2021 – 2030, tầm nhìn 2045 của Việt Nam lần lượt như sau: (i) xây dựng lộ trình, cơ chế, chính sách, pháp luật để hình thành, vận hành mô hình KTTH; (ii) “khuyến khích phát triển mô hình KTTH để sử dụng tổng hợp và hiệu quả đầu ra của quá trình sản xuất”. Cùng với đó, một số các Chiến lược, Kế hoạch hành động của một số ngành, lĩnh vực đã cụ thể hóa định hướng chuyển đổi sang KTTH như định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chiến lược quốc gia về chăn nuôi, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2011 - 2030. Tuy nhiên, rà soát mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp trong các chiến lược, chương trình và đề án có liên quan đến một hoặc một số mục tiêu hướng đến của KTTH như giảm sử dụng nguyên liệu, nhiên liệu hóa thạch, kéo dài vòng đời sản phẩm, giảm phát sinh chất thải và giảm tác động xấu đến môi trường hay các giải pháp để thúc đẩy tái chế, tái sử dụng, giảm thiểu, sửa chữa, phục hồi, tân trang… thì đã có nhiều chính sách đề cập.
Song song với quá trình xây dựng Chiến lược phát triển KTXH của đất nước, giai đoạn 2019 đến nay Việt Nam tiến hành sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường 2014 và chính thức được Quốc hội phê chuẩn là Luật Bảo vệ môi trường 2020 với rất nhiều các quy định mới, phù hợp với kinh nghiệm quốc tế với kỳ vọng sẽ làm thay đổi hành vi của các chủ thể trong xã hội, tạo ra những động lực mới để khuyến khích đầu tư cho bảo vệ môi trường theo cách tiếp cận dựa vào thị trường. Một số công cụ điển hình như quy định về phân loại chất thải tại nguồn, quy định về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất; quy định về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất; áp dụng công nghệ tốt nhất hiện có, kiểm toán môi trường... Một trong những nội dung được đánh giá là tiến bộ nhất đó chính là đưa ra một loạt quy định về các công cụ kinh tế, chính sách và nguồn lực cho bảo vệ môi trường như thuế, phí, chi trả dịch vụ hệ sinh thái, thị trường carbon, KTTH, phát triển công nghiệp môi trường, dịch vụ môi trường, tín dụng xanh và trái phiếu xanh…
Luật Bảo vệ môi trường 2020 lần đầu tiên đưa ra quy định vê KTTH. Theo đó, ngoài khái niệm về KTTH được chỉ ra ở Việt Nam, Luật đưa ra trách nhiệm “các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện lồng ghép KTTH ngay từ giai đoạn xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án phát triển; quản lý, tái chế, tái sử dụng chất thải”; “cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có trách nhiệm thiết lập hệ thống quản lý và thực hiện các biện pháp để giảm khai thác tài nguyên, giảm chất thải, nâng cao mức độ tái sử dụng và tái chế chất thải ngay từ giai đoạn xây dựng dự án, thiết kế sản phẩm, hàng hóa đến giai đoạn sản xuất, phân phối”. Đặc biệt, do KTTH là vấn đề mới trên thế giới nên để triển khai được quy định này, Luật giao Chính phủ quy định tiêu chí, lộ trình, cơ chế khuyến khích thực hiện KTTH phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước.
Đặc biệt, Nghị định 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường với Điều 138 Quy định chung về KTTH, trong đó các tiêu chí chung về KTTH gồm: (i) giảm khai thác, sử dụng tài nguyên không tái tạo, tài nguyên nước; tăng hiệu quả sử dụng tài nguyên, nguyên liệu thô, vật liệu; tiết kiệm năng lượng; (ii) kéo dài thời gian sử dụng vật liệu, thiết bị, sản phẩm, hàng hóa, các linh kiện, cấu kiện; (iii) hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường bao gồm: giảm chất thải rắn, nước thải, khí thải; giảm sử dụng hóa chất độc hại; tái chế chất thải, thu hồi năng lượng; giảm sản phẩm sử dụng một lần; mua sắm xanh.
3. Tổng quan về phương pháp và tiêu chí đánh giá nông nghiệp tuần hoàn
3.1. Một số phương pháp đánh giá
Hiện nay để đánh giá KTTH có một số phương pháp tiêu biểu thường được sử dụng như sau:
- Phương pháp phân tích dòng vật chất (MFA) là sự giám sát và phân tích dòng chảy vật lý của vật chất đi vào, đi qua hoặc đi ra khỏi một hệ thống. MFA được xây dựng dựa vào các nguyên lý về về cân bằng vật chất với mục đích phân tích mối liên hệ giữa dòng vật chất bao gồm các hoạt động năng lượng, con người - kể cả sự phát triển về kinh tế và thương mại - và những thay đổi về môi trường. Dòng vật chất có thể được phân tích ở các mức độ khác nhau: mức độ vĩ mô, mức độ meso và mức độ vi mô, với phụ thuộc vào các vấn đề và đối tượng quan tâm của nghiên cứu[‡]. Phần MFA này tập trung vào mức độ vi mô, cụ thể là doanh nghiệp. MFA là hướng tiếp cận mang tính hệ thống để [§]: đưa ra tổng quan về sử dụng vật liệu trong doanh nghiệp; định dạng nguồn gốc, tải lượng và nguyên nhân của các chất thải và phát thải: cung cấp cơ sở để đánh giá và dự báo về phát triển trong tương lai; xác định chiến lược để cải thiện tình trạng chung.
- Phân tích hệ thống, đánh giá hệ thống nông nghiệp bằng phương pháp đánh giá vòng đời (Life Cycle Assessment - LCA). Mặc dù không quy định tiêu chuẩn tính nhưng phương pháp này đã được đưa ra trong các văn bản của Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế 2006a, 2006b. Đây là một phương pháp được sử dụng để đánh giá các yếu tố môi trường và tác động tiềm tàng của chúng đối với toàn bộ vòng đời của sản phẩm, từ nguyên liệu thô đến quá trình sản xuất đến thải bỏ cuối cùng, Mục tiêu chính của LCA là đánh giá và định lượng tác động môi trường của một sản phẩm thông qua cả vòng đời.
Đánh giá vòng đời (LCA) đã được sử dụng rộng rãi để đánh giá tải trọng môi trường do những yếu tố sản xuất gây ra. Hiện nay, LCA cũng được sử dụng rộng rãi trong các ngành liên quan đến nông nghiệp, đặc biệt liên quan đến thủy sản, chăn nuôi, trồng trọt, thực phẩm chế biến, đóng gói và xử lý chất thải, v.v.
+ Phương pháp Chi phí vòng đời (Life Cycle Costing - LCC) được sử dụng để định lượng các chỉ số môi trường liên quan đến đánh giá vòng đời (Tiêu chuẩn ISO 14040: 2006 và các chỉ tiêu kinh tế (Tiêu chuẩn ISO 15686: 2008, Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế, 2017).
+ BCA cũng được sử dụng để phân tích chi phí – lợi ích
+ Kết hợp các phương pháp trên
Tuy nhiên, các nghiên cứu sử dụng phương pháp LCA chiếm tỉ trọng lớn nhất trong các nghiên cứu về kinh tế tuần hoàn đã được công bố (năm 2019: 74 %, năm 2020: 56,7 %) [11]. Các nhóm tiêu chí được sử dụng phổ biến là:
(1). Quản lý chất thải: Tái sử dụng (chất thải / vật liệu xây dựng),
(2). Giảm tác động đến môi trường: Khí nhà kính, khí thải, Tái sử dụng nước nhờn, Giảm tác động môi trường, Giảm khai thác nguyên liệu thô. Tác động môi trường, Tái sử dụng nước thải, Giảm phát thải, Sử dụng vật liệu tái tạo.
(3). Vật liệu và Thiết kế sản phẩm: Thiết kế lại sản phẩm, tái sản xuất, vòng lặp vật liệu, thiết kế sản phẩm có thể tái chế, sản phẩm bền vững, vật liệu bền vững, thân thiện với môi trường, mô hình sản xuất, nâng cấp, chuỗi cung ứng xanh.
- Tiêu chí đánh giá cho các dự án kinh tế tuần hoàn ở châu Âu [1] gồm 5 nhóm:
+ Sản xuất: gồm 2 tiêu chí là thiết kế tuần hoàn và quy trình sản xuất chấp nhận vật liệu thứ cấp (đã thải bỏ ở quy trình/khâu trước đó).
+ Tiêu thụ: gồm 2 tiêu chí là tái sử dụng, tái sản xuất, tân trang, sửa chữa và giảm thiểu chất thải.
+ Thải bỏ: khối lượng tài nguyên chất thải được thu hồi và tái sử dụng trong chu kỳ sản xuất làm nguyên liệu thô thứ cấp và Thúc đẩy tái chế chất thải.
+ Khí hậu: Cân bằng năng lượng ròng liên quan đến hệ thống trước đó hoặc “Số lượng năng lượng phục hồi” và Giảm lượng khí thải.
+ Việc làm: Số dư ròng về việc làm.
3.2. Khái quát về kinh tế tuần hoàn và nông nghiệp tuần hoàn
KTTH là một mô hình kinh tế chú trọng đến quản lý tài nguyên và tái tạo tài nguyên theo một vòng khép kín nhằm hạn chế đến mức tối đa việc phát sinh chất thải. Mô hình này phân biệt với mô hình kinh tế truyền thống - kinh tế tuyến tính, dựa trên nguyên lý khai thác tài nguyên từ môi trường tự nhiên làm đầu vào cho hệ thống kinh tế, qua quá trình sản xuất, tiêu dùng và cuối cùng thải loại ra môi trường. KTTH trong nông nghiệp (nông nghiệp tuần hoàn - NNTH) được hiểu và phát biểu dưới nhiều khía cạnh khác nhau, trong đó... có thể được định nghĩa là “một tập hợp các hoạt động được thiết kế để không chỉ đảm bảo tính bền vững về kinh tế, môi trường và xã hội trong nông nghiệp thông qua các hoạt động theo đuổi việc sử dụng hiệu quả và hiệu quả các nguồn lực trong tất cả các giai đoạn của chuỗi giá trị mà còn đảm bảo tái tạo và đa dạng sinh học trong hệ thống nông nghiệp và các hệ sinh thái xung quanh”.
NNTH dựa trên nguyên tắc tối ưu hóa việc sử dụng tất cả sinh khối nông nghiệp nhằm mục đích khép kín vòng lặp nguyên liệu và vật chất; giảm cả việc sử dụng tài nguyên và chất thải ra môi trường. NNTH là không sử dụng nhiều diện tích hoặc tài nguyên hơn mức cần thiết. Trong NNTH, chất thải được xem như nguyên liệu thô để sản xuất sản phẩm mới. Bản chất của nông nghiệp tuần hoàn là tối ưu hóa sản xuất nhằm đạt hiệu quả kinh tế cao nhất bằng cách tăng cường tận dụng đầu vào và giảm chất thải ở mức tối thiểu.
Như vậy, NNTH là một bộ phận của kinh tế tuần hoàn, sinh khối là dòng vật liệu chính trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản. Lợi ích lớn nhất của nông nghiệp tuần hoàn mang lại cho cộng đồng và doanh nghiệp không chỉ là giảm chi phí sản xuất, tăng chuỗi cung ứng mà còn giải quyết vấn đề chất thải. Do đó, đây là giải pháp để sử dụng ít tài nguyên thiên nhiên nhất, nhiên liệu, sản phẩm thân thiện môi trường.
3.3. Nguyên tắc của kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp
Các nghiên cứu chỉ ra các khía cạnh khác nhau cần được xem xét khi triển khai, đánh giá NNTH. Để đạt được hiệu quả trong các mô hình NNTH, việc tối ưu hóa quy trình để giảm thiểu và tránh lãng phí trong sử dụng tài nguyên được nhấn mạnh (Junjie, C. et al., 2011) [11]. Các nguyên tắc của KTTH được EMF (2015) và các nghiên cứu khác đề xuất tương đối thống nhất, gồm các điểm chính như sau:
(i) Nguyên tắc thứ nhất liên quan đến "thiết kế loại bỏ chất thải và ô nhiễm", trong đó hiệu quả của hệ thống được củng cố bằng cách xác định và loại bỏ các yếu tố bên ngoài tiêu cực. Yếu tố bên ngoài cần quan tâm nhất mà sản xuất nông nghiệp, tác nhân gây ô nhiễm đất do sử dụng phân bón, thuốc diệt cỏ và thuốc trừ sâu không hợp lý.
(ii) Nguyên tắc thứ hai là đảm bảo kéo dài vòng đời sản phẩm. Trong NNTH, giá trị của sản phẩm, phụ phẩm phải được tối ưu hóa ở tất cả các giai đoạn trong chuỗi cung ứng và giữa các chuỗi cung ứng, với mục tiêu tổng thể là duy trì các nguồn lực ở mức tiện ích và giá trị cao nhất tại mọi thời điểm, "giữ cho sản phẩm và nguyên vật liệu được sử dụng".
(iii) Nguyên tắc bảo tồn và phục hồi các hệ sinh thái, tái tạo các hệ thống tự nhiên, tạo ra nền nông nghiệp tái sinh. Việc thực hiện nguyên tắc này yêu cầu một hệ thống sản xuất nông nghiệp mà trong đó thay thế các nguồn dự trữ hữu hạn bằng các nguồn tài nguyên tái tạo. Thêm vào đó, hệ thống cây trồng và vật nuôi phải cải thiện được chất lượng của hệ sinh thái tự nhiên xung quanh. Các hoạt động nông nghiệp phải tăng được vốn tự nhiên thông qua việc sử dụng các nguồn tài nguyên tái tạo.
4. Đề xuất tiêu chí của nông nghiệp tuần hoàn
Các phân tích trên chỉ ra rằng khung lý thuyết KTTH chưa cụ thể và chưa được điều chỉnh cho phù hợp với đặc thù của ngành nông nghiệp. Do đó, việc xây dựng các chỉ tiêu để đánh giá NNTH cần đảm bảo nguyên tắc:
- Các chỉ tiêu phải thống nhất với khung lý thuyết KTTH chung;
- Các chỉ tiêu kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp phải phù hợp với các hệ thống sản xuất nông nghiệp, có thể đánh giá và đo lường được cho các hoạt động nông nghiệp chính của lãnh thổ. Các chỉ số có thể đo lường hiệu suất tuần hoàn của hệ thống sản xuất nông nghiệp và hỗ trợ quá trình ra quyết định;
- Các tiêu chí đánh giá nông nghiệp tuần hoàn phải đảm bảo 03 nguyên tắc của KTTH trong nông nghiệp.
4.1. Nhóm tiêu chí kéo dài vòng đời sản phẩm
Vòng đời sản phẩm (Product Life Cycle) là quy trình của sản phẩm, bắt đầu từ lúc lên ý tưởng cho đến khi bị đào thải khỏi thị trường. Doanh nghiệp quản lý sản phẩm dựa vào vòng đời của sản phẩm. Một sản phẩm không nhất thiết phải có đầy đủ các giai đoạn. Vòng đời của sản phẩm có thể kéo dài và tiếp tục phát triển dài hạn. Sự phát triển công nghệ đã cho phép nhiều loại vật liệu được sử dụng trong các quy trình trước khi loại bỏ chúng vĩnh viễn, chẳng hạn như trong sản xuất năng lượng sinh học, cải tạo đất và phân bón sinh học, hoặc làm thức ăn chăn nuôi. Như vậy, cần thiết kế hệ thống sản xuất với các công nghệ mới để có tuổi thọ sản phẩm nông nghiệp tăng hoặc quá trình sử dụng sản phẩm phải được kéo dài (đối với sản phẩm nông nghiệp thì công nghệ bảo quản sau thu hoạch đóng vai trò đặc biệt quan trọng).
4.2. Giảm chất thải
Hầu hết các nước phát triển đều có luật để hạn chế hoặc cấm sử dụng các sản phẩm chứa hóa chất hoặc canh tác không đạt chuẩn, dẫn đến việc thay thế hóa chất phân bón cho phân hữu cơ hoặc sự phát triển của sinh học hệ thống kiểm soát dịch hại. Sản xuất kết hợp giữa cây trồng và vật nuôi thủy sản đã chứng minh hiệu quả trong việc giảm thiểu việc sử dụng các sản phẩm có hại. Trồng trọt hữu cơ có khả năng tận dụng phụ phẩm của trồng trọt để làm thức ăn chăn nuôi cho gia súc. Đồng thời, sản phẩm tận dụng từ tàn dư thực vật cũng cung cấp phân bón hữu cơ, cần thiết cho sự phát triển của cây trồng. Một số nghiên cứu đề xuất chuyển đổi các sản phẩm và các dòng vật chất của cây trồng, vật nuôi để tạo thành mối quan hệ hỗ trợ với các hệ thống sinh thái, nâng cao năng suất, tăng trưởng kinh tế.
- Giảm chất thải từ thực phẩm
Trên thế giới, mỗi năm có khoảng một phần ba lượng thực phẩm được sản xuất cho con người tiêu thụ bị lãng phí/tiêu hủy, bao gồm cả chất thải có bao bì và các chất thải phi thực phẩm khác [3]. Thức ăn bị vứt bỏ cũng như phần lớn rác thải khác, tiếp tục bị đổ ra các bãi rác, nơi thải ra khí methane, một loại khí nhà kính góp phần lớn trong việc gây ra tình trạng nóng lên của Trái đất. Giảm chất thải thực phẩm không chỉ được thực hiện trong ngành nông nghiệp nhưng đây là ngành tạo ra sản phẩm từ khâu thiết kế đến phân phối và phát phát triển sản phẩm nên đóng vai trò quyết định đến khối lượng thải bỏ. Thực phẩm dư thừa, bị loại bỏ có thể do lượng sản xuất lớn hơn nhu cầu, hoặc chất lượng sản phẩm không đảm bảo, hay chỉ bảo quản được trong thời gian ngắn,...
4.3. Sử dụng hiệu quả tài nguyên và phục hồi hệ sinh thái
Nông nghiệp tuần hoàn phải đảm bảo được hiệu quả kinh tế cao đi đôi với sử dụng hiệu quả tài nguyên đất, nước, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến môi trường không khí. Trong đó, hệ thống sản xuất phải dựa vào nguyên tắc tự thúc đẩy và khai thác các tiến trình tự nhiên (ví dụ: phân hủy chất hữu cơ, cân bằng sinh học, tái tạo đất, dinh dưỡng đất…) trên cơ sở tăng cường và bảo vệ đa dạng sinh học. Hệ thống nông nghiệp được thiết kế theo hướng càng tuần hoàn sẽ cho hiệu quả càng cao (về kinh tế, xã hội và môi trường). Mức độ tuần hoàn trong hệ thống sản xuất phụ thuộc vào cơ cấu và bản chất thành phần trong hệ thống. Mức tuần hoàn cao nhất khi các thành phần hệ thống tự tương trợ nhau để vận hành một cách tự bền vững (ví dụ người dân nuôi đủ số gà đáp ứng ~100% nhu cầu phân hữu cơ cho cây trồng, và ~100% thức ăn cho gà được đáp ứng từ sản phẩm các cây trồng này).
Trong thực tế sản xuất nông nghiệp, các dòng di chuyển của dịch bệnh và chất ô nhiễm không có ranh giới, vì vậy, hệ thống sản xuất nông nghiệp sinh thái có qui mô càng lớn sẽ càng đạt hiệu quả cao, như: qui mô hợp tác xã, tỉnh, hoặc khu vực sẽ hiệu quả hơn một vài trang trại đơn lẻ. FAO đã phát triển bộ công cụ đánh giá mức độ chuyển dịch dựa trên 10 hợp phần và 36 chỉ tiêu bao gồm cả các chỉ tiêu về tính hợp tác/chia sẻ của người dân, các chỉ tiêu về phân bổ và sử dụng lao động của gia đình, tính kết nối của hệ thống sản xuất với môi trường lân cận (vùng bù sinh thái…), tổ chức tiếp cận thị trường, khả năng phục hồi sau rủi do, các chính sách tín dụng và đất đai.... (FAO, 2019) [4].
4.4. Tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải
Trong sản xuất nông nghiệp, có 5 nguồn chính phát sinh ra phát thải nhà kính, gồm: Tiêu hóa thức ăn dạ cỏ của vật nuôi nhai lại; Phân của gia súc khi phân hủy ở trạng thái yếm khí thải ra cả methane, oxit nitơ; Canh tác lúa nước; Khi ruộng ngập nước ở chế độ yếm khí cũng phân giải chất hữu cơ thải ra khí methane; Đất nông nghiệp khi bón phân đạm bị chuyển hóa từ dạng này sang dạng khác cũng phát thải khí nitơ; Đốt nương làm rẫy và đốt rơm rạ.
Trong hệ thống nông nghiệp tuần hoàn, khuyến nghị sử dụng các phương pháp canh tác có thể giảm phát thải khí nhà kính (GHG), thu giữ carbon trong đất và thực vật, đồng thời giảm thiểu xáo trộn đất; cải thiện cấu trúc của đất để cho phép lưu trữ nước tốt hơn và thúc đẩy đất hoạt động sinh học tạo ra khả năng tái sản xuất, giảm nhu cầu đầu vào tổng hợp. Một số biện pháp để hạn chế phát thải khí nhà kính trong sản xuất nông nghiệp đối với cấp độ nông trại có thể áp dụng như: các kỹ thuật canh tác lúa tiên tiến theo hướng tiết kiệm nước tưới và chi phí đầu vào để giảm phát thải khí nhà kính như thâm canh lúa cải tiến (SRI), “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”, nông-lộ-phơi... Việc áp dụng các kỹ thuật canh tác lúa tiên tiến theo hướng tiết kiệm nước tưới và chi phí đầu sẽ có khả năng giảm phát thải đáng kể.
Đồng thời, các tiêu chí có thể xem xét, đánh giá trong nông nghiệp tuần hoàn là khả năng tái tạo như phát triển bao bì được thiết kế để phân hủy làm từ vật liệu sinh học, sự gia tăng hấp thụ carbon thông qua thực hành quản lý chất thải thực vật, hoặc vật liệu các quy trình xử lý như ủ phân. Từ đó, giảm thiểu rác thải rắn từ sản xuất nông nghiệp, Giảm thiểu rác thải thực phẩm.
4.5. Tính kinh tế, xã hội đa mục tiêu của kinh tế tuần hoàn
Bên cạnh các nhóm tiêu chí phản ánh trực tiếp lợi ích của KTTH theo các nhóm chính được nêu ở trên, các ngành, lĩnh vực cần thiết phải xem xét đến các chỉ tiêu phản ánh về lợi ích kinh tế của kinh tế, xã hội tuần hoàn, các chỉ tiêu phản ánh sự phát triển của các mô hình sản xuất, kinh doanh, loại hình sản phẩm theo hướng tuần hoàn (có thể dựa trên các tiêu chuẩn trong nước và quốc tế tương đương); chỉ tiêu về sự đổi mới, sáng tạo, áp dụng thành tựu của CMCN 4.0, internet vạn vật, công nghệ số trong sản xuất, kinh doanh để phản ánh tính hiện đại của KTTH; chỉ tiêu phản ánh tiêu dùng đối với KTTH trong nông nghiệp (đặc biệt là đầu tư công)
5. Kết luận
Kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp là nội dung quan trọng đã được xác định trong Nghị quyết của Đảng, các Chiến lược, chương trình phát triển của Nhà nước. Đó cũng là xu thế tất yếu để sản xuất đáp ứng nhu cầu lương thực nhưng vẫn đảm bảo sử dụng tiết kiệm và phục hồi tài nguyên, thích ứng với biến đổi khí hậu, suy thoái môi trường. Bản chất của kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp tối ưu hóa việc sử dụng sinh khối nông nghiệp, khép kín vòng lặp nguyên liệu và vật chất, giảm chất thải ra môi trường, sử dụng tiết kiệm diện tích, năng lượng và tài nguyên. Các tiêu chí để nhận diện, đánh giá nông nghiệp tuần hoàn được xác định dựa trên lý luận từ tổng quan các nghiên cứu thế giới nhưng phù hợp với các yêu cầu thực tiễn, cơ sở pháp lý tại Việt Nam. Tuy nhiên, với nguồn tư liệu và các nghiên cứu về kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp ở Việt Nam rất hạn chế, đây là các kết quả nghiên cứu bước đầu, tập trung vào xác định tiêu chí. Các kết quả này cần tiếp tục phát triển, cụ thể hóa bằng các chỉ tiêu cụ thể và cần được thử nghiệm ở các quy mô, cấp độ khác nhau để đánh giá khả năng áp dụng. Trên cơ sở đó, bộ tiêu chí sẽ được điều chỉnh phù hợp trước khi đề xuất chính sách.
Lời cảm ơn
Bài viết này được gợi ý thực hiện bởi đề tài khoa học và công nghệ cấp cơ sở “Nghiên cứu cơ sở lý luận, kinh nghiệm quốc tế nhằm đề xuất xây dựng kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam”, mã số CS.2023.19, do Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường chủ trì thực hiện.
Tài liệu tham khảo
[1] European Commission Directorates, Assessment Criteria for Circular Economy Projects Rev 4.0 (http://www.screen-lab.eu/background.html).
[2] European Recycling Platform, "Circular Economy: Roles and Responsibilities for involved stakeholders," https://erp-recycling.org/wp- ontent/uploads/2017/11/ERP-Circular-Economy-Roles-and-Responsibilities.pdf, 2017.
[3] FAO, Food wastage footprint & Climate Change, 2021.
[4] FAO (2019). Tool for agro-ecology performance evaluation process of development and guidelines for application (TAPE, test version), FAO.
[5] Nguyễn Xuân Hồng, Cơ cở thực tiễn và động lực thúc đẩy phát triển nông nghiệp tuần hoàn Việt Nam: kinh tế VAC (nguồn: https://www.nongthonmoihatinh.vn).
[6] H. R. O. Andrew Morlet, "Delivering the Circular Economy A toolkit for policy makers," Ellen MacArthur Foundation, 2015.
[7] ISO 14009:2020, Environmental management systems - Guidelines for incorporating material circulation in design and development (https://www.iso.org/standard/43244.html).
[8] International Organization for Standardization. 2006a. Environmental management – life cycle assessment – requirements and guidelines.
[9] International Organization for Standardization. 2006b. Environmental management – life cycle assessment – requirements and guidelines.
[10] Pearce, D.W. and R.K. Turner (1990), Economics of Natural Resources and the Environment, Hemel Hempstead: Harvester Wheatsheaf.
[11] Lana Lovrenčić Butković, Matej Mihić & Zvonko Sigmund (2021): Assessment methods for evaluating circular economy projects in construction: a review of available tools, International Journal of Construction Management.
[12] Junjie, C., Ming, L., Shuguo, L., 2011. Development strategy research of modern EcoAgriculture on the basis of constructing the rural circular economy-for the example of shandong province. Energy Procedia 5, 2504–
Lại Văn Mạnh[*], Nguyễn Trọng Hạnh, Trần Thị Tuyến,
Nguyễn Thị Thanh Huyền
Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Hoàng Quốc Việt, Bắc Từ Liêm, Hà Nội