Thứ bảy, 23/11/2024 03:14 (GMT+7)
    Thứ tư, 19/05/2021 07:56 (GMT+7)

    Thủ tướng: 'Dứt khoát không giao doanh nghiệp làm quy hoạch'

    Theo dõi KTMT trên

    “Nếu quy hoạch chỉ quan tâm tới xây dựng nhà ở, mất cân đối cung cầu, không phát triển sản xuất kinh doanh thì sẽ làm lãng phí nguồn lực xã hội”, Thủ tướng nhấn mạnh.

    Làm việc với Bộ Xây dựng ngày 18/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính gợi mở hàng loạt định hướng chiến lược để phát triển ngành trong thời gian tới.

    Đánh giá cao các kết quả, thành tích của ngành đã đóng góp chung vào thành tựu của đất nước, Thủ tướng cũng chỉ ra 8 hạn chế, yếu kém của ngành xây dựng.

    Quy hoạch phải có tầm nhìn dài hạn

    Theo Thủ tướng, thể chế, cơ chế, chính sách còn nhiều bất cập, cần mạnh dạn phân cấp, phân quyền với tư duy đổi mới. Công tác quy hoạch đã đạt một số kết quả nhưng chưa được thực hiện bài bản, nề nếp.

    Thủ tướng yêu cầu quy hoạch phải có tầm nhìn dài hạn, xứng tầm với sự phát triển kinh tế, văn hóa và trình độ, năng lực của đất nước, xu thế của thời đại.

    Bên cạnh đó, Thủ tướng gợi ý việc phân cấp quản lý Nhà nước cần mạnh mẽ hơn, phân cấp cho các địa phương về thanh tra, kiểm tra, giám sát trong quản lý xây dựng.

    Thủ tướng: 'Dứt khoát không giao doanh nghiệp làm quy hoạch' - Ảnh 1
    Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu quy hoạch phải có tầm nhìn dài hạn (Ảnh: VGP). 

    “Bộ không nên quản lý trực tiếp các công trình xây dựng, rất mệt mỏi, rất mất thời gian. Cách làm này trong thời bao cấp thì phù hợp, nhưng hiện nay không còn phù hợp nữa”, Thủ tướng gợi mở.

    Thị trường bất động sản, theo Thủ tướng, chưa thực sự được kiểm soát, chưa có chiến lược cụ thể, chưa gắn với chiến lược phát triển nhà ở một cách hài hòa, hợp lý. Dòng tiền đang chủ yếu hướng vào phân khúc bất động sản dành cho người giàu, trong khi phân khúc nhà ở cho người thu nhập thấp còn thiếu.

    Tránh dòng vốn chỉ chảy vào chung cư cao cấp, biệt thự

    Gợi mở hướng đi, Thủ tướng cho rằng Bộ cần xây dựng cơ chế, chính sách khắc phục những yếu kém, tồn tại, ưu tiên chính sách và nguồn lực cho các vấn đề, các ngành, các lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm. Trong bối cảnh nguồn lực và thời gian đều có hạn, cần lựa chọn để làm trước, làm dứt điểm các công việc trọng tâm, trọng điểm có tính chất “đòn bẩy, điểm tựa”, tác động lan tỏa tới cả nước.

    Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng cần dành nhiều thời gian phân tích vấn đề quy hoạch theo tinh thần phải có tầm nhìn, bài bản, lớp lang; Khắc phục bằng được những bất cập, hạn chế về tiến độ và chất lượng quy hoạch.

    Thủ tướng nhấn mạnh công tác quy hoạch dứt khoát phải do Nhà nước nắm, không giao cho doanh nghiệp làm quy hoạch. “Nếu quy hoạch chỉ quan tâm tới xây dựng nhà ở, mất cân đối cung cầu, không phát triển sản xuất kinh doanh thì sẽ làm lãng phí nguồn lực xã hội”, ông Chính chỉ rõ.

    Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành địa phương phải đầu tư đúng mức cho quy hoạch về lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, nguồn kinh phí và cả sự quan tâm. “Phải là bí thư, chủ tịch tỉnh mới nắm được trọng tâm phát triển của địa phương, nếu bỏ mặc cho giám đốc sở xây dựng thì làm sao công tác quy hoạch có thể bảo đảm chất lượng, đúng trọng tâm?”, Thủ tướng đặt vấn đề và nhắc tới nhiều ví dụ cụ thể về phá vỡ quy hoạch khiến hạ tầng quá tải tại một số đô thị.

    Thủ tướng: 'Dứt khoát không giao doanh nghiệp làm quy hoạch' - Ảnh 2
    Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu trao đổi tại cuộc làm việc với Bộ Xây dựng (Ảnh: VGP). 

    Về thị trường bất động sản, Thủ tướng đề nghị Bộ có chiến lược gắn với phát triển thị trường nhà ở hài hòa, hợp lý với mức giá phù hợp với các đối tượng khác nhau, trong đó cần coi trọng phát triển nhà ở cho người thu nhập thấp, các đối tượng yếu thế.

    “Phải điều tiết bằng quản lý Nhà nước, bằng cơ chế thuế, tránh tình trạng dòng vốn chỉ chảy vào chung cư cao cấp, biệt thự, mua để đấy không sử dụng, trong khi các đối tượng thu nhập thấp thiếu nhà ở”, Thủ tướng nhấn mạnh chiến lược phát triển bất động sản phải gắn với công bằng và tiến bộ xã hội.

    Nhắc đến cơ chế, chính sách để huy động các nguồn lực xã hội, nhất là cơ chế hợp tác công tư, Thủ tướng cho rằng không nên đặt ra mức tối thiểu để huy động nguồn lực xã hội, mà ngược lại, “thu hút được chỉ một đồng vốn tư nhân cũng quý”.

    5.000 dự án nhà ở, khu đô thị mới được triển khai

    Báo cáo Thủ tướng, Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết bộ đã tập trung thực hiện chiến lược phát triển nhà ở quốc gia. Đến năm 2020, cả nước đã và đang triển khai thực hiện khoảng 5.000 dự án nhà ở, khu đô thị mới (tăng gần gấp 3 lần so với năm 2010).

    Thị trường bất động sản chưa có dấu hiệu bất thường, cực đoan lớn, chỉ xuất hiện tình trạng sốt giá cục bộ ở một số phân khúc và một số địa phương nhưng đã được kiểm soát kịp thời.

    Tuy nhiên, vẫn còn những lĩnh vực chưa đạt kết quả đề ra như tỉ lệ thu gom và xử lý nước thải tại các đô thị mới đạt khoảng 15%. Nhà ở xã hội còn thiếu gay gắt, phát triển nhà ở xã hội mới đạt 41,7% so với mục tiêu đề ra.

    Hoài Thu

    Bạn đang đọc bài viết Thủ tướng: 'Dứt khoát không giao doanh nghiệp làm quy hoạch'. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

    Tin mới