Thứ sáu, 19/04/2024 18:52 (GMT+7)
Thứ bảy, 18/02/2023 07:05 (GMT+7)

Thủy điện trong bối cảnh điện gió, mặt trời chiếm ưu thế [Kỳ 7]: Chính sách của Malaysia

Theo dõi KTMT trên

Bài viết giới thiệu quá trình phát triển thủy điện và thủy điện tích năng ở bang Sarawak thuộc Đông Malaysia nhằm đảm bảo hoạt động ổn định của hệ thống điện khi nguồn điện gió, mặt trời ngày càng tăng trong tổng cơ cấu nguồn điện của quốc gia này.

Vài nét về Malaysia:

Lãnh thổ Malaysia bao gồm 2 phần đất liền (Tây Malaysia và Đông Malaysia). Tây Malaysia là một bán đảo xinh đẹp, phía Đông giáp với biển Nam Trung Hoa, phía Tây được bao quanh bởi eo Malacca, phía Bắc láng giềng với Thái Lan và phía Nam là Singapore. Tây Malaysia và Đông Malaysia chiếm diện tích khoảng 329,758 km2 và cách nhau khoảng 40 dặm đường biển. Đông Malaysia bao gồm 2 bang lớn là Sabah và Sarawak, nằm ngay khu vực phía Bắc đảo Borneo. Tây Malaysia bao gồm 11 bang và 2 khu vực vùng đất thuộc liên bang (Federal Territories). Dân số năm 2022 gần 33,4 triệu người.

Vai trò chiến lược của thủy điện trong quá trình chuyển đổi năng lượng ở bang Sarawak - Malaysia:

Thủy điện là dạng năng lượng tái tạo chiếm ưu thế và được Malaysia công nhận là một phần của mục tiêu năng lượng tái tạo từ năm 2021. Malaysia có vị trí chiến lược ở châu Á - Thái Bình Dương và là một trong những nhà phát triển thủy điện lớn nhất Đông Nam Á. Vị trí địa lý bang Sarawak xem hình 1.

Thủy điện trong bối cảnh điện gió, mặt trời chiếm ưu thế [Kỳ 7]: Chính sách của Malaysia - Ảnh 1
Hình 1: Vị trí địa lý bang Sarawak.

Phát triển cân bằng năng lượng với mục tiêu thúc đẩy chuyển đổi kinh tế, xã hội với yêu cầu an ninh năng lượng, tính bền vững và hướng tới khả năng điện khí hóa hoàn toàn 100% vào năm 2025 (đến thời điểm hiện nay điện khí hóa đạt 98,6%) thông qua phát triển thủy điện.

Thủy điện trong bối cảnh điện gió, mặt trời chiếm ưu thế [Kỳ 7]: Chính sách của Malaysia - Ảnh 2
Hình 2: Quá trình và kế hoạch chuyển đổi năng lượng của bang Sarawak.

Công suất thủy điện trong cơ cấu tổng công suất hệ thống điện bang Sarawak thay đổi khá nhanh chóng, là bước nhảy vọt vượt bậc từ tỷ lệ chỉ chiếm 8% năm 2010 và trong vòng 10 năm đã lên tới con số 68% (xem hình 2). Sau 10 năm, đến năm 2030 dự kiến xây dựng tiếp tục 8 GW công suất từ nguồn thủy điện và tỷ trọng sẽ chiếm 69% cơ cấu công suất nguồn điện toàn hệ thống. Các vị trí tiềm năng phát triển thủy điện ở bang Sarawak với dự kiến có thể khai thác tiếp 8 GW, nhưng tỷ lệ chiếm đất để xây dựng công trình khá nhỏ (chỉ 2% so với diện tích của bang). Vị trí các công trình thủy điện tiềm năng, các công trình đang xây dựng và các công trình đã đưa vào vận hành (xem hình 3).

Thủy điện trong bối cảnh điện gió, mặt trời chiếm ưu thế [Kỳ 7]: Chính sách của Malaysia - Ảnh 3
Hình 3: Vị trí các công trình thủy điện tiềm năng, các công trình đang xây dựng và các công trình đã đưa vào vận hành.

Hiện tại đã có 3 công trình thủy điện được xây dựng và đưa vào vận hành với tổng công suất 3.452 MW, đó là công trình Thủy điện Batang Ai - công suất lắp đặt 108 MW, đưa vào hoạt động năm 1985, Thủy điện Bakun - 2.400 MW, đưa vào hoạt động năm 2011 và Thủy điện Murum - 944 MW, đưa vào hoạt động năm 2014. Còn công trình thủy điện Baleh - 1.285 MW, dự kiến đưa vào hoạt động năm 2027 (xem hình 4).

Thủy điện trong bối cảnh điện gió, mặt trời chiếm ưu thế [Kỳ 7]: Chính sách của Malaysia - Ảnh 4
Hình 4: Các nhà máy thủy điện đang vận hành (Batang Ai, Bakun, Murum) và Thủy điện Baleh dự kiến đưa vào vận hành năm 2027.

Lợi ích của việc phát triển và đưa vào vận hành các nhà máy thủy điện đã làm giảm cường độ phát thải carbon - thời điểm năm 2020 so với năm 2010 đã giảm là 72% (xem hình 5).

Thủy điện trong bối cảnh điện gió, mặt trời chiếm ưu thế [Kỳ 7]: Chính sách của Malaysia - Ảnh 5
Hình 5: Xu hướng cường độ carbon giảm khi các nhà máy thủy điện đi vào vận hành giai đoạn 2010 - 2020.

Xuất khẩu năng lượng:

Với tốc độ phát triển nhanh nguồn điện từ năng lượng tái tạo, trong đó, chủ yếu là thủy điện đã tạo ra cung lớn hơn nhu cầu năng lượng của bang, do đó bang Sarawak đã tăng cường xuất khẩu năng lượng tái tạo sang nước láng giềng Indonesia. Từ năm 2016 đến năm 2021 bang Sarawak đã xuất khẩu cho phía Indonesia trên 7 tỷ kWh, tương đương với mức giảm thiểu 4,4 triệu tấn CO2 (xem hình 5).

Thủy điện trong bối cảnh điện gió, mặt trời chiếm ưu thế [Kỳ 7]: Chính sách của Malaysia - Ảnh 6
Hình 6: Xuất khẩu điện năng cho Indonesia giai đoạn 2016 - 2021.

Kế hoạch phát triển năng lượng hậu Covid-19:

Thực hiện mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050, bang Sarawak sẽ tiếp tục phát triển nguồn năng lượng tái tạo với sự tăng cường tham gia của khu vực tư nhân.

Dự kiến đến năm 2030 bang Sarawak tiếp tục phát triển các dự án năng lượng mặt trời và năng lượng mặt trời nổi với công suất 300 MW, nguồn điện sinh khối đạt khoảng 150 MW và thủy điện mini là 25 MW, đồng thời tăng cường xuất khẩu năng lượng tái tạo với công suất từ 600 đến 1.200 MW cho Indonesia.

Thay cho lời kết:

Malaysia đã đặt ra mục tiêu đạt được carbon trung tính vào năm 2050. Để đạt được mục tiêu đó, với điều kiện thiên nhiên thuận lợi để phát triển nguồn năng lượng tái tạo, bang Sarawak đã xây dựng các nhà máy thủy điện với tổng công suất tính đến năm 2020 chiếm tỷ trọng 68% trong cơ cấu nguồn điện của hệ thống.

Thủy điện là nguồn năng lượng tái tạo, có lượng phát thải carbon thấp. Với hệ thống các nhà máy thủy điện đã đưa vào vận hành, năm 2020 cường độ phát thải carbon giảm đến 72% so với năm 2010.

Ngoài nhu cầu phục vụ điện khí hóa trong nước, bang Sarawak còn là nhà xuất khẩu điện năng lớn sang Indonesia. Và với việc tiếp tục khai thác 8 GW thủy điện - nguồn năng lượng tái tạo sẽ giúp bang Sarawak nói riêng và Malaysia nói chung thực hiện mục tiêu đạt được trung hòa carbon vào năm 2050 như Chính phủ của quốc gia này đã cam kết tại COP26.

Đón đọc kỳ tới...

TS. NGUYỄN HUY HOẠCH - TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Tài liệu tham khảo:

Strategic Role of Renewable Hydropower in Energy Transition. The Sarawak Energy’s Experience. Ir Bunyak Lunyong, Chief Executive Officer SEB Power. Hydro Power Asia Conference 2022. November 7-8 at Sheraton (Hanoi), Vietnam.

Theo Tạp chí Năng lượng Việt Nam

Bạn đang đọc bài viết Thủy điện trong bối cảnh điện gió, mặt trời chiếm ưu thế [Kỳ 7]: Chính sách của Malaysia. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong cảnh báo sớm thiên tai
Bộ Tài nguyên và Môi trường đặt mục tiêu nâng cao độ tin cậy dự báo khí tượng thủy văn hàng ngày trong điều kiện thời tiết bình thường. Đáng chú ý sẽ nâng cao độ tin cậy dự báo khí tượng thủy văn bằng ứng dụng trí tuệ nhân tạo.
Việt Nam quyết tâm sản xuất hydrogen xanh
Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Quyết định số 165/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng hydrogen của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tin mới

Petrovietnam kinh doanh ra sao trong quý I?
Trong quý I/2024, hầu hết các chỉ tiêu sản xuất của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) đều hoàn thành vượt mức kế hoạch. Trong đó, khai thác dầu thô đạt 2,54 triệu tấn, vượt 19,4% .