Việt Nam có số lượng Khu dự trữ sinh quyển đứng thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á
Việt Nam hiện có 11 Khu dự trữ sinh quyển thế giới với tổng diện tích khoảng 4.866.009 ha, chiếm khoảng 14,69% diện tích tự nhiên, trở thành quốc gia có số lượng có Khu dự trữ sinh quyển đứng thứ hai trong khu vực Đông Nam Á, chỉ sau Indonesia.
Trong suốt hơn 20 năm qua, hệ thống khu dự trữ sinh quyển Việt Nam đã được phát triển, mở rộng, đến nay Việt Nam có tổng số 11 khu dự trữ sinh quyển đã được UNESCO công nhận, trở thành quốc gia có số lượng khu Dự trữ sinh quyển lớn thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á.
11 Khu dự trữ sinh quyển (KDTSQ) của Việt Nam thế giới được UNESCO công nhận, bao gồm: KDTSQ rừng ngập mặn Cần Giờ (2000), KDTSQ Đồng Nai (2001, 2011), KDTSQ Quần đảo Cát Bà (2004), KDTSQ đất ngập nước ven biển liên tỉnh châu thổ Sông Hồng (2004), KDTSQ ven biển và biển đảo Kiên Giang (2006), KDTSQ Miền Tây Nghệ An (2007), KDTSQ Cù Lao Chàm – Hội An (2009), KDTSQ Mũi Cà Mau (2009), KDTSQ Lang Biang (2015), KDTSQ Núi Chúa (2021) và KDTSQ Cao nguyên Kon Hà Nừng (2021). Tổng diện tích của 11 KDTSQ thế giới tại Việt Nam là 4.866.009 ha (chiếm khoảng 14,69% diện tích tự nhiên của cả nước).
Các Khu dự trữ sinh quyển của Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong bảo tồn thiên nhiên và góp phần thúc đẩy đạt mục tiêu bền vững của quốc gia.
Trong thời gian qua, chính sách và hành lang pháp lý của Việt Nam nhằm hỗ trợ quản lý các Khu dự trữ sinh quyển đã từng bước được thiết lập. Giúp tăng cường hiệu quả quản lý các Khu dự trữ sinh quyển là một nhiệm vụ được đặt ra trong Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030.
Mặc dù vậy, Việt Nam vẫn đang đối mặt với tình trạng suy thoái về đa dạng sinh học cùng với những thách thức to lớn khác như đại dịch Covid-19, ô nhiễm môi trường và nguồn nước, suy thoái đất đai, rác thải nhựa đại dương và những ảnh hưởng cực đoan của biến đổi khí hậu.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đang tiếp tục hướng dẫn đề cử, quản lý các khu dự trữ sinh quyển thế giới, phấn đấu đến năm 2030 có 15 khu dự trữ sinh quyển thế giới được UNESCO công nhận.
Trong 11 Khu dự trữ sinh quyển của Việt Nam, Cát Bà đã được Ủy ban UNESCO thế giới công nhận, đặt dấu mốc quan trọng cho công tác bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển bền vững kinh tế - xã hội của thành phố.
Chia sẻ về công tác bảo tồn tại đây, ông Nguyễn Đức Thọ, Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng cho biết, kể từ ngày thành lập, việc bảo tồn đa dạng sinh học được triển khai hiệu quả, đúng quy định theo các phân vùng của Khu dự trữ sinh quyển.
Các dự án trồng rừng, làm giàu rừng được thực hiện đã làm phong phú thêm các thảm thực vật, tạo điều kiện thuận lợi về môi trường sống cho các loài động vật đặc hữu phát triển.
Chương trình phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tăng cường cam kết về thiên nhiên và con người tại Việt Nam
Về kế hoạch thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường thông tin đang tiếp tục hướng dẫn đề cử, quản lý các khu dự trữ sinh quyển thế giới, phấn đấu đến năm 2030 có 15 khu dự trữ sinh quyển thế giới được UNESCO công nhận và nâng cao hiệu quả quản lý.
Đồng thời, Bộ sẽ hỗ trợ triển khai các hoạt động bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học và quản lý Khu dự trữ sinh quyển tại Tây Nghệ An, Cù lao chàm - Hội An, Đồng Nai.
Đây là các hoạt động nằm trong khuôn khổ Dự án “Lồng ghép quản lý tài nguyên thiên nhiên và các mục tiêu về bảo tồn đa dạng sinh học vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quản lý các khu dự trữ sinh quyển ở Việt Nam” (Dự án BR) do Quỹ Môi trường Toàn cầu tài trợ thông qua Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam, thực hiện từ 2020 – 2024.
UNDP là tổ chức quốc tế có nhiều cam kết trong việc gây dựng mối quan hệ bền vững giữa con người và thiên nhiên trong 44 năm hoạt động tại Việt Nam.
Trong đó, các cam kết tiêu biểu có thể kể đến như thiết lập các khu bảo tồn đất ngập nước tại Thái Bình và Thừa Thiên Huế; phục hồi đa dạng sinh học rừng và cải thiện các dịch vụ hệ sinh thái; tăng cường khả năng chống chịu cho các mô hình sản xuất lương thực và chuỗi cung ứng tại Tây Nguyên; thúc đẩy chia sẻ lợi ích từ việc sử dụng kiến thức bản địa về nguồn gen cho các cộng đồng địa phương tại khu vực miền núi phía Bắc.
Bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam cho rằng: Các nhà lãnh đạo quốc gia và địa phương đóng vai trò quan trọng trong việc định hình tương lai của các khu dự trữ sinh quyển.
Tại phiên họp thứ 41 (năm 2021), Đại hội đồng UNESCO đã chọn ngày 3/11 hàng năm là Ngày Quốc tế về Khu dự trữ sinh quyển nhằm thúc đẩy bảo tồn thiên nhiên và phát triển bền vững trên toàn cầu. Năm 2022, ngày Quốc tế về Khu dự trữ sinh quyển lần đầu tiên được tổ chức tại nhiều quốc gia trên khắp các châu lục một lần nữa khẳng định ý nghĩa quan trọng của lối sống bền vững, hài hòa với thiên nhiên; sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và ứng phó với biến đổi khí hậu; nhấn mạnh đa dạng sinh học chính là nền tảng để con người xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn và các giải pháp dựa vào thiên nhiên để giải quyết các vấn đề toàn cầu về khí hậu, sức khỏe, an ninh lương thực, nguồn nước và sinh kế bền vững cho người dân, qua đó giữ gìn hành tinh xanh cho các thế hệ mai sau.
Khu dự trữ sinh quyển thế giới là một danh hiệu do UNESCO trao tặng cho các khu vực có giá trị đặc biệt về thiên nhiên và đa dạng sinh học nhằm thúc đẩy các thực hiện các giải pháp hài hòa việc bảo tồn và phát triển.
Mạng lưới Khu dự trữ sinh quyển được thành lập năm 1976 đến nay với các nước thành viên khắp châu lục đã đóng góp quan trọng tới việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.
Tại Việt Nam, Khu dự trữ sinh quyển thế giới đầu tiên được công nhận là Rừng ngập mặn Cần Giờ vào năm 2000. Sau 22 năm phát triển, Việt Nam đã có một hệ thống bao gồm 11 Khu dự trữ sinh quyển thế giới được UNESCO công nhận, gồm:
Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ (2000), Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai (2001, 2011), Khu dự trữ sinh quyển Quần đảo Cát Bà (2004), Khu dự trữ sinh quyển đất ngập nước ven biển liên tỉnh châu thổ Sông Hồng (2004), Khu dự trữ sinh quyển ven biển và biển đảo Kiên Giang (2006), Khu dự trữ sinh quyển Miền Tây Nghệ An (2007), Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm – Hội An (2009), Khu dự trữ sinh quyển Mũi Cà Mau (2009), Khu dự trữ sinh quyển Lang Biang (2015), Khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa (2021) và Khu dự trữ sinh quyển Cao nguyên Kon Hà Nừng (2021).
Hải Anh