Thứ tư, 24/04/2024 21:55 (GMT+7)
Thứ tư, 26/10/2022 17:50 (GMT+7)

Vai trò của tư nhân trong việc xanh hóa nền kinh tế Việt Nam

Theo dõi KTMT trên

Trong bối cảnh chuyển đổi sang tăng trưởng xanh đòi hỏi nguồn lực rất lớn, vai trò của tư nhân ngày càng được đánh giá cao trong việc xanh hóa nền kinh tế, đảm bảo thực hiện thành công Chiến lược tăng trưởng xanh.

Chính sách thu hút đầu tư

Việt Nam là quốc gia luôn chủ động và có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế đối với các vấn đề toàn cầu. Điều này đã được khẳng định qua sự tham gia, cam kết rất mạnh mẽ của Việt Nam tại Hội nghị COP26 vừa qua diễn ra tại Vương quốc Anh.

Sau những cam kết của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam tại Hội nghị COP26, Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn 2050 đã được phê duyệt với các mục tiêu như: Giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP, xanh hóa các ngành kinh tế, xanh hóa lối sống và tiêu dùng bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu.

Tại Hội thảo công bố báo cáo “Nghiên cứu cơ chế, chính sách ưu đãi khuyến khích đầu tư tư nhân cho tăng trưởng xanh ở Việt Nam”, ông Đặng Đức Anh, Viện phó Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, tại Hội nghị COP26 vừa qua, Việt Nam đã đưa ra nhiều cam kết mạnh mẽ về vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm phát thải carbon, cam kết cân bằng phát thải, đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050. Chính phủ đang bắt đầu sửa đổi các kế hoạch và khung pháp lý tương ứng nhằm đạt các mục tiêu về hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững đã đề ra.

Vai trò của tư nhân trong việc xanh hóa nền kinh tế Việt Nam - Ảnh 1
Nguồn vốn đầu tư của khu vực tư nhân cho tăng trưởng xanh mang tính quyết định, đảm bảo thực hiện thành công Chiến lược tăng trưởng xanh.

“Tuy nhiên, việc chuyển đổi sang tăng trưởng xanh đòi hỏi nguồn lực rất lớn để thực hiện các dự án đầu tư xanh, đổi mới công nghệ, quy hoạch, phát triển hạ tầng cơ sở… trong khi nguồn lực trong nước, đặc biệt là ngân sách nhà nước cho tăng trưởng xanh lại rất hạn chế”, TS. Đặng Đức Anh nhấn mạnh.

Trong bối cảnh đó, vai trò của tư nhân ngày càng được đánh giá cao trong việc xanh hóa nền kinh tế Việt Nam. Nguồn vốn đầu tư của khu vực tư nhân cho tăng trưởng xanh mang tính quyết định, đảm bảo thực hiện thành công Chiến lược tăng trưởng xanh.

Trên thực tế, số lượng dự án của khu vực tư nhân cho tăng trưởng xanh còn khá khiêm tốn, các doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn khi đầu tư cho sản xuất xanh. Điều đó cho thấy cần thiết phải có các cơ chế, chính sách ưu đãi khuyến khích đủ mạnh để thu hút khu vực tư nhân bỏ vốn đầu tư vào phát triển sản xuất kinh doanh theo hướng thúc đẩy tăng trưởng xanh.

Huy động nguồn vốn từ tư nhân

Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB), để đạt mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, Việt Nam cần thêm khoản đầu tư tương đương 6,8% GDP mỗi năm, tương ứng tổng cộng 368 tỷ USD đến năm 2040, trong đó, nguồn huy động từ khu vực tư nhân khoảng 184 tỷ USD. 

Khẳng định tăng trưởng xanh là xu hướng không thể đảo ngược, nhưng ông Lê Quang Thuận, Trưởng ban Tài chính quốc tế và Chính sách hội nhập thuộc Viện Chiến lược và Chính sách tài chính cho rằng, việc chuyển đổi sang sản xuất xanh rất tốn kém, bên cạnh sự nỗ lực của bản thân doanh nghiệp thì rất cần cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

Bên cạnh đó, Việt Nam cần có các cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư đủ mạnh để thu hút khu vực tư nhân bỏ vốn vào phát triển kinh doanh theo hướng thúc đẩy tăng trưởng xanh.

Bên cạnh ưu đãi, ông Khải nhấn mạnh, cần tạo dựng thị trường và môi trường đầu tư ổn định, minh bạch, công bằng đối với mọi thành phần kinh tế. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh vẫn là ưu tiên hàng đầu với Việt Nam thông qua nâng cao chất lượng thể chế, pháp luật kinh doanh đảm bảo các yêu cầu về tính đồng bộ, tính nhất quán, tính minh bạch, tính cần thiết, tính hợp lý và tính hiệu quả.

Để tăng cường thu hút đầu tư tư nhân cho tăng trưởng xanh, báo cáo của CIEM gợi ý cần có các giải pháp đồng bộ, tập trung vào hoàn thiện khung khổ pháp lý, thể chế thu hút các dự án tăng trưởng xanh và bền vững, hướng tới sử dụng tài nguyên hiệu quả, ít phát thải và thân thiện với môi trường, nâng cao khả năng tiếp cận đến các nguồn tài chính xanh, tín dụng xanh, trái phiếu xanh, áp dụng công cụ thuế ưu đãi và công nghệ mới đối với hoạt động phát thải nhiều carbon. Ngoài ra, để tăng cường thu hút vốn đầu tư của khu vực tư nhân, nhà nước cần đóng vai trò chủ đạo, dẫn dắt khu vực tư nhân trong và ngoài nước tham gia các dự án xanh.

Cùng với đó, lồng ghép các giải pháp yêu cầu bảo vệ môi trường vào hệ thống pháp luật chuyên ngành. Theo đó, với Luật Đầu tư, cần sửa đổi các cơ chế ưu đãi đầu tư mạnh hơn nữa để thu hút và tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư xanh, trong đó cần nghiên cứu cơ chế để doanh nghiệp được hưởng các nguồn lực lớn như đất đai, tài chính, làm đòn bẩy thúc đẩy thực hiện các dự án đầu tư xanh, cải thiện môi trường.

Với Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), nghiên cứu bổ sung, mở rộng thêm một số ngành, lĩnh vực ưu tiên đầu tư theo phương thức PPP; bổ sung quy định về việc giảm quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án PPP được quy định tại Khoản 2 Điều 4 Luật PPP đối với một số lĩnh vực PPP có yếu tố xanh… Với Luật Điện lực, nhấn mạnh yêu cầu xây dựng thị trường đồng bộ, cạnh tranh, minh bạch và thực hiện đấu thầu giá điện cạnh tranh thay vì ban hành các cơ chế giá FIT như thời gian qua vì không còn phù hợp.

Ngoài ra, báo cáo của CIEM cũng đề xuất việc đẩy mạnh và thu hút nguồn lực nhằm cung cấp tài chính cho tăng trưởng xanh thông qua: phát triển thị trường trái phiếu xanh kết hợp với đòn bẩy tài chính, đưa ra các chuẩn mực cho các bên cung cấp và phát hành trái phiếu xanh; thúc đẩy các sản phẩm thị trường vốn cho những lĩnh vực kinh doanh cụ thể (chứng khoán xanh cho công ty niêm yết, chứng khoán xanh, quỹ đầu tư bất động sản xanh, quỹ tín thác bất động sản xanh cho lĩnh vực bất động sản); điều chỉnh các chính sách thuế, khuyến khích các chính sách ưu đãi thuế hỗ trợ cho các nhà đầu tư xanh, áp dụng thuế carbon…

Trao đổi về vấn đề này, bà Trần Minh Huế, chuyên viên chính, Vụ Khoa học Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương cần xây dựng lộ trình chuyển đổi xanh rõ ràng, ban hành tiêu chí, cách phân loại và áp dụng tiêu chuẩn xanh trong các ngành, lĩnh vực, công khai thông tin đến tác động môi trường của doanh nghiệp, đẩy nhanh và quy trình cấp phép, chủ trương đầu tư đối với các dự án xanh.

Việc huy động sự tham gia của tư nhân vào các dự án tăng trưởng xanh là nhằm phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực phát triển, nhà nước không làm những gì mà tư nhân có thể làm và làm tốt hơn để dành nguồn lực nhà nước thực hiện các nhiệm vụ mà tư nhân không làm được và không muốn làm. Việc chuyển giao không ảnh hưởng đến quốc phòng an ninh, an ninh năng lượng, an ninh nguồn nước, ít tác động đến môi trường, an sinh, xã hội.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Vai trò của tư nhân trong việc xanh hóa nền kinh tế Việt Nam. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Nghệ An: Xã Diễn Hoàng dần lộ diện nông thôn mới nâng cao
Những năm qua, với sự quan tâm của các cấp, phát huy nội lực, xã Diễn Hoàng, đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Diện mạo NTM lộ diện, kinh tế phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao.

Tin mới