Thúc đẩy hợp tác, huy động các nguồn lực đầu tư trong xử lý chất thải rắn
Tăng trưởng kinh tế, quá trình đô thị hóa diễn ra là những áp lực ngày một nặng nề hơn đối với nhiệm thu gom, xử lý nước thải, chất thải rắn sinh hoạt tại các đô thị hiện nay.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, năm 2021, tổng khối lượng chất thải rắn phát sinh trên địa bàn 45/63 tỉnh/thành phố là khoảng 51.586 tấn/ngày. Trong đó khu vực đô thị phát sinh khoảng 31.381 tấn/ngày và khu vực nông thôn khoảng 21.667 tấn/ngày.
Phát biểu tại tọa đàm “Mô hình hợp tác công – tư trong xây dựng và vận hành các nhà máy xử lý nước thải và chất thải rắn tại Việt Nam”, TS Vũ Tiến Lộc, Đại biểu Quốc hội, Uỷ viên Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, Đại diện Uỷ ban PPP, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) dẫn báo cáo của các Sở tài nguyên và môi trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cho biết, hiện nay, lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại các khu đô thị vào khoảng 38.000 tấn/ngày. Chất thải công nghiệp thông thường ước tính khoảng 25 triệu tấn/năm. Chất thải nguy hại phát sinh từ các hoạt động sản xuất công nghiệp, ước tính khoảng 1 triệu tấn/năm.
Trong khi đó, trên cả nước, hiện có 1.322 cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt gồm 381 lò đốt chất thải, 37 dây chuyền chế biến compost, 904 bãi chôn lấp; trong đó, có nhiều bãi chôn lấp không hợp vệ sinh. Tuy nhiên, chất thải rắn sinh hoạt này vẫn chủ yếu được xử lý bằng phương pháp chôn lấp (khoảng 71%). Trong khi việc đầu tư phát triển hệ thống xử lý chất thải rắn sinh hoạt chủ yếu sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước (trong đó vốn vay ODA là chính), nguồn vốn của khu vực kinh tế tư nhân tham gia đầu tư còn rất khiêm tốn.
Đối với lĩnh vực xử lý nước thải, Việt Nam có khoảng hơn 40 nhà máy xử lý nước thải đô thị tập trung đang được vận hành với tổng công suất thiết kế trên 926 nghìn m3/ngày đêm, tỷ lệ nước thải được thu gom và xử lý đối với lượng nước thải được xả thẳng ra hệ thống tiêu thoát nước bề mặt mới chỉ đạt khoảng 13% ...
Bên cạnh đó, song song với việc thu hút, khuyến khích các hoạt động đầu tư, kinh doanh, nhằm đẩy nhanh tăng trưởng kinh tế và đô thị hóa là những áp lực ngày một nặng nề hơn đối với nhiệm thu gom, xử lý nước thải, chất thải rắn đô thị. Ở các nước phát triển, bản thân rác thải, nước thải đã được chuyển thành nguồn tài nguyên tái tạo lớn và những nước này đang hướng tới sang nền kinh tế tuần hoàn, đem lại sự phát triển bền vững.
Khẳng định nhiệm vụ xử lý nước thải và chất thải đang là đang được quan tâm và chú trọng, theo TS Vũ Tiến Lộc, thu hút đầu tư theo phương thức PPP và hoàn thiện chính sách, quy định pháp luật về PPP đối với các Dự án xử lý chất thải và rác thải tái tạo năng lượng là một nhu cầu thiết yếu để thực thi chính sách phát triển nền “Kinh tế tuần hoàn” của Chính phủ.
Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 đã đề ra mục tiêu cụ thể: Đến năm 2030 tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định đạt 95%. Tỷ lệ nước thải đô thị được thu gom và xử lý đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định lần lượt đạt trên 50% đối với đô thị loại II trở lên và 20% đối với các loại đô thị còn lại.
Tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đặt mục tiêu chỉ tiêu xử lý nước thải là 70%. Việc tăng chỉ tiêu từ 15% lên 70% (theo Nghị quyết Đại hội XIII) trong vòng 10 năm tới cần nguồn đầu tư rất lớn, từ 10-20 tỷ USD.
Do đó, để hiện thực hóa mục tiêu trên, ông Lộc cho rằng, cần tìm hiểu giải pháp kỹ thuật, công nghệ, đồng thời nâng cao vai trò cộng đồng, thực hiện xã hội hóa nhằm phát huy mọi nguồn lực tham gia quản lý nước thải và chất thải rắn ngày càng tốt hơn.
“Tuy nhiên, trong thời gian trước đây, việc triển khai hợp tác công tư trong lĩnh vực xử lý nước thải, chất thải rắn chưa có nhiều, có một số dự án thực hiện theo mô hình BT (xây dựng – chuyển giao) chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế”, ông Lộc nhấn mạnh.
Theo đó, đầu tư phát triển hệ thống xử lý chất thải rắn sinh hoạt cũng như nước thải chủ yếu sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước (trong đó vốn vay ODA là chính), trong khi nguồn vốn của khu vực kinh tế tư nhân tham gia đầu tư còn rất khiêm tốn. Đơn cử, đối với nước thải, có 53/69 dự án từ nguồn vốn vay ODA, còn lại là dự án theo hợp đồng đối tác công tư (PPP).
Chia sẻ về chính sách của Nhà nước đối với hợp tác công tư trong lĩnh vực xử lý nước thải và chất thải rắn đô thị, ông Nguyễn Thượng Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho hay, để thực hiện Chính sách thu hút đầu tư trong lĩnh vực xử lý nước thải và xử lý chất thải; nhất là việc huy động nguồn lực từ khu vực tư nhân, xã hội hóa các công trình, dự án đang gặp phải không ít khó khăn, vướng mắc.
Do đó, theo ông Hiền, Nhà nước cần xây dựng chiến lược, quy hoạch hợp lý về phát triển hệ thống hạ tầng cơ sở và hình thành một khung pháp lý rõ ràng cho PPP. Trong đó có các cơ chế, chính sách về tín dụng, phí dịch vụ, đất đai,... để thu hút đầu tư của tư nhân; hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, cơ chế, chính sách, đi kèm với hướng dẫn chi tiết đối với các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước đối với lĩnh vực xử lý nước thải và chất thải rắn đô thị; xây dựng và ban hành hướng dẫn quy trình lựa chọn chủ đầu tư dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo hướng tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư có áp dụng công nghệ sạch, thân thiện với môi trường; đẩy mạnh hình thức đấu thầu rộng rãi lựa chọn nhà đầu tư, ưu tiên đấu thấu quốc tế; hạn chế tối đa tình trạng chỉ định thầu.
Ngoài ra, đối với nhà đầu tư được lựa chọn qua đấu thầu, Nhà nước và nhà đầu tư cần thương thảo các nội dung quan trọng, đặc biệt là phân chia trách nhiệm, cơ chế phối hợp. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cũng cho biết thêm, Bộ Tài nguyên và Môi trường hiện đã ban hành tiêu chí về công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại Thông tư 02/2022/TT-BTNMT, nhà đầu tư có thể sử dụng làm căn cứ để xác định đầu tư loại hình công nghệ phù hợp với đặc thù chất thải rắn sinh hoạt tại Việt Nam.
Lan Anh