Thúc đẩy phát triển hợp tác kinh tế Việt Nam - Ấn Độ
Sáng 28/12, Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ phối hợp cùng Hội Hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ tổ chức tọa đàm quốc tế: “Giao lưu kinh tế Việt Nam - Ấn độ: Cơ hội và Thách thức".
Tham dự tọa đàm có đại sứ Ấn Độ Sandeep Arya, Đại sứ Tôn Sinh Thành cùng đại diện các cơ quan tại Việt Nam, các chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế.
Tọa đàm được tổ chức nhằm tạo cơ hội bàn luận, thảo luận về những cơ hội, thách thức trong mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam - Ấn Độ giai đoạn hiện nay, từ đó đề xuất các giải pháp, sáng kiến thúc đẩy hợp tác hai nước nhất là về kinh tế.
Phát biểu tại tọa đàm, PGS.TS Dương Trung Ý – Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đã bày tỏ sự vui mừng với sự hiện diện của đầy đủ các bên trong tọa đàm quốc tế: “Giao lưu kinh tế Việt Nam - Ấn Độ: cơ hội và thách thức”. PGS.TS Dương Trung Ý hy vọng, tọa đàm sẽ góp phần thúc đẩy mối quan hệ hợp tác phát triển toàn diện Việt Nam - Ấn Độ dựa trên những thuận lợi hiện nay.
Đại sứ Sandeep Arya cũng đã tham dự tọa đàm. Đại sứ khẳng định có nhiều tiềm năng phát triển mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Ấn Độ: “Trong mối quan hệ hợp tác kinh tế, Ấn Độ có mối quan hệ với nhiều nước khác nhau. Song, chúng tôi luôn chú trọng những hoạt động hợp tác phát triển kinh tế với Việt Nam. Chúng tôi cảm thấy Chính phủ Ấn Độ luôn giành nhiều cảm tình, mong muốn được đầu tư, hỗ trợ vào thị trường Việt Nam. Qua các số liệu chi tiết trong các báo cáo, tôi thấy rằng có rất nhiều tiềm năng chúng ta có thể khai thác để thúc đẩy hợp tác kinh tế trong thời gian sắp tới. Tôi hy vọng rằng các học giả tại tọa đàm sẽ trao đổi thật cởi mở để đưa ra nhiều ý tưởng mới trong đẩy mạnh phát triển hợp tác kinh tế Việt Nam - Ấn Độ”.
Cũng tại tọa đàm, Đại sứ Tôn Sinh Thành bày tỏ: “Tôi hy vọng tọa đàm của chúng ta sẽ không những chỉ ra được những cơ hội to lớn mà còn thẳng thắn vạch ra những thách thức, vướng mắc cụ thể, để từ đó đề xuất các giải pháp lên chính phủ hai nước nhằm thúc đẩy giao lưu kinh tế giữa hai nước được thuận lợi hơn. Tôi tin tưởng rằng bên cạnh nỗ lực có tính quyết định của doanh nghiệp hai nước, thì sự vào cuộc của chính phủ hai nước là nhân tố hết sức có ý nghĩa để tạo đột phá trong hợp tác kinh tế nhằm làm cho mối quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước thực sự mang tính toàn diện như kỳ vọng của Lãnh đạo và nhân dân hai nước”.
Tọa đàm quốc tế: “Giao lưu kinh tế Việt Nam - Ấn Độ: Cơ hội và thách thức” bao gồm 2 phiên thảo luận chính. Phiên 1 bàn luận về “Quan hệ thương mại – Du lịch” trong mối quan hệ hợp tác Việt Nam - Ấn Độ. Phiên 2 có chủ đề “Đầu tư và chuyển đổi số”. Các chuyên gia đã phát biểu, đưa ra nhiều thuận lợi, khó khăn trong hoạt động hợp tác giữa Việt Nam - Ấn Độ, đồng thời đề xuất các giải pháp mới thúc đẩy giao lưu kinh tế giữa hai nước.
Tại phiên thứ 1, bà Mini Kuman – Bí thư thứ nhất phụ trách kinh tế và thương mại đã chỉ ra một số thách thức trong hoạt động hợp tác giữa Việt Nam – Ấn Độ. Theo bà Mini Kuman, thách thức lớn nhất là về các cơ chế, chính sách cũng như các thủ tục pháp lý giữa hai nước. Cần đưa ra các giải pháp khắc phục, khơi thông chính sách để thúc đẩy hợp tác, giao lưu giữa hai nền kinh tế.
Tại phiên thứ 2, TS. Đặng Thái Bình – Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á đã đưa ra một số sáng kiến thúc đẩy quan hệ hợp tác hai nước. TS. Đặng Thái Bình khẳng định: “Mặc dù thương mại song phương đã tăng trưởng và phát triển, tuy nhiên giá trị thương mại vẫn ở mức thấp cũng như tốc độ tăng trưởng xuất nhập khẩu giữa hai quốc gia chưa ổn định và duy trì ở mức tăng trưởng cao. Mặt khác trong quan hệ thương mại giữa Ấn Độ và Việt Nam cán cân thương mại chưa cân bằng trong đó Việt Nam là quốc gia phải chịu thâm hụt thương mại và hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang Ấn Độ đang bị nhiều rào cản về hải quan, các hàng rào kỹ thuật ...”.
Quan hệ Ấn Độ-Việt Nam đặc biệt thân thiện và thân mật kể từ khi nền tảng của hai quốc gia được đặt ra bởi cha đẻ của hai nước - Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Rajendra Prasad và Thủ tướng Nehru. Trong thời gian gần đây, mối quan về hệ chính trị, ngoại giao giữa Ấn Độ và Việt Nam đã được tăng cường nó được phản ánh trong một số chuyến thăm cấp cao của các nhà lãnh đạo từ cả hai bên. Đồng thời với nó là liên kết thương mại và kinh tế giữa hai quốc gia tiếp tục phát triển.
Trước khi hai quốc gia thiết lập đối tác chiến lược: Thương mại song phương ít (225 triệu USD năm 2000 tăng lên hơn 1 tỷ USD năm 2006); Việt Nam là nước thâm hụt thương mại. Từ khi Việt Nam- Ấn Độ trở thành đối tác chiến lược, quan hệ thương mại song phương giữa Ấn Độ và Việt Nam trong thời gian qua đã tăng trưởng ổn định và không ngừng phát triển. Giai đoạn 2007-2009 giá trị xuất khẩu từ Việt Nam sang Ấn Độ chỉ đạt xấp xỉ 1 tỷ USD thì trong giai đoạn 2011 đến 2013 tăng lên gấp 5 lần (5,69 tỷ).
Linh Chi