Thứ bảy, 27/04/2024 03:31 (GMT+7)
Thứ năm, 28/04/2022 12:00 (GMT+7)

Tiếng chuông báo động của tự nhiên

Theo dõi KTMT trên

Dưới tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH), thiên tai ngày càng dị thường. Chống BĐKH đang là vấn đề cấp bách hơn bao giờ hết và cần sự “chung sức, đồng lòng” của tất cả quốc gia trên thế giới.

Tiếng chuông báo động của tự nhiên - Ảnh 1
Bão Megi đổ bộ Philippines ngày 10/4/2022. (Ảnh: AFP)

Thiên tai ngày càng dị thường

Các hiện tượng thời tiết cực đoan, khắc nghiệt ngày càng xảy ra với tần suất cao dần, đang trở thành mối đe dọa thường trực với con người. Liên hợp quốc mới đây dự báo, đến năm 2030, thế giới có thể phải đối mặt với khoảng 560 thảm họa trong một năm.

Trong năm 2021, châu Âu đã phải hứng chịu nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan, từ mùa hè nóng bất thường cho đến những vụ cháy rừng và lũ lụt kinh hoàng. Châu lục này chứng kiến mùa hè “đổ lửa” với nhiệt độ cao hơn 1oC so với mức nhiệt trung bình trong 30 năm qua.

Giữa lúc dịch Covid-19 càn quét toàn cầu, BĐKH và các hiện tượng thời tiết cực đoan như “giọt nước làm tràn ly”, khiến cho tổn thất về kinh tế của các quốc gia càng thêm trầm trọng. Thống kê của Liên hợp quốc cho thấy, thảm họa thiên tai trên thế giới đã “thổi bay” 170 tỷ USD mỗi năm trong suốt 10 năm qua. Khu vực châu Á-Thái Bình Dương bị cho là nơi chịu thiệt hại kinh tế lớn nhất khi tần suất xảy ra thiên tai cao. 

Trong đó, vùng Sicily của Italia phải trải qua ngày nóng nhất trong lịch sử châu lục, với nhiệt độ lên tới 48,8 oC. Nắng nóng trong suốt nhiều tuần tại Địa Trung Hải cũng làm bùng phát các trận cháy rừng nghiêm trọng, thiêu rụi hơn 800.000 ha đất tại Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ và Italia.

Tại Philippines, hàng triệu người vẫn đang phải chật vật khôi phục lại cuộc sống sau khi bão Rai đổ vào hồi tháng 12/2021, cướp đi sinh mạng của hơn 300 người và làm hàng trăm nghìn người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn, gây thiệt hại lên đến khoảng 500 triệu USD.  Liên hợp quốc ước tính, những thảm họa do hạn hán, nhiệt độ cực đoan và lũ lụt có thể đẩy thêm 100 triệu người vào cảnh đói nghèo vào năm 2030.

Trong báo cáo mới đây, Văn phòng Liên hợp quốc về giảm thiểu rủi ro thiên tai (UNDRR) chỉ ra một thực tế rằng, các chính phủ đã đánh giá thấp tác động thật sự của các thảm họa thiên nhiên đối với sinh mạng và sinh kế của con người. Một trong những lý do dẫn tới việc gia tăng mạnh các thảm họa trên toàn cầu là do những nhận thức sai lầm của con người về các mối đe dọa từ thiên nhiên. Chính điều này đã kéo theo các quyết định không thật sự phù hợp về chính sách tài chính và phát triển, làm gia tăng rủi ro và đẩy con người vào “vòng luẩn quẩn” của những nguy cơ đến từ thảm họa thiên nhiên.

Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc Amina Mohammed từng khẳng định, con người đang tự đặt mình vào “vòng xoáy của sự hủy diệt” khi phớt lờ các rủi ro từ BĐKH. “Mẹ thiên nhiên” đang gửi đến nhân loại những thông điệp khẩn, thông qua đại dịch Covid-19 và cuộc khủng hoảng khí hậu trầm trọng hiện nay. Nếu các nước và các chính phủ không đánh giá kịp thời, đúng mức những nguy cơ để có phản ứng phù hợp tính cấp bách của tình trạng khí hậu hiện tại thì chắc chắn hậu quả mà con người phải gánh chịu sẽ ngày càng nghiêm trọng.

Thiên tai năm 2022 sẽ diến hết sức phức tạp

Tại Việt Nam, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng, doanh nghiệp, đặc biệt là chính quyền cơ sở, công tác phòng, chống thiên tai đã đạt được nhiều kết quả, giảm thiểu thiệt hại ở mức thấp nhất về người và tài sản. Trong năm 2021, thiệt hại do thiên tai gây ra là thấp nhất trong những năm gần đây (108 người chết, mất tích; thiệt hại vật chất 5.200 tỷ đồng).

Tuy nhiên, ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) - Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, cho rằng, thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp, bất thường.

Tiếng chuông báo động của tự nhiên - Ảnh 2
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan: "Năm 2021, mặc dù các quốc gia đã rất nỗ lực phòng, chống song thiên tai đã làm 16.000 người chết, mất tích, tổng thiệt về kinh tế trên 340 tỷ USD và tác động đến mọi mặt của đời sống, kinh tế-xã hội của nhiều quốc gia, khu vực".

"Ngay trong những tháng đầu năm 2022 với mưa lũ lớn trái mùa kèm theo dông lốc trên diện rộng cuối tháng 3 đầu tháng 4 tại các tỉnh miền Trung; rét lịch sử cuối tháng 2 ở khu vực miền núi phía Bắc; động đất gia tăng cả về cường độ và tần suất tại huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum; bên cạnh ảnh hưởng của dịch Covid-19 tác động không nhỏ đến các hoạt động phòng chống thiên tai", ông Hoan nói.

Khẳng định của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT là hoàn toàn chính xác. Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, những tháng đầu năm 2022, thiên tai tại nước ta đã cho thấy những diễn biến phức tạp, dị thường. Điển hình như đợt rét đậm, rét hại kéo dài từ ngày 19-24/2/2022 tại các tỉnh miền Bắc đã khiến nhiệt độ giảm sâu, có nơi nhiệt độ thấp nhất xuống dưới 0 độ C như tại Mẫu Sơn (Lạng Sơn) nhiệt độ xuống tới -1,4 độ C. Đây là đợt không khí lạnh mạnh nhất trong 40 năm so với cùng thời kỳ.

Đặc biệt là đợt mưa lũ lớn bất thường, trái quy luật ngay giữa mùa khô, kèm theo dông lốc, sóng lớn từ ngày 30/3-2/4 tại các tỉnh từ Quảng Bình đến Khánh Hòa với tổng lượng mưa từ 200-600 mm, trong đó có nơi mưa đặc biệt lớn như tại Khe Tre (Thừa Thiên Huế) 835 mm (là đợt mưa là kỷ lục trong 60 năm so với cùng thời kỳ).

Tiếng chuông báo động của tự nhiên - Ảnh 3
Đợt mưa lũ lớn bất thường, trái quy luật đầu tháng 4/2022 đã gây thiệt hại lớn cho các tỉnh miền Trung.

Không những vậy, theo nhận định của Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia, năm 2022 có khả năng xuất hiện bão mạnh trái quy luật với khoảng 10-12 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực biển Đông. Lượng mưa trong năm có xu hướng gia tăng trên phạm vi toàn quốc, khả năng cao xảy ra hiện tượng mưa cực đoan.

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT - Phó Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai cho rằng, qua diễn biến thiên tai từ đầu năm đến nay, có thể thấy, thiên tai năm 2022 sẽ tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp và dị thường.

"Tổng thiệt hại do thiên tai gây ra từ đầu năm đến nay ước tính lên tới 2.400 tỷ đồng (gần bằng 1/2 thiệt hại về kinh tế do thiên tai gây ra năm 2021)", ông Hiệp cho hay.

Tại Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2022 diễn ra ngày 25/4, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành cho rằng, tác động của BĐKH, thiên tai được dự báo sẽ ngày càng diễn biến rất phức tạp, khó lường. Do đó, phải xác định nhiệm vụ phòng, chống thiên tai trong năm 2022 và những năm tiếp theo sẽ là rất phức tạp, nặng nề, đòi hỏi trách nhiệm, nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị từ trung ương đến cơ sở, các lực lượng vũ trang và của mỗi người dân.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp cùng với các Bộ ngành trung ương triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Kế hoạch thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khí tượng thủy văn đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; trong đó ưu tiên đầu tư công nghệ quan trắc, dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn theo hướng hiện đại, đồng bộ, tự động hóa, tích hợp đa mục tiêu, đặc biệt là dự báo mưa, lũ, khí tượng thủy văn biển.

Bên cạnh đó, cần sớm hoàn thành việc xây dựng bản đồ phân vùng rủi ro thiên tai; đẩy mạnh xã hội hóa trong việc lắp đặt hệ thống theo dõi, giám sát thiên tai chuyên dùng; triển khai hiệu quả Chiến lược phát triển ngành khí tượng thủy văn đến năm 2030, tầm nhìn 2045.

Cần triển khai ngay công tác kiểm tra, rà soát phương án, kế hoạch phòng, chống thiên tai trên cả nước. Nâng cao chất lượng công tác tham mưu, chỉ đạo, điều hành, huy động và phối hợp lực lượng ứng phó với diễn biến thiên tai, sự cố.

Đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông; quan tâm đầu tư hơn nữa cho công tác phòng, chống thiên tai. Triển khai thực hiện hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết, chính sách, pháp luật về phòng chống thiên tai, sự cố và tìm kiếm cứu nạn, nhất là Chỉ thị số 42 của Ban Bí thư, Nghị quyết số 76 và các Nghị định của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về phòng chống thiên tai. Rà soát, hoàn thiện pháp luật, xây dựng các chính sách xã hội hóa để động viên, khuyến khích sự tham gia của doanh nghiệp, người dân vào công tác phòng, chống thiên tai...

Khánh Thư

Bạn đang đọc bài viết Tiếng chuông báo động của tự nhiên. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới