Chủ nhật, 24/11/2024 09:27 (GMT+7)
Thứ ba, 29/08/2023 14:55 (GMT+7)

Thúc đẩy dán nhãn sinh thái trong quản lý môi trường tại Việt Nam

Theo dõi KTMT trên

Thông qua hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật hiện hành về dãn nhán sinh thái hướng đến thúc đẩy môi trường bền vững và thói quen tiêu dùng bền vững trong các khu dự trữ sinh quyển thế giới tại Việt Nam

Tóm tắt: Dán nhãn sinh thái là công cụ quản lý môi trường thúc đẩy môi trường bền vững và thói quen tiêu dùng bền vững. Các khu dự trữ sinh quyển thế giới (KDTSQ) tại Việt Nam như Cát Bà, Đồng Nai, Lang Biang và Tây Nghệ An đã triển khai thử nghiệm dán nhãn sinh thái dựa trên tuân thủ quy định của UNESCO và pháp luật Việt Nam. Bài báo trình bày kết quả phân tích các quy định pháp lý về đăng ký và bảo hộ nhãn hiệu, nhãn sinh thái tại Việt Nam. Dựa trên kết quả phân tích, một số quy định pháp luật được kiến nghị hoàn thiện để thúc đẩy việc áp dụng dán nhãn sinh thái tại các KDTSQ tại Việt Nam.

1. Đặt vấn đề

Theo Chương trình Nghị sự 21 và Kế hoạch Hành động của Liên hợp quốc về Phát triển Bền vững, dán nhãn sinh thái được xem là một cách khuyến khích người tiêu dùng áp dụng các mô hình tiêu dùng bền vững hơn bằng cách lựa chọn mua các sản phẩm tiết kiệm tài nguyên và năng lượng. Phương thức này hỗ trợ sự bền vững môi trường bằng cách thúc đẩy người tiêu dùng chọn mua các sản phẩm thân thiện với môi trường, tạo ra thói quen tiêu dùng bền vững hơn (Horne, 2009).

Đối với một số KDTSQ tại Việt Nam như Cát Bà, Đồng Nai, Lang Biang và Tây Nghệ An, việc thử nghiệm dán nhãn sinh thái đã đem lại đa lợi ích cho một số sản phẩm và dịch vụ bao gồm: (i) Sản phẩm được nhà nước bảo hộ và chứng nhận nhãn hiệu hợp pháp; (ii) Mở rộng hoạt động kinh doanh và giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng; (iii) Nâng cao chất lượng sản phẩm và cung cấp thông tin cho người tiêu dùng; (iv) Bảo vệ môi trường; (v) Góp phần thay đổi nhận thức của người tiêu dùng; (vi) Góp phần quảng bá giá trị văn hóa, du lịch và hình ảnh của địa phương và KDTSQ; (vii) Việc dán nhãn sinh thái kết hợp với tem truy xuất nguồn gốc giúp người tiêu dùng nắm bắt rõ nguồn gốc thông tin sản phẩm của KDTSQ (Hà Văn Định và nnk., 2019, 2021).

Việc thiết kế nhãn sinh thái có lồng ghép, sử dụng hình ảnh biểu trưng của KDTSQ kèm theo các điều kiện sinh thái, môi trường và yếu tố khác do KDTSQ đó quy định, để gán cho sản phẩm, dịch vụ đáp ứng các yêu cầu. Để áp dụng thành công tại Việt Nam, một trong những điều kiện quan trọng là phải đồng thời tuân thủ các quy định của UNESCO và các quy định pháp luật của Nhà nước Việt Nam. Bài báo này trình bày các kết quả phân tích các vấn đề liên quan đến đăng ký và bảo hộ nhãn hiệu, nhãn sinh thái, đã được quy định trong một số văn bản pháp luật hiện hành của Việt Nam, và đề xuất một số giải pháp để tạo ra hành lang pháp lý thúc đẩy việc dán nhãn sinh thái và sử dụng biểu trưng của KDTSQ cho các sản phẩm và dịch vụ tại các KDTSQ tại Việt Nam.

2. Quy định của UNESCO về nhãn sinh thái có sử dụng biểu trưng của KDTSQ

Theo UNESCO (2019), nhãn sinh thái được phân loại thành ba loại: (i) Nhãn hiệu địa lý liên quan ranh giới KDTSQ, (ii) Nhãn hiệu chất lượng KDTSQ và (iii) Nhãn hiệu chứng nhận chuyên nghiệp. Cụ thể:

- Nhãn địa lý KDTSQ (nhãn loại 1): Sử dụng bởi các doanh nghiệp và tổ chức từ KDTSQ hoạt động trong phạm vi địa lý của KDTSQ hoặc khu vực xác định trước. Mục tiêu chủ yếu là quảng bá sản phẩm và dịch vụ địa phương trong phạm vi KDTSQ. Quy trình áp dụng dễ dàng vì không yêu cầu xác minh hoặc giám sát, nhưng không đảm bảo tính bền vững môi trường hoặc cải thiện các giá trị xã hội.

- Nhãn chất lượng KDTSQ (nhãn loại 2): Áp dụng cho các sản phẩm và dịch vụ tuân thủ tiêu chí đã xác định trước, đảm bảo chất lượng và quy trình sản xuất. Để phát triển nhãn này, cần đặt ra các tiêu chí phải đáp ứng bởi các doanh nghiệp muốn sử dụng nhãn, dựa trên nghiên cứu kỹ lưỡng về bối cảnh địa phương. Yêu cầu đơn giản về bảo vệ môi trường, tuy nhiên  yêu cầu nghiêm ngặt sẽ làm giảm số lượng công ty sử dụng nhãn và làm giảm tác động thực sự.

- Nhãn chứng nhận chuyên nghiệp (nhãn loại 3): Là loại nhãn sinh thái nghiêm ngặt nhất, tích hợp nhãn chất lượng KDTSQ với các nhãn chứng nhận tiêu chuẩn quốc tế. Bằng cách tuân thủ các tiêu chí và yêu cầu do tổ chức chứng nhận độc lập đặt ra ngoài KDTSQ, đảm bảo tính bền vững và giám sát chặt chẽ vòng đời của các sản phẩm và dịch vụ được dán nhãn.

Như vậy, nhãn sinh thái được cấp cho các sản phẩm và dịch vụ tại các KDTSQ cần đáp ứng một số tiêu chí nhất định. Nhãn này giúp thúc đẩy quyền và trách nhiệm quản lý của các cộng đồng địa phương đối với KDTSQ, bảo vệ đa dạng sinh học và thúc đẩy phát triển bền vững cấp địa phương. Việc áp dụng biểu trưng của KDTSQ trong nhãn sinh thái được xác định bởi các quy định và cơ quan quản lý liên quan của từng quốc gia, dựa trên nguyên tắc và tiêu chuẩn quốc tế của UNESCO.

3. Đăng ký, bảo hộ nhãn hiệu, nhãn sinh thái được quy định trong văn bản pháp luật hiện hành của Việt Nam

Vấn đề đăng ký, bảo hộ nhãn hiệu, nhãn sinh thái đã được quy định trong một số văn bản pháp luật hiện hành của Việt Nam, trong đó có các nội dung cơ bản sau:

- Về định nghĩa: Nhãn sinh thái (còn gọi là nhãn xanh, nhãn môi trường) là các nhãn mác của sản phẩm, dịch vụ cung cấp thông tin cho người tiêu dùng về sự thân thiện với môi trường hơn so với các sản phẩm, dịch vụ cùng loại (Thông tư số 19/2009/TT-BKHCN ngày 30/6/2009 của Bộ Khoa học và Công nghệ quy định các biện pháp quản lý chất lượng đối với sản phẩm, hàng hóa cần tăng cường quản lý trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường).

- Phân loại nhãn sinh thái: nhãn sinh thái gồm 3 loại: (i) Nhãn kiểu I là nhãn được chứng nhận, cấp cho sản phẩm của doanh nghiệp sản xuất; (ii) Nhãn kiểu II là nhãn tự công bố, do các doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp nhập khẩu và doanh nghiệp phân phối đưa ra dựa trên kết quả tự đánh giá hoặc đánh giá của bên thứ ba; (iii) Nhãn kiểu III là nhãn tự nguyện của doanh nghiệp sản xuất và cung ứng cho người tiêu dùng theo chương trình tự nguyện của ngành kinh tế và các tổ chức kinh tế đề xuất (Thông tư số 19/2009/TT-BKHCN ngày 30/6/2009).

- Quy định quyền và lợi ích hợp pháp của các bên khi đăng kí nhãn hiệu hoặc nhãn sinh thái và điều kiện bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp: Luật Sở hữu trí tuệ ngày 29/11/2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ ngày 19/6/2009; được sửa đổi, bổ sung tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ số 42/2019/QH14 ngày 14/6/2019 quy định về quyền tác giả, quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng và việc bảo hộ các quyền đó. Trong đó, quyền sở hữu công nghiệp là quyền của tổ chức, cá nhân đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh. Các quy định về điều kiện bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp và các đối tượng không được bảo hộ.

- Thúc đẩy phát triển sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường và các hoạt động mua sắm xanh, sản xuất, tiêu dùng bền vững, chương trình nhãn xanh: Nghị định 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước mua sắm xanh, sử dụng các sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường được chứng nhận Nhãn sinh thái Việt Nam. Chương trình cấp nhãn sinh thái được quy định chi tiết tại Quyết định số 253/QĐ-BTNMT ngày 05/3/2009 của Bộ Tài nguyên và Môi trường bao gồm những nội dung sau: Tên gọi, biểu tượng của nhãn sinh thái; Mục tiêu; Nguyên tắc hoạt động; Nội dung triển khai chương trình; Thời gian, phạm vi thực hiện; Nguồn kinh phí và Cơ chế thực hiện; Tổ chức thực hiện.

- Quy định trình tự, thủ tục, chứng nhận nhãn sinh thái cho sản phẩm thân thiện với môi trường: Thông tư số 41/2013/TT-BTNMT ngày 02/12/2013 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định trình tự, thủ tục, chứng nhận nhãn sinh thái cho sản phẩm thân thiện với môi trường gồm các nội dung sau: (1) Hồ sơ đăng ký chứng nhận Nhãn xanh Việt Nam; (2) Quy trình chứng nhận Nhãn xanh Việt Nam; (3) Quyết định chứng nhận Nhãn xanh Việt Nam; (4) Chứng nhận lại sản phẩm đạt tiêu chí Nhãn xanh Việt Nam; (5) Gắn Nhãn xanh Việt Nam; (6) Giám sát sử dụng Nhãn xanh Việt Nam; (7) Thu hồi Quyết định chứng nhận Nhãn xanh Việt Nam. Nghị định 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 cũng quy định về trình tự, thủ tục chứng nhận nhãn sinh thái Việt Nam.

Thúc đẩy dán nhãn sinh thái trong quản lý môi trường tại Việt Nam - Ảnh 1
Hình 1. Quy trình chứng nhận Nhãn xanh Việt Nam

- Tiêu chí cấp nhãn sinh thái: Nhãn sinh thái Việt Nam là nhãn được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam chứng nhận cho sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường. Việc quan trắc, phân tích, đánh giá sự phù hợp để đối chứng với tiêu chí Nhãn sinh thái Việt Nam đối với sản phẩm, dịch vụ phải được thực hiện bởi tổ chức quan trắc môi trường theo quy định của Luật này và tổ chức đánh giá sự phù hợp theo quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, pháp luật về đo lường và pháp luật khác có liên quan (Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14 ngày 17/11/2020).

Quyết định số 253/QĐ-BTNMT ngày 05/3/2009 quy định đối tượng, tiêu chí dán nhãn như sau: (i) Chỉ cấp “Nhãn xanh Việt Nam” cho những sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường; không cấp “Nhãn xanh Việt Nam” cho các sản phẩm là các hóa chất hay các tiền chất thuộc nhóm chất rất độc hại, nguy hiểm với môi trường và sức khỏe con người; (ii) Số lượng nhóm sản phẩm, dịch vụ được cấp “Nhãn xanh Việt Nam” được quyết định theo từng thời kỳ dựa trên nhu cầu, năng lực của doanh nghiệp, khả năng tổ chức, thử nghiệm, đánh giá và quản lý hoạt động cấp nhãn; phù hợp với những thay đổi của thị trường, thay đổi của công nghệ, thay đổi của tình trạng tài nguyên và môi trường và thay đổi của nhận thức xã hội; (iii) Tiêu chí cấp “Nhãn xanh Việt Nam” phải rõ ràng, minh bạch, có tính định lượng, dễ áp dụng; có sự tham gia của các ngành, tổ chức liên quan, ý kiến tham vấn của cộng đồng trong việc xây dựng tiêu chí cấp nhãn. Định kỳ xem xét, đánh giá, sửa đổi (nếu cần thiết) các tiêu chí cấp nhãn; (iv) Đảm bảo sự phù hợp với ISO 14020, ISO 14024 và các tiêu chuẩn liên quan khác, đáp ứng các yêu cầu của WTO về hàng rào kỹ thuật trong thương mại; (v) Đảm bảo tính pháp lý và hoạt động độc lập của tổ chức cấp nhãn sinh thái.

Thông tư số 41/2013/TT-BTNMT ngày 02 tháng 12 năm 2013 của Bộ Tài nguyên và Môi trường đề cập tiêu chí Nhãn xanh Việt Nam bao gồm các nội dung sau: (i) Tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường và lao động của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh (sau đây gọi tắt là doanh nghiệp); (ii) Tác động của toàn bộ vòng đời sản phẩm từ quá trình khai thác nguyên liệu, sản xuất, phân phối, sử dụng và sau khi thải bỏ gây hại ít hơn cho môi trường so với sản phẩm cùng loại; (iii) Tiêu chí Nhãn xanh Việt Nam tương ứng cho từng nhóm sản phẩm do Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố.

Đến nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng và ban hành 17 bộ tiêu chí nhãn xanh dựa trên việc đánh giá khả năng kiểm soát, hạn chế tác động đối với môi trường của các loại sản phẩm/dịch vụ theo quan điểm xem xét toàn bộ vòng đời sản phẩm (LCA), cụ thể:

+ Quyết định số 154/QĐBTNMT ngày 25/01/2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường: Các tiêu chí nhãn xanh: 1. NXVN 01: 2014 – bột giặt; 2. NXVN 02: 2014 – bóng đèn huỳnh quang; 3. NXVN 03: 2014 – Bao bì nhựa tự phân hủy sinh học; 4. NXVN 04: 2014 – bao bì giấy tổng hợp dùng để đóng gói thực phẩm; 5. NXVN 05: 2014 - Vật liệu lợp, ốp, lát thuộc vật liệu gốm xây dựng; 6. NXVN 06: 2014 - Ắc quy; 7. NXVN 07: 2014 – Giấy văn phòng; 8. NXVN 08: 2014 – Chăm sóc tóc; 9. NXVN 09: 2014 – Xà phòng bánh; 10. NXVN 10: 2014 - Nước rửa bát bằng tay; 11. NXVN 11: 2014 - Sơn phủ dùng trong xây dựng; 12. NXVN 12: 2014 - Máy tính xách tay; 13. NXVN 13: 2014 - Hộp mực in dùng cho máy in, máy photocopy và máy fax; 14. NXVN 14: 2014 – Máy in.

+ Quyết định số 2186/QĐBTNMT ngày 11/09/2017 của Bộ Tài nguyên và Môi trường: Ban hành các tiêu chí nhãn xanh Việt Nam đối với các sản phẩm: ắc quy (NXVN 15: 2017), máy photo (NXVN 16: 2017), bóng đèn LED và mô đun LED dùng cho chiếu sáng thông dụng (NXVN 17: 2017).

Trong đó các tiêu chí chung đối cho chứng nhận nhãn xanh bao gồm:

+ Doanh nghiệp trong nước đề nghị chứng nhận Nhãn xanh Việt Nam

  • Tuân thủ quy định của pháp luật về thực hiện đánh giá tác động môi trường hoặc kế hoạch bảo vệ môi trường hoặc các quy định tương đương.
  • Tuân thủ quy định của pháp luật về quan trắc, thông tin và báo cáo môi trường.
  • Tuân thủ việc xả nước thải theo như các cam kết trong báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc bản cam kết bảo vệ môi trường đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, xác nhận.
  • Đã được cấp mã số quản lý chất thải nguy hại và có sổ đăng ký chủ nguồn thải đối với trường hợp có phát thải các chất thải nguy hại được quy định tại Phụ lục 8: Danh mục chất thải nguy hại ban hành kèm theo Thông tư 12/2011/TT-BTNMT ngày 14 tháng 4 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về quản lý chất thải nguy hại.
  • Tuân thủ các quy định của pháp luật quản lý về nước thải, khí thải và chất thải rắn.
  • Tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường đối với các khu công nghiệp nếu cơ sở sản xuất nằm tại khu công nghiệp.
  • Tuân thủ các quy định về quản lý và sử dụng hóa chất (khai báo sử dụng hóa chất, có phiếu thông tin an toàn hóa chất, sử dụng và lưu giữ hóa chất, phân loại và ghi nhãn hóa chất, v.v…).
  • Thực hiện đầy đủ nghĩa vụ về tài chính liên quan đến hoạt động bảo vệ môi trường, nghĩa vụ nộp thuế theo quy định của pháp luật.
  • Tuân thủ các quy định pháp luật về lao động, đảm bảo an toàn - vệ sinh lao động và các quyền lợi chính đáng của người lao động.

+ Doanh nghiệp nhập khẩu đề nghị chứng nhận Nhãn xanh Việt Nam

  • Cơ sở sản xuất sản phẩm được nhập khẩu phải tuân thủ các yêu cầu, quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, trách nhiệm xã hội tại nơi có trụ sở sản xuất.
  • Cơ sở sản xuất sản phẩm được nhập khẩu có chứng nhận chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn quốc tế ISO 14001: 2004 còn hiệu lực do tổ chức là thành viên của Diễn đàn Công nhận quốc tế (IAF), Hiệp hội Công nhận Thái Bình Dương (PAC) cấp; hoặc tiêu chuẩn tương đương.

Thông tư 02/2022/TT-BTNMT ngày 10/01/2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường là văn bản mới nhất quy định tiêu chí Nhãn sinh thái Việt Nam. Theo đó, tiêu chí Nhãn sinh thái Việt Nam được xây dựng trên cơ sở đánh giá tác động của toàn bộ vòng đời sản phẩm, dịch vụ từ quá trình khai thác nguyên liệu, sản xuất, phân phối, sử dụng và tái chế sau khi thải bỏ gây hại ít hơn cho môi trường so với sản phẩm cùng loại. Tiêu chí Nhãn sinh thái Việt Nam là căn cứ để đánh giá sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường, được công bố đối với từng nhóm sản phẩm, dịch vụ.

Việc đánh giá sản phẩm, dịch vụ đáp ứng bộ tiêu chí Nhãn sinh thái Việt Nam thực hiện theo trình tự sau: thành lập hội đồng đánh giá; tiến hành khảo sát thực tế; họp hội đồng đánh giá; trong trường hợp cần thiết, tổ chức đánh giá sự phù hợp với bộ tiêu chí Nhãn sinh thái Việt Nam.

Đối với các cơ sở lưu trú du lịch tại Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 1355/QĐ-BVHTTDL ngày 12/4/2012 của Bộ về tiêu chí Nhãn Du lịch bền vững Bông sen xanh. Nhãn Du lịch bền vững Bông sen xanh (sau đây gọi là Nhãn Bông sen xanh) được chỉ rõ “là nhãn hiệu cấp cho các cơ sở lưu trú du lịch (viết tắt là CSLTDL) đạt tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. CSLTDL được cấp Nhãn Bông sen xanh là đơn vị đã có những nỗ lực trong việc bảo vệ môi trường, sử dụng hiệu quả tài nguyên, năng lượng, góp phần bảo vệ các di sản, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương và phát triển du lịch bền vững”.

Nhãn Bông sen xanh có 5 cấp độ, từ 1 Bông sen xanh đến 5 Bông sen xanh. Số lượng Bông sen xanh ghi nhận mức độ nỗ lực trong bảo vệ môi trường và phát triển bền vững của CSLTDL, không phụ thuộc vào loại, hạng mà CSLTDL đó đã được công nhận.

Bên cạnh đó, nhằm nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, phát triển du lịch có trách nhiệm ở Việt Nam, Tổng cục Du lịch được sự hỗ trợ của Cơ quan Hợp tác phát triển Quốc tế Tây Ban Nha (AECID) cũng đã xây dựng các Bộ tiêu chí Nhãn Du lịch xanh cho 4 loại cơ sở dịch vụ du lịch: nhà hàng phục vụ khách du lịch, cửa hàng mua sắm phục vụ khách du lịch, điểm dừng chân phục vụ khách du lịch, điểm tham quan du lịch.

Nhãn Du lịch xanh là nhãn hiệu cấp cho 4 loại cơ sở dịch vụ du lịch với điều kiện đảm bảo đạt được các quy định của Bộ tiêu chí tương ứng (trong đó đạt 100% các tiêu chí bắt buộc và 80% tổng các tiêu chí chấm điểm được đánh giá theo các nhóm tiêu chí). Cơ sở dịch vụ du lịch được cấp Nhãn Du lịch xanh là những cơ sở có nỗ lực trong việc bảo vệ môi trường, sử dụng hiệu quả tài nguyên, năng lượng, góp phần bảo vệ các di sản, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương/quốc gia và phát triển du lịch bền vững.

Bên cạnh đó, còn có nhiều văn bản khác liên quan đến dán nhãn sinh thái như: Luật Đa dạng sinh học số 20/2008/QH12 ngày 13 tháng 11 năm 2008; Luật Lâm nghiệp số 16/2017/QH14 ngày 15 tháng 11 năm 2017; Luật Thủy sản số 18/2017/QH14 ngày 21 tháng 11 năm 2017; Luật Trồng trọt số 31/2018/QH 14 ngày 19 tháng 11 năm 2018; Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14 tháng 4 năm 2017 của Chính phủ về Nhãn hàng hóa; Nghị định 109/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 về Nông nghiệp hữu cơ; Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN ngày 14 tháng 02 năm 2007 của Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn thi hành Nghị định số 103/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ; được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 13/2010/TT-BKHCN ngày 20/02/2010, Thông tư số 18/2011/TT-BKHCN ngày 22/07/2011, Thông tư số 05/2013/TT-BKHCN ngày 20/02 /2013, Thông tư số 16/2016/TT-BKHCN ngày 30/6/2016; Thông tư số 16/2019/TT-BNNPTNT ngày 01 tháng 11 năm 2019 Quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 109/2018/NĐ-CP ngày 29 tháng 8 năm 2018 của Chính phủ về nông nghiệp hữu cơ; Quyết định 418/QĐ-TTg ngày 11 tháng 4 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2011-2020; Quyết định số 1356/QĐ-BVHTTDL ngày 12/4/2012 về việc quy định trình tự, thủ tục đánh giá và cấp thí điểm Chứng nhận Nhãn Du lịch bền vững Bông sen xanh cho các cơ sở lưu trú du lịch tại Việt Nam,... Các văn bản quy định về: Chứng nhận kinh doanh các loại sản phẩm, dịch vụ; Chứng nhận về vệ sinh an toàn thực phẩm (Cho các sản phẩm nông nghiệp, thủy sản), Quy định về cam kết bảo vệ môi trường, đánh giá tác động môi trường, Các tiêu chuẩn, quy chuẩn ngành Quốc gia đối với từng loại sản phẩm,...

Ngoài ra, các KDTSQ cũng đã xây dựng quy chế, kế hoạch quản lý kể từ khi công nhận đến nay như: KDTSQ Quần đảo Cát Bà (Tại quyết định số 2501/QĐ-UBND ngày 14/11/2014 của UBND thành phố Hải Phòng); KDTSQ Tây Nghệ An (Tại Quyết định số 4116/QĐ-UBND ngày 08/9/2017 của UBND tỉnh Nghệ An); KDTSQ Cù Lao Chàm – Hội An (Tại Quyết định số 04/2015/QĐ-UBND ngày 25/5/2015 của UBND thành phố Hội An); KDTSQ Rừng ngập mặn Cần Giờ (Tại Quyết định số 05/2008/QĐ-UBND ngày 21/01/2008 của UBND thành phố Hồ Chí Minh); KDTSQ Lang Biang (Tại Quyết định số 786/QĐ-UBND ngày 27/04/2018 của UBND tỉnh Lâm Đồng; KDTSQ Đồng Nai (Tại quyết định số 62/2012/QĐ-UBND ngày 29/12/2012 của UBND tỉnh Đồng Nai); KDTSQ Mũi Cà Mau (Tại Quyết định số 1142/QĐ-UBND ngày 09/8/2012 của UBND tỉnh Cà Mau) (Website của các KDTSQ), đây cũng là yếu tố cần xem xét khi phát triển dán nhãn sinh thái cho sản phẩm, dịch vụ có sử dụng biểu trưng của các KDTSQ.

4. Một số khuyến nghị

Nhãn sinh thái là một công cụ quản lý môi trường giúp thúc đẩy sự bền vững môi trường và tạo ra thói quen tiêu dùng bền vững. Việt Nam đã có những văn bản pháp luật quy định chi tiết về việc đăng ký nhãn hiệu và nhãn sinh thái cho các sản phẩm thân thiện môi trường nói chung. Đồng thời, tại các KDTSQ, các văn bản pháp luật liên quan đến quy chế và kế hoạch quản lý đã đưa ra mục tiêu quản lý cụ thể.

Triển khai dán nhãn sinh thái cho các sản phẩm và dịch vụ tại các KDTSQ là một vấn đề mới tại Việt Nam. Việc này cần hoàn thiện một số quy định pháp luật để đảm bảo hiệu quả và sự thành công trong thực hiện:

(i) Để thúc đẩy việc áp dụng dán nhãn sinh thái tại các KDTSQ, cần tuân thủ các quy định của UNESCO (2019) về phân loại và sử dụng nhãn sinh thái gắn với biểu trưng của KDTSQ. Việc tuân thủ và thực hiện các cam kết về bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học và sử dụng bền vững tài nguyên trong các KDTSQ tại Việt Nam là điều quan trọng.

(ii) Xây dựng quy trình đăng ký và chứng nhận nhãn sinh thái. Cần xây dựng quy trình rõ ràng và minh bạch để đăng ký và chứng nhận các nhãn hiệu, nhãn sinh thái cho sản phẩm và dịch vụ tại các KDTSQ. Điều này giúp đảm bảo rằng các sản phẩm, dịch vụ này không gây hại đến môi trường và tuân thủ các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường cần thiết.

(iii) Xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn chi tiết việc đăng ký và chứng nhận nhãn sinh thái cho các sản phẩm và dịch vụ tại các KDTSQ. Quy định quy trình cụ thể hoặc bộ sổ tay hướng dẫn chung cho việc xây dựng, sử dụng và quản lý nhãn sinh thái có gắn biểu trưng của KDTSQ cũng cần được xác định rõ.

(iv) Các chính sách phát triển nhãn hiệu, nhãn sinh thái được chú trọng thông qua việc thành lập Ban quản lý KDTSQ, Kế hoạch phát triển KDTSQ, và các phương tiện phát triển bền vững có lồng ghép phát triển nhãn sinh thái.

(v) Để đáp ứng các yêu cầu và khuyến khích việc dán nhãn sinh thái, cần xây dựng các quy định tháo gỡ khó khăn và vướng mắc trong việc xét duyệt các tiêu chí cho các sản phẩm của các cá nhân và tập thể đăng ký tại các KDTSQ đã được cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu.

(vi) Thực hiện cơ chế giám sát và kiểm tra thường xuyên là cần thiết để đảm bảo rằng các sản phẩm và dịch vụ đã được chứng nhận vẫn tuân thủ các yêu cầu bảo vệ môi trường và sử dụng bền vững tài nguyên trong KDTSQ.

(vii) Tăng cường nhận thức và giáo dục thúc đẩy việc áp dụng dán nhãn sinh thái tại các KDTSQ. Giáo dục và nâng cao nhận thức của cộng đồng và các doanh nghiệp trong KDTSQ về quy trình đăng ký, chứng nhận nhãn hiệu, nhãn sinh thái cũng như các lợi ích của việc thực hiện bền vững có thể giúp nâng cao chất lượng và uy tín của các sản phẩm và dịch vụ.

Tài liệu tham khảo

[1] Horne, R.E. (2009). Limits to labels: The role of eco-labels in the assessment of product sustainability and routes to sustainable consumption. International Journal of Consumer Studies, 33(2), 175-182.

[2] Hà Văn Định, Ngô Huy Kiên, Nguyễn Hùng Cường, Cao Phương Nhung, Nguyễn Bảo Châm, Lại Thế Hà, Ngô Ngọc Diệp, Hoàng Công Mệnh, Vũ Anh Tú, Bùi Mạnh Thắng ,năm 2019, Thúc đẩy nhãn sinh thái và vấn đề giảm thiểu rác thải nhựa tại các Khu dự trữ sinh quyển thế giới của Việt Nam, Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Quốc tế “Ô nhiễm rác thải nhựa trên biển Việt Nam: Thực trạng và giải pháp” do Viện Tài nguyên và Môi trường, VNU và Tổng cục Biển và Hải đảo (Bộ Tài nguyên và Môi trường) và Viện Kỹ thuật Nhiệt đới tổ chức, tr. 272-284.

[3] Hà Văn Định, Nguyễn An Thịnh, Lê Ngọc Ánh (2021). Dán nhãn sinh thái để phát triển kinh tế xanh tại khu vực vùng đệm và vùng chuyển tiếp của khu dự trữ sinh quyển thế giới tại Việt Nam. VNU Journal of Economics and Business, 1(3), 10-17.

[4] UNESCO (2019). Good practices on applying eco-labelling in Asia and the Pacific Biosphere Reserves. UNESCO Office in Jakarta. 51 pages.

Hà Văn Định, Ngô Huy Kiên

Viện Quy hoạch và Thiết kế Nông nghiệp
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Hàng Chuối, Hai Bà Trưng, Hà Nội 

Bạn đang đọc bài viết Thúc đẩy dán nhãn sinh thái trong quản lý môi trường tại Việt Nam. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới