Thừa Thiên - Huế tích cực triển khai đề án giao thông công cộng theo hướng giao thông xanh
Vừa qua, viện Nghiên cứu phát triển tỉnh phối hợp với UBND TP. Huế, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh và Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tổ chức hội thảo “Giao thông điện góp phần thúc đẩy phát triển thành phố Huế xanh”.
Hội thảo là một phần của dự án “Thúc đẩy chuyển dịch bền vững giao thông bằng điện ở Việt Nam” do Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ, nhằm giảm phát thải khí nhà kính thông qua cải thiện chính sách, môi trường cho phát triển giao thông điện ở cấp quốc gia và thực hiện các hoạt động thí điểm về thúc đẩy giao thông điện tại thành phố Huế. Dự hội thảo có ông Patrick Haverman, Phó Trưởng đại diện UNDP tại Việt Nam và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương.
Hội thảo chia sẻ các chiến lược quốc gia về chuyển đổi năng lượng xanh ngành giao thông vận tải và sự đóng góp thiết thực của chính quyền địa phương; giới thiệu các hoạt động thí điểm khuyến khích chuyển đổi sang các phương thức vận tải sạch hơn, trong đó giao thông điện được xem là giải pháp bền vững cho di chuyển công cộng đô thị; thảo luận về những cơ hội và thách thức, các giải pháp và sáng kiến để hỗ trợ sự phát triển giao thông điện và giao thông xanh, góp phần thực hiện tầm nhìn của Huế về một tương lai bền vững.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho rằng: Tăng trưởng xanh trở thành một lựa chọn tất yếu và là mục tiêu mà mọi quốc gia đang hướng tới. Chính phủ cũng đã phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, thể hiện trách nhiệm, quyết tâm của Việt Nam như đã cam kết, đặt ra tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc lần thứ 26 (COP 26).
Đối với tỉnh Thừa Thiên - Huế, trong quá trình xây dựng và phát triển cũng như định hướng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương đã xác định “Xây dựng và phát triển Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh”. Đây là bước cụ thể hoá mục tiêu, phù hợp với chiến lược của Chính phủ về phát triển xanh và bền vững.
Hiện tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng đang tích cực triển khai đề án giao thông công cộng theo hướng giao thông xanh và chuyển đổi phương tiện giao thông điện và đã làm việc với UNDP, ADB, GIZ, KOICA để thúc đẩy phát triển hệ thống giao thông xanh...
“Hội thảo hôm nay là một hoạt động trong chiến lược hợp tác giữa UNDP và Thừa Thiên - Huế. Chúng tôi luôn mong muốn được học hỏi những mô hình giao thông điện của các nước trên thế giới, những định hướng và mục tiêu của Chính phủ cũng như các mô hình thí điểm triển khai tại Việt Nam để có thể học tập và triển khai tại địa phương. Thông qua hội thảo này, tất cả những nội dung được trình bày, chúng tôi sẽ tổng hợp và nghiên cứu, áp dụng các mô hình phù hợp để thúc đẩy Huế trở thành một đô thị du lịch văn minh, hạnh phúc với các tiêu chí xanh, sạch, an toàn và thân thiện môi trường...”, ông Phương chia sẻ.
Hội thảo nhằm giới thiêu về các định hướng phát triển giao thông xanh, giới thiệu về các hoạt động của dự án “Thúc đẩy chuyển dịch bền vững theo hướng giao thông điện”, giới thiệu về các hoạt động thí điểm thực hiện tại TP. Huế và góp phần phát triển giao thông xanh, giúp TP. Huế sạch đẹp hơn, nâng cao nhận thức của người dân về phương tiện điện.
Hội thảo đã nghe các chuyên gia, khách mời trình bày các nội dung như Chuyển đổi năng lượng xanh ngành giao thông vận tải và kỳ vọng đóng góp từ các địa phương hướng tới phát thải ròng bằng 0; Giao thông điện: Giải pháp bền vững cho di chuyển công cộng đô thị: kinh nghiệm quốc tế; Giao thông điện: Định hướng để phát triển giao thông xanh TP.Huế...
Tại hội thảo, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng đã tiếp nhận khoản viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ chính thức phi dự án “Hỗ trợ phát triển giao thông bằng xe điện” do UNDP tài trợ với kinh phí 2,3 tỷ đồng, cho vay ưu đãi cá nhân mua xe điện (xe máy và xe đạp), nhằm thúc đẩy phát triển giao thông điện tại TP. Huế, đóng góp cho mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính từ hoạt động giao thông, thúc đẩy phát triển giao thông xanh, nâng cao nhận thức xã hội đối với giao thông điện cũng như đưa lại các lợi ích đối với phụ nữ...
Được biết, năm 2016, đô thị Huế đã được Quỹ Bảo tồn Thiên nhiên thế giới (WWF) vinh danh là “Thành phố xanh quốc gia” đầu tiên của Việt Nam; đạt giải thưởng “Thành phố du lịch sạch ASEAN 2020- 2022”. Thời gian qua, Thừa Thiên - Huế đã triển khai nhiều dự án, chương trình nhằm xây dựng các lĩnh vực phát triển giao thông xanh, kinh tế tuần hoàn và ứng phó với biến đổi khí hậu như: Trồng rừng ngập mặn, tăng độ che phủ rừng, tăng mật độ cây xanh. Dự án giảm nhựa được triển khai từ năm 2021 bởi WWF và TP. Huế với mục tiêu giảm đến 40% rác thải nhựa đến năm 2024 và thực hiện phân loại rác tại nguồn (hiện đã triển khai hơn 700 điểm tại TP. Huế).
Tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng đã ký Hợp tác toàn diện với UNDP (MOU) trong đó nhiều chương trình thúc đẩy phát triển xanh, chương trình giảm carbon, đô thị thông minh, hỗ trợ phát triển bền vững đã được triển khai và chương trình khởi động chương trình chiến lược dự án “Phụ nữ tham gia phương tiện giao thông xanh tại TP.Huế” và hội thảo “Giao thông điện góp phần thúc đẩy phát triển TP. Huế xanh” lần này là hoạt đông trong chiến lược hợp tác giữa UNDP và Thừa Thiên - Huế.
Hải Anh